Những sở thích dần mất đi niềm vui thú vốn có và mọi thứ thật trì trệ? Có thể bạn là nạn nhân của hội chứng anhedonia. 

Có một sự lầm lẫn phổ biến giữa trì hoãn và anhedonia, hay còn gọi là hội chứng suy giảm hứng thú. Trì hoãn là thứ mà ai cũng mắc phải. Nó là khi cố tình tránh né một công việc bằng cách dời nó lại. 

Anhedonia là một thứ hoàn toàn khác biệt. Nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ mang nghĩa là “không có niềm vui”. Đơn giản mà nói, anhedonia diễn tả tình trạng suy giảm đáng kể hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động mà bạn từng thích. Vậy là bạn quyết định bỏ ngỏ nó, như ném một chiếc áo vào trong xó tủ. 

Lưu ý: 

  • Anhedonia khác với việc mất hứng thú với một hoạt động vì bạn buồn chán và muốn thử gì đó mới. 
  • Những người bị ảnh hưởng bởi anhedonia có thể trông có vẻ thích một hoạt động nhưng thực tế không cảm nhận được niềm vui hoặc các cảm xúc tương tự với hoạt động đó. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra anhedonia có liên quan với hàng loạt các chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng, bao gồm cả trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, v.v.. Một người mắc anhedonia sẽ bắt đầu đặt ra những câu hỏi mang hơi hướng khủng hoảng hiện sinh như “Tại sao mình phải làm cái này?”, “Liệu nó có đáng không?” v.v. Tóm lại, những thứ từng nuôi dưỡng đời sống tinh thần của ta bỗng chốc trở nên thật vô nghĩa. Vậy nên ta ngần ngừ không muốn tiếp tục làm việc đó bởi ta không còn hứng thú với nó nữa. 

Hội chứng anhedonia có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp. Nó giống như cảm cúm. Tự dưng một ngày bạn nhiễm cảm, hắt xì liên tục. Tương tự, có vài giai đoạn trong đời, bạn bỗng dưng thấy động lực suy kiệt, cảm hứng vơi cạn. Và cho dù bạn cảnh giác tới đâu, bạn không bao giờ biết cơn cảm cúm tiếp theo sẽ tới vào lúc nào. 

Các loại Anhedonia 

Có 02 loại chính của chứng anhedonia: 

Anhedonia thể chất: Tình trạng suy giảm khả năng trải nghiệm khoái cảm về mặt thể chất, chẳng hạn như chán ăn, giảm ham muốn tình dục, v.v. 

Anhedonia xã hội: Tình trạng suy giảm khả năng trải nghiệm niềm vui xã hội, chẳng hạn như dành thời gian cho bạn bè, gia đình, theo đuổi các sở thích và hoạt động cộng đồng. 

Anhedonia có tự hết được không? 

Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi rơi vào anhedonia là tiếp tục chờ đợi cho tới khi cảm hứng trở lại. Vấn đề bạn không nhận ra là cảm xúc đó không hề bất chợt xuất hiện, mà bạn phải tạo ra nó bằng hành động. Không làm gì sẽ khiến bạn rệu rã và khiến tình trạng tệ hơn. Như thường lệ, dưới đây là một vài chỉ dẫn. 

Biến sở thích thành một thói quen 

Với những người đang phải vật lộn với hội chứng anhedonia, niềm vui và động lực có thể mất một thời gian dài để hồi phục lại. Chính giai đoạn này là lúc ta phải tiếp tục theo đuổi đam mê, biến một sở thích thành thói quen, để cơ thể bạn tự động làm điều đó cho dù bạn có thích hay không. 

Trong tập thư từ của mình, nhà văn Raymond Chandler từng chia sẻ rằng ngay cả khi không nghĩ ra gì để viết, ông ấy vẫn sẽ ngồi im tại bàn đúng bốn tiếng như thường lệ. 

 

“Điều quan trọng nhất ở đây là phải có một khoảng thời gian trong ngày, cứ cho là tối thiểu bốn giờ đồng hồ, buộc một nhà văn chuyên nghiệp không làm gì khác ngoài viết cả. Y không cần phải viết, và nếu y cảm thấy không muốn viết thì y không nên cố. Y có thể nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc trồng cây chuối hoặc lăn lộn trên sàn nhà. Nhưng y không được làm bất kể hoạt động nào khác, không đọc, không viết thư, không ngó nghiêng mấy chồng tạp chí, không rà soát bản thảo. Chỉ viết hoặc không làm gì cả… Tôi thấy nó hiệu quả. Hai quy tắc vô cùng đơn giản, a: bạn không cần phải viết. b: bạn không được làm gì khác. Phần còn lại tự nó đến.”

