Mỗi ngày, hàng triệu người phải chịu đau khổ vì để tâm quá nhiều thứ. Họ dành cả đời để bị cầm tù bởi những mối bất an vô nghĩa và những mối bận tâm không đáng. Nhưng mọi chuyện không nhất thiết phải diễn ra theo cách đó. 

Trong bài viết này, tôi sẽ dẫn bạn đi qua năm cấp độ của nghệ thuật không quan tâm, theo cường độ tăng dần. Bạn sẽ từng bước học được cách đối diện với những nỗi sợ hãi, làm thế nào để ngừng lo lắng xem người khác nghĩ gì, và làm thế nào để đạt được một cuộc sống thảnh thơi, không để những chuyện vặt vãnh làm nặng đầu. 

Cùng bắt đầu thôi! 

Cấp độ 1: Xấu Hổ 

Trong tâm lý học, có một thuật ngữ là Hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Nó nói rằng tất cả chúng ta đều có xu hướng cho rằng người khác đang chú ý vào mình hơn thực tế. 

Hãy nhớ lại lần gần nhất bạn cắt một kiểu tóc thảm họa. Khả năng cao bạn sẽ loanh quanh cả ngày trước gương và cho rằng mọi người sẽ dán mắt vào cái cây lau nhà trên đầu bạn. Nhưng thực tế là không ai để ý cả. Và nếu họ để ý thì chắc chắn họ cũng chẳng bận tâm. 

Một trong những câu nói yêu thích của tôi đến từ tác giả David Foster Wallace, như sau: 

 

“Bạn sẽ ngừng lo lắng quá nhiều về việc người khác nghĩ gì về mình khi bạn nhận ra họ hiếm khi làm vậy.” 

 

Khoảnh khắc bạn bước ra ngoài từ một salon với mái tóc ngắn thời thượng, chỉ để nhận ra rằng chẳng ai thèm quan tâm điều đó ngoài bạn, đó là khi bạn đã chinh phục được Cấp Độ 1 của việc đếch quan tâm. 

Cấp độ 2: Từ Chối 

Không quan tâm người lạ nghĩ gì là một chuyện, nhưng còn những người thân thiết thì sao? Bạn có sẵn sàng nói những điều mà bạn bè và gia đình bạn có thể không đồng tình không? Bạn có thấy thoải mái khi phải thảo luận những chủ đề riêng tư? Bạn có ngại góp ý thẳng thắn không? 

Những người quan tâm quá nhiều sợ bị từ chối. Họ thấy sự khước từ là không thể chấp nhận và cố hết sức tránh điều đó, thường là bằng cách hóa trang. Họ nhìn nhận mọi tình huống xã hội dưới góc độ “Tôi phải nói hoặc làm gì để khiến mọi người thích mình?” rồi họ cố gắng nói hoặc làm điều đó. 

I Dont Give A Fucc Gif

Đây là một kiểu sống tồi tệ bởi nhiều nguyên do. Đầu tiên, nó căng thẳng tột độ. Mọi tương tác xã hội về cơ bản chẳng khác nào một kỳ thi ở trường, nơi bạn phải nói và làm những điều chính xác để đạt được kết quả. 

Nhưng lý do chính là nó ngăn cản bạn có được những mối quan hệ lành mạnh ngay từ đầu. Ngay cả khi bạn làm đúng công thức và mọi người tỏ ra quý mến bạn, bạn không bao giờ tin tưởng họ thực sự thích bạn vì chính bạn. 

Khi bạn bắt đầu tiếp cận các mối quan hệ một cách chân thực, bằng cách tự tin là chính mình, bạn nhận ra rằng mình không nhất thiết phải đợi mọi người chọn mình, mình cũng có thể chọn họ. 

Và, điều này thay đổi mọi thứ. 

Cấp độ 3: Phê Bình 

Sự thật: bạn không thể khiến mọi người hạnh phúc mọi lúc. 

