Tại sao không là cả hai? 

Jack London, tác giả người Mỹ sống vào đầu thế kỷ XX, nổi tiếng nhất với hai tác phẩm kinh điển 'Nanh trắng' và 'Tiếng gọi của hoang dã', sinh thời là một trong số ít kẻ ăn nên làm ra nhờ nghề viết văn. Trong công việc, London chia rõ tác phẩm của mình làm hai loại: loại viết vì lý tưởng và loại viết vì tiền. Ảnh: Getty Images

Đối với tôi, địa ngục là cảm giác mình không yêu việc mình đang làm như mình nghĩ. Đó là sự trống trải tưởng chừng kéo dài mãi mãi. 

Nhưng khi đọc về nhiều bộ óc sáng tạo kiệt xuất khác, tôi thấy họ thậm chí còn đối mặt với vấn đề này hàng ngày. Nó chỉ đơn giản là chuyện giữa tình và tiền, như lời tác giả Hugh Macleod nói trong cuốn Phớt lờ tất cả & Bơ đi mà sống

“Về cơ bản, mẫu người sáng tạo có hai loại nghề: Loại thứ nhất sáng tạo, quyến rũ. Loại thứ hai lo cơm áo gạo tiền,” Hugh viết. Thô nhưng thật. Đâu phải ai sáng tạo cũng vì bản thân họ thích sáng tạo, và nó đưa ta về với một trong những vấn đề khó chịu nhất: kiếm sống.

Mọi người ai cũng phải kiếm sống. “Kẻ nghiệp dư là một hoạ sĩ nuôi sống bản thân bằng những công việc khác để được vẽ lúc rảnh rỗi,” hoạ sĩ Ben Shahn từng nói. “Dân chuyên nghiệp là người có vợ làm việc để giúp anh ta vẽ tranh.” 

Dù một nghệ sĩ có kiếm chác được từ tác phẩm của mình hay không, tiền vẫn phải đến từ đâu đó: một công việc ban ngày, một bậc phụ huynh giàu có, một khoản tài trợ nghệ thuật, hay một người bảo trợ. 

Trong quá trình viết kiệt tác Giết con chim nhại, tác giả Harper Lee đã toan từ bỏ vì thấy quá chật vật. Những người bạn thân của bà biết chuyện, bèn gửi bà một khoản tiền đủ để bà yên tâm sống qua ngày và tập trung viết lách.

Toni Morrison, người quả quyết rằng chỉ viết những thứ mình thích, thực tế nghề chính của bà là biên tập viên tại tòa soạn và giảng viên đại học. Tất nhiên bà thích viết lách, nhưng bà may mắn hơn rất nhiều nhà sáng tạo khác. Bà không phải viết những thứ bà không thích vì tiền, sáng tạo của bà chỉ toàn “Tình” mà thôi. 

Mặt khác – mặt không có Morrison – hai yếu tố “Tình” và “Tiền”, riêng trong địa hạt sáng tạo, không tách rời nhau mà cùng tồn tại song song. 

Một số kiệt tác văn hoá mang ý nghĩa và giá trị cao nhất được tạo ra vì tiền. Michelangelo sơn trần nhà thờ Sistine vì Giáo hoàng trả tiền cho ông. Ernest Hemingway viết Ông già và biển cả, tác phẩm giúp ông đoạt giải Nobel cũng vì tiền.

Bố già ra đời không phải bởi Mario Puzo thích mafia mà bởi có người nói với ông rằng chủ đề này sẽ bán đắt như tôm tươi, mà ông lại đang rất cần tiền trả nợ. Đến đạo diễn của Bố già, Francis Ford Coppola, thừa nhận ghét cuốn sách nhưng vẫn chấp nhận quay phim vì… vợ sắp lâm bồn và cần tiền trang trải. 

Chưa hết, Arthur Doyle Conan, “cha đẻ” Sherlock Holmes, từng thẳng thắn công bố căm ghét nhân vật này và không muốn viết về gã nữa. Ông để Holmes chết ở thác nước rồi lại hồi sinh gã, phần vì công chúng la ó doạ không ủng hộ các tác phẩm khác của ông, phần vì nhuận bút cho mỗi phần truyện về Holmes hậu hĩnh quá. 