 

Chandler có thể không biết anhedonia là gì nhưng chắc chắn ông biết cách đương đầu với nó. Ông đã biến sở thích viết lách của mình thành một thói quen với thanh đỡ là kỷ luật. Điều này giúp ông duy trì năng suất sáng tác ổn định trong suốt nghiệp viết của mình. Bài học ở đây là: Hãy biến sở thích của bạn thành một thói quen, để tâm trí bạn tự động làm nó mà không cần biết cảm hứng đang ở đâu. 

Nghĩ về những điều từng đem lại niềm vui cho bạn 

Đôi khi những cái cũ lại đem đến nhiều niềm vui hơn cái mới. Chẳng hạn như một bộ phim cũ mà bạn rất tâm đắc nhưng đã quên phần lớn cốt truyện, một cuốn sách yêu thích đã lâu chưa đọc lại, một quán vỉa hè từ thời cấp ba, một món ăn lâu rồi chưa thấy mẹ nấu, v.v.. Tất cả đều phảng phất dư âm của hoài niệm, khiến lòng ta lâng lâng, buồn vui lẫn lộn. Hãy nghĩ lại những điều nhỏ bé từng sưởi ấm trái tim bạn, và ai biết được, kể cả khi bạn không thể trải nghiệm lại nó lần nữa, cảm xúc ùa về trong thoáng chốc có thể là “vitamin tinh thần” giúp bạn tiếp tục cố gắng. 

Vận động thường xuyên 

Các hoạt động thể chất ít nhiều đều tác động tích cực đến sức khoẻ tâm lý và có thể được coi là công cụ chính nhằm thuyên giảm triệu chứng của anhedonia. Những người hoạt động thể chất nhiều hơn hoặc thể trạng cao hơn ít có khả năng mắc các chứng bệnh trầm cảm. 

Năm 2022, Jacob Meyer, nhà nghiên cứu về vận động học của Đại học Bang Iowa đã cùng các đồng nghiệp đánh giá 30 tình nguyện viên trước, trong và sau buổi đạp xe cường độ trung bình kéo dài nửa giờ/ buổi nghỉ ngơi yên tĩnh. 

Tới giữa buổi tập, những người tham gia thường cảm thấy tâm trạng được cải thiện và trạng thái này kéo dài ít nhất 75 phút sau khi buổi tập kết thúc. Tất nhiên, đây chỉ là một liều thuốc an thần tạm thời đẩy lùi anhedonia. Nhìn vào mặt sáng, có thể thấy đối với những người có tập thể dục, việc biết rằng có ít nhất một giờ trong này để phấn chấn có thể khiến ngày của họ tốt hơn một chút. 

Chất lượng giấc ngủ là ưu tiên số một 

“Hỡi giấc ngủ thơ ngây. Giấc ngủ xoa dịu mọi lắng lo của ta. Giấc ngủ dẫn đường chỉ lối vào ngơi nghỉ. Giấc ngủ hồi sức người lao động mệt mỏi và chữa lành những tâm trí tổn thương. Giấc ngủ, món chính trong bữa tiệc cuộc đời, và là món bổ dưỡng nhất.” 

—William Shakespeare, Macbeth 

 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngủ không đơn thuần là nghỉ ngơi, mà còn là nghi thức tối cao giúp duy trì sức khỏe não bộ. 

Mỗi ngày, khi thực hiện các hoạt động thần kinh, não của ta sẽ tích tụ các chất thải chuyển hóa (metabolic waste). Dù điều này hoàn toàn bình thường, việc não bộ tích lũy quá nhiều chất thải lại là nguyên nhân dẫn tới những bệnh rối loạn thần kinh và mất trí nhớ như Alzheimer, hay bệnh Parkinson. Do đó, “Ta phải ngủ vì não bộ có một hệ thống làm sạch vĩ mô giúp loại bỏ các chất thải độc hại ra khỏi não.” —được gọi là Hệ thống Glymphatic (Glymphatic System)

Phần lớn hoạt động của hệ thống glymphatic xảy ra ở giai đoạn ngủ sâu. Nó giống như một cái máy rửa chén tự động: Não ta lập tức bật nó lên chỉ sau vài phút chìm vào giấc ngủ. Và quá trình này xảy ra một cách cực kỳ phi thường:

Trong khi ngủ, các tế bào não co rút lại tới 60%, cho phép hệ thống glymphatic thực hiện nhiệm vụ hiệu quả và dễ dàng hơn. Lúc này, dòng dịch não tủy tràn vào não, đẩy mọi chất thải độc hại giữa các tế bào não, ra ngoài. Phân tích thực tế cho thấy, quá trình đào thải trong lúc ngủ được tăng cường mạnh mẽ hơn gấp hai lần so với khi thức giấc.

Kết quả là, tâm trí bạn như được gột rửa, bạn mở mắt đón ngày mới trong một tinh thần sảng khoái.

Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo và trích dẫn từ các nguồn: 

https://spiderum.com/bai-dang/Muc-dich-khoa-hoc-va-su-that-ve-Giac-Ngu-uViCny9JqyiH

https://www.psychologytoday.com/intl/basics/anhedonia