Lãnh đạo bằng lòng vị tha
“Sai lầm mà các đương kim vô địch thường mắc phải là cố gắng lặp lại công thức chiến thắng của họ. Điều đó hiếm khi hiệu quả vì ở mùa giải tiếp theo, đối thủ đã nghiên cứu tất cả các video và tìm ra cách chống lại mọi chiến thuật của bạn. Chìa khoá để thành công bền vững là tiếp tục phát triển như một đội.”
—Phil Jackson
Mặc dù hai người học trò của Phil Jackson, Jordan và Kobe, đều là mẫu cầu thủ hết sức gay gắt—họ có thể mạt sát bạn nếu bạn chơi không tốt hoặc không đúng ý họ, nhưng Phil Jackson vẫn quán triệt điều này bằng lòng vị tha của mình. Bạn sẽ không bao giờ thấy Phil nổi nóng hay mạt sát các thành viên khi họ mắc lỗi, bởi ông biết mắc lỗi là một phần của trò chơi. Người lãnh đạo giỏi là người biết dẫn dắt bằng sự tôn trọng thay vì nỗi sợ hãi.
Tuy nhiên, có những lúc bạn cũng cần thị uy một chút để duy trì mức độ tôn trọng đó. Bạn có thể trao quyền cho người khác làm thay bạn. Ví dụ, mặc dù Phil Jackson luôn tỏ ra hoà nhã, nhưng ở Bulls không bao giờ có tình trạng lính ngang hàng sếp. Luôn có những người khác, chẳng hạn như đội trưởng hoặc bất cứ người nào có tiếng nói trong tập thể, có thể đứng lên để răn đe, thiết lập và duy trì kỉ cương.
Tạo nền tảng văn hoá tập thể vững mạnh
Văn hoá là nền tảng của tập thể, và một đội bóng không ngoại lệ. Những ngày còn cầm quân, Phil Jackson đã đầu tư rất nhiều công sức, thời gian để xây dựng một văn hoá nhóm dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Trước mỗi trận đấu, cả đội Bulls sẽ tụ tập thành vòng tròn, nắm tay nhau và lần lượt từng thành viên chia sẻ điều gì đó riêng tư với những người còn lại. Đó có thể là bất cứ thứ gì, từ mục tiêu cá nhân cho trận đấu đến câu chuyện về gia đình hoặc cuộc sống của họ.
Một ví dụ về sức mạnh của nghi lễ này là trận chung kết NBA năm 1993 giữa Chicago Bulls và Phoenix Suns. Trong trận 6, Bulls bị dẫn trước 2 điểm khi chỉ còn vài giây nữa là hết giờ. Michael Jordan cầm bóng và bị kèm chặt, nhưng ông đã không đánh khó mà chuyền cho Paxson, người đang không bị theo kèm. Paxson nhận đường chuyền, nhảy ném và quả bóng xoáy tít vào rổ: Chicago Bulls lên ngôi vô địch ba năm liên tiếp.
Ở buổi họp báo sau trận đấu, Paxson tiết lộ rằng trong nghi lễ trước trận đấu, anh đã bày tỏ mong muốn thực hiện cú ném ấn định chiến thắng trong trận Chung kết. Có thể vào khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, Jordan đã sực nhớ tới Paxson và quyết định tin tưởng đồng đội.
Quan tâm tới sức khoẻ tinh thần của các thành viên
Hãy tưởng tượng bạn là một cầu thủ bóng rổ, trên sân, với quả bóng trên tay, ánh mắt của hàng ngàn người đổ về bạn, ánh đèn flash nhập nhoạng của cánh nhà báo, những cổ động viên quá khích đang chọc tức bạn, v.v. Hẳn phải rất căng thẳng.
Năm 1993, sau khi giành ba chức vô địch liên tiếp với Chicago Bulls, kì vọng của người hâm mộ cũng như áp lực từ truyền thông, và quan trọng nhất là áp lực cầu thủ tự đặt nặng mình, khiến bầu không khí cả đội trở nên ngột ngạt. Đó là chưa kể tới việc Michael Jordan, thủ lĩnh của đội, chuyển qua chơi bóng chày.
Trước tình hình trên, Phil Jackson đã mời chuyên gia quản lý căng thẳng George Mumford về để giúp đỡ các cầu thủ Bulls. Phát biểu với tờ The New York Times năm 2016, Mumford đã cố gắng thâu tóm những lợi ích của chánh niệm như sau:
“Khả năng lùi lại và quan sát trải nghiệm của bạn, bạn thực sự hiểu cách tâm trí bạn vận hành, cách cơ thể bạn hoạt động, cách trận đấu diễn ra.”
