Điều gì tách biệt những con người xuất sắc nhất thế giới và phần còn lại?
Chúng ta thường nghĩ về những tài năng xuất chúng theo cách một người bỗng dưng xuất hiện, làm điều gì đó theo cách mà chưa ai từng làm trước đấy. Nhưng thực tế thì những thiên tài cũng gặp nhiều vấn đề tương tự chúng ta.
Hãy lấy cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới, một gã nhỏ con người Argentina tên là Lionel Messi làm ví dụ. Sở hữu 45 danh hiệu danh hiệu tập thể cho cả CLB và đội tuyển quốc gia, Messi hiện đang dẫn đầu danh sách cầu thủ giàu danh hiệu nhất trong bóng đá đỉnh cao.
Tuy nhiên, với tất cả những thành tựu vĩ đại của mình, Messi nổi tiếng là người hay lo lắng. Trong nhiều năm, anh thường xuyên bồn chồn, nôn mửa trước các trận đấu quan trọng. Sau một chuỗi trận thua đáng thất vọng của đội tuyển Argentina, huyền thoại Diego Maradona đã chỉ trích Messi không thương tiếc là “cố gắng biến một người đi vệ sinh 20 lần trước một trận đấu thành một nhà lãnh đạo là vô ích.”
Thế đấy, sở hữu thiên tư sáng ngời không có nghĩa là bạn miễn nhiễm với sự lo lắng, và nhiều vận động viên giỏi nhất thế giới vẫn phải vật lộn với nó bởi họ kỳ vọng quá nhiều vào bản thân. Nhưng Messi không để sự lo âu ngáng đường mình vì theo thời gian, anh đã học được cách chế ngự nó, và đó chính là bí mật đằng sau những đường rê bóng “như chốn không người” của anh trên sân cỏ.
Một trận bóng đá kéo dài 90 phút (chưa kể bù giờ), và hầu hết các cầu thủ đều xông xáo lâm trận ngay từ những phút đầu tiên. Khi tiếng còi vừa dứt, họ chuyền bóng và bắt đầu chạy bài theo đúng chiến thuật mà huấn luyện viên đã vạch ra.
Nhưng Messi nổi tiếng vì lối chơi bình tĩnh xuyên suốt sự nghiệp của mình. Nếu lùng lại các video thời trẻ, ta có thể thấy Messi chủ yếu bám cánh phải. Siêu sao người Argentina thường nhận bóng sát biên dọc, sau đó cắt ngang vào trung lộ để tận dụng tối đa khả năng rê dắt và dứt điểm bằng chân trái. Những pha độc diễn là tiêu biểu trong giai đoạn này của Messi, khiến anh ghi điểm trong cả khung thành lẫn trong lòng người hâm mộ nhưng dưới con mắt của nhiều huấn luyện viên thì lại cho rằng phong cách của anh quá “một màu”.
Khi thi đấu ở những môi trường cao hơn, Messi dần dần phát triển một thói quen: trong những phút đầu tiên, anh đi qua đi lại khu vực giữa sân và hầu như không giữ bóng nhiều. Trong khi các cầu thủ khác bứt tốc chạy nước rút hay đuổi bóng, Messi dành phần lớn thời gian để đi bộ và hiếm khi chạy nhanh.
Messi tập trung làm hai việc trong vài phút đầu tiên này. Đầu tiên, anh ấy tự trấn tĩnh. Việc thả lỏng là cách Messi dần thích ứng với trận đấu. Chứng nôn mửa của anh thì giống như chứng say xe, làm nhiều là tự hết. Việc thứ hai mà Messi làm trong khoảng thời gian này là thăm dò đối thủ. Đôi chân của anh di chuyển chậm rãi, nhưng mắt anh lia từ cầu thủ này sang cầu thủ khác, đọc các bước di chuyển của đối phương, nhìn nhận chiến thuật phòng thủ và tấn công của đội bạn, đồng thời theo dõi chuyển động của đội mình xung quanh trái bóng. Ở giai đoạn đầu của trận đấu, Messi thường khá im hơi lặng tiếng và đôi khi là “mất tích”, nhưng sự tạm dừng về mặt chiến thuật này giúp anh nâng cao giá trị trong 90% thời gian còn lại.
Nếu bạn chia lối chơi bóng đá thành “chuẩn bị” và “tác chiến”, Messi rất chú trọng khâu chuẩn bị. Trong một trận cầu kinh điển giữa Barcelona của Messi với đối thủ truyền kiếp Real Madrid vào năm 2017, số liệu thống kê cho thấy Messi chỉ chạy trong 4 phút và di chuyển nhẹ nhàng trong hơn 80 phút trên 90 phút của trận đấu. Tuy nhiên, trong 4 phút tác chiến ít ỏi kia, Messi rất quyết liệt, tạo ra 9 cơ hội, ghi một bàn thắng và có cho mình một kiến tạo.
Những thống kê này không hề bất thường với Messi, và thường thì trong các trận cầu quan trọng, anh càng tin tưởng vào khâu chuẩn bị của mình. Sự chuẩn bị đó cũng giải thích khả năng di chuyển không bóng thông minh của Messi, giúp anh biết ở đúng nơi vào đúng thời điểm mà vẫn tiết kiệm thể lực. Mặc dù phong cách của Messi thường được ca ngợi là thiên tài, nhưng đó không hoàn toàn là phép màu. Chính xác hơn thì Messi đã lĩnh hội được cách nhìn nhận thế cục trận đấu trong khi những cầu thủ khác bị cuốn đi.
