Đối với tôi, phim truyền hình là một cách cực kỳ đơn giản mà không nhàm chán để học tiếng Anh. Thời lượng một tập phim sitcom trung bình chỉ 20 phút, do đó tôi có thể tranh thủ xem vào giờ ăn trưa, những lúc rảnh rỗi ngoài giờ làm việc. 

Tôi không xem phim để nghiên cứu, tôi xem chỉ vì tôi thích chúng. Tuy nhiên, quá trình học hỏi vẫn diễn ra. Chỉ độ 2-3 tuần là tôi đã bắt chước nói theo giọng điệu của nhân vật, nghe bập bẹ được các cuộc hội thoại ở mức cơ bản. 

Với những chương trình yêu cầu trình độ nghe hiểu cao hơn, lúc này tôi buộc phải xem có phương pháp. Và bí quyết của tôi nằm ngay ở khâu chọn phim — tôi chỉ chọn những bộ làm tôi hứng thú. 

Học tập, cũng như bất cứ đam mê nào khác, phải mang lại niềm vui. Tôi tin là vậy. Và trong bài viết hôm nay, tôi đưa tới bạn một vài mẹo giúp bạn tối ưu hóa việc học tiếng Anh qua xem phim, kèm theo đó là một vài bộ phim tâm đắc mà tôi nghĩ sẽ khơi dậy niềm yêu thích tiếng Anh trong bạn. 

Chúng ta bắt đầu được rồi chứ? 

Mẹo Chọn Phim Để Học Tiếng Anh 

Dưới đây là một vài mẹo hữu ích để khâu chọn phim của bạn bớt phần nhọc nhằn hơn. 

#1. Đánh Giá Trình Độ Tiếng Anh Của Bạn Hiện Tại. 

Nếu bạn vẫn đang bập bẹ hay nghe chữ được chữ không, series Big Bang Theory sẽ nhấn chìm bạn trong hàng loạt các thuật ngữ khoa học và lối nói 'nhanh như rap' của nhân vật Sheldon. Để tránh tình trạng trên, hãy bắt đầu bằng các chương trình có ngôn ngữ đơn giản, thường nhật, cách phát âm rõ ràng. Khi bạn tiến bộ rồi, đó mới là lúc thử thách bản thân với những chương trình “nặng đô” hơn. 

#2. Tìm Phim Theo Thể Loại Bạn Yêu Thích. 

Ngôn ngữ, chủ đề và cốt truyện là khác nhau giữa các chương trình dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, đôi khi là phân biệt cả nam và nữ nữa. Do đó, hãy dành chút thời gian để tìm hiểu một vài bộ phim mà bạn thực sự muốn xem. Ví dụ, nếu bạn yêu thích phim hài, các bộ sitcom như F.R.I.E.N.D.S là khởi đầu lý tưởng. Trong trường hợp bạn yêu thích phim tăm tối chút xíu, series BoJack Horseman là lời khuyên của tôi. 

#3. Xác Định Mục Tiêu Của Bạn. 

Trước khi xem, hãy xác định rõ kết quả bạn muốn đạt được từ một bộ phim hoạt hình cụ thể. Giả sử nếu mục tiêu của bạn là cải thiện kỹ năng nghe, hãy chọn một chương trình có nhiều đoạn hội thoại và đối thoại sống động. Trong trường hợp muốn mở rộng vốn từ vựng, hãy chọn những bộ phim miêu tả cuộc sống hàng ngày của nhân vật. 

Danh Sách Các Bộ Phim Hay Nhất Để Học Tiếng Anh

Dưới đây là một vài bộ phim thú vị mà tôi thu thập được, sắp xếp theo trình tự từ cơ bản tới nâng cao. 

How I Met Your Mother 

Bộ phim là hồi ức của nhân vật chính Ted Mosby, khi anh đang kể lại câu chuyện “bố đã gặp mẹ như thế nào” cho những đứa con của mình. 

