Chắc hẳn ai cũng đã từng có một lần nói dối trong đời.

Hồi đi học, vì sợ mẹ la sau giờ học la cà đi chơi, chúng ta nói dối là đã ở lại làm trực nhật. 

Lớn lên, lại vì sợ mẹ lo, mà có khi đang chật vật tăng ca, vẫn nói rằng con đã ăn đúng bữa. 

Trung thực là một đức tính tốt. Thật thà cũng là một đức tính đáng quý. Thế nhưng, không phải lúc nào những lời nói thành thực cũng là một lời nói phù hợp. Trong cuộc sống hàng ngày, con người ta không chỉ sống bằng lý trí, bằng cái hiển hiện trước mắt mà còn bằng những cảm xúc nội tại, những sức mạnh tinh thần. Một lời nói có thể cứu rỗi một con người, cũng có thể phá hủy họ ngay tức khắc. Đó là lý do vì sao người ta nói dối một cách thiện chí. 

Hãy cùng WeStudy tìm kiếm ý nghĩa của những lời nói dối vô hại nhé!!

Khi nào lời nói dối vô hại được sử dụng?

Lời nói dối vô hại là lời nói dối không gây ra những hậu quả về vật chất và tinh thần. Xét trong quan điểm về phẩm cách của con người, nói dối không phải là một hành vi đúng đắn, và những người lừa dối thì luôn luôn bị quy phạm đạo đức lên án. Tuy nhiên, những lời nói dối vô hại nằm bên ngoài sự tai hại của nói dối, tiến gần đến điểm chạm về đạo đức. 

Giống như những lời dạy của cha ông “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, lời nói dối vô hại có thể coi như một loại đạo đức, nghệ thuật trong giao tiếp để duy trì tính chất ổn định của mối quan hệ và ổn định cảm xúc của những người tham gia hội thoại. 

Trong cuộc sống hàng ngày, sẽ có không ít lần chúng ta phải nói dối. Đó là những lời nói dối đẹp đẽ và đã được cân nhắc trước khi cất lời. 

Có một khoảng thời gian, nhiều người lên tiếng chỉ trích, tại sao bác sĩ lại nói dối bệnh nhân. Thế nhưng, thực tế, bản thân bác sĩ là người chứng kiến nhiều nhất nỗi đau của bệnh nhân và gia đình. Và vì thế, họ thấu hiểu những cảm xúc ấy, họ biết cách phải nói ra điều gì và giữ lại điều gì. 

Nhà văn Pháp Anatole France từng nói: “Một người chưa biết nói những lời nói dối đẹp đẽ thì người đó không bao giờ biết đến thế giới chân thực”. Lời nói dối vô hại, lời nói dối thiện chí, chỉ là để mỗi người được thoải mái hơn về mặt tinh thần. 

Ý nghĩa của những lời nói dối vô hại

Những lời nói dối vô hại xét đến cùng đều xuất phát từ mong muốn của con người, những khao khát của con người và là những lời khuyên trong giao tiếp. 

Lời nói dối yêu thương

Lời nói dối của tình yêu thương xuất phát từ những người thân thiết với nhau, là bạn bè, hoặc là người thân trong gia đình. Mục đích của lời nói dối là:

Mong những người yêu thương được an tâm.

Không khó để thấy những người trẻ sống xa gia đình, vẫn thường xuyên nói với cha mẹ rằng họ sống tốt, ăn uống đầy đủ, công việc như ý. 

Không khó để thấy những bạn học sinh đang từng ngày cố gắng học, cố gắng đạt điểm cao, thành tích tốt, dù mệt cũng vẫn nói với cha mẹ rằng mình vẫn ổn vì không muốn cha mẹ đi làm mệt nhọc vẫn phải lo lắng cho mình. 

Không khó để thấy cha mẹ vì ước mơ của con cái mà nói rằng: “Con cứ đăng ký học vẽ đi, cha mẹ lo được mà”, trong khi phải làm thêm việc, tăng ca thêm giờ. 

Không khó để thấy cha mẹ lo cho con, dành dụm từng chút một, nhưng vẫn nói với con rằng ở nhà cha mẹ sống thoải mái con đừng lo. 

Có những lời nói dối như thế, vì nó xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng của những người yêu thương. Trong phạm vi vẫn còn có thể cố gắng, họ chỉ muốn người thân của mình yên tâm thêm một chút. 

Viễn thông khái niệm người cười

Lưu giữ những điều tốt đẹp nhất

Trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ đều có một tòa thành cổ tích. Bởi vậy, những lời nói dối của cha mẹ là để giúp chúng được sống trong thế giới trẻ thơ đúng nghĩa. Cha mẹ hiểu rằng, khi trưởng thành, đối diện với những khó khăn, tòa thành cổ tích cũng trở nên vụn vỡ. Vì thế, cha mẹ muốn giữ lại cho những đứa trẻ của mình sự ngây thơ ngắn ngủi ấy, để chúng tin rằng ông già Noel có thật trên đời, là trên đời cũng có bà tiên ông bụt. 

