Từng bị 22 nhà xuất bản từ chối, Dune đến nay đã bán được hơn 20 triệu bản toàn cầu, có lẽ là cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng hay nhất mọi thời đại, và Star Wars sẽ không tồn tại nếu không có nó. 

Ảnh: PAC

Vào năm 1959, nếu bạn đang thả bộ trên những cồn cát gần Florence, Oregon, bạn rất có thể sẽ bắt gặp một người đàn ông trung niên vạm vỡ, râu quai nón, đeo kính râm, và rảo bước trong bộ quần áo quân đội. Đó là Frank Herbert, một nhà văn tự do có niềm yêu thích với hệ sinh thái, đang nghiên cứu một câu chuyện trên tạp chí về chương trình của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm ổn định tình trạng cát dịch chuyển. 

Bước sang tuổi 40, Herbert đã là một nhà văn hơn hai thập kỷ, nhưng vận may của ông luôn bấp bênh. Trải qua tuổi thơ vất vả ở một thị trấn ven biển gần Tacoma, Washington, ông đã công tác tại nhiều tờ báo và bán truyện ngắn cho các tạp chí. Ông trải qua Thế chiến tương đối dễ dàng, phục vụ tám tháng với tư cách là nhiếp ảnh gia hải quân trước khi được giải ngũ. 

Năm 1966, ông được thuê làm phóng viên Hearst Headline Services tại Việt Nam. Các mối xã giao dẫn dắt ông tới chính trường, nơi ông được thuê viết bài phát biểu cho các chính trị gia. 

Tuy vậy, Herbert thường xuyên bị phá sản. Trong thời gian ông viết Dune, vợ ông, bà Beverly Ann, là người kiếm cơm chính. Bà yêu viết lách, như chồng, nhưng buộc phải gạt nó sang bên để sản xuất bản sao quảng cáo cho các cửa hàng bách hóa. Cùng lúc đó, Herbert làm báo để trang trải. 

Năm 1957, ông nghe tin Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã trồng cỏ thành công để kiểm soát các cồn cát trên bờ biển Oregon, và ông đã thuê máy bay đến Florence để tận mắt chứng kiến, thu thập tư liệu viết báo. Trở về, ông thu được nhiều nguyên liệu thô hơn mức cần thiết cho một bài đăng tạp chí. Herbert dựa vào cồn cát đời thực để viết một truyện ngắn dở dang, sau đó dần phát triển ý tưởng về một hành tinh sa mạc - một hành tinh bị tiêu diệt bởi bão cát do sự tàn phá môi trường. 

Ông gọi hành tinh này là Arrakis. 

Sáu năm ròng rã dành cho việc nghiên cứu, viết, viết lại - do đó, Dune dài và phức tạp hơn hẳn so với các tác phẩm khoa học viễn tưởng thương mại khác vào thời điểm đó. 

 

“Tôi không lo lắng về cảm hứng hay bất cứ gì tương tự… Sau này, khi quay lại đọc những gì đã viết, tôi không phát hiện ra sự khác biệt giữa những thứ đến một cách dễ dàng và khi tôi phải ngồi xuống mà nói, “Chà, đến giờ viết và bây giờ tôi sẽ viết.” 

—Frank Herbert 

 

Khi Herbert hoàn thành bản thảo cho Dune World (sau này rút gọn thành Dune) vào năm 1963, tạp chí Analog đã xuất bản nó thành một bộ truyện dài kỳ kéo dài bốn tháng. Bản thảo sau đó bị các biên tập viên từ chối 22 lần vì cho rằng cốt truyện quá phức tạp để chuyển thể thành sách. 

Sterling E. Lanier, biên tập viên văn học tại Chilton Books, một công ty chuyên xuất bản tạp chí thương mại và sách hướng dẫn sử dụng ô tô, sau khi đọc hết Dune World trên Analog, lại coi đây là một bản thảo tiềm năng. Ông lần ra Herbert, cuối cùng thuyết phục cấp trên cho phép xuất bản Dune

Herbert đã viết lại phần lớn bản thảo, rút ngắn tựa đề xuống còn Dune. Cuốn sách được xuất bản vào ngày đầu tiên của năm 1965, phần minh họa do John Schoenherr phụ trách. 