Bất kể bạn làm gì, ngoài kia sẽ luôn có người chỉ trích hành động của bạn, dèm pha nhiều điều về bạn. Và bạn phải học cách sống chung với điều đó, để hiểu rằng sự chỉ tríchlà một đầu mục trong bản mô tả của thành công, rằng sự trọng vọng cũng như niềm ái mộ bạn mong cầu sẽ luôn đi kèm lực lượng tinh nhuệ những cá nhân thích chọc ngoáy, háo hức đạp bạn xuống nơi mà bạn vừa thoát khỏi. 

Lần tới khi bạn bị chỉ trích, đây là những gì cần làm:

  • Nếu bạn tôn trọng người đó, ngậm miệng lại và lắng nghe thật chăm chú, để rút kinh nghiệm và tiến bộ.
  • Nếu bạn không tôn trọng người đó, mặc kệ họ. Ai thèm quan tâm? 

Cấp độ 4: Thất Bại 

Mọi thứ bạn vẫn luôn tò mò, mọi cuộc phiêu lưu bạn vẫn luôn mơ về nhưng quá sợ sệt để dấn thân, tất cả đột nhiên mở ra với bạn bởi bạn đã dừng quan tâm đến những gì người ta nói về bạn khi bạn thất bại. 

Bạn không còn để tâm gia đình sẽ nói gì nếu bạn rời bỏ công việc dở tệ hiện tại và không thể tìm được một chân tốt hơn, nên bạn cứ tiến thẳng vào phòng giám đốc mà gửi thư từ chức thôi. Bạn không còn sợ mình sẽ trở thành tâm điểm của những trò đùa ác ý khi tập luyện, vậy là bạn cứ tiến thẳng và đăng ký một khóa học. 

Chuyện là thế này: thất bại không quan trọng tới thế. Thứ quan trọng là bạn làm gì khi thất bại. Cuộc sống xoay vần theo quá trình, không phải kết quả. 

Hầu hết chúng ta đều quá tập trung vào kết quả và xem nhẹ quá trình, và tôi nghĩ điều này phần nhiều là  do cách chúng ta được dạy bảo. Bạn lớn lên và bạn được thưởng mỗi lần đạt điểm A+, hoặc giật huy chương vàng từ một cuộc thi nào đó. Mọi thứ đều xoay quanh “Bạn có thể đạt được không? Được thì có thưởng.” 

Nhưng sự thật là, cuộc sống thực sự không vận hành theo cách đó. Trên thực tế, theo nhiều cách, cuộc sống tưởng thưởng những người dám thất bại, những người không ngại làm xấu bản thân đôi chút, những người sẵn sàng đón nhận rủi ro, những người chấp nhận bản thân yếu kém ở mảng nào đó một thời gian để thành thạo nó. 

Vậy nên hãy nghe tôi này, khoản nào bạn dám tự nhận mình tệ mà không hề ngần ngại? 

Tìm lấy nó, và thực hiện nó. Kể cả bạn thất bại ê chề, bạn vẫn đã làm thứ gì đó đáng làm, thứ gì đó bạn sẽ tự hào kể với con cháu bạn nghe. 

Cấp độ 5: Hoàn Toàn Không Quan Tâm 

Xin chúc mừng. Chúng ta, các bạn thân mến, đã lên tới đỉnh cao. Không nản lòng vì xấu hổ, từ chối, vòng lặp thất bại, chúng ta đã đạt tới sự tự do toàn vẹn của nghệ thuật không quan tâm. 

Một cuộc đời không bận tâm, không áp lực, không hối tiếc. Đó là một cuộc sống tự do, làm bất cứ gì mình muốn, và trở thành bất cứ ai mình muốn trở thành.

Nhìn xem, thời gian của mỗi người là hữu hạn. Vậy thì bạn còn đợi chờ cái gì vậy? Mục tiêu của bạn, ước mơ mà bạn giữ cho riêng mình, người mà bạn muốn gặp. Bạn còn để thứ gì khiến mình chùn bước nữa? 

Giành lấy nó. 

Bởi vì, nghiêm túc mà nói thì, ai thèm quan tâm người khác nói gì cơ chứ? 

Theo Mark Manson