Hoặc là mẫu nhà văn hiện đại hơn như George R. R. Martin, người đã tạo ra vũ trụ Trò chơi vương quyền nổi tiếng. Martin viết truyện và đăng blog vào thời gian rảnh như một sở thích (Tình), đồng thời tham gia biên kịch nhiều bộ phim tại Hollywood (Tiền). 

Hoặc là một nhiếp ảnh gia có thể chụp toàn ảnh du xuân, hoa mai hoa đào tháng này vì công việc anh ta cần những tấm ảnh dạng đó, để rồi tháng sau anh ta lại thơ thẩn chụp chiều hoàng hôn hồ Tây, sáng bình minh tại Lăng Chủ Tịch vì anh ta thích thế. 

Viết tới đây, tôi chợt nghĩ tới cô tạp vụ mơ ước trở thành diễn viên nổi tiếng và chàng nghệ sĩ piano mơ ước mở quán nhạc jazz ở La La Land. Nếu bạn yêu thích chủ đề của bài viết, tôi thành thực khuyên bạn nên xem bộ phim này.

Nó có gì cho bạn? Tình yêu, sự nghiệp, thực tế, đam mê, đánh đổi, sai lầm, thất bại, thành công, sự chấp nhận,... Nhìn vào chàng nghệ sĩ Sebastian ước mơ được chơi nhạc jazz phải cắn răng đánh đi đánh lại bài Jingle Bells vì vài đồng tiền lẻ, gia nhập một ban nhạc mới và chấp nhận chơi thứ nhạc theo thị hiếu rồi lãng quên giấc mơ đời mình, chắc hẳn sẽ khiến bạn cảm động và đồng điệu theo một cách rất thân thuộc đấy. 

Và giống như những gì Seb và Mia đã đạt được ở cuối phim, đến một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp, lằn ranh giữa “Tiền” và “Tình” sẽ phai mờ đi, nhưng dứt khoát là vẫn tồn tại. Ta chỉ không thấy cay nghiệt như trước nữa, đó là lúc ta biết chấp nhận. Và chẳng có ngoại lệ, dù là cô gia sư ôm mộng làm nhà văn hay ngôi sao điện ảnh tầm cỡ Hollywood. 

Nếu cứ chăm chăm tạo ra thứ này thứ kia chỉ vì tiền, sẽ đến một lúc bạn dừng lại và tự ghê tởm bản thân bởi cái gọi là “bán rẻ nghệ thuật”. Bạn tới một cái ngưỡng mà ở đó bạn mất niềm tin vào sáng tạo của chính mình, bởi bạn không đặt cả tâm hồn mình vào đó. Nếu bạn chỉ làm vì tiền, thì tiền sẽ là thứ duy nhất bạn nhận được. 

 

“Vừa kiếm được tiền vừa làm nghệ thuật thì ai cũng muốn. Nhưng khi chỉ có một con đường thì phim nghệ thuật hay phim giải trí sẽ luôn song song tồn tại, có người làm phim giải trí thì cũng sẽ có người làm phim nghệ thuật.” 

— Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân 

 

Ngược lại, nếu chỉ khư khư làm những dự án mình thích và phủi tay mọi thứ mình không thích thì bạn sẽ chết đói trước khi tạo ra được thứ gì nên hồn. Chính những người này – những tên ngốc mộng mơ, khởi động ngày làm việc bằng cách bỏ quách công việc hiện tại để nuôi dưỡng một cuốn sách best-seller, những mong nó sẽ nuôi lại mình – sẽ không bao giờ thành công cả. 

Hai cán cân này sẽ luôn ở đó. Như nhà văn Jack London thời trẻ chẳng hạn, phân loại công việc thành hai mục rõ ràng: loại viết vì lý tưởng và loại viết vì tiền. Còn bạn, bạn đang làm vì lý tưởng hay vì tiền?