Albert Einstein có lẽ không phải người đầu tiên bạn nghĩ tới nếu muốn tìm lời khuyên cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi nhắc tới ông, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ tới vị giáo sư vật lý với mái tóc bù lu bù loa, bức ảnh chụp ông lè lưỡi mang tính biểu tượng, và, rất có thể là cái công thức “E Bằng Mờ Xê Bình.” 

Tuy nhiên, trái với nhận thức phổ biến rằng Einstein là một thiên tài lập dị, ông thực tế là người khá dễ gần và lạc quan. Ông trao đổi thư từ thường xuyên, có nhiều sở thích ngoài nghiên cứu vật lý, và nhìn vào cuộc đời của người đàn ông hạnh phúc ấy, chúng ta có thể đúc kết được nhiều triết lý giá trị, thiết thực với thời đại hiện nay. 

Ảnh: Lucien Aigner / Stringer / Getty Images

Triết lý #1: Dành nỗ lực của bạn cho những việc quan trọng. 

Khi nhìn vào vẻ ngoài của Einstein, từ ta có thể nghĩ tới là “luộm thuộm”: mái tóc bù lu bù loa, lộn xộn, quần áo cũ kĩ, đi giày không tất, v.v. Nhưng điều đó không khiến Einstein bận tâm, người mà trong những năm cuối đời đã diện theo một kiểu gần như là đồng phục: một bộ vest xám đặc trưng và một chiếc áo khoác da. (Và tất nhiên là mang giày không vớ.) 

Ý niệm về việc mặc quần áo đơn giản nhưng thuận tiện giúp người mặc cảm thấy thoải mái thực tế rất phổ biến với giới doanh nhân, khi bạn nhìn vào các trường hợp của Steve Jobs (quần bò xanh và áo cổ lọ đen), Mark Zuckerberg (quần bò xanh và áo phông xám) hay Jeff Bezos (quần bò xanh với áo sơ mi tay ngắn có cổ, đơn sắc). 

Tất cả những trang phục kể trên, được đánh giá cao chỉ vì một lý do đơn giản: tính hiệu quả. 

Chà, các cháu cứ cười đi, ông chẳng quan tâm đâuuuu! 

Nếu bạn phải đưa ra nhiều quyết định mỗi ngày hoặc nhiều công việc đòi hỏi mức độ tập trung đáng kể, việc cắt giảm gánh nặng tinh thần tổng thể là điều tối quan trọng. Bằng không, bạn sẽ vướng phải thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “mệt mỏi khi ra quyết định”: khả năng đưa ra các quyết định đúng đắn của ta sẽ giảm sút khi liên tục phải đưa ra những lựa chọn. 

Như nhà báo thời trang Elyssa Goodman từng viết: “Đồng phục không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả thể trạng mà còn cả về khía cạnh tinh thần. Những người phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng mỗi ngày đôi khi sẽ chọn một trang phục nhất quán vì nó cho phép họ tránh sự mệt mỏi khi phải ra quyết định, khi việc đưa ra quá nhiều quyết định không quan trọng có thể khiến năng suất của một người giảm sút.” 

Đây là một cách để tiết kiệm năng lượng của bạn: đặt chúng vào nơi cần thiết nhất. Nói đơn giản, bạn để dành năng lượng cho những gì quan trọng hơn. 

Triết lý #2: Làm những việc bạn yêu thích, ngay cả khi bạn làm chúng dở tệ. 

“Kiến thức chỉ đưa anh tới giới hạn của nó. Còn trí tưởng tượng sẽ đưa anh tới bất cứ đâu.” 

— Albert Einstein 

 

Ngoài niềm đam mê vô tận với vật lý, Einstein đã duy trì sở thích chơi violin và chèo thuyền trong suốt những năm cuối đời. Như Einstein từng viết: “Một chuyến du ngoạn trên biển là cơ hội tuyệt vời để ta có được sự bình tĩnh tối đa và suy ngẫm về những ý tưởng từ một lăng kính khác.” Thật kỳ lạ, cách Einstein giải quyết công việc lại là tách rời bản thân khỏi đống giấy tờ, rời xa bàn làm việc và cho tâm trí được tự do lang thang. 

Ảnh: Good Old Boat 

Tuy nhiên, phần vì thể trạng ốm yếu, phần vì không có tố chất, Einstein chèo thuyền rất tệ. Việc đội cứu nạn phải kéo thuyền của ông vào bờ diễn ra khá thường xuyên và hoàn toàn có thể lường trước. Tất nhiên, niềm yêu thích của ông với bộ môn chèo thuyền là vô song; nó mang lại cho ông sự tự do tinh thần để tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo. 

