Nếu bạn theo đuổi nghệ thuật như một sở thích ngoài công việc toàn thời gian, bạn hẳn không còn xa lạ gì với cơn mệt mỏi rũ rượi đánh gục bạn sau 8 tiếng ngồi văn phòng. Bạn như bị vắt kiệt. Tất cả bạn muốn làm khi về tới nhà là nằm dài ra sofa, vừa ăn vừa xem Netflix và lướt TikTok cho tới giờ đi ngủ. Và đó là chưa kể bạn đã lọ mọ trong bếp xử lý bữa tối và làm xong mấy việc vặt vãnh khác như dọn phòng, phơi quần áo, rửa bát, v.v. Vậy là, sau tất cả những thứ đó, bạn lấy đâu ra năng lượng để mà SÁNG TẠO?

Chắc chắn rồi, bạn có thể bỏ quách công việc văn phòng đi và nhốt mình trong phòng mong viết nên kiệt tác, nhưng đơn giản là cuộc đời không diễn ra theo hướng đó.

Ta có hoá đơn cần trả và bụng ta không tự no được. Ta thừa lý trí nhưng thiếu dũng khí để bỏ một công việc ổn định nhưng nhàm chán rồi theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật vẻ vang (hoặc không). Nhưng, điều này không có nghĩa rằng bạn bị tước mất cơ hội làm điều bạn thích (vài người sẽ nói với bạn rằng miễn là bạn thích thì kiểu gì bạn cũng tìm ra thời gian để làm).

Bạn thực chất không cần tám tiếng một ngày để làm nghệ thuật, bạn chỉ cần năng lượng để sáng tác trong thời gian ít ỏi bạn có thôi. Như thường lệ, dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn giải quyết vấn đề này. 

Từng bước một

Nếu bạn chưa đọc cuốn Bird by Bird của Anne Lamott, tôi thực sự khuyên bạn nên đọc nó. Trong khi nó được viết ra dành cho dân viết lách là chính, nhưng những lời khuyên của Lamott có thể áp dụng với nhiều loại hình sáng tạo khác. 

Bà ấy ủng hộ việc nhìn nhận công việc sáng tạo như những bài tập ngắn. Nếu bạn nghĩ, “Tôi sẽ chỉ ngồi xuống trong vòng mười phút và vẽ một góc nhỏ này thôi,” nó sẽ dễ bắt đầu hơn rất nhiều. 

Bạn sẽ bất ngờ khi thấy cơn mệt mỏi trôi đi nhanh chóng ra sao và sự sáng tạo trong bạn bung nở. Bạn sẽ tìm thấy flow và bạn thậm chí không nhận ra bạn đã ngồi vẽ cả 2 tiếng liên tục rồi chứ không phải là 10 phút nữa. 

Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo 

Một vấn đề phổ biến khác gây tắc nghẽn dòng chảy sáng tạo là chủ nghĩa hoàn hảo. Bạn có thể sẽ nghĩ, “Mình đang quá mệt nên mình sẽ chẳng làm được gì nên hồn cả.” 

Chuyện là, với một công việc full-time bạn sẽ gần như luôn kiệt sức, và bạn sẽ không bao giờ tạo ra được bất cứ cái gì nếu bạn tư duy như trên. Hãy tập hài lòng với việc bạn sẽ không hài lòng với tác phẩm của mình. 

Lamott cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo chỉ khiến con người ta bế tắc hơn. Có thể bạn không hài lòng với tác phẩm của mình, thực sự là chẳng nghệ sĩ thực thụ nào lại hài lòng với tác phẩm của mình cả. Cách để thoát khỏi vòng lặp của chủ nghĩa hoàn hảo là thừa nhận sự yếu kém của bản thân. Việc này đôi khi thật đau đớn, nhưng chỉ khi làm vậy, bạn mới có đủ sự kiên nhẫn cần thiết để tiếp tục theo đuổi nghệ thuật. Bạn biết đấy, muốn đi đường dài, bạn không chỉ cần kiên nhẫn với mục tiêu mà còn phải kiên nhẫn với chính bản thân bạn, rằng sau mỗi lần vấp ngã, bạn vẫn nhẫn nại với sự yếu kém của mình và tiếp tục tiến về phía trước.  

Lật ngược 

 

“Ngày càng dài, năng lượng của bạn càng ít, và việc tận dụng những giờ sáng sớm càng trở nên quan trọng hơn”.

