Hãy tạo ra những thứ không nên hồn trước. 

Trong cuốn sách Art & Fear của tác giả David Bayles và Ted Orland, họ kể một câu chuyện rất thú vị về chủ nghĩa hoàn hảo như sau. 

Một giáo viên gốm sứ vào ngày khai giảng chia lớp học làm hai nhóm. Tất cả những người ở phía bên trái của xưởng, ông nói, sẽ chỉ được chấm điểm dựa trên số lượng tác phẩm họ tạo ra, còn những người ở bên phải chỉ dựa trên chất lượng của nó.

Theo đó, nhóm số lượng sẽ phải làm ra càng nhiều nồi gốm càng tốt, còn nhóm chất lượng chỉ cần làm duy nhất một nồi hoàn hảo - để nhận điểm tuyệt đối. Thời gian chấm điểm đã đến và kết quả được công bố cho thấy các tác phẩm có chất lượng cao nhất đều được sản xuất bởi nhóm số lượng. 

Có vẻ như trong khi nhóm số lượng còn đang ngập cổ trong công việc, học hỏi từ những sản phẩm lỗi trước đó, thì nhóm chất lượng lại ngồi tỉ mẩn nghiên cứu lý thuyết cho một cái nồi hoàn hảo, để rồi cay đắng nhận ra sự hoàn hảo chỉ đến thông qua luyện tập. 

Luyện tập chính là khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Bạn càng luyện tập nhiều, khoảng cách đó càng được thu hẹp. Bạn còn nhớ cái hồi tập viết theo chữ có sẵn trong sách giáo khoa chứ? Bạn dường như không bao giờ viết đẹp được như mẫu cả, nhưng qua nhiều giờ luyện viết, con chữ của bạn sẽ trở nên tròn trịa, mềm mại hơn, rồi tới một ngày bạn có thể tự tin viết theo nét chữ của chính mình. 

Việc những sinh viên trong nhóm chất lượng bỏ thời gian để tìm tòi công thức cho một chiếc nồi hoàn hảo cũng giống như bắt chước viết theo nét chữ của người khác. Bất kể bản sao có giống bản gốc tới đâu thì nó vẫn chỉ là sản phẩm đạo nhái, vì chính chủ không thực sự tạo ra chúng. Nếu không có khuôn mẫu để noi theo, những người này sẽ không thể tạo ra gì nên hồn cả. 

Nếu muốn tạo ra những thứ nên hồn, chúng ta phải chấp nhận tạo ra những thứ không ra gì trước. Những lần thử và sai tạo nên lưu lượng, trong khi những bài học đọng lại là trữ lượng. 

“Trữ lượng và lưu lượng” là khái niệm kinh tế được nhà văn Robin Sloan sử dụng như một ẩn dụ cho truyền thông đại chúng: “Lưu lượng là những bài viết mới trên các trang mạng xã hội. Đó là luồng thông tin cập nhật hằng ngày, hằng giờ để nhắc nhở mọi người rằng bạn vẫn đang tồn tại.

Trữ lượng, ngược lại, là giá trị lâu bền. Nghĩa là nội dung bạn tạo ra hôm nay vẫn phải thu hút được công chúng trong hai tháng (hoặc hai năm) tới. Đó là những gì mọi người phát hiện thông qua tìm kiếm. Đó là thứ sẽ phát tán rộng rãi nhưng ổn định, và theo thời gian bạn sẽ thu hút được một khối lượng khán giả.” Sloan gợi ý công thức thần kỳ là đảm bảo lưu lượng trong khi tập trung vào trữ lượng ở phía sau. 

Theo Austin Kleon, một cây viết sáng tạo nổi tiếng với cuốn sách bán chạy Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng, cách dễ nhất để phát triển trữ lượng là sưu tầm, tổ chức và mở rộng lưu lượng. Nó giống như mối quan hệ giữa chất và lượng. Đủ lượng thì chất mới thay đổi. 

Và bạn nhân rộng lưu lượng bằng cách nào? 

Tận dụng mạng xã hội. Chúng giống như sổ ghi chép công cộng vậy – đó là nơi chúng ta biểu đạt suy nghĩ của mình, để người khác đáp trả bằng những suy nghĩ của họ, và ta hy vọng sẽ nghĩ ra thêm được điều gì đó. 

Tuy nhiên, để sổ ghi chép phát huy tác dụng, bạn phải đọc lại nó. Bạn phải nhìn lại quá khứ để biết bạn đã nghĩ gì. “Một khi coi chia sẻ là một phần của công việc hằng ngày, bạn sẽ để ý thấy những đề tài và xu hướng dần xuất hiện trong các bài chia sẻ của bạn,” Kleon viết. “Bạn sẽ tìm thấy những hình mẫu trong lưu lượng.” 

Khi phát hiện ra những hình mẫu này, hãy nhặt nhạnh từng mảnh nhỏ đó, đổ chúng vào chung một nồi và biến chúng thành thứ gì đó lớn lao, quan trọng hơn. Bằng cách đó, bạn có thể biến lưu lượng thành trữ lượng. 

Người ta kể lại rằng, Leo Tolstoy sinh thời vốn thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng thường ngồi lê la hàng giờ nghe những nông dân kể chuyện. Một hôm, ông nghe được một cựu chiến binh kể một câu chuyện rất lý thú, đúc ra từ chính trải nghiệm của anh ta. “Tôi có thể viết về điều anh vừa kể không?” Tolstoy hỏi. Và như vậy, viên gạch đầu tiên tạo nên pho tiểu thuyết trường thiên Chiến tranh và Hòa bình đã được đặt xuống. 

Giống như câu chuyện về Leo Tolstoy, rất nhiều ý tưởng hay ho trong cuốn sách bạn đọc thực chất ban đầu chỉ là những suy nghĩ vụn vặt tách rời nhau, rồi nhà văn lấy bút ra và ghi chúng lại. Dần dà, những dòng ghi chú đó trở thành nguyên liệu để y sáng tác nên từng chương sách.

Vì vậy, hãy cố gắng ghi chú lại những ý tưởng bất chợt, hoặc cả những thứ mà bạn vô tình đọc, xem hay nghe được trong ngày. Khi bí ý tưởng, lướt Google cả ngày có thể chẳng thấy cảm hứng đâu, nhưng những nét ghi chú nguệch ngoạc kia sẽ giúp ích đấy. 

Bài học ở đây rất đơn giản. Nếu được tích tụ theo thời gian, những thứ nhỏ nhặt sẽ trở nên lớn lao.