Nhiều người phóng đại tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu, trong khi động lực then chốt thúc đẩy tiến bộ và thành công lại là hệ thống đằng sau mục tiêu đó. 

Chúng ta thường được khuyên rằng cách tốt nhất để đạt được những gì bạn muốn—từ việc giảm cân, khởi nghiệp, quẳng gánh lo đi và vui sống, dành thời gian cho bạn bè và gia đình nhiều hơn—là cần đặt ra những mục tiêu cụ thể, khả thi. 

Trong nhiều năm, đây cũng là cách James Clear, tác giả cuốn sách bán chạy Atomic Habits, đã xây dựng những thói quen của mình. Đối với anh, mỗi thói quen là một mục tiêu cần đạt được. Nó tương tự cách chúng ta đặt mục tiêu phải đạt điểm cao để vào được ngôi trường mình mong muốn, phải tăng mức tạ nâng được tại phòng gym, kinh doanh tới cuối năm phải dư bao nhiêu lời. Không có kỳ tích gì ở đây cả, James đạt được rất ít mục tiêu. 

Cuối cùng, anh bắt đầu nhận thấy rằng những kết quả nhận về rất xa vời so với những mục tiêu đã đặt ra, và chúng chịu tác động sâu sắc từ hệ thống mà anh áp dụng. 

Sự khác biệt giữa hệ thống và mục tiêu là gì? James giải thích: “Mục tiêu là kết quả bạn muốn đạt được. Hệ thống là quy trình đưa bạn tới kết quả đó.” 

Chẳng hạn như:  

  • Nếu bạn là một huấn luyện viên, có thể mục tiêu của bạn trong năm nay là giành chức vô địch. Hệ thống của bạn là cách bạn chiêu mộ cầu thủ, quản lý đội ngũ trợ lý, và chỉ đạo việc tập luyện. 
  • Nếu bạn là một doanh nhân, mục tiêu của có thể là xây dựng một doanh nghiệp bạc triệu. Hệ thống của bạn là cách bạn thử nghiệm các ý tưởng sản phẩm, tuyển dụng nhân sự, chạy các chiến dịch marketing, v.v. 
  • Nếu bạn là một nhạc sĩ, mục tiêu của bạn có thể là chơi một bản nhạc mới. Hệ thống của bạn là cách bạn thường tập luyện, cách bạn phá tan và gỡ rối những chướng ngại, và phương pháp của bạn nhằm thu thập phản hồi từ người hướng dẫn. 

Nhưng giả sử bạn hoàn toàn phớt lờ các mục tiêu và chỉ tập trung vào hệ thống của bạn, kết quả sẽ ra sao? Chẳng hạn, nếu bạn là một huấn luyện viên bóng rổ và bạn phớt lờ mục tiêu của bạn là giành chức vô địch và chỉ tập trung vào cách nâng cao chất lượng tập luyện của các cầu thủ, 

James nghĩ là ta vẫn đạt được. Anh ấy giải thích: 

“Mục tiêu của bất cứ môn thể thao nào cũng là chiến thắng, nhưng chẳng ai ngớ ngẩn mà nhìn chằm chặp vào bảng điểm cả trận cả. Cách duy nhất để thực sự chiến thắng là trở nên tốt hơn mỗi ngày. Theo lời của Bill Walsh, ‘Điểm số sẽ tự động theo sau.’ Tương tự với những mảng khác của cuộc sống. Nếu bạn muốn đạt những kết quả tốt hơn, hãy quên việc thiết lập mục tiêu đi. Thay vào đó hãy tập trung vào cải thiện hệ thống của bạn.”

Tôi hiểu ý tưởng của James. Tất nhiên, anh không cho việc đặt mục tiêu là vô bổ. Trái lại, anh còn khẳng định tầm quan trọng của nó trong việc giúp ta xác định phương hướng. Nhưng hệ thống mới là động lực then chốt thúc đẩy sự tiến bộ. Nếu bạn chỉ chăm chăm vào các mục tiêu và coi nhẹ chuyện thiết kế hệ thống, một lô vấn đề sẽ ập xuống đầu bạn, bởi vì: 

Vấn đề #1: Người thành công và người thất bại có cùng một mục tiêu. 

