Trong một lần đến thăm các em nhỏ thì phải, tôi nhớ không rõ lắm, đó là một cảnh trong bộ phim tiểu sử đời Stan, ông ấy được hỏi rằng nhân vật yêu thích nhất của ông là ai? Stan, vẫn hài hước và dí dỏm như mọi khi, chẳng ngần ngại mà đáp ngay: “Chà, nó giống như thể bạn hỏi một người cha rằng ông ta yêu quý đứa con nào hơn vậy. Nhưng tất nhiên là tôi có, nhân vật yêu thích nhất của tôi là Spider-Man. Tất nhiên là chỉ hơn một chút so với các ‘đứa con khác’ thôi.”
Cuối năm 1961, Stan Lee đang phụ trách một loạt truyện tranh tên là Amazing Fantasy, minh hoạ một số mẩu truyện ngắn với kết thúc bất ngờ theo kiểu O. Henry (trong trường hợp bạn không nhớ O. Henry là ai, ông là tác giả của Chiếc lá cuối cùng.) Doanh số bán thậm tệ. Sau vài nỗ lực vớt vát không thành, Stan quyết định kết thúc loạt truyện. Ông chuẩn bị cho ra mắt số 15, số cuối, dự kiến lên kệ vào tháng Tám năm 1962.
“Tôi vẫn không thể gạt Spider-Man ra khỏi đầu.”
Được rồi, giờ thì tới phần hay của câu chuyện. Như bạn thấy, dưới đây người kể xưng “tôi”, đó là lời của Stan Lee khi kể lại hành trình trao cho Spider-Man đời sống riêng mà cậu ta xứng đáng được hưởng.
Nhiều tháng trời tôi đã chơi đùa với ý tưởng về một siêu anh hùng mới, người mà sẽ “người” hơn tất thảy, bất chấp năng lực y sở hữu. Vậy nên tôi đã làm điều mà tôi vẫn luôn làm trong những ngày đó, tôi nói ý tưởng với Martin Goodman, người sếp, người bạn, nhà xuất bản, và người đồng đội của tôi.
Tôi đã nói với Martin rằng tôi muốn mô tả một anh hùng với chút ít năng lực nhưng khả năng chính của y là y có thể bám chặt vào tường và trần nhà. Tôi thừa nhận tôi nảy ra ý tưởng này nhờ quan sát một con ruồi trên tường khi tôi đang đánh máy. Tôi cũng không quên đề cập rằng người hùng của chúng ta, người mà tôi muốn gọi là Spider-Man, sẽ là một thiếu niên, với tất cả mọi vấn đề, nỗi bất an, và sự giận dữ của bất kỳ cậu nhóc thiếu niên nào. Y sẽ là một chú bé mồ côi sống với dì và chú của y, hơi hơi mọt sách, một kẻ thất bại tình trường, và là người thường xuyên lo lắng về thực tế rằng gia đình y kham khổ lắm mới đủ ăn. Ngoại trừ siêu năng lực y sở hữu, y sẽ là thí dụ hoàn hảo về một đứa trẻ bất hạnh. Y sẽ bị dị ứng trong lúc đang chiến đấu với kẻ xấu, bị hành hạ bởi chín mé, mụn trứng cá, hoặc cảm cúm, hay bất cứ gì khác tôi có thể vẽ ra.
Tôi đã mong chờ phản ứng hào hứng của Martin, một cú đập tay tới bốp vào sau lưng và câu nói “Chơi tới bến đi, nhóc!” đầy tráng kiện. Nhưng không, Martin ghét nó.
Anh ấy có vẻ rất đau đớn khi giảng giải với tôi rằng một siêu anh hùng không thể là một thiếu niên được; mấy cậu tuổi teen thì chỉ làm nền thôi. Mà, bất cứ ai cũng biết một anh hùng thì không có mấy vấn đề cá nhân để mà giải quyết. Anh ấy nói tôi hay rằng thứ tôi đang mô tả là một gã hề, chứ chẳng có anh hùng gì sất. Các anh hùng còn bận rộn chiến đấu với lũ ác nhân chứ hơi đâu mà dừng lại cho mấy trò vặt vãnh đấy. Cuối cùng, cái tên Spider-Man là một thảm hoạ. Chẳng lẽ tôi không nhận ra rằng mọi người ghét lũ nhện? Martin ra rả một hồi rồi quay trở lại chơi xếp chữ.
Chậc, bất chấp phản ứng không được mặn mà cho lắm ấy, tôi vẫn không thể gạt Spider-Man ra khỏi đầu. Đó là lúc tôi nhớ tới số cuối của loạt truyện Amazing Fantasy, cái mà chúng tôi chuẩn bị cho ra mắt. Bạn có thể tưởng tượng, khi một nhà xuất bản in số cuối cùng cho một loạt truyện, biết chắc rằng đây là chấm hết, sẽ chẳng ai thèm để ý xem bạn cho gì vào trong đó cả.