Dàn diễn viên How I Met Your Mother. Ảnh: Gary Friedman / Los Angeles Times 

How I Met Your Mother là một sitcom sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường và lời thoại dí dỏm. Ví dụ, bạn sẽ thấy những từ như “high five”, legendary” hay “awesome” được lặp lại rất nhiều trong phim. 

Ngoài ra, đây cũng là nguồn tài liệu tuyệt vời để tìm hiểu văn hóa hẹn hò xứ cờ hoa. Barney, ông bạn đào hoa của Ted, dẻo miệng vô cùng. Tôi đảm bảo bạn sẽ phì cười mỗi lần Barney thở ra câu nói kinh điển của anh ta “Have you met Ted?”. 

Family Guy 

Family Guy có lẽ là một trong những bộ sitcom nổi tiếng nhất của Mỹ, với cốt truyện xoay quanh gia đình Griffin bao gồm 6 thành viên: vợ chồng Peter và Lois, ba đứa con của họ lần lượt là Meg, Chris, Stewie và cuối cùng là chú chó Brian. 

Gia đình Peter (từ trái qua): Meg, Brian, Peter, Lois, Stewie và Chris. Ảnh: FOX 

Đây là một bộ phim bạn nên thêm vào hàng chờ vì nó hứa hẹn sẽ tăng trình độ nghe và mở rộng vốn từ vựng của bạn đáng kể. Phim rất hài hước, tuy nhiên sẽ có một vài joke liên quan tới văn hóa Mỹ mà bạn phải bỏ công tìm tòi thì mới hiểu được dụng ý của nhà làm phim. 

The Simpsons 

Là một trong những series lâu đời nhất với số lượng lên tới hơn 700 tập, độ phổ biến của The Simpsons không cần bàn cãi. Có lẽ ít nhiều lần bạn đã nhìn thấy các nhân vật trong phim, đặc biệt dễ nhớ bởi màu da vàng và đôi mắt to với duy nhất một chấm giữa mắt. 

Gia đình Simpsons. Ảnh: 20TH CENTURY FOX 

The Simpsons hài hước từ khâu xây dựng nhân vật, tuy nhiên cũng châm biếm nhiều khía cạnh trong văn hóa Mỹ và xã hội Mỹ nói chung, đặc biệt là lối sống của tầng lớp lao động và trung lưu — cũng là tầng lớp của gia đình Simpsons. 

Chương trình này được xem là một trong những biểu tượng văn hóa đại chúng quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ. Vào năm 2000, The Simpsons đã được trao ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. 

BoJack Horseman 

BoJack Horseman, bộ phim hoạt hình về một con ngựa được nhân cách hóa, chắc chắn nằm trong danh sách must-watch nếu bạn muốn nâng kỹ năng tiếng Anh của bản thân lên một cấp độ cao hơn. 

Ảnh: Everett / Vogue 

Tới đây thì không còn là trung cấp nữa rồi, và nói trước là bộ phim này hơi “trầm cảm” đó! BoJack Horseman không phải phim hoạt hình dành cho trẻ con: nó đi sâu vào khám phá những cảm xúc rối ren của người trưởng thành, khai thác nhiều vấn đề xã hội và hài hước theo kiểu khá đen tối. 

F.R.I.E.N.D.S 

F.R.I.E.N.D.S lấy bối cảnh ở Manhattan, thành phố New York và theo chân 6 người bạn trẻ: Ross, Rachel, Monica, Phoebe, Chandler và Joey. 

Bộ phim xoay quanh cuộc sống hàng ngày của họ, những sự việc diễn ra hàng ngày, những thăng trầm cũng như rắc rối mà họ gặp phải. 

Mặc dù đã đóng máy từ lâu nhưng F.R.I.E.N.D.S đến nay vẫn là một trong những bộ sitcom nổi tiếng nhất mà bạn ít nhiều lần đã từng xem qua các video ngắn cắt từ phim trên Facebook, Instagram hay TikTok. 