Chúng ta thường chỉ tập trung vào những người thắng cuộc và vô tình ngộ nhận rằng những mục tiêu đầy tham vọng của họ là thứ đã giúp họ thành công, trong khi hoàn toàn quên mất tất cả những người thất bại cũng đặt ra cùng một mục tiêu như vậy. 

Bất cứ vận động viên Olympic nào cũng muốn giành được huy chương vàng. Bất cứ ứng viên nào cũng muốn được tuyển dụng. Trọng tài cất còi, và cả hai đội đều lao vào nhau vì khát khao chiến thắng. Và nếu người thành công lẫn người thất bại đều có cùng một mục tiêu, vậy thì mục tiêu không phải là thứ tách biệt thắng và bại. 

Thời kỳ 1990-2000 được xem là kỷ nguyên của Chicago Bulls, đội bóng mà Michael Jorđan thi đấu. Họ được đánh giá là một trong những đội bóng mạnh nhất lịch sử bóng rổ, nhưng thứ họ đến đỉnh cao không phải là mục tiêu giành chức vô địch hay ghi nhiều điểm nhất có thể. Trên thực tế, chỉ tới khi huấn luyện viên Phil Jackson áp dụng một hệ thống tấn công và phòng thủ mới, trong đó cả 5 cầu thủ trên sân đều được tự do cầm bóng hơn, đội bóng mới bắt đầu tiến triển. Trước đó, trong suốt bảy năm ròng, Michael Jordan gần như “đơn độc” vì các đồng đội không thể san sẻ trọng trách ghi điểm giúp ông. 

Vấn đề #2: Đạt được một mục tiêu chỉ là một thay đổi trong khoảnh khắc. 

Hãy tưởng tượng căn hộ của bạn vô cùng bừa bộn, ngày mai có khách tới chơi và bạn cần dọn dẹp nó. Nếu bạn dồn năng lượng để dọn dẹp, chỉ một tiếng sau là bạn đã có một căn phòng sạch tinh tươm—tạm thời là thế. Nhưng nếu bạn giữ nguyên những thói quen lôi thôi, cẩu thả thì không lâu sau bạn sẽ lại bơ phờ nhìn vào đống hỗn độn và chờ đợi ý thức vệ sinh trong bạn trỗi dậy lần tới. 

Mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy (căn phòng bừa bộn) bởi bạn không bao giờ thay đổi hệ thống đằng sau nó (ý thức chăm sóc môi trường sống của bạn). Bạn giải quyết một triệu chứng mà chẳng đoái hoài tới ngọn nguồn của vấn đề. 

Tương tự ví dụ về dọn phòng trên, đạt được một mục tiêu chỉ thay đổi cuộc sống của bạn trong chốc lát. Đó chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua, và trái ngược với quan niệm chung về sự tiến bộ. Ta nghĩ ta cần thay đổi kết quả, nhưng kết quả không phải vấn đề. Thứ ta thực sự cần thay đổi là hệ thống đã dẫn tới kết quả đó. Khi bạn giải quyết những vấn đề ở cấp kết quả, bạn chỉ tạm thời giải quyết nó. Muốn giải quyết vấn đề triệt để, bạn phải tiếp cận từ góc độ hệ thống. Muốn cải thiện đầu ra, phải quay lại xem đầu vào thế nào. 

Vấn đề #3: Mục tiêu giới hạn hạnh phúc của bạn. 

Tư duy phổ biến đằng sau việc đặt mục tiêu là đây: “Một khi tôi đạt được mục tiêu của tôi, tôi sẽ trở nên hạnh phúc.” Vấn đề với lối tư duy này là bạn sẽ liên tục gạt hạnh phúc sang bên cho tới cột mốc tiếp theo. Tôi đã sa vào cái bẫy này nhiều tới mức đếm không xuể. Trong nhiều năm, hạnh phúc luôn là thứ dành cho bản thân tôi thì tương lai. Tôi hứa với mình rằng một khi tôi tăng 10kg cơ bắp hoặc sau khi chuyện làm ăn của tôi lên trang nhất tờ New York Times, thì tôi cuối cùng cũng có thể xả hơi. 

