William Faulkner là một trong những nhà văn Mỹ tài năng nhất mà nước Mỹ từng sản sinh ra, với một giọng văn “không lẫn đi đâu được” và một trí thông minh không ngơi nghỉ, thứ đã giúp ông giành giải Nobel Văn học ở tuổi 52—chưa kể đến hai giải Pulitzer, hai giải Sách Quốc gia, và sự tôn sùng của vô số độc giả.
Ông là một số ít những nhà văn bạn có thể đọc đi đọc lại mà vẫn không hiểu ông đã viết kiểu gì—như thể câu chữ đến với ông nhẹ như không, và cây bút ông cầm là đũa thần. Nhưng điều đó không ngăn cản ta cố gắng học hỏi từ thiên tài.
Sinh thời, Faulkner là người khá kín tiếng, ghét phỏng vấn, nhưng ông đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong các buổi giảng dạy tại Đại học Virginia. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng khám phá các lời khuyên của ông về viết lách và cuộc sống của một nhà văn nhé.
Về trường học tốt nhất cho người viết:
“Đọc, đọc, đọc. Đọc mọi thứ—rác rưởi, kinh điển, hay và dở; xem họ làm như thế nào. Khi một gã thợ mộc học nghề, y học bằng cách quan sát. Đọc! Bạn sẽ tiếp thu nó. Viết. Nếu đủ tốt, bạn sẽ tìm ra. Nếu không, quẳng nó ra ngoài cửa sổ.”
Về tiền:
“Đừng biến viết thành công việc. Kiếm một việc khác để bạn có tiền mua những thứ mình muốn. Đừng quan trọng hóa nó, miễn là việc viết của bạn không bị phụ thuộc vào tiền nong và không có thời hạn nào cả. Bạn sẽ tìm ra khối thời giờ để viết, bất kể công việc có bận bịu ra sao. Tôi chưa gặp một ai không tìm đủ thời gian để viết ra những thứ y muốn.”
Về việc viết lách:
“Cứ nghiệp dư thôi. Bạn không viết vì tiền mà vì niềm vui. Nó nên vui. Và nó nên thú vị. Có lẽ không phải trong lúc viết mà sau khi viết xong, bạn sẽ cảm thấy một niềm phấn hứng, một đam mê. Đó không phải là cảm thấy tự hào, ngồi đó tự mãn về những gì bạn đã làm. Nó nghĩa là bạn đã làm tốt nhất trong khả năng của mình. Lần tới sẽ còn tốt hơn nữa.”
Về việc lúc nào nên dừng lại:
“Quy tắc duy nhất tôi có là bỏ ngang khi nó vẫn nóng hổi. Đừng viết tới mức kiệt sức. Luôn dừng lại khi câu chữ đang trơn tru. Vậy thì việc viết tiếp vào hôm tới sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn tự vắt kiệt mình, bạn sẽ đứt gánh giữa đường.”
Về cảm hứng:
“Bạn luôn có thể tìm thấy thời gian để viết. Bất cứ ai nói y không thể đang núp dưới sự giả dối. Đừng chờ đợi. Khi cảm hứng ập đến, viết nó xuống. Đừng trì hoãn tới khi bạn có nhiều thời gian hơn rồi lại cố gắng bắt lại mạch cảm xúc và thêm vào những hoa văn trang trí. Bạn không bao giờ có thể lấy lại sự sống động của cái ấn tượng đầu tiên ấy.”
Về những gì một nhà văn cần:
“Môi trường duy nhất mà người nghệ sĩ cần là bất cứ sự yên tĩnh nào, bất cứ sự cô đơn nào, và bất cứ niềm vui thú y có thể sở hữu với giá không quá cao. Tất cả những môi trường sai lệch sẽ khiến huyết áp của y tăng lên; y sẽ dành nhiều thời gian hơn để bực bội hoặc giận dữ. Kinh nghiệm của riêng tôi đã cho thấy rằng những công cụ tôi cần gồm giấy, thuốc lá, đồ ăn, và một ít rượu whiskey.”
Về hộp đồ nghề của người viết:
“Một nhà văn cần ba thứ, kinh nghiệm, mắt quan sát, và óc tưởng tượng—bất kỳ hai trong số đó, hoặc đôi khi là một—có thể bổ khuyết những cái còn lại.”
Về kỹ thuật viết:
“Không có cách máy móc nào để viết cả, không có đường tắt. Nhà văn trẻ sẽ tự biến mình thành kẻ ngốc nếu rập khuôn vào một lý thuyết. Hãy tự dạy mình bằng sai lầm; mọi người chỉ có thể học đi bằng cách vấp ngã. Nghệ sĩ giỏi tin rằng không ai đủ giỏi để cho y lời khuyên. Y có sự tự mãn tối cao. Dù có ngưỡng mộ nhà văn cũ tới đâu thì y vẫn muốn đánh bại ông ta.”