Triết lý #3: Hãy suy nghĩ sâu sắc, lâu dài và chăm chỉ về những điều thực sự hấp dẫn bạn. 

Trong suốt cuộc đời, Einstein đã nhận được rất nhiều lá thư - từ những người thân cận cho đến những người hoàn toàn xa lạ. Khi một trong số những lá thư như thế nằm trên bàn làm việc của Einstein vào năm 1946, hỏi vị thiên tài này rằng họ nên làm gì với cuộc đời của mình, ông đã trả lời như sau: “Điều quan trọng là thế này. Nếu bạn gặp một câu hỏi khiến bạn quan tâm sâu sắc, hãy theo đuổi nó trong nhiều năm trời và đừng bao giờ bằng lòng với những câu trả lời hời hợt hứa hẹn thành công tương đối dễ dàng.” 

Bàn làm việc của Einstein tại Princeton sau ngày ông mất. 

Kể cả khi bạn không tìm được ra giải pháp thì cũng đừng tuyệt vọng. Như Einstein từng viết cho người bạn David Bohm: “Bạn không nên chán nản trước tầm quan trọng của vấn đề. Nếu Chúa đã tạo ra thế giới, hẳn Ngài sẽ không để chúng ta dễ dàng hiểu được nó.” Mọi người thường chỉ tập trung vào những thành tựu của Einstein, tuy nhiên, trên thực tế ông cũng có rất nhiều bài toán chưa giải được. 

Bạn có thể đã thử và thất bại, thử lần nữa và lại thất bại để giải nhiều câu đố của cuộc đời, nhưng niềm vui và sự thoả mãn nằm ở trong chính cuộc đấu tranh chứ không phải khi kết quả đã ngã ngũ. Tư duy quá trình, đừng tư duy kết quả. 

Triết lý #4: Đừng nổi giận hay tuyệt vọng vì những gì xảy đến với bạn. 

Einstein giữ liên lạc với nhiều bạn bè cũng như với đại gia đình của mình. Khi trao đổi thư từ với chị họ Lina Einstein, ông đã đưa ra một bài học mà ta cần chú ý: “Về chính trị thì chắc chắn là em vẫn tức giận một cách nghiêm túc, nhưng em không vỗ cánh nữa mà chỉ xù lông.” 

Khi chúng ta quay cuồng trong bánh xe cuộc sống bận rộn này, điều quan trọng nhất là phải biết khi nào nên vỗ cánh, nghĩa là đạp ga hết tốc lực, hay khi nào chỉ nên xù lông, và khi nào nên ngồi lại. Trong một số trường hợp, ta cần phải chạy nước rút về đích. Mặt khác, nhiều khi mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu ta chịu ngồi lại và quan sát, suy nghĩ, nghiền ngẫm về những gì cần làm. Đây là một phép ẩn dụ tuyệt vời về cách đối phó với các vấn đề trong cuộc sống. 

Quy tắc #5: Tránh xa “tư duy bầy đàn”.

Theo Einstein, việc a dua hay “tư duy bầy đàn” là nấm mồ của lý trí. Các nhà khoa học, kể cả những tên tuổi uy tín trong giới học thuật, từng thành lập một cộng đồng phản đối thuyết tương đối để hạ thấp uy tín của Einstein.

Thời điểm Đức Quốc xã lên nắm quyền, chúng nắm trong tay nhiều nhà khoa học đầy triển vọng - nhưng chắc chắn là không có Einstein. Ông không chấp nhận việc đem kiến thức và tài năng của mình ra để phục vụ cho mục đích dã man, vô nhân tính. Vì vậy mà họ đâm ra nhạo báng, công kích ông bằng những tin đồn vô căn cứ. 

Chính hành động này cuối cùng dẫn tới việc cái đầu của Einstein được đem treo thưởng, và ông buộc phải trốn khỏi Đức để đến Hoa Kỳ. Mặc dù ban đầu Einstein phủi tay cho rằng những mưu đồ này là ngớ ngẩn, lố bịch và thậm chí vô hại, nhưng sau cả thảy thì ông kết luận rằng “Tuân theo quyền lực một cách mù quáng là kẻ thù lớn nhất của sự thật”. 

Trong thời đại tin giả tràn lan như hiện nay, bài học này cần được tiếp thu hơn bao giờ hết.