Kỷ lục Guinness liệt Agatha Christie là nhà văn bán chạy nhất mọi thời đại, và nhân vật nổi tiếng nhất của bà, Hercules Poirot, chỉ đứng sau Sherlock Holmes của Arthur Doyle Conan trong làng văn học trinh thám. Ít ai biết, nghiệp viết lách đến với Agatha một cách hết sức tình cờ, từ một lời thách đố của chị gái bà để viết một câu chuyện trinh thám. Và thế là một niềm đam mê trọn đời bắt đầu.. 

Ảnh: Getty Images

 

“Những âm mưu đến với tôi vào những thời điểm kỳ lạ như thế, khi tôi đang rảo bước trên phố, hay đang lựa đồ tại một quầy bán mũ… đột nhiên một ý tưởng xuất thần nảy ra trong đầu tôi.” 

— Agatha Christie, An Autobiography 

 

Dành phần lớn thời gian với những người bạn tưởng tượng, tuổi thơ độc đáo của Agatha Clarissa Miller đã nuôi dưỡng một trí tưởng tượng khác thường. Trái với mong muốn của mẹ mình, bà tự học đọc và gần như không trải qua bất cứ hình thức giáo dục hợp thức nào cho tới mười lăm tuổi, khi bà được gửi tới Paris. 

Agatha Christie luôn nói rằng bà không hề có tham vọng làm nhà văn mặc dù bà trình làng văn đàn ở tuổi mười một, với một bài thư được in trên tờ báo địa phương của London. Nằm liệt giường vì cúm, mẹ bà gợi ý bà thử viết ra những câu chuyện mà bà thích kể. 

Và rồi một niềm đam mê trọn đời bắt đầu. 

Tới những năm cuối của tuổi thiếu niên, Agatha đã xuất bản hàng loạt các bài thơ trên tờ The Poetry Review và đã viết một loạt các truyện ngắn. Nhưng lời thách thức của chị bà để viết một câu chuyện trinh thám mới là thứ mở ra sự nghiệp chói ngời của bà sau này. 

Agatha Christie viết về thế giới bà biết và thấy, tập trung vào những quý ông quân nhân, lãnh chúa và tiểu thư, thiếu phụ, quả phụ và bác sĩ là những bạn bè và mối giao hảo của gia đình bà. Bà một một nhà quan sát bẩm sinh và những mô tả của bà về chính trị miền thôn dã, mối thâm thù địa phương và sự đố kỵ trong gia đình thường chân thực đến mức cay đắng. Mathew Prichard tả bà như “một người lắng nghe nhiều hơn nói, thấy nhiều hơn là được thấy.” 

 

“Rất ít người trong chúng ta thực sự giống như những gì chúng ta thấy.” 

 

Hầu hết các sự kiện hàng ngày và những quan sát thường trực có thể đánh động ý tưởng cho một cốt truyện mới. Cuốn sách thứ hai của bà, The Secret Adversary, bắt nguồn từ một cuộc hội thoại ở tiệm trà: “Hai người đang nói chuyện ở bàn sát bên, bàn tán về một ai đó được gọi là Jane Fish… Điều đó, tôi nghĩ, có thể tạo nên một mở đầu thuận lợi cho một câu chuyện – một cái tên chợt nghe được ở tiệm trà – một cái tên không mấy phổ biến, nhờ vậy mà bất cứ ai nghe thấy đều nhớ nó. Một cái tên như Jane Fish, hoặc có lẽ Jane Finn thậm chí còn ổn hơn.” 

Và làm thế nào những ý tưởng đó trở thành tiểu thuyết? Bà ghi chú vô tận trong hàng tá cuốn sổ, viết xuống những ý tưởng mơ hồ và những cốt truyện tiềm năng và các nhân vật như thể chúng tự đến với bà. “Tôi thường có sẵn khoảng nửa tá sổ ghi chép và tôi viết vào đó những ý tưởng nảy ra trong tôi, hoặc về vài chất độc hoặc ma túy nào đó, hoặc một trò lừa đảo tinh ranh nào đó mà tôi đã đọc trên báo.” 

Ảnh: Britannica 

Trong hơn một trăm cuốn sổ chắc hẳn đã từng tồn tại, có bảy mươi ba cuốn hiện được lưu trữ và được các nhà nghiên cứu đem vào phân tích kỹ lưỡng, chúng tiết lộ những câu chuyện của Agatha và cách bà đã phát triển chúng. Những cuốn sổ tự thân chúng bao gồm các tài liệu chưa từng được công bố trước đó và là một cái nhìn hấp dẫn vào tâm trí và công việc của nữ hoàng truyện trinh thám. 

Với mỗi cuốn sách, bà dành phần lớn thời gian để đi sâu vào xây dựng cốt truyện và các manh mối trong đầu hoặc trong sổ ghi chép trước khi bà thực sự viết. Con rể của bà, Anthony Hicks, từng nói: “Bạn không bao giờ thấy bà ấy viết”, bà ấy không bao giờ “nhốt mình trong phòng, như các nhà văn khác vẫn làm.” 

Như cháu trai Mathew Prichard lý giải, “tiếp đó bà ấy thường thuật lại câu chuyện cho một cái máy được gọi là Dictaphone và rồi một thư ký có nhiệm vụ gõ sang bản đánh máy, và bà tôi sẽ biên tập thủ công lại. Tôi nghĩ là, trước chiến tranh, trước khi Dictaphone được phát minh ra, khả năng cao là bà thường viết những câu chuyện bằng tay và rồi ai đó sẽ đánh máy lại chúng. Bà ấy không máy móc lắm, bà viết rất tự nhiên và viết cực nhanh. Tôi nghĩ… bà chỉ mất vài tháng để viết xong một cuốn và thêm một tháng để chỉnh sửa trước khi gửi bản thảo tới các nhà xuất bản.

Khi toàn bộ quy trình viết sách đã xong xuôi, thi thoảng bà thường đọc những câu chuyện cho chúng tôi nghe sau bữa tối, mỗi lần một hoặc hai chương gì đấy. Tôi nghĩ chúng tôi bị coi như chuột bạch ở giai đoạn ấy; để đo lường xem phản ứng của công chúng sẽ ra sao. Tất nhiên, ngoại trừ gia đình tôi ra, thường sẽ có thêm vài vị khách khác ở đó và phản ứng của họ rất khác biệt. Chỉ có mẹ tôi luôn biết kẻ sát nhân là ai, tất cả còn lại thi thoảng cũng đoán trúng, còn lại thì trật lất. Ông tôi thường gật gù suốt buổi đọc chuyện nhưng chúng tôi lại rất chăm chú. Đó là một dịp để gia đình quây quần và rồi vài tháng sau, chúng tôi sẽ thấy những câu chuyện đó được bày bán khắp các hiệu sách.” 

Sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên, Agatha Christie biến mất, một sự kiện không kém kịch tính với những câu chuyện bà viết ra là bao. Năm 1930, bà kết hôn với nhà khảo cổ học Sir Max Mallowan, và sống hạnh phúc cho tới cuối đời. Ngoài truyện trinh thám, bà cũng viết tiểu thuyết lãng mạn dưới bút danh Mary Westmacott. Bà qua đời năm 1976, ở tuổi 86.