Trong bài viết này, hãy cùng xem cách Garry Kasparov, huyền thoại cờ vua thế giới, vượt qua sự lo lắng khi thi đấu, cùng một vài mẹo để xây dựng sự tự tin mà bạn có thể áp dụng được ngay nhé. 

Garry Kasparov trở thành nhà vô địch cờ vua thế giới trẻ nhất vào năm 22 tuổi, và từ năm đó tới khi giải nghệ vào năm 2005, ông luôn xếp hạng 1 cờ vua thế giới.

Garry Kasparov và đối thủ truyền kiếp của ông, Anatoly Karpov—hai trong số những kiện tướng vĩ đại nhất mọi thời đại—đã yên vị tại chỗ ngồi được xếp sẵn cho từng người. Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1990 sắp khởi tranh. 

Hai kỳ thủ sẽ chơi 24 ván để tìm ra nhà vô địch cờ vua thế giới. Tổng cộng, giải đấu sẽ kéo dài ba tháng, 12 trận đầu diễn ra ở New York và 12 trận sau diễn ra ở Lyon, Pháp. Kasparov khởi đầu tốt nhưng sớm mắc sai lầm. Anh để thua ván thứ bảy và để vuột mất nhiều cơ hội. Sau 12 ván đầu tiên, hai kiện tướng rời New York với tỷ số hòa 6-6. Tờ New York Times giật tít rằng “Kasparov đánh mất tự tin và trở nên lo lắng tại New York.” 

Kasparov chơi cờ kiểu Kasparov

Josh Waitzkin là thần đồng cờ vua và đã giành được nhiều giải vô địch cờ vua trẻ Hoa Kỳ trước khi bước sang trung học. Trên đường du dấu, Waitzkin và cha anh đã có cơ hội gặp gỡ Garry Kasparov và họ cùng thảo luận về cờ vua. 

Waitzkin đã chia sẻ câu chuyện ấy trong cuốn sách của anh, The Art of Learning, như sau: 

“Kasparov là một kỳ thủ cờ vua hung hãn, mạnh mẽ nhờ nghị lực và sự tự tin… Có một thời điểm, sau khi Kasparov để thua một trận đấu quan trọng và cảm thấy ủ dột, cha tôi đã hỏi Garry rằng ông sẽ xử lý tình trạng này như thế nào, trong trận đấu sắp tới. Garry đáp rằng ông ấy sẽ cố gắng chơi những nước cờ mà ông ấy sẽ chơi khi cảm thấy tự tin. Ông ấy sẽ giả vờ tự tin để kích hoạt trạng thái tự tin. 

Garry Kasparov, người thống trị cờ vua thế giới trong hai thập kỷ 

Kasparov là một kẻ bắt nạt. Mọi người trong thế giới cờ vua đều bị ông ấy át vía, và ông ấy đã tồn tại dựa vào thực tế đó. Nếu Garry nổi giận trên bàn cờ, đối thủ sẽ héo úa. Vì vậy, nếu Garry cảm thấy tồi tệ nhưng lại ưỡn ngực, đi những nước cờ hung hãn và cho đối thủ thấy rằng ông đang rất tự tin, thì đối thủ bắt đầu dè chừng. Từng bước một, Garry sẽ đi các nước cờ của mình, cho đến khi sự tự tin giả mạo trở thành hiện thực và ông ấy sẽ nhanh chóng vào guồng… 

Ông ấy không hề giả tạo. Garry đang nhập cuộc bằng cách chơi thứ cờ của Kasparov.” 

Bước vào hiệp hai của Giải vô địch cờ vua thế giới ở Lyon, Pháp, Kasparov buộc mình phải chơi lấn lướt đối thủ. Ông có khởi đầu thuận lợi khi giành chiến thắng ở ván thứ 16. Như diều gặp gió, ông chơi trên cơ và giành được chiến thắng quyết định ở các ván đấu 18 và 20. Khi kết quả đã ngã ngũ, Kasparov chỉ để thua hai trong số 12 ván và thành công bảo vệ danh hiệu Nhà vô địch Cờ vua Thế giới. 

Ông sẽ nắm giữ danh hiệu đó thêm 10 năm nữa. 

