Một loài ký sinh thông minh không giết chết vật chủ của nó. Nó có thể làm vật chủ suy kiệt, nhưng không bao giờ được tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình. Đó là một quy tắc phản ánh một hiện tượng trong thế giới kinh doanh và quản lý, được gọi là Nguyên tắc Shirky. 

Nguyên tắc Shirky được đặt tên theo nhà văn Clay Shirky, và ý tưởng cốt lõi của nó chỉ đơn giản là: các tổ chức sẽ cố gắng duy trì vấn đề mà họ là giải pháp. Nói cách khác, các tổ chức, giống như loài kí sinh, phải cẩn thận để không loại trừ hoàn toàn vấn đề khiến khách hàng phải tìm tới họ. 

Nguyên tắc Shirky là gì? 

Nguyên tắc Shirky hiện diện ở mọi nơi. Thợ sửa xe rải đinh ra đường để khiến xe bạn thủng lốp. Bác sĩ thì luôn kê cho bạn liều thuốc 5 ngày thay vì 3 ngày, như thể muốn bạn ốm lâu hơn vậy. Anh thợ hớt tóc thì mong tóc bạn nhanh dài, người bán giày thì mong giày bạn nhanh hỏng,... 

Ngoài ra, Nguyên tắc Shirky cũng có thể áp dụng cho các thực thể không phải tổ chức. Ví dụ, một nhân viên phụ trách một quy trình nhất định tại nơi làm việc có thể kiên quyết phản bác đề xuất tự động hóa quy trình để đảm bảo họ vẫn cần thiết với bộ máy công ty. 

Một sự việc tương tự xảy ra vào khoảng năm 1902 tại Hà Nội, dưới thời Pháp thuộc, khi quan chức Pháp tìm cách giảm số lượng chuột trong thành phố. Họ kêu gọi công dân, trả tiền thưởng cho mỗi chiếc đuôi chuột được đem tới chính quyền. Bất chấp diễn biến có vẻ khởi sắc ở giai đoạn đầu, họ dần thấy ngờ ngợ: có nhiều con chuột không đuổi lởn vởn trên hè phố. 

Mọi chuyện còn tệ hơn nữa khi thanh tra y tế phát hiện ở ngoại ô Hà Nội, có nhiều người dân thực sự đang nuôi chuột để săn tiền thưởng. Cuối cùng, những nỗ lực tưởng chừng tốt nhất để tiêu diệt chuột của chính quyền Pháp lại gián tiếp khuyến khích việc nuôi chuột. 

Mafia bóng đèn 

Vào nửa đầu thế kỷ 20, Phoebus Cartel là tập đoàn sản xuất bóng đèn lớn nhất thế giới. 

Phoebus Cartel được thành lập vào năm 1924 bởi các nhà sản xuất bóng đèn hàng đầu thời bấy giờ, bao gồm Osram, Philips và General Electric, với mục đích chính là kiểm soát thị trường bóng đèn và tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc giới hạn tuổi thọ của bóng đèn, giữ nó ở khoảng 1000 giờ.

Mục tiêu của họ là loại bỏ cạnh tranh bằng cách thiết lập tiêu chuẩn công nghiệp để rút ngắn vòng đời của sản phẩm, từ đó buộc người tiêu dùng phải mua bóng đèn mới thường xuyên hơn. Điều này được coi là một ví dụ điển hình của "kế hoạch hóa sự lỗi thời", một chiến lược kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm với tuổi thọ có hạn để kích thích nhu cầu thay thế.

Tương tự, vào năm 2017, một vụ kiện của Pháp đã được đưa ra để chống lại các công ty máy in Epson, HP, Canon và Brother, cáo buộc rằng các công ty này đã cố tình thiết kế máy in của họ hiển thị các tín hiệu sai để nhắc nhở khách hàng rằng các thành phần của máy in sắp hết hạn. 

Nhưng thường thì đây không phải là điều đang xảy ra với công nghệ. Apple đâu có thiết kế iPhone của họ với tuổi thọ ngắn để bạn phải liên tục lên đời. Với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin, việc các mẫu máy cũ không theo kịp các phần mềm và ứng dụng mới là điều tất yếu. 

Những chiếc iPhone đời đầu hoạt động trơn tru trên hệ điều hành iOS cơ bản, và nếu bạn không cần thao tác nhiều, một chiếc iPhone 6 là quá đủ. Nhưng khi các ứng dụng nặng hơn, nhiều thú vui hơn, mọi thứ tiên tiến hơn, chiếc điện thoại thông minh 16GB của bạn cơ bản là không thể chịu đựng được. 

Về cơ bản, Apple vẫn tuân thủ lằn ranh của Nguyên tắc Shirky, nhưng họ không chơi trò giới hạn tuổi thọ như Phoebus Cartel từng làm. Họ khiến khách hàng khao khát sản phẩm của công ty, và các sản phẩm mới của Apple bao giờ cũng được săn đón.