Về phong cách:
“Tôi không phát triển phong cách của mình. Tôi coi phong cách là một trong những đồ nghề thủ công, và bất cứ ai dành quá nhiều thời gian bận tâm về phong cách, phát triển một phong cách, hoặc theo đuổi một phong cách, có thể sẽ không có nhiều điều để nói, cũng như không hiểu rõ nó và sợ hãi nó, vậy là cái phong cách của y thật lỗng lẫy nhưng không chứa đựng ý nghĩa gì sâu sắc. Y trở thành Walter Pater, đẹp đẽ nhưng rỗng tuếch. Câu chuyện bạn đang kể sẽ quyết định phong cách của nó, và một phong cách có thể tốt vào hôm nay và một phong cách khác sẽ tốt cho ngày mai. Và giống như một người thợ mộc lành nghề, một người nên có khả năng linh hoạt đó – có thể gần như là bắt chước…. nhưng tôi nghĩ rằng phong cách là thứ cấp.”
Về tiêu đề:
“Càng ngắn càng tốt.”
Về thất bại:
“Với tôi, nếu tôi có thể viết lại tất cả các tác phẩm của mình lần nữa, tôi tin tôi sẽ viết tốt hơn thế, đó là trạng thái lành mạnh nhất với một nghệ sĩ. Đó là lý do y tiếp tục làm việc, tiếp tục nỗ lực; y tin rằng lần này y sẽ làm được, sẽ thành công. Tất nhiên là y sẽ không, đó là lý do tại sao tình trạng ấy lại lành mạnh. Một khi đã làm được rồi, một khi công việc của y khớp với lý tưởng của y, khát vọng sẽ lụi tàn, chẳng còn gì sót lại ngoại trừ việc cắt cổ, nhảy khỏi đỉnh cao của sự toàn mỹ để tự sát. Tôi là một nhà thơ thất bại. Có lẽ mọi tiểu thuyết gia đều muốn làm thơ trước, thấy rằng y không thể, và rồi thử sức truyện ngắn, có lẽ là thể loại đòi khỏi khắt khe nhất sau thơ. Và, thất bại ở đó, chỉ khi ấy y mới bắt đầu viết tiểu thuyết.”
Vài nét về tiểu sử William Faulkner
Sinh năm 1897 tại New Albany, Mississippi, địa danh trở thành nguồn cảm hứng cho phần lớn tác phẩm của ông sau này, Faulkner sớm hình thành một niềm đam mê vô tận với sách và đã tập viết từ rất sớm. Là con cả trong một gia đình sa sút, đến năm mười bảy, Faulkner bỏ học để vào làm việc trong ngân hàng của ông nội.
Năm 21 tuổi, ông xung phong nhập ngũ nhưng bị đánh trượt vì vóc người thấp bé. Trong thời gian xảy ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Faulkner ghi tên vào Học viện Không quân ở Toronto (Canada), rồi gia nhập Không quân Hoàng gia Anh. Ông chưa kịp bay chuyến bay đầu tiên thì cuộc chiến đã kết thúc.
Trở về sau cuộc chiến, ông vào học tại Đại học Mississippi nhưng bỏ giữa chừng, tạm thời làm việc cho một hiệu sách ở New York và một tờ báo của New Orleans, sau đó làm quản lý bưu điện tại nhà ga của trường học cho đến khi bị sa thải vì tội đọc sách trong giờ làm việc.
Được Sherwood Anderson khuyến khích, ông viết Soldier's Pay (1926). Cuốn sách bước ngoặt của ông là Sanctuary (1931), một cuốn tiểu thuyết ly kỳ mà ông thừa nhận là “nồi hơi” - sau khi các cuốn sách trước đó không kiếm đủ tiền bản quyền để nuôi sống gia đình. Cuốn sách được hoàn thành với thời gian kỷ lục—chỉ trong 3 tuần—và trở thành best-seller trong sự nghiệp viết văn của ông.
Faulkner thường viết tốt nhất vào buổi sáng, mặc dù trong suốt cuộc đời, ông có thể thích nghi với nhiều lịch trình khác nhau nếu cần thiết, giả dụ như giai đoạn 1926-28, thời kỳ viết Khi tôi nằm chết, ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết trong vòng vài tháng, tranh thủ viết trước giờ đi làm ca đêm tại nhà máy điện. Ông sẽ ngủ bù vào buổi sáng, viết cả chiều, uống cà phê trên đường đi làm và tranh thủ chợp mắt trong ca làm việc, nếu cần thiết.
Vào mùa hè 1930, gia đình Faulkners mua một khoanh đất rộng lớn, và Faulkner nghỉ việc để xây nhà. Ông thức dậy sớm, ăn sáng và ngồi viết cả buổi. Ông thường nhốt mình trong thư viện. Sau bữa trưa, ông sữa chữa nhà cửa, tản bộ hoặc cưỡi ngựa. Buổi tối, hai vợ chồng Faulkner nhấm nháp whiskey ngoài hiên.
Faulkner được trao giải Nobel Văn học năm 1949, và ông trích một phần số tiền giải để thành lập Quỹ William Faulkner, với mục đích hỗ trợ và khuyến khích các nhà văn trẻ.
Năm 1951, Faulkner nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh từ Chính phủ Pháp.
Giữa tháng Sáu năm 1962, nhà văn bị thương nặng do ngã ngựa. Ông qua đời trong một cơn nhồi máu cơ tim hai tuần sau đó, ở tuổi 64.
Tham khảo: Literary Hub, Britannica, Daily Rituals