Bài dịch dưới đây nằm trong khuôn khổ bài phát biểu của Neil Gaiman, nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm bán chạy như Coraline, Sandman, American Gods,... tại Đại học Nghệ thuật vào năm 2012. Một vài nội dung không thiết thực đã được cắt xén, độc giả có thể nghe bài phát biểu đầy đủ trên Youtube tại đây.
“Make Good Art”, Neil Gaiman, 17 tháng Năm năm 2012
[...]
Nhìn lại, tôi đã có một chuyến đi đáng chú ý. Tôi không chắc có thể gọi nó là một sự nghiệp hay không, bởi sự nghiệp hàm ý rằng tôi từng có thứ kiểu như lộ trình sự nghiệp, mà tôi thì chưa bao giờ có.
Thứ gần nhất tôi từng có là một bản danh sách hồi tôi mười lăm tuổi, liệt kê mọi thứ tôi muốn làm: viết một cuốn tiểu thuyết cho người lớn, một cuốn sách thiếu nhi, một cuốn truyện tranh, một bộ phim, ghi âm một cuốn sách nói, viết một tập cho loạt Doctor Who… và cứ thế.
Tôi chưa từng có một sự nghiệp. Tôi chỉ làm tuần tự từng thứ trong bản danh sách đó.
Vậy nên tôi nghĩ tôi sẽ kể bạn nghe mọi thứ tôi ước rằng mình đã biết vào lúc bắt đầu, và một vài thứ mà, khi nhìn lại, tôi cho rằng tôi quả thực đã biết. Và tôi cũng sẽ cho bạn lời khuyên tuyệt nhất mà tôi từng nhận được, điều mà tôi hoàn toàn thất bại để theo đuổi nó.
Trước tiên, Khi bạn bước chân vào nghệ thuật, bạn không biết mình sẽ làm gì cả.
Điều này tuyệt vời. Những người biết họ đang làm gì sẽ biết những quy tắc, và biết những gì có thể và những gì không thể. Bạn thì không biết gì cả. Và bạn cũng chẳng nên biết. Những luật lệ được đặt ra về những gì có thể và không thể trong nghệ thuật được tạo ra bởi người chưa từng thử giới hạn của những điều có thể bằng cách vượt qua chúng. Và bạn thì có thể.
Nếu bạn không biết rằng nó là không thể thì nó sẽ dễ dàng hơn. Và bởi chưa ai từng làm nó trước đây, họ chưa tạo ra những luật lệ để ngăn cản bất cứ ai làm điều đó thêm lần nữa.
Thứ hai, Nếu bạn có một ý tưởng về những gì bạn muốn làm, những thứ mà bạn có mặt ở đây để làm, hãy cứ tiến lên và thực hiện nó.
Thường thì bắt tay vào bạn mới thấy khó hơn nhiều, và, thi thoảng khi về đích, nó lại dễ hơn bạn từng nghĩ. Bởi chung quy lại, có nhiều chuyện phải làm trước khi tới được đích đến mà bạn muốn. Tôi từng muốn viết truyện tranh và tiểu thuyết, những câu chuyện và cả kịch bản phim nữa, vậy là tôi đã trở thành một nhà báo, bởi mấy tay nhà báo thì được phép đặt câu hỏi, được đi đây đó và khám phá cách thế giới vận hành; bên cạnh đó, được chuẩn bị những điều cần thiết để viết và viết hay. Tôi được trả tiền để học cách viết một cách tiết kiệm, rõ ràng, đôi khi trong những điều kiện bất lợi và đúng thời hạn.
Đôi khi con đường dẫn tới thứ bạn hy vọng được làm sẽ rạch ròi, và đôi khi nó gần như bất khả để quyết định liệu rằng bạn có đang đi đúng hướng hay không, bởi bạn còn phải cân bằng giữa những mục tiêu và hy vọng của bạn với việc nuôi sống bản thân, trả nợ, tìm việc, ổn định cuộc sống.
Thứ từng hiệu nghiệm với tôi là tưởng tượng rằng người mà tôi muốn trở thành – một tác giả, chủ yếu là hư cấu, viết những cuốn sách hay, những cuốn truyện tranh hấp dẫn và tự nuôi sống bản thân bằng câu chữ – là một ngọn núi. Một ngọn núi xa xăm. Mục tiêu của tôi.