Cách tư bản hoạt động 

Điều thú vị về Nguyên tắc Shirky là nó nêu bật các cơ chế hoạt động của chủ nghĩa tư bản. 

Một mặt, Nguyên tắc Shirky xoay quanh mối quan hệ cung - cầu. Nếu có nhiều người muốn mua sản phẩm của bạn, bạn có thể áp giá cao. Vì vậy, nếu bạn là giám đốc điều hành của Apple, việc để iPhone đơ lác sau vài năm là điều hợp lý. Rốt cuộc, khi chiếc iPhone của bạn không còn mượt mà, nữa thì bạn phải mua điện thoại mới. Và thường thì những người đã dùng iPhone sẽ tiếp tục dùng iPhone (chúng ta sẽ không bàn tới lý do tại sao vì dung lượng một bài blog là không đủ). Điều quan trọng là, nếu Apple thiết kế iPhone tới độ tinh xảo, bền bỉ, biến nó thành một sản phẩm truyền từ đời cha sang đời con, Apple sẽ không phải là công ty lớn nhất thế giới.

Vì vậy, Nguyên tắc Shirky nói về việc tuân thủ một lằn ranh trong kinh doanh. Các công ty muốn kiếm được nhiều lợi nhuận cần có người tiêu dùng. Và cách tốt nhất là tạo ra những sản phẩm mà mọi người cần (hoặc muốn) mua đi mua lại. Các công ty có thể tạo ra hoặc duy trì những vấn đề mà họ là người cung cấp giải pháp, từ đó tạo ra một chu kỳ phụ thuộc mà khách hàng khó có thể thoát ra. Điều này thúc đẩy một mô hình kinh doanh "tạo nhu cầu, bán giải pháp" thay vì chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu tự nhiên. 

Như vậy, mặc dù kinh tế tư bản thường được ca ngợi là thúc đẩy sự đổi mới, nhưng Nguyên tắc Shirky cho thấy một khía cạnh mà ở đó sự đổi mới có thể bị ức chế nếu nó đe dọa đến lợi ích của các tổ chức hiện hữu. Các tổ chức và doanh nghiệp có thể sẽ không bao giờ giải quyết triệt để các vấn đề (dù họ có thể) nếu việc đó làm giảm giá trị của giải pháp họ cung cấp. 

Tránh “bẫy Shirky” 

Vì là người tiêu dùng, chúng ta thường suy nghĩ từ phía cầu. Tuy nhiên, hãy thử lật ngược vấn đề và thử suy nghĩ mọi thứ từ phía cung, với ba lời khuyên thiết thực dưới đây: 

Hãy tỉnh táo. Ví dụ, bạn cần giảm cân, và bạn đăng ký một khóa học 10 triệu, tập riêng với PT. Khóa học kết thúc, bạn đã giảm xuống số cân nặng mong muốn, vậy còn lý do gì để tiếp tục? PT sẽ tiếp tục mồi chài bạn, liệt kê ra một vài lý do, nhưng hãy dừng lại mà nghĩ xem chúng có thực sự hệ trọng tới thế không. Hoặc giả sử, nếu bạn thường ngày chỉ sử dụng điện thoại để chuyển khoản và nghe điện thoại của shipper, bạn có thực sự cần một chiếc điện thoại mới không? 

Hãy sáng suốt. Mọi người thường thuyết phục bạn mua những thứ mà bạn thực sự không cần. Bạn sẽ trải qua điều này khi đem xe máy đi bảo dưỡng. Người sửa xe sẽ nói xe bạn cần thay cái này cái kia, và nếu bạn nhẹ dạ, biên lai sẽ vượt xa dự tính ban đầu. Điều mà tôi thường làm là từ chối trước, sau đó về nhà hỏi ý kiến của những người có chuyên môn. Suy cho cùng thì bạn vẫn trì hoãn suốt đó thôi, tại sao ta không trì hoãn cái thói tiêu xài vô tổ chức nhỉ? 

Hãy tự giáo dục bản thân. Nói tới việc mua đồ, thật khó để thoát khỏi các nỗ lực marketing để tìm ra thứ gì thực sự tốt. Nhưng vẫn có những cộng đồng dành cho người tiêu dùng, ở đó chứa những đánh giá sản phẩm chân thật, dẫn bạn đi đúng hướng. Nói chung là, bạn nên đọc phản hồi do người khác viết chứ không phải chính người bán viết. Ngoài ra, hãy cân nhắc các diễn đàn thảo luận, vì thường là họ không cố gắng bán gì cả. Họ chỉ muốn giúp đỡ bạn. 

Tham khảo: Big Think, Effectiviology