Mặc dù Dune đã giành được giải thưởng Nebula và Hugo, hai giải thưởng khoa học viễn tưởng danh giá nhất, nhưng đây không phải là bom tấn thương mại chỉ sau một đêm. Trên thực tế, lượng độc giả hâm mộ của nó được bồi đắp trong suốt những năm 60-70, rải rác quanh các khu tập thể, hợp tác xã, phòng thí nghiệm và xưởng phim. Một điều nữa, có lẽ cần bổ sung, Lanier đã bị Chilton sa thải vì doanh số của Dune thời gian đầu quá ế ẩm. 

Giờ đây thì sao? Dune được nhiều người coi là cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng vĩ đại nhất, đã bán được hàng triệu trên khắp thế giới. 

***

Về bối cảnh, Dune kể câu chuyện ở một tương lai xa, nơi các gia tộc đấu đá lẫn nhau và bị một hoàng đế thiên hà quyền lực thao túng. Là một phần của âm mưu chính trị nhắm vào chính gia tộc mình, Công tước Leto, đứng đầu nhà Atreides, buộc phải chuyển gia đình từ quê hương Caladan đến hành tinh sa mạc Arrakis, thường được gọi là Dune (Xứ Cát). Khí hậu ở Dune cực kỳ khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm. Bù lại, đây là nơi duy nhất trong thiên hà khai thác được hương dược, một loại khoáng chất cực kỳ quan trọng. Người bản xứ tại đây là dân Frement, đặc trưng bởi đôi mắt màu xanh ngọc do tiếp xúc lâu với hương dược. 

Bi kịch xảy ra như dự đoán, và chàng trai trẻ Paul, cùng mẹ, sống sót sau cuộc thảm sát, chạy trốn vào sa mạc và đồng hành với dân Frement. Hành trình sau đó kể về cuộc chiến tranh giành quyền lực, phục hưng gia tộc, âm mưu, phản trắc và sự trỗi dậy của Paul, sau này trở thành Đấng cứu thế của bộ tộc Frement trên sa mạc Arrakis. 

Dune 2 vừa ra mắt được xem là bom tấn giả tưởng của thập kỷ. 

Về mặt kỹ thuật, Dune được coi là một điển hình trong việc xây dựng thế giới văn học. Tạp chí Library đưa tin rằng “Dune dành cho khoa học viễn tưởng giống như Chúa tể những chiếc nhẫn dành cho giả tưởng”. 

Và nhiều người tin rằng, nếu không có Dune thì sẽ không có Star Wars hay Avatar

Vào những năm cuối đời, Herbert hoàn toàn bị thuyết phục rằng tác giả của Star Wars, George Lucas đã vay mượn khá nhiều chi tiết từ Dune để biên soạn cốt truyện cho loạt phim khoa học viễn tưởng đình đám của mình. “Tôi chỉ muốn nói rằng có 16 điểm đồng nhất giữa cuốn Dune và Star Wars,” ông nói trong lần đến thăm UCLA vào năm 1985. Ở chiều ngược lại, George Lucas chỉ thấy hai tác phẩm giống nhau vì cùng có sa mạc. 

Star Wars, trong những bản thảo đầu tiên, kể câu chuyện về một hành tinh sa mạc, có một vị hoàng đế độc ác và một cậu bé gánh trên vai số phận của cả thiên hà. Tất cả các ý tưởng vay mượn xuất hiện rải rác trong vũ trụ Star Wars, từ năng lực tâm trí giống Bene Gesserit của Hội đồng Jedi đến việc khai thác trên Tatooine giống như Arrakis. 

Herbert đã không kiện được Lucas. Ông và một vài đồng nghiệp đã thành lập một hiệp hội, lấy cái tên mang tính tự giễu là “We’re Too Big to Sue George Lucas Society.” 

***

Herbert là một nhà văn bán thời gian trong phần lớn cuộc đời. Khi sự sùng bái Dune lan rộng trong những năm 1970, Herbert từ bỏ nghề báo, cống hiến trọn vẹn cho nghiệp viết văn. 

Ông đã viết một loạt phần tiếp theo cho loạt truyện, theo chân hậu duệ của Paul khi họ hoàn thành vận mệnh khôi phục gia tộc Atreides: Dune Messi (1969), Children of Dune (1976), God, Emperor of Dune (1981), Heretics of Dune (1984) và Chapterhouse: Dune (1985). 

Herbert dành phần lớn những năm cuối đời ở Hawaii. Vợ ông mất năm 1983, và ông đi bước nữa với Theresa Shackleford, năm 1985. Ông qua đời một năm sau đó, bệnh ung thư, không kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ bảy để kết thúc bộ truyện. Con trai ông và một nhà văn khác tiếp tục cầm bút viết tiếp di sản Dune, xuất bản thêm 13 cuốn sách.