Và tôi biết rõ miễn là tôi tiếp tục đi dọc theo sườn núi thì tôi sẽ ổn thôi. Khi tôi thực sự không chắc mình cần làm gì, tôi có thể dừng lại, và tính xem liệu nó có đang khiến tôi đi ra xa khỏi ngọn núi hay không. Tôi từng từ chối nhiều công việc biên tập ở các tạp chí, những công việc phù hợp sẽ trả tôi số tiền phù hợp hơn bởi tôi biết rằng, dù hấp dẫn là thế, chúng sẽ khiến tôi đi xa khỏi ngọn núi. Và nếu những đề nghị công việc ấy đến với tôi sớm hơn, rất có thể tôi sẽ nhận chúng, bởi vì chúng vẫn ở gần ngọn núi hơn tôi vào thời điểm đó.
Tôi đã học viết bằng cách viết. Tôi có khuynh hướng làm bất kể thứ gì miễn là nó cảm giác như một chuyến phiêu lưu, và dừng lại khi nó cảm giác như công việc; điều này có nghĩa là cuộc sống không giống như công việc.
Thứ ba, Khi bạn bắt đầu, bạn phải giải quyết vấn đề về thất bại. Bạn phải tỉnh táo để hiểu rằng không phải dự án nào cũng tồn tại được. Một cuộc sống freelance, một cuộc sống trong nghệ thuật, đôi khi giống như nhét giấy vào những chiếc chai, giữa một hòn đảo hoang vắng, và hy vọng rằng ai đó sẽ tìm thấy một trong số chúng rồi mở ra và đọc nó, và lại đặt thứ gì đó vào trong chiếc chai để nó tìm đường về với bạn: sự ngưỡng mộ, hoặc một nhiệm vụ, hoặc tiền, hoặc tình yêu. Và bạn phải chấp nhận rằng bạn có thể phải bỏ ra hàng trăm thứ cho mỗi chai quay được trở lại.
Những vấn đề của thất bại là những vấn đề về chán nản, tuyệt vọng và đói khát. Bạn muốn mọi thứ xảy ra theo ý bạn ngay tức khắc, nhưng rồi trật lất chẳng đâu ra đâu. Cuốn sách đầu tiên của tôi – một ấn phẩm báo chí tôi viết vì tiền và tôi đã dùng khoản trả trước cho một chiếc máy đánh chữ điện – lẽ ra phải là một cuốn bán chạy. Lẽ ra nó phải kiếm cho tôi rất nhiều tiền…
Và tôi nhún vai, tôi vẫn còn chiếc máy đánh chữ điện và vừa đủ để trả tiền thuê nhà trong vài tháng, và tôi quyết định rằng trong tương lai sẽ cố gắng hết sức để không viết sách chỉ vì tiền. Nếu bạn không kiếm được tiền thì bạn chẳng có gì cả. Nếu tôi đã làm được công việc khiến tôi tự hào nhưng lại không nhận được tiền thì ít nhất tôi cũng có được công việc đó.
[...]
Giờ tới những vấn đề của sự thành công. Chúng có thật và nếu may mắn thì bạn sẽ được trải nghiệm chúng. Điểm mà bạn dừng nói có với mọi thứ, bởi giờ đây mọi cái chai bạn vứt xuống biển đều quay trở lại, và phải học cách nói không.
Tôi đã ngắm nhìn những bạn đồng trang lứa, và cả bạn bè của tôi nữa, và những người hơn tuổi tôi chỉ để xem họ khổ sở ra sao: tôi lắng nghe họ kể với tôi rằng họ không còn có thể hình dung ra một thế giới nơi họ được làm những thứ họ luôn muốn làm, bởi giờ đây họ phải kiếm một số tiền nhất định mỗi tháng chỉ để duy trì mức sống hiện tại. Họ không thể đi làm những thứ họ quan tâm, những thứ họ thực sự muốn làm; và điều này dường như là một bi kịch lớn chẳng kém bất cứ vấn đề nào của thất bại.