Ảnh: NBC 

Tôi tin đây là chương trình cực kỳ thích hợp nếu bạn muốn nâng cao trình độ nghe tiếng Anh, vì xuyên suốt bộ phim là các cuộc đàm thoại, đối thoại liên tiếp nhau. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ học được kha khá thành ngữ, thứ mà các nhân vật sử dụng rất nhiều trong phim. 

Modern Family 

Bộ sitcom cực kỳ nổi tiếng kể câu chuyện về ba gia đình có quan hệ họ hàng với nhau, những gia đình kiểu mẫu tại Mỹ vào thế kỷ 21. 

Modern Family cởi mở với nhiều vấn đề như hôn nhân đồng tính, hôn nhân giữa các chủng tộc, nhận con nuôi, bên cạnh đó cũng khai thác tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình thuộc các thế hệ khác nhau. Trên tất cả, Modern Family, đúng như cái tên ‘gia đình hiện đại’, đề cao giá trị của việc chấp nhận sự khác biệt. 

Modern Family vào mùa 1. Ảnh: The Hollywood Reporter 

Cũng vì thế, dàn diễn viên trong phim là những người có gốc gác và lứa tuổi khác nhau — mà mỗi nhân vật đều có giọng điệu riêng. Ví dụ, Cam và Mitchell nói giọng đặc trưng của cộng đồng đồng tình nam ở các khu vực thành phố, Gloria thì nói tiếng Anh giọng Colombia, Haley — cô nàng tuổi thiếu niên thì chêm rất nhiều tiếng lóng trên internet. 

Do đó, xem phim này bạn sẽ biết thêm được khối từ vựng và các giọng nói tiếng Anh khác nhau. Tới nay tôi vẫn đang cày bộ này, và đây là bộ sitcom mà tôi yêu thích nhất, học được nhiều nhất. 

Vì vậy, nếu vẫn đang phân vân chưa biết phải chọn bộ nào trong tất cả những cái tên tôi vừa liệt kê, Modern Family là lựa chọn không tồi đâu! 

Một Vài Lưu Ý Nhỏ 

Tất nhiên CHỈ xem phim thôi thì kỹ năng tiếng Anh của bạn sẽ không cải thiện đáng kể. Ít nhất là nó không có tác dụng gì nhiều, vì bản thân việc xem phim là một hình thức học tập thụ động. 

Nhưng nếu bạn yêu thích những bộ phim, chúng là một nguồn tư liệu tuyệt vời cho tiếng Anh. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bộ sitcom là một kho tàng kiến thức về từ, cụm từ, cách diễn đạt,... Tuy nhiên, khi lên phim thì lời thoại cũng bị thay đổi ít nhiều để phù hợp với bối cảnh của phim, do đó một số chương trình sẽ có xu hướng siêu thực. Nói đơn giản, nó thiếu thực tế và chưa hẳn đã giúp việc học tiếng Anh của bạn suôn sẻ hơn. 

Vì vậy, bạn không thể mong chờ việc chỉ ngồi im nhai bỏng và xem phim rồi trình độ tiếng Anh của bạn sẽ tự động nâng cấp. Ngay cả khi xem, bạn cũng sẽ bắt gặp những từ, cụm từ mà bạn không hiểu. Điều cần làm lúc đó là tra cứu ngay lập tức và thêm nó vào bộ nhớ của bạn. Không ai thích xem phim mà chút chút lại phải pause nhưng đó là cách bạn học tập chủ động. 

Còn về việc có nên sử dụng phụ đề hay không, tôi khuyên bạn nên cài đặt phụ đề để hiển thị muộn một chút sau khi đoạn hội thoại xảy ra. Điều này cho bạn một khoảng thời gian ngắn để nghe nó trước tiên rồi kiểm tra chéo bằng phụ đề, từ đó bạn có thể biết mình đã nghe đúng hay sai. 

Nhân tiện, dưới đây là một vài kênh Youtube hữu ích có thể bạn sẽ cần: 

#1. Learn English With TV Series  

#2. Learn English | Let’s Talk - Free English Lessons 

#3. BBC Learning English 

Đọc thêm: Làm Thế Nào Để Hết "Điếc" Tiếng Anh?