 

Thay vì thức khuya để sáng tác nhạc hoặc vẽ vời gì đó, hãy thức dậy sớm hơn và sáng tác vào buổi sáng khi tâm trí bạn vừa được reset sau một giấc ngủ ngon. Bằng cách này, bạn đang cống hiến quãng thời gian bạn khoẻ khoắn nhất cho thứ bạn yêu, và cảm giác thật vui sướng khi đến văn phòng vì bạn đã được làm điều bạn thích.  

Kiên định với các ưu tiên của bạn

Nói thì dễ hơn làm, nhưng một khi bạn đã xác định các ưu tiên của mình trong tuần, tháng hoặc năm, hãy bám sát chúng. Nếu tuần trước bạn không thể viết lách nhiều vì bận dự án ở công ty và quyết định sẽ tập trung viết trở lại vào tuần này, thì bạn phải làm đúng như cam kết: tắt điện thoại, ngồi xuống và viết. 

Nếu bạn đã dành ra một khoảng thời gian nhất định để sáng tác nghệ thuật, dù là sáng các ngày trong tuần hay chiều cuối tuần, hãy tuân thủ lịch trình đó. Đó là thời gian nghệ thuật quý giá và phải được đối xử như vậy.

Chú ý đến sự kiệt sức

Theo đuổi đam mê nghệ thuật trong khi vẫn phải xoay xở với những nghĩa vụ khác có thể khiến bạn mệt mỏi hơn nếu không cẩn thận. Hãy nhớ dành thời gian cho bản thân, ngay cả khi đó chỉ là việc nhỏ như đi dạo sau bữa tối hoặc nghe nhạc sĩ yêu thích trước khi bắt đầu sáng tác.

Nhảy thẳng từ nghệ thuật, đến văn phòng, đến nghệ thuật mỗi ngày mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Bạn sẽ sáng tạo hơn nhiều nếu dành thời gian để tạm dừng và làm mới một chút.

Nhưng hãy lưu ý quy tắc 2 ngày: không bao giờ bỏ ngỏ công việc của bạn trong 2 ngày liên tiếp. Ý tôi là những việc thực sự bạn coi là quan trọng ấy. Chẳng hạn như tập gym, nếu bạn muốn duy trì thói quen, bạn không nên nghỉ hai ngày kề nhau. Nếu bạn nghỉ thứ 4 thì thứ 5 hãy vác giày đi tập, muốn nghỉ tiếp thì đợi đến thứ 6. Đơn giản vậy thôi. 

Đừng lấy cớ bận rộn  

Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng bị mắc kẹt trong tư duy “quá bận rộn.” Nhưng nếu bạn thực sự yêu thích nó, bạn sẽ luôn tìm ra thời gian rảnh. Đúng vậy, đôi khi chúng ta vẫn bám vào cái cớ “bận rộn” để lảng tránh vấn đề rằng: ta đã không trung thực về những gì thực sự quan trọng đối với ta. 

Các ưu tiên của bạn được phép thay đổi. Không cần thiết phải quá cứng nhắc; kế hoạch viết tiểu thuyết của bạn hoàn toàn có thể bị dời lại sang tuần sau vì một chuyện quan trọng hơn, chẳng hạn một chuyến công tác nước ngoài. Việc chấp nhận rằng bạn sẽ phải thay đổi thứ tự các ưu tiên thường xuyên sẽ giảm bớt căng thẳng cho bạn khi bạn cố gắng làm mọi thứ một cách quá cứng nhắc. 

Vì vậy, thay vì biện hộ “Tôi quá bận”, hãy thẳng thắn thừa nhận rằng bạn đang có một mối bận tâm khác, một ưu tiên khác lớn hơn. Nó sẽ giảm bớt áp lực và cho phép bạn sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong những tuần tiếp theo. 

Có thể bạn không yêu nó đủ

Nếu bạn đã thử qua tất cả những điều trên và vẫn thấy tuyệt vọng, có lẽ đã đến lúc đối diện với chính mình: bạn không thích nghệ thuật đủ nhiều. Nói đơn giản, bạn chỉ hơi ngứa ngáy khi không cầm cọ vẽ hay cầm bút viết thôi, chứ về cơ bản là bạn vẫn sống tốt. Bạn cần trung thực để đối diện với câu hỏi: “Bạn có thực sự thích thứ nghệ thuật mà bạn đang theo đuổi không?” và nếu câu trả lời là “Không”, đã đến lúc giong buồm tới một vùng trời khác, nơi tiềm năng dày hơn và niềm vui cũng cao hơn. 

Dù sao thì cũng chúc bạn may mắn trên hành trình tìm kiếm nghệ thuật đích thực.