Hơn nữa, mục tiêu tạo ra một xung đột “hoặc-hoặc”: hoặc bạn đạt được mục tiêu và trở nên thành công hoặc bạn thất bại và bạn là một nỗi thất vọng. Về mặt tâm trí bạn đã tự bó hẹp mình lại trong một phiên bản hạnh phúc rất nông cạn. Bạn bị lạc lối. Thực tế hiếm khi giống như mường tượng của bạn lúc ban đầu. Thật vô lý khi giới hạn cảm giác mãn nguyện của mình trong một kịch bản dù ngoài kia có vô vàn lối đi khác dẫn tới thành công. 

Tư duy hệ thống sẽ cung cấp cho bạn giải pháp. Khi bạn đắm chìm trong quy trình thay vì thành phẩm cuối cùng, khi bạn trân trọng hành trình thay vì đích đến, bạn sẽ không phải trì hoãn quyền được hạnh phúc của bản thân. Bạn có thể hài lòng bất cứ lúc nào khi hệ thống đang vận hành. Và một hệ thống có thể thành công theo nhiều dạng khác nhau, không chỉ là cái bạn hình dung lúc đầu. 

Vấn đề #4: Bạn chắc chắn sẽ “vỡ mộng” nếu chỉ tập trung vào đích đến. 

“Hắn vượt biển, liều mạng trong cuộc tìm này; nhưng tìm được, thực sự tìm thấy, thì hắn sợ. Bởi hắn cảm thấy khi tìm thấy, thì chẳng còn gì để mà tìm kiếm nữa.” 

—Dostoyevsky, Hồi ký dưới tầng hầm (1864) 

 

Cuối cùng, tư duy mục tiêu có thể tạo ra hiệu ứng vòng lặp. Nhiều vận động viên chạy bộ tập luyện ròng rã hàng tháng trời, nhưng ngay khi họ vượt qua vạch đích, họ ngừng tập luyện. Đường đua không còn trước mắt để thúc đẩy họ nữa. Khi tất cả những khổ luyện của bạn đều được dồn hết vào một mục tiêu cụ thể, còn lại gì thúc đẩy bạn sau khi bạn đạt được nó? Đây là lý do tại sao nhiều người thấy bản thân “ngựa quen đường cũ” sau khi hoàn thành một mục tiêu. 

Trong môi trường thể thao không chuyên, tình trạng phổ biến là các đội bóng chỉ tập luyện trước khi giải đấu khởi tranh tầm 1-2 tháng. Tất nhiên, mục tiêu của tất thảy là chức vô địch, hoặc tiến sâu nhất có thể. Và ngay cả một đội vô địch rất có thể sẽ ai về nhà nấy ngay sau ngày đoạt cúp. Họ hẹn nhau sẽ tái ngộ vào giải đấu năm sau và ấp ủ khát vọng về một cú đúp, rồi một cú ăn ba, thiết lập kỷ lục, v.v. Nhưng năm sau họ trở lại, nhà đương kim vô địch không bảo vệ nổi ngôi vương trước sức càn quét của một đội bóng kèo dưới, một đội bóng vẫn tiếp tục tập luyện—thậm chí là hăng say—sau khi thua cuộc tại giải đấu năm ngoái. Tóm lại, thực tế này chỉ ra hai điều: Điều quan trọng không phải là có đạt được mục tiêu hay không, mà là ta sẽ làm gì sau khi thành công (hoặc thất bại) trong việc đạt được chúng. 

Mục đích của đặt mục tiêu là chiến thắng trò chơi. Mục đích của gia cố hệ thống là tiếp tục trò chơi. Tư duy dài hạn đúng đắn là tư duy không mục tiêu. Nó không bận tâm về bất cứ thành tựu riêng lẻ nào. Nó là một vòng quay của học hỏi không ngừng và liên tục phát triển. Sau chót, chính mối ràng buộc giữa bạn và quy trình sẽ quyết định sự tiến bộ của bạn. 

Tham khảo: Atomic Habits: An Easy & Proven Way to Build Good Habits & Break Bad Ones, James Clear