Không dám nghỉ ngơi vì sợ mình thành kẻ “ăn không ngồi rồi”? Hãy tham khảo những cách giải quyết sau. 

Ảnh: TNYT

Stephen King từng chia sẻ rằng ông ấy viết mọi ngày trong năm, kể cả sinh nhật, ngày cưới hay giáng sinh. “Nhưng khi không làm việc, tôi thực sự không làm việc,” ông nói thêm. 

Để có thể “thực sự không làm việc” khi không làm việc như lời King, hoàn toàn chẳng phải chuyện dễ. Chắc hẳn rất nhiều độc giả ngồi đây từng trải nghiệm điều này: cảm thấy bứt rứt, bồn chồn, tay chân ngứa ngáy mỗi khi không có gì làm. 

Điều gì đang diễn ra? Tại sao bạn không thể thả lỏng và thưởng thức bộ phim? Tại sao lúc cần nghỉ ngơi thì đầu óc bạn cứ chuyện nọ xọ chuyện kia? 

Tại sao chúng ta cảm thấy tội lỗi khi không làm gì? 

Có rất nhiều lý do cho việc bạn cảm thấy bứt rứt mỗi khi nhàn rỗi, ở đây tôi sẽ tạm liệt kê ra như sau: 

Hội chứng overthinking

Overthinking là hành động hoặc thói quen của việc suy nghĩ về một vấn đề, tình huống hay sự kiện một cách quá mức và không cần thiết. 

Người có xu hướng overthinking thường không thể dứt ra khỏi một chuỗi suy nghĩ, và đôi khi họ không thể kiểm soát được sự hoang mang hay sự căng thẳng mà những suy nghĩ này gây ra. Kết quả có thể làm giảm khả năng tập trung, gây stress và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý chung.

Overthinking là suy nghĩ về một vấn đề, tình huống hay sự kiện một cách quá mức và không cần thiết. 

Vì vậy, nhiều người bị overthinking cố gắng giữ bản thân thật bận rộn, liên tục nghĩ ra việc này việc kia để làm, cốt không cho bản thân cơ hội rảnh rỗi để suy nghĩ lung tung. Tôi không phủ nhận hiệu quả của phương pháp này, nhưng nó kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng khác (mà chủ đề của bài viết này là một trong số đó) và quan trọng hơn, nó không giải quyết vấn đề overthinking một cách triệt để. 

Hội chứng “nghiện công việc” 

Chứng nghiện công việc, hay còn gọi là “workaholism”, ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại, là tình trạng một người cảm thấy cần thiết phải làm việc một cách cực độ, đến mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân. 

Bạn có phải một kẻ tham công tiếc việc? 

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, nếu so sánh với những chứng nghiện đã được biết từ lâu, ví dụ như nghiện đánh bạc hay trò chơi điện tử thì nghiện công việc phổ biến hơn rất nhiều.

Duy trì thói quen này khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Thậm chí nếu không làm việc, họ cảm thấy đơn độc, trống rỗng, nên lại tiếp tục "nghiện việc" để giải tỏa, tạo thành vòng luẩn quẩn.

Văn hoá làm việc chăm chỉ đã ăn sâu vào tiềm thức của bạn 

Bạn có thể chịu ảnh hưởng từ gia đình, thần tượng, bạn bè, v.v. về tinh thần làm việc chăm chỉ. Giả sử bạn sinh trưởng trong một gia đình bậc trung, bố mẹ bạn đã phải thức khuya dậy sớm để trang trải. Bạn hầu như không thấy phút nào họ rảnh rỗi. Vậy thì gần như tính cách này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của bạn, cho nên mỗi khi bạn định thả lỏng thư giãn, bạn đều thấy bứt rứt khó chịu. 

Bận rộn khiến bạn cảm thấy bạn đang tự chủ cuộc đời mình 

Phần lớn chúng ta đều ưu tiên các phần thưởng ngắn hạn hơn phần thưởng dài hạn. Hoàn thành nhiều việc trong ngày khiến bạn cảm thấy tự hào về bản thân. Tất nhiên điều này là một cơ chế rất bình thường, chỉ có điều không phải ngày nào cũng đầu xuôi đuôi lọt như thế. Sẽ có những ngày công việc không suôn sẻ. Và bạn không yên tâm nghỉ ngơi vì bạn nghĩ mình chưa làm được gì, do đó không xứng đáng được nghỉ ngơi. 

Bạn chưa biết cách sắp xếp công việc 

Nếu bạn thường làm việc theo kiểu nhảy qua nhảy lại từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, khả năng cao là bạn sẽ thấy mình chẳng hoàn thành được gì. Vậy nên việc thư giãn càng khuếch trương thêm cảm giác khó chịu kia. Thay vào đó, bạn sẽ thấy bạn đang lãng phí thời giờ và không thực sự giành được một quãng giải lao. 

Đi đâu từ đây? 