Và sau đó, vấn đề lớn nhất của thành công là thế giới sẽ âm mưu khiến bạn dừng làm những việc bạn đang làm, bởi bạn đang thành công. Đã có một ngày, tôi nhìn lên và nhận ra rằng mình đã trở thành một người phản hồi email chuyên nghiệp và viết lách như một sở thích. Tôi bắt đầu trả lời email ít hơn và nhẹ cả gánh khi thấy bản thân viết nhiều hơn.
Thứ tư, Tôi mong rằng bạn sẽ mắc lỗi. Nếu bạn đang mắc lỗi, nghĩa là bạn đang làm gì đó ngoài kia. Và tự thân những sai lầm có thể hữu ích. Tôi từng đánh vần sai Caroline trong một lá thư, hoán đổi chữ A và chữ O, và tôi nghĩ, “Coraline trông giống một cái tên thật hơn…”
Và nhớ rằng bất kể bạn đặt ra kỷ luật thế nào, dù bạn là một nhạc sĩ hay một nhiếp ảnh gia hoặc một nhà làm phim hoạt hình, một nhà văn, một vũ công, một nhà thiết kế, bất kể bạn làm gì bạn đều có một thứ khiến bạn trở nên độc đáo. Bạn có khả năng làm nghệ thuật.
Và đối với tôi, đối với nhiều người tôi quen biết, đó giống như một phao cứu sinh. Chiếc phao cứu sinh thượng hạng. Nó đưa bạn đi qua những thời kỳ gian khổ và đưa bạn đi qua cả những thời kỳ êm xuôi.
Cuộc sống đôi khi khốn khó. Mọi thứ trật lất, cả trong cuộc sống và tình yêu, trong kinh doanh, bạn bè rồi tới sức khoẻ và theo mọi cách khác. Và khi mọi thứ trở nên khó khăn, đây là điều bạn nên làm.
Thứ năm, khi bạn đã ở trong hàng ngũ những người làm nghệ thuật rồi thì, hãy tạo ra nghệ thuật của riêng bạn. Làm những thứ chỉ bạn có thể làm.
Ở giai đoạn khởi đầu, bạn bị thúc ép bởi việc sao chép. Điều này không hề xấu. Hầu hết chúng ta chỉ tìm thấy giọng nói của chính mình sau khi từng nghe giống giọng rất nhiều người khác. Nhưng có một thứ của bạn mà không ai khác có, chính là bản thân bạn. Giọng nói của bạn, tâm trí của bạn, câu chuyện của bạn, tầm nhìn của bạn. Vì vậy, hãy viết, vẽ, xây dựng, vui chơi, nhảy múa và sống theo cách mà chỉ bạn mới có thể.
Khoảnh khắc mà bạn thấy rằng, rất có thể, bạn đang khoả thân bước xuống phố, phô bày quá nhiều trái tim, tâm trí của bạn và những gì tồn tại bên trong, phô bày quá nhiều con người bạn. Đó là khoảnh khắc bạn bắt đầu hiểu đúng vấn đề.
[...]
Thứ sáu, Tôi sẽ truyền lại một vài bí quyết về freelancer. Bí quyết thì luôn hữu ích. Và nó tỏ ra hữu ích với bất cứ ai từng dự tính làm nghệ thuật cho người khác, để thâm nhập vào thế giới freelance ở bất cứ dạng thức nào. Tôi đã học được nó ở truyện tranh, nhưng nó có thể được áp dụng với nhiều lĩnh vực khác. Và nó đây:
Người ta được thuê bởi, bằng cách nào đó, họ được thuê. Trong trường hợp của tôi, tôi đã làm một chuyện rất dễ gây lùm xùm vào ngày nay. Nhưng vào lúc tôi bắt đầu sự nghiệp, thời chưa có Internet, đó dường như là một chiến lược nghề nghiệp hợp lý: khi được hỏi bởi biên tập viên rằng tôi từng làm việc cho ai, tôi đã chém gió.
Tôi đã liệt kê hàng dài những tạp chí nghe thật kêu, và tôi có vẻ cũng tự tin, thế là tôi được nhận vào làm. Sau đó, tôi cảm thấy vinh dự khi được viết gì đó cho mỗi tạp chí mà tôi từng liệt kê để có được công việc đầu tiên đó, để tôi không thực sự chém gió, tôi chỉ thách thức trật tự thời gian. Dù sao đi nữa thì ta vẫn đã được nhận.