Bài học cho “phần còn lại” là chúng ta thì rõ ràng rồi: Khi bạn lo lắng, dù là trong thể thao, công việc hay cuộc sống nói chung, hãy dừng lại. Chậm lại. Chậm lại. Chuẩn bị.
Như bạn có thể tưởng tượng, việc tạm dừng khó hơn bạn nghĩ. Cơ chế phản ứng của cơ thể chúng ta trước sự lo lắng là hành động. Nếu bất cứ ai cũng có khả năng tĩnh tại, xã hội của chúng ta sẽ toàn những vị Thánh.
Về vấn đề này, Judson Brewer, một bác sĩ tâm thần và nhà khoa học thần kinh, đã dành hơn hai thập kỷ để nghiên cứu về cách không làm gì cả. Nghe thật vô nghĩa phải không, nhưng đó chính xác là mối bận tâm của ông ấy.
Khoảng 15 năm trước, Brewer đã phát triển một phương pháp điều trị chứng nghiện dựa trên chánh niệm. Cách tiếp cận của ông trong việc chống lại cảm giác bồn chồn khi cơn nghiện bộc phát có thể chia làm 4 bước như sau:
- Nhận ra những gì đang phát sinh;
- Cho phép nó ở đó;
- Tự chất vấn bản thân (ví dụ: “Điều gì đang xảy ra trong cơ thể tôi ngay lúc này?”);
- Lưu ý những gì đang xảy ra từng khoảnh khắc.
Brewer đã thử nghiệm phương pháp này trên những người đang cố gắng cai thuốc lá. Nhưng trước khi triển khai chương trình này cho những đối tượng đó, Brewer muốn thử nghiệm nó trên chính bản thân mình trước. “Tôi là người không hút thuốc,” ông viết, “nhưng thứ tôi cần là một người có khả năng đồng cảm với những bệnh nhân đang cảm thấy đầu họ như nổ tung nếu họ không hút thuốc.”
Nicotine có chu kì bán rã khoảng hai giờ, vì vậy để bắt đầu, người hút thuốc cần phải chống lại cơn nghiện trong hai giờ liền. Ai hút thuốc thì sẽ hiểu đây là một khoảng thời gian tưởng như vô tận. Theo lý luận của Brewer, những người có thể chịu đựng được hai giờ sẽ dần hình thành thói quen không hút thuốc, kéo dài thời gian đó cho đến khi họ không thèm thuốc nữa.
Cách giải quyết mà Brewer đưa ra là thực hành thiền trong hai giờ. Khi cảm thấy bồn chồn, ông đã làm theo 4 bước như trên, và nếu ông di chuyển cơ thể, đồng hồ sẽ chạy lại và ông phải bắt đầu lại.
Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng hai giờ là khoảng thời gian rất dài để ngồi yên mà không được làm gì khác. “Điều đáng ngạc nhiên là không phải nỗi đau thể xác vì phải ngồi yên một chỗ,” Brewer chia sẻ. “Mà là sự bồn chồn… Những cơn thèm kia trỗi dậy và hét lên, ‘Dậy đi!’”
Brewer kiên trì với thử nghiệm của mình trong nhiều tháng. Nhưng mỗi khi ông tiến gần tới mục tiêu 2 giờ đồng hồ, sự bồn chồn sẽ lại đánh bại ông. “Rồi một ngày,” ông viết, “tôi đã làm được. Tôi ngồi im suốt hai giờ đồng hồ… Những lần thiền tiếp theo trở nên dễ dàng hơn vì tôi tự tin rằng mình có thể làm được. Và tôi biết rằng bệnh nhân của tôi có thể bỏ thuốc lá. Họ chỉ cần những công cụ phù hợp.”
Brewer đã đúng. Không phải tự dưng mà nicotine được coi là chất gây nghiện nhất thế giới, nhưng khi ông thử nghiệm phương pháp này với các bệnh nhân, nó thực sự hiệu quả hơn gấp đôi so với các phương pháp thông thường.
Nhiều tháng sau, khi hầu hết bệnh nhân trong các phác đồ điều trị khác đều tái nghiện, nhóm chánh niệm của Brewer vẫn tự chủ được. Họ có khả năng thoát khỏi chứng nghiện cao hơn 5 lần khi lĩnh hội được cách dừng lại vào thời điểm cơ thể thúc đẩy họ hành động nhất.
Trong 4 bước của phương pháp do Brewer đề xuất, bước thứ hai—cho phép—có lẽ là quan trọng nhất. Cho phép một trải nghiệm trôi qua nghe có vẻ dễ dàng tới mức ta chẳng cần làm gì cả. Nhưng đó chính xác là vấn đề. Nó giống như cách ta vùng vẫy khi rơi xuống nước mặc dù biết nước sẽ tự động đẩy ta lên. Nó khó khăn bởi bạn đang đi trái với bản năng: bạn không được hành động mặc dù bạn bị thôi thúc phải hành động.
Tuy nhiên, với tất cả những lợi ích nêu trên, đôi khi mọi chuyện lại không đi đúng kế hoạch. Messi vẫn thua vô số trận đấu, và không phải tất cả các bệnh nhân sau khi thử phương pháp điều trị của Brewer đều hết nghiện. Đây không phải một mẹo mà bạn có thể nắm bắt ngay tức khắc và thu về hiệu quả tức thời, nó là một bài tập tâm trí yêu cầu sự kiên trì. Bởi bạn sẽ thất bại rất nhiều trước khi làm chủ được nó. Thiếu lòng kiên trì, sẽ chẳng có đột phá nào cả. Đây có lẽ mới chính là điều tách biệt những kẻ xuất chúng với hạng thường dân.
Tham khảo: Anatomy of a Breakthrough: How to Get Unstuck When It Matters Most, Adam Alter