Nghệ thuật giả vờ

“Hãy khôn ngoan, vì thế giới cần nhiều trí tuệ hơn, và nếu bạn không thể khôn ngoan, hãy giả vờ là một người khôn ngoan, rồi sau đó cứ cư xử như họ.” 

—Neil Gaiman 

 

Tất cả chúng ta đều quen những người thế này: “ông vua phòng tập”, tập luyện thì như rồng như hổ nhưng “tàng hình” khi bước vào trận đấu thực, hoặc một người ở chốn thân quen mồm mép tép nhảy nhưng thẹn thùng như trinh nữ khi phải thuyết trình trước đám đông. 

Theo nhiều cách, chúng ta thừa nhận mối liên hệ giữa sức mạnh tinh thần và hiệu suất thể hiện. Kiến thức, kỹ năng, trình độ,... chỉ là điều kiện cần – còn ý chí là điều kiện đủ. Bất kể ta giỏi ra sao, kỹ năng lão luyện thế nào, mọi sự sẽ tan tành nếu tâm lý yếu, nếu tâm trí ta không đủ vững, và ý chí thì mềm như bún. 

Như vậy, quan niệm phổ biến nhất được thừa nhận là: Sự tự tin bị ảnh hưởng bởi tâm lý. Hầu hết mọi người cũng đồng tình rằng con đường ngắn nhất để băng qua rào cản tâm lý là kinh nghiệm. Đơn giản, nếu bạn muốn chân tay không rụng rời khi phải cầm mic trước đám đông, bạn chỉ cần diễn thuyết thật nhiều. Nếu muốn thi đấu không bị “cóng”, chỉ cần thi đấu nhiều lên. 

Tuy nhiên, thái độ dựa dẫm vào kinh nghiệm không mang tính tuyệt đối, bởi như trường hợp của Kasparov, dù là một kiện tướng lão làng, khi thua cuộc, ông ấy vẫn mất định hướng như người bình thường. Nhưng điều khiến Kasparov khác biệt là ông ấy không chỉ thành thật thừa nhận mình tâm lý mà còn quỷ quyệt tới mức biết cách để đánh lừa tâm trí và đối thủ. Có lẽ sự khác biệt giữa bậc thầy và kẻ nghiệp dư là bậc thầy biết che giấu sự sợ hãi còn kẻ nghiệp dư thì không. 

Và bởi vậy, trái với quan niệm thông thường, sự tự tin thường là kết quả của màn thể hiện của bạn. Nói cách khác, mối liên hệ giữa tâm trí và hiệu suất không phải con đường một chiều mà là hai chiều: tâm trí vững chắc tạo bàn đạp cho thể chất và ngược lại, thể chất ổn định củng cố ý chí. Đây là lý do tại sao thủ thuật “fake it till you make it” của Kasparov lại phát huy tác dụng, và các mẹo mực giúp duy trì sự tự tin khi thuyết trình như ngẩng cao đầu, hít thở sâu… không hề sáo rỗng. 

Amy Cuddy lấy dẫn chứng nhiều trường hợp trong thể thao để củng cố lập luận của mình. 

Trong bài diễn thuyết TED Talk nổi tiếng của mình, Amy Cuddy, một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể tại Harvard, đã lập luận rằng cơ thể và tư thế ảnh hưởng đáng kể đến việc giải phóng một số loại hormone ảnh hưởng đến sự tự tin của chúng ta. Kết quả thí nghiệm của Amy cho thấy các đối tượng nghiên cứu đã trải qua những thay đổi sinh học thực tế trong nhiệm vụ “giả vờ tự tin”, bao gồm tăng mức testosterone (ảnh hưởng tới sự tự tin) và giảm mức cortisol (ảnh hưởng tới sự căng thẳng và lo lắng). 

Điểm mấu chốt trong nghiên cứu của Amy là sự tự tin không đơn thuần là trạng thái tinh thần bên trong. Đó là sự tương tác qua lại giữa tâm trí và cơ thể. Thông qua ngôn ngữ cơ thể tích cực và có chủ ý, ta có thể thay đổi cách ta tự nhìn nhận mình, cách người khác nhìn nhận ta, và, cách ta đối mặt với những thách thức cũng như cơ hội mà cuộc sống đem lại. 

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể “fake it till you make it”. 

Biên dịch từ bài viết gốc của tác giả James Clear.