Ban đầu, self-help được cho là những lời lẽ khôn ngoan của bậc hiền nhân, rao giảng triết lý giúp con người đạt tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, self-help ngày nay đã lớn mạnh tới mức được tách riêng làm một ngành công nghiệp, và không thể phủ nhận nó đã biến tướng (theo chiều hướng tiêu cực) ít nhiều. 

Mặc dù bản chất của self-help, như tên gọi của nó, là giúp con người hoàn thiện bản thân, song việc tự nâng đỡ chính mình chưa bao giờ là dễ dàng. Dưới đây là 5 vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp self-help ngày nay. 

© MARKUS SPISKE/ PEXELS

Self-help là con dao hai lưỡi 

Hai loại người bị self-help hấp dẫn là: những người cảm thấy bản thân méo mó ở đâu đó và sẵn sàng thử bất cứ gì để nắn chỉnh nó, và những người nghĩ rằng họ chung quy là một người ổn áp sẵn rồi, nhưng họ có vài trở ngại, vài điểm mù và muốn trở thành một con người vĩ đại. 

Hãy gọi đây là tuýp người “Tệ-Tới-Tốt” và tuýp người “Tốt-Tới-Vĩ-Đại”. Người Tệ-Tới-Tốt cần self-help vì họ thấy họ thảm hại và muốn cứu vãn tình thế. Người Tốt-Tới-Vĩ-Đại thì tìm tới self-help bởi họ nghĩ rằng họ tốt, nhưng họ muốn trở nên tốt hơn nữa. 

Tựu trung lại, người Tốt-Tới-Vĩ Đại chỉ làm độc có điều này—họ đi từ việc có một cuộc sống thường thường bậc trung rồi biến nó thành thứ gì đó thực sự độc đáo và vĩ đại qua từng năm. 

Người Tệ-Tới-Tốt thì tiến triển rất ít, kể cả sau nhiều năm cố gắng. Một vài trường hợp thậm chí còn dậm chân tại chỗ hoặc tệ hơn, ngày càng thụt lùi. 

Tốt thôi, tại sao nhỉ? 

Người Tệ-Tới-Tốt thất bại triền miên bởi họ sở hữu một thế giới quan phản ánh mọi thứ họ làm, kể cả việc self-help, là để củng cố sự thấp kém hoặc cảm giác tự ti trong họ. 

Ví dụ, một người Tốt-Tới-Vĩ-Đại có thể đọc một cuốn sách về cách để hạnh phúc và nghĩ, “Ồ, hay đấy, ở đây có hàng tá thứ mà mình không biết. Mình phải thử mới được.” 

Vẫn cuốn sách đó, một người Tệ-Tới-Tốt sẽ đọc và nói, “Wow, nhìn mà xem ta đã bỏ lỡ những gì này. Ta thậm chí còn thảm hại hơn ta nghĩ nữa.” 

Sự khác biệt cốt lõi là tuýp Tệ-Tới-Tốt thiếu sự chấp nhận bản thân mà hầu hết mọi người đều sở hữu. Một người Tốt-Tới-Vĩ-Đại sẽ nhìn vào chuỗi dài những quyết định tồi tệ và sai lầm trong suốt cuộc đời và quyết tâm rằng họ sẽ đưa ra những lựa chọn tốt hơn và mạy mọ để trở nên hoàn thiện hơn. Một người Tệ-đến-OK sẽ cho rằng mọi lựa chọn họ đưa ra đều sai lầm vì về cơ bản họ là người có nhiều khiếm khuyết, và cách duy nhất họ có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn là làm y chang những gì người khác nói, từng chữ một. 

Trớ trêu thay, điều kiện tiên quyết để việc self-help phát huy tác dụng lại là một sự thật quan trọng mà self-help không thể dạy bạn: hài lòng với bản thân và chấp nhận rằng bạn không thể không mắc sai lầm. 

Self-help có thể được sử dụng như một hình thức trốn tránh

Điều sắp tới nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng dứt khoát cần phải nói: Mọi chuyện sẽ chẳng thay đổi gì trừ khi bạn bắt tay vào hành động. 

Bị bạn gái đá? Bị sếp rầy la? Bị đồng nghiệp xỉa xói sau lưng? Bị cô lập chốn công sở? Tôi phải làm gì? 

Phải làm gì ư? Thay vì tự suy ngẫm và tìm ra câu trả lời, phản ứng đầu tiên của phần đông mọi người là kiếm tìm sự an ủi, vỗ về, hoặc đơn giản giải toả khao khát được giãi bày. 

Vì vấn đề ấy có vẻ nhạy cảm và riêng tư quá, ta tìm tới self-help. Nó đưa ra rất nhiều giải pháp, và ta thực sự tin rằng mình đã được khai sáng. Ta cảm thấy ổn hơn nhiều, ta chắc mẩm mình đã biết đáp án của bài toán kia, nhưng tai hại thay, đến giờ kiểm tra mọi thứ lộn tùng phèo và, ta đem nộp tờ giấy trắng. 

Ví dụ, tôi từng không biết cách để viết quảng cáo, vì vậy tôi đã ngốn gần như mọi cuốn sách dạy viết quảng cáo trên thị trường và tự tin rằng mình đã đạt được điều gì đó. Việc đọc sách đột nhiên trở nên quan trọng hơn nhiều so với việc kiếm một chân thực tập ở một hãng quảng cáo và thực sự lăn xả trong nghề. 