Vậy là, để khỏi phải bứt rứt, tôi đưa Jack Kirkby cốt truyện của Spider-Man và nhờ anh ấy vẽ minh hoạ. Jack bắt tay làm ngay, nhưng khi tôi nhìn thấy anh ấy đang biến nhân vật chính của chúng tôi, Peter Parker, thành một gã với vẻ ngoài rắn rỏi, đẹp trai sáng láng, siêu cấp tự tin theo kiểu siêu anh hùng điển hình, tôi nhận ra đó không phải thứ mà mình muốn nhắm tới. Thế là tôi loại Jack khỏi dự án. Anh ấy không quan tâm mấy bởi còn quá nhiều thứ cần vẽ vào thời điểm đó, và Spider-Man vốn không phải nhân vật hàng đầu của chúng tôi.
Rồi tôi trao nhiệm vụ đó cho Steve Ditko, người mà tôi tin với nét vẽ nhẹ nhàng, trầm lắng hơn, cực kỳ phong cách có thể khắc họa một Spider-Man theo đúng hình dung ban đầu của mình.
Và tôi không thể đúng hơn thế! Steve đã làm một công việc trên cả tuyệt vời – trao đời sống cho anh hùng nhện nhỏ bé của chúng tôi. Sau đó chúng tôi hoàn thành tất cả các khung hình và nhét nó vào số cuối của Amazing Fantasy. Hiển nhiên, tôi thậm chí đã minh hoạ Spidey, như tôi đã gọi thế, ngay trên trang bìa. Rồi thì ít nhiều cả hai chúng tôi đều quên khuấy anh chàng.
Cho tới nhiều tháng sau đó.
Thời ấy phải mất khoảng hai đến ba tháng để biết chính xác doanh thu mỗi số xuất bản là bao nhiêu. Cuối cùng khi báo cáo doanh số cập bến, nó cho thấy rằng số của Spider-Man thực sự là một thành công lớn, có lẽ là cuốn truyện tranh bán chạy nhất trong cả thập kỷ!
Chỉ vài giây sau khi mấy tờ báo cáo được phân phát đi, Martin tức tốc tiến về phía tôi và, không bất ngờ cho lắm, chúc mừng cả anh ấy cùng tôi vì thắng lợi này, rằng anh rất vui vì nhân vật mà hai chúng tôi đã cùng phát triển.
Tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây câu nói đến nay đã trở thành kinh điển của anh, “Stan, còn nhớ cái ý tưởng về Spider-Man của cậu mà tôi thích vô cùng thích không? Tại sao ta không biến nó thành một loạt truyện nhỉ?”
*Bạn có thể đọc bản comic online tại đây.
Kỷ nguyên Marvel
Spidey sau đó không chỉ lập tức trở nên nổi tiếng ở Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Spider-Man trở thành siêu anh hùng bán chạy nhất toàn cầu, từ Úc, Nhật Bản, Đức, cũng như Pháp và Ý, đâu đâu cũng thấy tơ của chàng “nhện nhọ”. Thời đó, nếu một đứa trẻ muốn hoá thân thành siêu anh hùng vào lễ Halloween, cha mẹ nó sẽ chẳng cần hỏi mà chỉ việc mua về một bộ người nhện.
Spider-Man tiếp tục trở thành một trong những nhân vật thành công nhất trong lịch sử truyện tranh, và chắc chắn là siêu anh hùng được yêu thích nhất vũ trụ Marvel. Ngày nay, không ngoài dự đoán, các bản in của Amazing Fantasy #15 có giá bán lên tới 20.000$ trên thị trường các nhà sưu tầm, với bất kỳ hầu bao nào đủ rủng rỉnh và con người nào đủ may mắn để kiếm được chúng.
Thành công của Spider-Man phần lớn tới từ tính cách kỳ quặc của nhân vật này và hành trình phát triển nhân vật sâu sắc mà độc giả chưa bao giờ bắt gặp ở bất cứ nhân vật chính diện nào trước đây. Không giống như Captain America, biểu tượng của chủ nghĩa ái quốc hay Hulk, chỉ biết nổi đóa lên và đấm nhau thì Peter Parker được Stan thổi cho một đời sống tinh thần phong phú hơn, cũng là siêu anh hùng đầu tiên mà ông cùng đồng sự đem thử nghiệm thứ gọi là “độc thoại nội tâm” – bộc lộ những suy nghĩ và những cuộc đấu tranh tâm lý diễn ra bên trong nhân vật.
Stan Lee tin rằng khi người đọc hiểu rõ nhân vật hơn, họ sẽ muốn biết những gì sẽ xảy ra với nhân vật ấy. Dần dà họ sẽ thấy Peter Parker cũng chỉ là một cậu nhóc trở thành Người Nhện một cách bất đắc dĩ, gánh trên vai một trọng trách lớn lao trong khi vẫn phải chật vật để trưởng thành.