Gợi ý: Làm cách nào để thấu hiểu những đứa trẻ

Lời nói dối động lực

Maurice Schweitzer - Giáo sư nghiên cứu về hành vi giả dối và niềm tin của con người tại trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania đã nói: "Tôi tin rằng, chúng ta nên dạy con cái, học sinh và nhân viên khi nào nên nói dối và phải nói dối như thế nào".

Nói dối cũng là một nghệ thuật và cũng là bài học trong cuộc sống hàng ngày. 

Trước một buổi diễn thuyết, một cuộc thuyết trình, có thể lúc đó bạn mới phát hiện ra sự cố trên trang phục của người thuyết trình, hoặc ngay chính bản thân người đó cũng chưa thực sự sẵn sàng với phần nói, lúng túng đôi chỗ. Thay vì phê phán, trách móc, hoặc phản ánh một cách thẳng thừng, hãy cổ vũ họ. Hãy nói với họ rằng: “Bạn đang làm rất tốt và hãy làm tốt hơn nữa khi đứng trên kia nhé!! Giờ là lúc để bạn tỏa sáng”, bởi vì, sự tự tin có sức mạnh thúc đẩy con người bứt phá giới hạn của mình. Những khuyết điểm chúng ta rõ ràng nhìn thấy, nhưng nếu trong tình huống không kịp hoặc không thể thay đổi, nhất định phải dùng động lực tinh thần để bù lấp nó. 

Lời nói dối khôn khéo

Ứng xử thông minh, giao tiếp thông thái là kỹ năng giúp bạn trở nên nổi bật và được lòng mọi người. Kỹ năng này không phải là để bạn xây dựng một bộ mặt giả tạo, mà nó nhắc bạn hãy cân nhắc cẩn thận mọi lời nói và hành vi, cũng như việc kiểm soát tốt cảm xúc của mình. 

Minh họa khái niệm hội thoại

Đôi khi, người khác đặt nhiều kỳ vọng ở bạn, và để không đánh mất đi kỳ vọng đó, bạn có thể lựa chọn lời nói dối. Một ngày nọ, đồng nghiệp thân thiết với bạn rất muốn đến thử một nhà hàng mới và rủ bạn đi cùng. Bạn nhận ra được sự háo hức của họ, nhưng hôm ấy bạn lại chỉ muốn về nhà ngủ một giấc. Thay vì từ chối, bạn hoàn toàn có thể chọn ra một lý do hợp lý hơn, rằng bạn có hẹn trước với ai đó, và cho họ một thời điểm gần nhất bạn sẵn sàng, có thể là tối hôm sau, hoặc vào cuối tuần. Như thế, họ sẽ nghĩ rằng lời mời này đến sau và bạn thì vẫn sẵn lòng đi cùng họ, mối quan hệ vẫn sẽ luôn tốt đẹp.

Gợi ý: Từ chối nhẹ nhàng có phải lúc nào cũng đúng?

Bên cạnh đó, lời nói dối vô hại còn là một phương thức của “dĩ hòa vi quý”. Bạn có thể không thực sự thích một người, nhưng nó chỉ là cảm xúc cá nhân. Bạn không nên mang theo cái ghét đó vào trong mọi tình huống ứng xử. Khi tranh luận với họ, dù họ có sai, và bản thân bạn cảm thấy không đồng tình, thì bạn cũng phải dẫn mở bằng sự công nhận “Ý kiến của bạn cũng có lý vì…”, sau đó mới tới phản biện “Ngoài ra, tớ thấy phân tích từ góc độ … sẽ bao quát và sâu sắc hơn vì…”. 

Minh họa khái niệm tương tác xã hội

Hoặc khi cần góp ý cho một người mà bạn không quá thân thiết, về thái độ, kỹ năng, ứng xử,... của họ, bạn đừng vội vàng đưa ra những lời nhận xét quá thẳng thắn. Dù “sự thật thì mất lòng” nhưng nếu biết cách đưa ra sự thật khôn khéo thì bạn vẫn có thể thuyết phục họ. Trong một mối quan hệ chưa thân thiết, nói quá thật thường gây mất niềm tin và phá hỏng sự gắn kết mỏng manh của cả hai người. 

Lời nói dối đúng lúc sẽ giúp một người trở nên tốt hơn, đồng thời cũng kéo họ khỏi sự khó xử, thất vọng, ngại ngần. Nói dối vô hại không phải là một hành vi xa rời đạo đức, nó là thứ xuất phát từ lòng trắc ẩn, sự nhẫn nại bao dung và khao khát lưu giữ quan hệ giữa người với người. Nói dối vô hại là nghệ thuật giao tiếp mà mỗi người cần học.