Bạn có thường hay nói chuyện một mình bằng tiếng Anh? Có, chắc chắn rồi. Vài câu nói vu vơ, đôi khi bạn còn có thể nghĩ ra những câu rất hay nữa. Nhưng rồi khi đối diện một người lạ, một người nước ngoài chẳng hạn, lưỡi bạn như thể đóng băng và ú ớ mãi mới ra câu ‘Hello!’. Và đó là tất cả những gì bạn kịp nói. 

Tại sao tôi nghe tốt, hiểu người khác đang nói gì nhưng không thể đáp lại họ bằng tiếng Anh? Làm thế nào để vượt qua nó? Có cách luyện nói nào tôi có thể tự thực hiện tại nhà không? 

Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Nhưng trước tiên, bạn cần phải hiểu rõ nguyên nhân tại sao mình việc luyện nói tiếng Anh lại không như các kỹ năng khác, khi mà cần cù chăm chỉ chưa chắc đã thành công. Có thể bạn đang vướng mắc ở một vài phần dưới đây, cùng tìm hiểu nhé.

#1. Vì Nói Là Kỹ Năng Khó Nhất Trong Tiếng Anh.  

Các chứng chỉ tiếng Anh phổ biến hiện nay như Ielts, Toeic đều yêu cầu học viên phải mãi dũa đồng thời 4 kỹ năng là đọc, nói, nghe và viết. 

Nếu xét về độ khó, đọc là kỹ năng dễ nhất trong cả thảy. Bạn nắm chắc ngữ pháp, vốn từ vựng vừa đủ là đã đủ khả năng ‘xơi tái’ nhiều đoạn văn bản ở mức trung bình, cũng là mức mà các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang áp dụng. 

Tiếp đó, kỹ năng tiếp theo mà bạn có thể dễ dàng thành thục là nghe. Nghe cần một chút nỗ lực nếu bạn chưa nắm rõ nền tảng, và nghe với nói thường đi đôi với nhau. Để nghe tốt, bạn cần nhận diện tốt các âm, và chắc chắn là phải nghe nhiều, nghe thường xuyên. 

Viết thì khó khăn hơn chút, đòi hỏi nhiều công sức hơn. Tôi đang viết bằng tiếng Việt đây mà còn thấy khó nữa là tiếng Anh. Như bất cứ ngôn ngữ nào khác, để viết tốt, bạn trước hết phải nắm chắc ngữ pháp. Không thể thiếu từ vựng. Không có từ vựng, bạn đơn giản không có nguyên liệu để viết. 

Nói, theo tôi là kỹ năng khó nhất, vậy nên tôi xếp nó ở vị trí dưới cùng. Điều khiến việc nói khó vì nói khó luyện tập hơn các kỹ năng khác. Khi đọc, bạn có thể mở từ điển tra cứu bất cứ lúc nào vướng mắc. Nghe cũng vậy, bạn có thể nghe đi nghe lại một đoạn hội thoại tới khi nào hiểu thì thôi. Viết thì gian nan hơn chút, nhưng bạn có thì giờ để ngắm nghía, cắt xén lại câu chữ. Nói, ngược lại, yêu cầu sự mạch lạc, thông suốt và lưu loát, chưa kể tới các yếu tố như tông giọng, ngữ điệu và phát âm. 

Khi nói, bạn không có nhiều thời gian nắn nót như các kỹ năng khác, vì vậy bạn cảm thấy nói rất khó. 

#2. Vì Nói Là Kỹ Năng Yêu Cầu Sự Học Chủ Động. 

Trong tiếng Anh, đọc và nghe là kỹ năng thụ động, tức bạn nạp ‘nhiên liệu’ vào não bộ, sau đó mã hóa và phân tích thông tin. 

Ngược lại, viết và nói, được xem là kỹ năng chủ động, yêu cầu bạn sử dụng ‘nhiên liệu’ đã nạp để sản xuất ra thành phẩm. 