Người ta tiếp tục làm việc ở thế giới freelance, và thế giới ngày nay càng trở nên tự do, bởi tác phẩm của họ tốt, và bởi họ dễ làm việc cùng, và bởi họ hoàn thành đúng hạn. Và bạn thậm chí chẳng cần đáp ứng cả ba. Hai trong ba là ổn. Người ta sẽ chịu đựng bất kể bạn khó chịu ra sao miễn là tác phẩm của bạn ổn áp và bạn hoàn thành đúng hạn. Họ sẽ tha thứ sự chậm trễ trong công việc của bạn nếu nó ổn áp, và nếu họ ưa bạn. Và bạn không cần phải cạnh tranh để tác phẩm của bạn tốt như những kẻ khác nếu bạn đúng giờ và người ta luôn hứng khởi khi nghe tin bạn.
Khi tôi đồng ý đưa ra bài diễn văn này, tôi bắt đầu cố nghĩ xem lời khuyên tốt nhất mà tôi từng nhận được trong nhiều năm qua là gì.
Và nó đến từ Stephen King vào hai mươi năm trước, lúc tôi đang ở đỉnh cao thành công với cuốn Sandman. Tôi đang viết một loạt truyện tranh được công chúng yêu thích và coi trọng. King thích Sandman và cuốn tiểu thuyết của tôi với Terry Pratchett, Good Omens, và ông ấy thấy sự điên rồ, những dòng ký kết dằng dặc, và lời khuyên của ông ấy là thế này:
“Điều này thực sự tuyệt vời. Anh nên tận hưởng nó.”
Và tôi đã không làm vậy. Lời khuyên tốt nhất tôi từng nhận nhưng tôi lại ngó lơ. Thay vào đó tôi lo lắng về nó. Tôi lo lắng về thời hạn tiếp theo, ý tưởng tiếp theo, câu chuyện tiếp theo. Không có khoảnh khắc nào trong mười bốn hay mười lăm năm tới mà tôi ngừng viết hoặc đắn đo về nó. Và tôi không dừng lại để nhìn quanh rồi thấy, điều này thực sự rất tuyệt. Tôi ước tôi thích nó nhiều hơn. Đó là một chuyến đi tuyệt vời. Nhưng có những phần của chuyến đi mà tôi đã bỏ lỡ, vì tôi cứ nơm nớp về những chuyện không ổn, về những gì sắp xảy ra, nên không thể tận hưởng trọn vẹn con đường mình đang đi.
Tôi nghĩ đó là bài học khó nhất với tôi: buông bỏ và tận hưởng chuyến đi, bởi, chuyến đi sẽ đưa bạn đến những nơi đáng chú ý và bất ngờ.
[...]
Gần đây có người hỏi tôi cách làm điều gì đó mà cô ấy nghĩ sẽ khó khăn, trong trường hợp này là ghi âm một cuốn sách nói, và tôi đề xuất rằng cô nên giả vờ rằng cô là người có thể làm được điều đó. Không phải giả vờ làm điều đó mà giả vờ như cô là người có thể xử đẹp chuyện này. Cô ấy dán một tờ ghi chú về lời khuyên này lên tường và nói rằng nó rất hữu ích.
Do vậy, hãy khôn ngoan, vì thế giới cần nhiều sáng suốt hơn, và nếu bạn không thể khôn ngoan, hãy giả vờ là một người khôn ngoan, rồi sau đó cứ cư xử như họ.
Và bây giờ hãy đi phạm những lỗi lầm thú vị, mắc những sai lầm siêu đẳng, mắc những sai lầm đầy vinh quang và tuyệt vời. Phá vỡ các quy tắc. Hãy để thế giới này trở nên thú vị hơn với sự hiện diện của bạn. Làm nghệ thuật tốt.
Yêu thích bài viết này? Xem thêm nhé!
#1. Jack London và 4 Thứ Tuyệt Vời Nhất Cuộc Đời Người Sáng Tạo
#2. Neil Gaiman, Ông Lấy Ý Tưởng Của Mình Từ Đâu?
#3. Học Được Gì Từ Thói Quen Làm Việc Của Các Thiên Tài Sáng Tạo?