Tại sao phải có đức hạnh?
Aristoteles coi luân lý học mang tính thực hành hơn lý thuyết, tức là nó tập trung vào mục đích trở thành người tốt và làm điều tốt hơn là hiểu biết suông. Trong Đạo đức học Nicomachean, Aristotle nói rằng con người là động vật mang tính xã hội, có lý trí và luôn tìm cách sống tốt. Để đạt được mục đích đó, ông đưa ra một hệ thống đạo đức để ta tiến tới trạng thái eudaimonia, một từ Hy Lạp có nghĩa là sống tốt hoặc thịnh vượng.
Có nhiều văn bản dịch eudaimonia là “hạnh phúc”, tuy nhiên theo Aristotle, hạnh phúc ở đây cần được hiểu là “một loại hoạt động, không phải một loại khoái lạc, mặc dù hiển nhiên có khoái lạc đi kèm. Nó là một hoạt động đặc sắc nơi con người, hàm ngụ một quan năng tối cao mà động vật và thực vật không có”.
Như vậy, hạnh phúc theo Aristotle là một hoạt động, chứ không phải là cảm xúc.
Đức hạnh là gì?
Aristotle coi đức hạnh là những nét tính cách và xu hướng hành động theo một cách cụ thể. Một số đức hạnh mang tính bẩm sinh, nhưng phần lớn con người đạt được đức hạnh thông qua thực hành: sao chép “những tấm gương đạo đức” cho đến khi tiếp thu được đức tính mong muốn.
Khi nói tới việc rèn luyện đức hạnh, trường hợp tiêu biểu nhất cần kể đến là Benjamin Franklin. Ông đã lập ra danh mục 13 đức tính mong muốn và lên kế hoạch rèn luyện từng đức tính một như thói quen ăn uống điều độ, lòng khiêm tốn, chung thủy,... Như Franklin, mỗi người có thể trở nên ôn hòa bằng cách rèn luyện sự chừng mực, trở nên can đảm bằng cách thử thách lòng tự tin,... Cuối cùng, đức hạnh sẽ trở thành một phần bản thể, không thể tách rời khỏi con người ta.
Aristotle cũng giải thích thêm rằng mỗi đức tính cần được đặt ở trạng thái cân bằng. Ví dụ về tính tiết kiệm, nếu ta chắt bóp quá mức thì ta sẽ trở thành keo kiệt, nhưng nếu ta phung phí thì ta đang lãng phí. Aristotle tin rằng người có đức hạnh sẽ biết mình cần chi tiêu bao nhiêu mà không cần vung tay quá trán hay thắt lưng buộc bụng.
Những đức tính của Aristotle là gì?
Những đức tính mà Aristotle đã liệt kê trong Đạo đức Nicomachean của mình là:
Dũng cảm: Điểm nằm giữa hèn nhát và liều lĩnh, người dũng cảm là người nhận thức được nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân vào.
Tiết độ: Nằm giữa sự buông thả quá mức và sự lãnh đạm. Aristotle coi người không bao giờ uống rượu cũng chẳng khác nào người uống quá nhiều.
Sự phóng khoáng: Đức tính bác ái, đây là thước đo vàng giữa tính keo kiệt và việc cho đi nhiều hơn mức bạn có thể chi trả.
Sự lộng lẫy: Sống xa hoa, nằm giữa sự keo kiệt và thô thiển. Aristotle thấy không lý gì phải khổ hạnh nhưng cũng cảnh bảo con người không nên sống quá hào nhoáng.
Sự cao thượng: Đức tính kiêu hãnh, là điểm trung gian giữa việc không tin tưởng bản thân mình và ảo tưởng về sự vĩ đại. Điều hiển nhiên là bạn phải ý thức được giá trị của bản thân và phấn đấu đạt tới sự vĩ đại.
Kiên nhẫn: Kiểm soát tính khí nóng nảy của bạn. Người kiên nhẫn không được quá nóng nảy và cũng không nên quá nhu nhược để bị lấn lướt.
Tính trung thực: Aristotle đặt đức tính trung thực giữa thói quen nói dối và thiếu tế nhị hoặc khoe khoang. Nói cách khác, ta phải nói đúng bản chất sự vật, không thêm thắt và cũng không cắt xén.
Sự hóm hỉnh: Nằm giữa trò hề và sự thô lỗ, đây là đức tính của sự hài hước.
Thân thiện: Mặc dù thân thiện có vẻ không phải một đức hạnh nhưng Aristotle khẳng định các mối quan hệ tốt đẹp là một phần quan trọng của một cuộc sống viên mãn. Cũng như những đức tính trên, một người không nên khó gần tới mức không thể tiếp cận, cũng không nên thân thiện với quá nhiều người.
Xấu hổ: Điểm nằm giữa quá e dè và trơ lì.
Công bằng: Đối xử công minh với người khác. Nó nằm giữa lòng vị kỷ và lòng vị tha.
Aristotle coi đạo đức là một nghệ thuật hơn là một hình thức khoa học, và những lời giải thích của ông cố tình lờ đi những chi tiết cụ thể. Ta phải tự tìm hiểu cách tiếp cận đúng đắn với từng đức tính tùy vào tình huống của ta.
Ông cũng lưu ý thêm rằng ta hoàn toàn có thể phá vỡ các quy tắc. Chẳng hạn môt người trung thực không nhất thiết phải nói thật cả đời, y hoàn toàn có thể nói dối khi cần thiết. Con người là sinh vật có lý trí và khả năng tự chỉ về hành vi, do đó, tính linh hoạt của hệ thống đạo đức là hoàn toàn khả dĩ.
Gượm đã…
Danh sách trên được Aristotle thiết kế ra dành cho những người đàn ông Hy Lạp thuộc tầng lớp trên của xã hội, những người có học thức và khá may mắn. Chẳng hạn, đức tính lộng lẫy có thể không khả thi với một người có hầu bao hẹp.
Tuy nhiên, hầu hết các đức tính còn lại rất quen thuộc với chúng ta. Chúng giống như một bài tập huấn chuẩn bị cho cuộc đời. Tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với gian nguy vào lúc nào đó, vì vậy ta sẽ cần phải can đảm. Tất cả chúng ta đều phải giữ mối quan hệ hòa hảo với một số người, vì vậy ta phải học cách thân thiện. Tất cả chúng ta đều không tránh khỏi tức giận, vì vậy ta phải rèn luyện tính kiên nhẫn.
Mặc dù một số lời răn của Aristotle có thể không còn phù hợp trong thời đại hiện nay như 2.000 năm trước, nhưng phần lớn vẫn chứa đựng sự thông tuệ cổ xưa để ta nỗ lực sống tốt hơn, đẹp hơn. Mặc dù không phải mọi người cố gắng sống xứng đáng nhất với cuộc đời đều sẽ hạnh phúc hơn, nhưng chẳng phải khi nhìn lại, ta sẽ tự hào hơn vì ít nhất ta đã thử sao?