Hiển nhiên, viết là nói yêu cầu nhiều nỗ lực hơn đọc và nghe, vì bạn phải tự tạo ra thông tin bằng tiếng Anh. Hầu hết mọi người đều khuyên bạn hãy bỏ giọng nói tiếng Việt ra khỏi đầu, suy nghĩ bằng tiếng Anh và nói bằng tiếng Anh, phải chứ? 

Tuy nhiên, từ nghe, đọc, viết tới nói, bộ não đều trải qua một quá trình mã hóa ngôn ngữ, tức là dòng suy nghĩ của bạn phải thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ trước khi dịch được sang tiếng Anh. Khi nói, quá trình này bao gồm thêm một bước bổ sung nên nó sẽ diễn ra chậm hơn. Nói là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi bạn phải suy nghĩ, dịch, phân tích rất nhiều, và tất cả phải diễn ra nhanh chóng. 

Về cơ bản, đa số mọi người đều không nghĩ bằng tiếng Anh mà nghĩ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ trước, sau đó mới dịch nội dung sang tiếng Anh. Nhưng làm thế nào để suy nghĩ bằng tiếng Anh cũng khó như thể ép giọng nói dịch thuật trong đầu khi đọc sách biến mất vậy. Hiện tại, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời nào thỏa đáng, vì vậy có thể tôi sẽ đề cập trong các bài viết sau. 

#3. Vì Sợ Nói.  

Tôi vẫn nhớ những ngày còn đi làm bồi bàn tại một quán cà phê boardgame ở Chùa Bộc, nơi quy tụ đông đảo tầng lớp anh em học sinh, sinh viên và du học sinh. Một vài người bạn của khách quen là người nước ngoài. Họ đến chơi khá thường xuyên.

Một ngày, một anh Tây cao tới nỗi che mất bầu trời của tôi tiến tới và order một ‘Black Coffee’. Tôi hiểu mà, cà phê đen, nhưng dùng đá hay không dùng đá, không đường, có đường hay ít đường mà mãi tôi không rặn ra nổi một từ. Tôi cứ lắp ba lắp bắp, ngại ngùng vì xung quanh còn nhiều đồng nghiệp đứng nhìn như thể họ là ban giám khảo trong cuộc thi mà tôi đang đối mặt. 

Bạn thấy đấy, nỗi sợ là một trong những rào cản lớn nhất khi nói. Kể cả nói tiếng Việt đôi lúc bạn còn run, vậy thì nói tiếng Anh run là chuyện rất bình thường. Chúng ta sợ sai, sợ mình phát âm không chuẩn, sợ cái nhìn đánh giá của những người xung quanh… đủ thứ. 

Chừng nào còn chưa vượt qua được nỗi sợ này, bạn mãi mãi sẽ không thể nói tiếng Anh trôi chảy. Chẳng có con đường tắt nào cả, cách duy nhất là đi xuyên qua nó. Ôi, đôi khi tôi cũng thầm cảm ơn vì bản thân không phải người dễ tự ái, vậy nên có người chê cười tôi phát âm sai chỗ này chỗ nọ tôi cũng chẳng ngại mà xem như họ vừa tặng mình một bài học miễn phí. Một bài học miễn phí, còn gì tuyệt hơn thế nữa cơ chứ.. 

Làm Thế Nào Để Tự Luyện Nói Tiếng Anh? 

Một vài chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp con đường luyện nói tiếng Anh của bạn rộng mở hơn. Hầu hết các mẹo đều có thể tự thực hành tại nhà.

Bắt Đầu Từ Những Điều Căn Bản Nhất 

Học phát âm, chắc chắn rồi. Bạn không cần đặt mục tiêu là phát âm hay như người bản xứ hoặc đại loại vậy, mà chỉ cần ở mức đủ nghe đủ hiểu là được rồi. Nếu cần động lực thì bạn có thể nghe cách Jack Ma nói tiếng Anh — nghe không chuyên nghiệp lắm nhưng ý tứ vẫn rành mạch rõ ràng và đúng trọng tâm. 

