Image by DALL-E

Tự vấn là gì? 

Tự vấn, hay phản ánh, là hành động tự xem xét lại chính mình, tự hỏi chính mình những câu hỏi về mọi sự việc, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, trong đó quan trọng nhất là về chính mình. 

 

"Đối với con người, một cuộc đời không biết tự vấn là một cuộc đời không đáng sống." 

-Socrates

 

Một ví dụ tiêu biểu về tự vấn là các câu lạc bộ thể thao, sau mỗi buổi tập, ngồi lại, bóc băng, thảo luận về những điều họ đã làm tốt, chưa tốt, tại sao họ lại làm theo cách họ đã làm và điều họ có thể làm trong tương lai để cải thiện hiệu suất của mình. 

Ngoài ra, các ví dụ về thực hành phản ánh còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như: 

Sau mỗi bài kiểm tra, giáo viên dành một buổi để chữa bài, qua đó các học sinh có thể hiểu rõ mình đã sai ở đâu, hổng kiến thức phần nào để có thể ôn luyện tốt hơn. 

Một phòng ban thử áp dụng quy trình mới trong vài tuần rồi so sánh kết quả với quy trình trước đó, xác định những ưu, nhược điểm và tìm ra quy trình tối ưu. 

Một HR suy nghĩ về các buổi phỏng vấn gần đây với những ứng cử viên tiềm năng, rà soát lại tất cả các bước trong quy trình tuyển dụng để xem có bước nào là thừa thãi hay có cần thêm bước nào hay không. 

Lợi ích của tự vấn 

Thực hành phản ánh có rất nhiều lợi ích, tôi sẽ tạm liệt kê một vài lợi ích tiêu biểu sau: 

  • Rèn luyện tư duy sâu. 
  • Sàng lọc kiến thức hiện có. 
  • Thắt chặt mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành. 
  • Hiểu rõ công việc mình đang làm hơn. 
  • Hiểu rõ hơn về bản thân, về các điểm mạnh cũng như điểm yếu của bạn. 
  • Tăng cảm giác tự chủ và động lực hành động. 
  • Hiệu suất được cải thiện sau mỗi lần đúc rút kinh nghiệm. 

Những lợi ích này có thể áp dụng với đa lĩnh vực. Không cần biết bạn là một sinh viên, một doanh nhân hay một anh nhân viên bán hàng, suy ngẫm về cách bạn đang làm việc sẽ nâng cao hiểu biết của bạn về lĩnh vực đó. 

Kinh nghiệm chỉ có giá trị khi nó được chuyển hoá thành kiến thức thông qua dạng bài học. Ta nhìn về quá khứ, phóng chiếu vào hiện tại để tiến tới tương lai. Nếu không suy ngẫm về những trải nghiệm, nó nhanh chóng bị lãng quên và rất có thể bạn sẽ mắc cùng một lỗi nhiều lần. 

Muốn trải nghiệm trở nên đáng giá, hãy tách đôi từ này. “Trải” là kinh qua, là nếm trải, dấn thân; còn “nghiệm” là chiêm nghiệm, đúc rút. Việc học phải được thử nghiệm trong những tình huống mới, nhờ thế ta mới tạo ra được mối liên hệ giữa lý thuyết và hành động, thực hiện nó rồi sau đó suy ngẫm về nó, liên hệ kết quả với lý thuyết. 

Làm thế nào để bắt đầu tự vấn? 

Nhìn rộng ra, thực hành phản ánh bao gồm việc suy nghĩ về cách bạn làm mọi việc và cố gắng hiểu lý do tại sao bạn làm những gì bạn làm và những gì bạn có thể làm tốt hơn. Tuỳ vào hoàn cảnh mỗi người, có nhiều cách để ta có thể tiếp cận với phản ánh, như sau. 

Cách đầu tiên, đơn giản nhất, là đặt câu hỏi. Ví dụ, khi nói đến việc thuyết trình dự án trước các sếp gần đây, bạn có thể tự hỏi mình những câu như: 

  • Tôi cảm thấy thế nào trước, trong và sau khi thuyết trình? 
  • Kết quả có như tôi mong đợi không? Tại sao? 
  • Tôi có thể hiện đúng như tôi muốn không? Chính xác thì tôi đã làm những gì? 
  • Điều gì diễn ra tốt đẹp như dự tính? 
  • Điều gì diễn ra tồi tệ? 
  • Tôi nên giữ lại hay phát huy hơn nữa những gì? 
  • Tôi nên làm gì khác đi vào lần sau? 

Cách thứ hai, cổ điển hơn, là viết nhật ký. Viết nhật ký có ưu điểm là tiện lợi, không tốn của bạn quá nhiều công sức và tiền của. Tất cả những gì bạn cần là một cuốn sổ và một cây bút. Bạn có thể viết theo bất cứ dạng nào tùy thích: một bức thư gửi người bạn tưởng tượng, vài lời tâm sự với bản thân… Thông thường thì tôi vẫn tin phương pháp này hơn cả, bởi con người vốn hay quên, vậy nên hãy để lại tất cả trên giấy. 

Cách thứ ba, thường được sử dụng hơn cả, là hỏi xin lời khuyên từ người khác. Bạn có thể xem người khác đánh giá về công việc của mình ra sao, họ nghĩ gì về bạn, bạn đang làm tốt những gì và đang mắc lỗi những gì. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phát huy tác dụng nếu bạn thực sự có tinh thần cầu tiến và bạn may mắn có được những nhà phê bình thật tâm. Bù lại, ưu điểm của nó là tính khách quan, bởi nó cho bạn nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người ngoài. 

Quy tắc 5 giờ 

Quy tắc 5 giờ là một khái niệm trong bài viết gần đây của tôi, ý tưởng của nó là chúng ta nên dành một giờ mỗi ngày để học hỏi cái mới, tự vấn và suy ngẫm về những gì diễn ra trong ngày. Ta sẽ làm điều này 5 lần một tuần, do vậy sẽ tạo nên quy tắc 5 giờ. 

Về nguồn gốc của quy tắc trên, phần đông ý kiến đồng thuận rằng nó xuất phát từ Benjamin Franklin, người đã viết trong cuốn tự truyện nổi tiếng rằng ông dành ít nhất một giờ mỗi ngày để học một điều gì mới. Ngày nay, những người nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk, nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey hay Bill Gates đều sử dụng một số phiên bản của Quy tắc 5 giờ. 

Tôi có đưa ra ba chỉ dẫn để sử dụng quy tắc 5 giờ, bao gồm: 

  • Học… cách nào cũng được 
  • Thử nghiệm các ý tưởng mới 
  • Tự vấn 

Quy tắc 5 giờ là một ý tưởng bổ ích khi nói tới việc chiêm nghiệm. Nó dạy bạn cách tận dụng thời gian rảnh để hướng con mắt vào bên trong nội tâm, cũng là một khía cạnh của thực hành phản ánh. 

Trên đây là tất cả những thông tin về thực hành phản ánh. Hãy thử áp dụng và nếu thấy bổ ích, hãy ủng hộ WeStudy bằng cách đăng ký bản tin để đọc các bài viết mới của chúng tôi hàng tháng nhé.