Như Les Daniels từng mô tả Spider-Man trong cuốn sách Marvel: Five Fabulous Decades of the World’s Greatest Comics: “The Fantastic Four tranh cãi lẫn nhau, và Hulk cùng Thor thì giành giật với cái tôi thứ hai trong họ, nhưng Spider-Man phải vật lộn với chính bản thân mình.” Thật khó để mà không đồng cảm với một nhân vật như thế.
Tất nhiên, một yếu tố quan trọng khác góp phần vào thành công của loạt truyện Spider-Man là những con người bên cạnh Peter Parker, từ Mary Jane, Gwen Stacy, dì May chú Ben cho tới những nhân vật phản diện như Green Goblin hay Dr. Octopus. Trong thế giới ấy, hoá ra không chỉ Spider-Man mà cả những kẻ thù ác của cậu cũng phải vật lộn với chính bản thân họ. Ví dụ, Harry Osborn là bạn thân của Peter, nhưng đồng thời là con trai của Green Goblin, tử thù của Spider-Man; và để khiến câu chuyện thêm phần kịch tính, Harry sau đó trở thành Green Goblin đời hai, hé lộ một trận chiến một mất một còn. Flash Thompson, ngôi sao thể thao tại trường của Peter, thường bắt nạt Peter và khiến cuộc sống học đường của anh thêm phần khổ ải, lại là fan cuồng của Spider-Man. Và, ác mộng của mọi ác mộng, Dr. Octopus lại có mối quan hệ lãng mạn với dì May. (Stan Lee đã từng đắn đo xem có nên giữ lại dì May hay không, và như ông nói, “Sau cùng, tôi là người duy nhất thực sự quan tâm tới cô ấy, vậy thì có gì sai chứ?)
Quay trở lại với những con số. Kể từ khi Spider-Man ra đời, doanh thu truyện tranh của Marvel bùng nổ từ 7 triệu bản vào năm 1961 lên 13 triệu bản vào năm 1962, gióng lá cờ tiên phong cho Kỷ nguyên Bạc của Truyện tranh — một thời kỳ mà giờ đây thường được gọi bằng cái tên đơn giản hơn là “Kỷ nguyên Marvel”.
Bạn chỉ cần không từ bỏ!
Có một câu châm ngôn xưa rất đúng với trường hợp của Stan: “Thất bại là một đứa trẻ mồ côi nhưng thành công thì có cả ngàn ông bố.” Stan không để bất cứ ai ngáng đường ông đưa ý tưởng về Spider-Man thành hiện thực, kể cả sếp của mình (Trên thực tế, Stan đã chán ngấy việc phải viết truyện theo xu hướng nên với ông việc bị sa thải cũng không ác mộng cho lắm.) Hiển nhiên, nhiều người không hiểu rõ về ý tưởng “siêu anh hùng bò tường” của Stan có thể đã nghĩ cha này hết thuốc chữa rồi. Nhưng vào giây phút họ thấy máy đếm tiền rung lên, tất cả nom đều rạng rỡ và muốn có phần trong đó.
“Điều mà tôi đã luôn làm là viết ra những câu chuyện mà tôi muốn đọc. Tôi nghĩ sự bền bỉ đóng một vai trò thiết yếu trong đó. Nếu bạn nghĩ mình đã có ý tưởng rồi, bạn chỉ cần không từ bỏ. Bạn phải tiếp tục phát triển nó, hy vọng rằng không sớm hay muộn người nào đó sẽ nhận ra những gì bạn đã làm.”
- Stan Lee
Giờ thì bạn biết nực cười ở chỗ nào rồi đấy. Khi một ý tưởng lớn lao ra đời, nó sẽ bị cho là kỳ quặc, dị hợm, ngớ ngẩn, hay bất cứ tính từ nào để diễn tả sự ngu xuẩn của người nghĩ ra ý tưởng đó. Rồi người kia không chùn bước, tiếp tục phát triển ý tưởng đó, trao cho nó cái hình hài và tặng nó cái tầm vóc lớn lao, những người từng chê trách lại lập tức quên khuấy họ từng đả kích nó trầm trọng ra sao.
Như Albert Einstein từng nói, “Nếu một ý tưởng ban đầu không bị cho là kỳ quặc, sẽ chẳng có hy vọng nào cho nó cả.” Một vài người chấp nhận từ bỏ ý tưởng, một vài người tiếp tục thai nghén nó. Marvel đã may mắn vì Stan Lee nằm ở vế sau.
Nguồn tham khảo
Ừ thì, tôi không thể viết ra bài này nếu không có cuốn sách và bộ phim sau đây. Bạn có thể dành chút thời gian để thưởng thức chúng:
#1. Excelsior! The Amazing Life of Stan Lee