Như Mumford đã nói, “khả năng lùi lại và quan sát trải nghiệm của bạn”—không chỉ áp dụng với thể thao mà còn trong cuộc sống, công việc. Mỗi nghề đều có những áp lực riêng, nhưng bằng cách thực hành chánh niệm, bạn có thể hiểu rõ tâm trí và cơ thể mình hơn.
Tinh thần đồng đội là trên hết
Theo lẽ thường, các đội bóng luôn cố gắng chiêu mộ những siêu sao và xây dựng những cầu thủ còn lại như “vệ tinh” bao quanh – đóng vai trò hỗ trợ cầu thủ chủ lực. Nhìn vào trường hợp của Michael Jordan: Jordan gia nhập NBA năm 1984, trở thành niềm hi vọng của một đội bóng đang ngấp ngoải và gần như đã trở thành gương mặt đại diện của giải đấu vài năm sau đó. Nhưng dẫu ghi trung bình hơn 30 điểm mỗi trận, dẫn đầu liên đoàn về nhiều chỉ số, Jordan vẫn chưa được đặt ngang hàng với các tượng đài – bởi ông không có một chức vô địch nào cả. Trên thực tế, Jordan đã mất 7 năm mới đoạt chức vô địch đầu tiên, và kỳ tích xảy ra nhờ vào một chiến lược đơn giản mà Phil Jackson, người vừa mới được thăng cấp từ trợ lý lên huấn luyện viên trưởng vào năm 1989, đề xuất.
Động thái đầu tiên của Phil như sau: Ông ấy muốn Jordan ghi ít điểm lại. “Ồ, tôi không thích Phil lúc ổng mới đến,” Jordan nói. “Ông ấy giành bóng từ tay tôi.” Nhưng lý lẽ của Phil là không thể phủ nhận: vì Jordan cầm bóng quá nhiều nên các đội khác dễ dàng phòng thủ trước Bulls hơn. Các đội bóng khác biết bóng sẽ luôn về tay Jordan, và việc họ cần làm chỉ đơn giản là cản Jordan lại, kể cả khiến ông ấy bầm dập. Ngược lại, hướng đi mới của Phil—chiến thuật tam giác—cho phép 5 người trên sân luân chuyển quả bóng nhiều hơn, thực hiện các đường tấn công đa dạng.
“Chắc chắn, chúng tôi có Michael Jordan, và ta phải công nhận tài năng của anh ấy. Nhưng nói qua cũng phải nói lại, nếu những cầu thủ khác không vui vì Michael thực hiện 25 cú ném mỗi trận, sự bất mãn của họ sẽ phá huỷ mọi thứ. Không quan trọng một cầu thủ xuất sắc tới đâu—họ không thể thắng nổi một đội tỉnh táo và tin tưởng lẫn nhau.”
—Phil Jackson
Jordan đồng ý chuyền bóng, từ bỏ cuộc đua danh hiệu cá nhân để các đồng đội khác có đất dụng võ — tất cả đều nhằm mục đích xây dựng tập thể Chicago Bulls vững mạnh và hướng tới chức vô địch. Theo chế độ mới này, Scottie Pippen đã có nhiều cơ hội thể hiện hơn và trở thành cánh tay phải đắc lực của Jordan. Nếu Jordan là Batman, Pippen hẳn sẽ là Robin. Các thành viên khác trong đội như Horace Grant, Armstrong cũng tiến bộ rõ rệt.
Chỉ sau hai mùa giải Phil Jackson cầm quân, Bulls đã lột xác trở thành một đội bóng đáng gờm, một đối thủ sừng sỏ, không ngừng tiến về phía trước như một cỗ hoả xa. Cuối cùng, họ đã đánh bại đối thủ truyền kiếp của mình, Detroit Pistons trong trận Chung kết miền Đông, thẳng bước vào Chung kết, nơi họ gặp Đương kim vô địch LA Lakers và lật đổ ngôi vương, chính thức mở ra triều đại Chicago Bulls thống trị giải đấu suốt thập niên 90.
Huấn luyện là cả một nghệ thuật. Một đội bóng là một tập thể, chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ, mỗi người một cá tính, mỗi người một phong cách. Dưới cương vị một huấn luyện viên, Phil Jackson đã ghi dấu ấn không trộn lẫn của mình bằng một phong cách lãnh đạo khoan dung, khôn ngoan mà khiến cả hai huyền thoại bóng rổ Michael Jordan và Kobe Bryant, cũng như toàn thể đội ngũ phải ngả mũ kính phục. Qua đó, mỗi người chúng ta đều tiếp thu cho mình những bài học riêng để áp dụng vào cuộc sống.