Khơi Nguồn Cảm Hứng

Một trong những câu hỏi quen thuộc nhất với giới sáng tạo là “Làm thế nào để nảy ra ý tưởng mới?”. Chúng ta vẫn luôn tự hỏi mình câu hỏi ấy hàng ngày, và, kể cả các tay sáng tạo tài ba nhất, không phải tự thân sinh ra đã có một cái đầu đầy ắp ý tưởng. Tất cả đều có bí quyết, và dưới đây là 5 bí quyết của các bậc thầy để trả lời câu hỏi họ vẫn luôn được (hoặc bị) hỏi: “Bạn lấy ý tưởng từ đâu?” 

Nếu chúng ta nhìn vào những thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử, sẽ có hết giai thoại này đến giai thoại khác về việc họ toàn làm những chuyện điên rồ. 

Igor Stravinsky tin rằng ông chỉ có cảm hứng viết nhạc trong tư thế trồng cây chuối. Trong những ngày đầu với Apple, Steve Jobs được tin là đã ngâm chân trong nhà vệ sinh để giải tỏa tâm trí trước các cuộc họp. Vincent Van Gogh đã tranh cãi với người bạn cùng phòng, sau đó tự cắt tai của mình và vì không muốn “lãng phí”, đã bọc chiếc tai lại trong hộp quà rồi tặng nó cho cô gái điếm yêu thích của mình như một vật kỷ niệm. 

Vâng, “nhàm chán” là từ cuối cùng mà bạn có thể dùng để mô tả những thiên tài sáng tạo của thế giới. Họ hẳn phải là những kẻ lập dị, nhiều khi hơi điên điên, có những sở thích kỳ quặc và chắc chắn rồi, “nhàm chán” không có trong từ điển của họ. 

Nhưng sự thật khá phũ phàng: quá trình sáng tạo, và cả những con người sáng tạo nhất thực sự khá nhàm chán. Và, bởi vì nó nhàm chán, nên bản thân sự sáng tạo có thể được lặp lại. Đó là điều mà tôi, bạn và bất kỳ ai khác cũng có thể bắt chước các vĩ nhân và luyện tập để trở nên sáng tạo hơn. 

Và nghĩ xem, còn tin nào tốt hơn thế cơ chứ? 

Việc thì nhiều mà chẳng biết bắt đầu ra sao? 

Bạn mở máy, nhìn chằm chằm vào màn hình rồi chẳng biết nên làm gì. Đầu óc bạn trống rỗng. 

Bạn tìm lại tệp lưu trữ ý tưởng. Chọn một cái, sau đó bắt tay làm. Nhưng mọi chuyện khó khăn quá. 

Không thể. Sao vậy? Đơn giản là không thể, bạn bị kẹt mất rồi. Tâm trí bạn mù mịt như đi trong màn đêm với chiếc xe hỏng đèn. Vậy là bạn rơi vào Writer’s Block rồi đấy. 

Có cách nào để giải phóng nó không? Làm thế nào để ý tưởng dồi dào trở lại đây? 

Chà, ca này gay go đấy. 

Không có đường tắt, ta đành đi xuyên qua thôi. 

“Một nhà soạn nhạc vĩ đại không sao chép, anh ta ăn cắp”, Igor Stravinsky đã từng nói. Họa sĩ Picasso cũng phát biểu một câu đại loại như “Nghệ sĩ hạng ba thì lê la sao chép, còn bậc kỳ tài thì cứ chôm thẳng tay”. 

Tuy nhiên “ăn cắp” ở đây không phải là đạo văn, điều đó không biến bất cứ ai thành một nghệ sĩ vĩ đại. Vậy rốt cuộc “ăn cắp” là thế nào? 

Mọi người, đặc biệt là người trẻ thường thích đổi mới và với họ, cuộc đời là những cuộc khám phá vô tận. Bên cạnh đó, chúng ta cũng gắn định nghĩa về đổi mới – sự sáng tạo với các tài năng thiên bẩm khác như trí thông minh, khiếu hài hước. Ta cho nó là thiên phú và bất cứ nỗ lực nào nhằm gia tăng nó cũng chẳng đáng kể. Trái lại, sáng tạo cũng được coi là một kỹ năng và hoàn toàn có thể được trau dồi, bồi dưỡng theo thời gian. Việc rèn luyện kỹ năng sáng tạo là vô cùng cần thiết trong kỷ nguyên số hiện nay, khi mà hàng loạt các ngành nghề sáng tạo như thiết kế, truyền thông nổi lên như vũ bão. Rèn cho mình những thói quen tốt ngay từ hôm nay sẽ là bước đầu trong hành trình sáng tạo đang chờ đón bạn phía trước!