Như thường lệ, dưới đây là một vài mẹo nhỏ để giúp bạn vượt qua cảm giác dằn vặt mỗi khi nhàn rỗi: 

Tập trung 

Khi Michael Jordan được hỏi ông chuẩn bị thế nào trước mỗi trận đấu, ông đáp rằng ông làm mọi thứ như thường nhật: thức dậy, ăn uống, nằm sofa xem TV, nghe nhạc, v.v. nói chung là cố gắng tách rời bản thân khỏi mục tiêu trước mắt. Và khi trận đấu bắt đầu, Jordan sẽ tung hết sức, tập trung tất cả tâm trí và cơ thể để thi đấu. Tôi hiểu ngụ ý của Jordan đằng sau câu trả lời “nghe có vẻ” lãng xẹt này: tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Nếu trận đấu chưa bắt đầu, Jordan chẳng việc gì phải bận tâm về nó; còn khi đã vào trận rồi, ông ấy sẽ tập trung hết mức để giành chiến thắng. 

Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên và giải quyết từng cái một 

Tổ chức công việc một cách khoa học sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng hơn về những gì mình cần làm. Hãy thiết kế một bản to-do-list, đánh tích cho mỗi đầu việc đã hoàn thành, và bạn có thể tin rằng bạn xứng đáng nhận được một quãng giải lao. Ví dụ, hãy thử đặt ra nguyên tắc rằng mỗi lần hoàn thành một đầu việc thì bạn sẽ được nghỉ 10 phút. Và rồi cứ ngồi đó thư giãn trong 10 phút thôi. 

Hạ thấp kỳ vọng 

Tất nhiên sẽ có những ngày tuyệt vời: bạn thức dậy sau một giấc ngủ ngon, tràn trề sinh lực và mọi thứ, từ công việc, tình yêu, gia đình, v.v. đều ổn thoả. Điều này gia tăng ảo tưởng nơi bạn, và bạn muốn những ngày tiếp theo đều như vậy. Tuy nhiên năng suất của bạn cũng giống như thời tiết vậy, nói chung là khá khó lường, do đó bạn không nên kỳ vọng thái quá. Hãy bình thường hoá việc bạn ngủ không ngon, trời mưa tắc đường, bị sếp mắng và không được làm việc mình thích vì phải mang việc về nhà. 

Nhận thức rõ sự cần thiết của nghỉ ngơi 

Bất kể bạn làm công việc bàn giấy hay công việc chân tay, bạn đều cần những quãng nghỉ. Hãy cứ tưởng tượng các đầu việc trong ngày của bạn là những bài tập mà bạn cần hoàn thành ở phòng gym. Bạn đâu thể cứ tập hùng hục từ bài này qua bài khác. Giữa mỗi set bạn cần phải nghỉ, giữa mỗi bài bạn cần phải nghỉ, do đó hãy cho cơ thể cơ hội để phục hồi và tiếp tục chiến đấu. 

Hạn chế sử dụng mạng xã hội 

Mạng xã hội có thể ngốn vô số thời gian của bạn. Nếu cứ mỗi chốc bạn lại nhấc điện thoại lên xem thông báo, lướt TikTok mỗi khi không biết làm gì, nó có thể khiến bạn nghĩ rằng mình đang lãng phí thời gian, vậy nên khi bạn thực sự muốn nghỉ ngơi, bạn thậm chí còn cảm thấy tội lỗi hơn. 

Hãy bắt đầu ngày mới một cách thật năng suất 

Người xưa có câu “Đầu xuôi đuôi lọt”, tức nếu bạn khởi sử một việc gì đó một cách thuận lợi thì các bước sau sẽ hanh thông hơn. Thật ra thì chuyện đầu xuôi đuôi kẹt cũng không phải hiếm, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, năng suất của ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những việc ta làm trong buổi sáng. Giả dụ, nếu tôi lướt mạng cả sáng thì tôi dễ rơi vào tình trạng ì ạch; ngược lại, nếu tôi kết thúc buổi sáng một cách thuận lợi, tôi sẽ tràn đầy khí thế để tiếp tục làm việc vào buổi chiều. Và chưa kể là nếu tôi chẳng làm được gì trong buổi chiều thì tôi vẫn có thể tự an ủi rằng mình đã có một buổi sáng thật năng suất. 

Kết luận 

Nếu bạn cảm thấy tội lỗi khi ăn không ngồi rồi, bạn không cô đơn. Để có thể thực sự nghỉ ngơi, có rất nhiều thứ bạn có thể thử áp dụng. 

Cố gắng giữ bản thân ở hiện tại. Tập trung hoàn thành từng việc một, việc nào quan trọng thì làm trước. Và nhớ là đừng lạc quan thái quá, hãy giữ một tâm thế trung dung thôi. 

Hãy tự nhắc nhở mình rằng bạn không phải một cỗ máy—tâm trí bạn xứng đáng được nghỉ ngơi. Nếu công việc đang bế tắc, bạn càng cần phải nghỉ ngơi. Cuối cùng, hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội, bởi nó là tác nhân chính gây xao nhãng và khiến bạn cảm thấy dằn vặt dữ dội vì đã “lãng phí” thời gian. 

Nguồn tham khảo: PsychCentral