Marketing rầm rộ tạo ra những kỳ vọng viển vông 

Mặc dù trên lý thuyết, tôi không lạ gì với động cơ lợi nhuận trong ngành công nghiệp self-help, nhưng thực tế thì nó kéo theo nhiều mối lo ngại. 

Với động cơ lợi nhuận, động lực của self-help không phải là tạo ra sự thay đổi thực sự mà là tạo ra ảo tưởng về sự thay đổi thực sự. 

Aristotle tin rằng việc đọc có khả năng chữa bệnh. Mặc dù các hoạt động self-help có thể không chữa khỏi bất cứ bệnh gì, nhưng việc cảm thấy tốt hơn là dứt khoát có thật. Người ta ghét công việc, ghét thất bại, sợ bị đồng nghiệp ghét, lo lắng về ngoại hình quá khổ của mình; và self-help dường như là ngành công nghiệp duy nhất cố gắng xoa dịu những vấn đề này. Cuộc sống vốn nhiều tổn thương, và lời hứa mà self-help đưa ra là sự xoa dịu nỗi đau đó. 

Giống như chất gây nghiện, tất cả những điều này đều tạo ra cảm giác hưng phấn tạm thời, nhưng hầu như luôn tiêu tan trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. 

Tôi xin lỗi, nhưng bạn sẽ không vượt qua một thời kỳ tồi tệ chỉ trong vài ngày hay sau một khoá học 4 tuần được. Bạn đơn giản là không thể. Điều sẽ xảy ra là bạn cảm thấy khá hơn trong một khoảng thời gian ngắn và mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy.  

Self-help thường không được khoa học kiểm chứng 

Dưới đây là những bài tập trong các sách self-help đã được khoa học chứng minh là có giá trị thực tiễn: thiền định hoặc chánh niệm, viết nhật ký, nêu rõ những gì bạn biết ơn mỗi ngày, từ thiện và bố thí cho kẻ khác. 

Đây là những ngõ cụt (cho tới nay) mà khoa học đã gặp phải: Lập trình ngôn ngữ tư duy, liệu pháp thôi miên, luật tâm thức,... 

Còn đây là những gì hoàn toàn nhảm nhí: phong thuỷ, bói tarot, thần giao cách cảm, luật hấp dẫn, bất cứ thứ gì nghe siêu nhiên hoặc ảo ma Canada. 

May mắn thay, trong vài thập kỷ trở lại đây, có nhiều học giả như Brene Brown và Dan Gilbert đang hòa nhập bằng cách viết những cuốn self-help dựa trên bằng chứng khoa học, thay vì câu nói sáo rỗng như “Tôi đang dọn dẹp tủ đồ thì Chúa phán với tôi.” Và tôi đột nhiên được khai sáng và đây là cuốn sách hoàn toàn bộc phát và nửa vời của tôi về những gì bạn và không nên làm với cuộc sống của mình. 

Self-help là một sự mâu thuẫn

Mâu thuẫn của self-help nằm ngay bước đầu tiên, cũng là bước cơ bản nhất để tự phát triển: chấp nhận con người hiện tại của bạn và biết rằng bạn không nhất thiết phải nhờ tới sự trợ giúp của người khác. Đó là niềm tin cơ bản, là thứ mà không ai có thể trao cho bạn. Bạn phải tự mình giành lấy. 

Điều trớ trêu là một khi bạn chấp nhận rằng bạn không cần sự giúp đỡ hay lời khuyên từ bất cứ ai để trở thành một người tốt, chỉ lúc đó chỉ dẫn của họ mới thực sự trở nên hữu ích với bạn. 

Vậy nên theo cách nào đó, chính những người thực sự không cần self-help lại thu được nhiều lợi ích từ nó nhất. Nó dành cho những người Tốt-Tới-Vĩ-Đại, không phải những người Tệ-Tới-Tốt, dù đây là những khách hàng lớn nhất. 

Phát triển bản thân, theo sát nghĩa đen, là hoàn thiện bản thân chứ không phải chối bỏ bản thân. Nếu bạn đang cố thay thế con người mình bằng một nhân cách khác, thì bạn sẽ không bao giờ thành công, và nhiều khả năng bạn sẽ bị cuốn vào những thứ vô bổ, giả tạo, đồng thời kìm nén cảm xúc tiêu cực thay vì đối đầu với chúng. 

Vậy thì, ý nghĩa của tất cả những điều này là gì? 

Đó là: hãy tự mình tìm ra nó. Nghe như thể trốn tránh, nhưng nghiêm túc mà nói, tại sao lại tìm câu hỏi cho cuộc sống của mình từ người khác cơ chứ? 

Bạn có thể cân nhắc kinh nghiệm và ý tưởng của họ, nhưng cuối cùng thì việc áp dụng chúng vào cuộc sống của bạn mới quan trọng. 

Phát triển bản thân không dễ dàng. Không có bí quyết hay mẹo mực gì ở đây cả. Bất cứ ai nói với bạn điều ngược lại chắc chắn đang cố bán cái gì đó. 

Biên dịch từ bài viết gốc của tác giả Mark Manson.