Nói Theo Kịch Bản Được Xây Dựng Trước 

Khi luyện nói tiếng Anh, không ai cấm bạn xây dựng trước kịch bản. Ờ thì, hãy bắt đầu bằng lời giới thiệu bản thân (Introduction). Bạn tên là gì, bao nhiêu tuổi, đến từ đâu, đang học trường nào, có sở thích nào không… viết một kịch bản như vậy và luyện nói cho trơn tru đoạn đó. Dần dần, bạn có thể viết về các chủ đề khác nhau, những khía cạnh mà bạn yêu thích. 

Việc này sẽ yêu cầu một chút kỹ năng viết, nhưng cơ bản là bạn không thể bỏ qua nó. Nói và viết giống nhau, đều là bạn chuyển tải suy nghĩ trong đầu bạn ra bên ngoài dưới các hình thức khác nhau mà thôi. 

Nhái Giọng Người Khác 

Đừng nói là bạn chưa bao giờ ngân nga theo các bài nhạc hoặc nói nhái câu thoại của diễn viên khi bạn xem phim nhé. Tin vui là việc này có ích. 

Khi bắt chước các diễn viên hoặc ca sĩ, hãy cố gắng sao chép luôn tông giọng và ngữ điệu của họ. Đây có lẽ là cách đơn giản và nhẹ nhàng nhất để luyện nói rồi. Bạn mở Netflix, chọn một chương trình tiếng Anh bất kỳ, xem như bình thường và thi thoảng bắt gặp câu nào hay ho là pause lại rồi nói theo thôi. 

Đọc To Thành Tiếng 

Tất cả những gì bạn cần làm là mở một bài báo, tiểu luận hay cuốn tiểu thuyết bất kỳ bằng tiếng Anh và đọc tròn vành rõ chữ thành tiếng. Harry Potter hay Hoàng tử bé là khởi đầu không tệ, đây chính là 2 cuốn tôi đã sử dụng để luyện nói ngày trước, đồng thời bản ebook miễn phí của chúng trên mạng cũng rất nhiều nguồn đăng. Hãy chuẩn bị sẵn một tờ giấy để ghi lại những từ mới và nhớ tra cứu để nghe rõ cách phát âm của từ. 

Busuu 

Điểm khiến Busuu nổi bật là tính năng thực hành cùng người bản địa của nó. Bạn có thể kết nối với người nước ngoài, trò chuyện cùng họ và nhờ họ bắt lỗi trong quá trình nói. Ngoài ra, đây là giải pháp tuyệt vời cho những người muốn thực hành nói tiếng Anh nhưng không có môi trường hoặc không có nhiều thời gian.  

Chơi Game 

Tôi có một ông bạn rành game lắm, trò nào cũng thấy chơi. Cũng vì rành nên cậu này chơi rất chọn lọc, đa phần là cậu chơi game nước ngoài. Một lần, cậu thú nhận là cậu đã học kha khá cách giao tiếp và slang (tiếng lóng) qua việc trò chuyện với các gamer khác. Cho dù bạn hoàn toàn không quan tâm tới việc học tập mà chỉ tập trung chơi game, quá trình học hỏi vẫn diễn ra. Vậy nên đây là một cách luyện nói rất thú vị, giúp bạn nâng cao phản xạ giao tiếp tiếng Anh của mình.  

Lời Kết 

Như bạn thấy, chỉ cần động não một chút là bạn đã có vô vàn cách để luyện nói tiếng Anh mà không cần bỏ ra tiền bạc để tới các trung tâm hay câu lạc bộ. Ý tưởng là tận dụng những gì sẵn có, và cố gắng dành chút thời gian mỗi ngày để trò chuyện bằng tiếng Anh với chính bản thân bạn, nhưng tốt hơn cả là nói chuyện với người bản xứ. Đừng chỉ đọc bài viết này rồi ậm ừ để đó, hãy hành động. Hành động tạo nên thói quen, và thói quen sẽ tạo nên sự khác biệt.