Đã bảo giờ bạn thức dậy và cảm thấy như mình chỉ đang cố gắng lê lết qua ngày chứ không thực sự sống? Tại sao tôi lại làm công việc này? Tôi đang cố gắng vì điều gì? Tôi là ai và tôi sẽ đi về đâu? 

Trạng thái trên được gói gọn trong một thuật ngữ gọi là “khủng hoảng hiện sinh”. Trong bài viết hôm nay, ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm, dấu hiệu, nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề này nhé. 

Khủng hoảng hiện sinh là gì? 

Khủng hoảng hiện sinh, theo Từ điển Bách khoa Britannica, được định nghĩa là một giai đoạn xung đột nội tâm trong đó tâm trí một người bị đoạ đày vì những câu hỏi về bản ngã, ý nghĩa và mục đích sống. 

Định nghĩa trên cũng là quan niệm được đồng thuận đông đảo giữa các nhà tâm lý học. Khủng hoảng hiện sinh xảy ra ở những giai đoạn chuyển tiếp trong suốt cuộc đời, chẳng hạn như “khủng hoảng tuổi hai mươi”, “khủng hoảng tuổi trung niên”, v.v. 

Các nhà tâm lý học nhấn mạnh rằng việc giải quyết một cuộc khủng hoảng hiện sinh có thể mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống của một người và trên thực tế, một cuộc khủng hoảng hiện sinh có thể là cơ hội thúc đẩy một người kiếm tìm lẽ sống và chân giá trị trong cuộc sống. 

Ngược lại, nếu không giải quyết ổn thoả có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ tinh thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, bi quan và tuyệt vọng. Nhiều nhà khoa học lưu ý khủng hoảng hiện sinh có mối tương quan với trầm cảm, nặng hơn là cảm giác đời sống vô nghĩa, hay tệ nhất là tự tử. 

Các loại khủng hoảng hiện sinh 

Ở mỗi độ tuổi con người ta đều có những khoảng lo nghĩ, và hiển nhiên một lần trong đời chúng ta cũng từng tự vấn lương tâm rằng rốt cuộc ta đang sống vì điều gì. Một vài trong số đó có thể kể đến như: 

Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống

Một trong những câu hỏi trọng tâm xoay quanh khủng hoảng hiện sinh là “ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” hay “mục đích sống của tôi là gì?” Không ai muốn sống một cuộc đời vô nghĩa. Do đó, con người có xu hướng tạo ra ý nghĩa của cuộc đời mình nếu họ không tìm thấy nó.

Khủng hoảng cảm xúc và sự tồn tại

Một số người cố tình gạt đi những cảm xúc tiêu cực như đau khổ hoặc tức giận vì cho rằng như vậy sẽ khiến họ hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, điều này thường dẫn đến cảm giác hạnh phúc giả tạo. Khi họ không trải nghiệm hạnh phúc thực sự, họ bắt đầu cảm thấy trống rỗng và lạc lõng.

Khủng hoảng kết nối và cô lập

Kết nối và cô lập là hai trạng thái đối lập nhưng lại có mối liên quan sâu sắc với nhau. Con người vốn dĩ là sinh vật xã hội và cần hình thành kết nối với những người khác để đáp ứng một số nhu cầu cơ bản. Ngược lại, chúng ta cũng cần những khoảng thời gian riêng để gắn bó với bản thân và thấu hiểu chính mình.

Khủng hoảng về cái chết

Khủng hoảng hiện sinh cũng có thể xảy ra khi chúng ta bước sang mỗi độ tuổi nhất định. Ví dụ, bước sang tuổi 50, chúng ta liền cảm giác bản thân đã già, dần hình thành nên những câu hỏi tiêu cực về cái chết sẽ đến với mình. 

Khủng hoảng về tự do và trách nhiệm

Chúng ta có quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng, tuy nhiên khi đã lựa chọn là phải chịu được trách nhiệm và đồng ý với kết quả của sự lựa chọn đó. Điều này gây tâm lý lo sợ của nhiều người nếu kết quả không đạt như mong muốn.

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện sinh 

Khủng hoảng hiện sinh có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời bạn. Chúng thường đi kèm với những sự kiện mang tính bước ngoặt, khiến bạn trăn trở những câu hỏi về sự tồn tại của chính mình. Mặc dù những điều này sẽ khác nhau với từng người, nhưng dưới đây là một vài ví dụ phổ biến nhất gây ra khủng hoảng hiện sinh: 

Các tình trạng nghiêm trọng liên quan đến số phận, chẳng hạn như phát hiện mình bị ung thư

  • Mất việc làm, tình trạng kinh tế bất ổn 
  • Chứng kiến người thân yêu qua đời 
  • Tình trạng vỡ mộng khi thực tế khác xa với kỳ vọng 
  • Những sự kiện để lại dư chấn, như trải nghiệm cận tử 
  • … 

Làm thế nào để biết bạn đang trải qua khủng hoảng hiện sinh? 

Các triệu chứng khủng hoảng hiện sinh có thể được chia thành hai loại riêng biệt. Có những triệu chứng hoàn toàn về mặt tâm lý, biểu hiện trong suy nghĩ của bạn, bao gồm: 

  • Không ngừng suy nghĩ và dằn vặt rằng thời giờ của mình đang trôi qua vô nghĩa 
  • Nhận thấy sự tầm thường của bản thân và ở những thứ xung quanh 
  • Cảm thấy bản thân ngày càng xuống dốc
  • Thấy cuộc đời mình như một con tàu không người lái, mù mờ về định hướng, không biết đi đâu về đâu 
  • Cảm thấy mình không đang thực sự sống và không tự chủ được cuộc sống của mình. 

Cùng với các triệu chứng tâm lý nêu trên, bạn có thể để ý một vài biểu hiện về mặt thể chất. Tuy nhiên, những điều này chủ yếu là hệ quả của tình trạng tâm thần do cuộc khủng hoảng hiện sinh khơi dậy: 

  • Uể oải, thui chột động lực, không muốn làm gì cả nhưng cũng không thể chịu nổi sự nhàn rỗi 
  • Lãnh đạm, thờ ơ với những thứ bạn từng yêu thích 
  • Mất ngủ, thường xuyên lo âu, suy nghĩ nhiều và bất an 
  • Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày 

Cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh 

Như thường lệ, dưới đây là một vài chỉ dẫn hữu ích để bạn tham khảo. 

Bi quan chưa hẳn đã xấu 

Nếu chia đơn giản, thế giới này có ba kiểu người: lạc quan, bi quan và bàng quan. Từ những cuốn sách tâm lý cho tới các buổi hội thảo hay blog về phát triển bản thân, có rất nhiều sự cường điệu xung quanh những lợi ích của tư duy tích cực, và trên thực tế thì đúng, lạc quan thực sự làm viên mãn cuộc sống của bạn. Nhưng còn những người nhìn thấy cốc nước vơi một nửa thì sao? Có phải bi quan luôn là điều tồi tệ? 

Bi quan không hẳn là suy nghĩ tiêu cực. Bi quan là thực tế, là dự liệu trước những tình huống xấu nhất. Trong khi người lạc quan mong đợi những kết quả tích cực thì người bi quan lại nhìn vào mặt tối của vấn đề. 

Theo Th.S Tâm Lý Học Nguyễn Thị Ngọc Vui, Chuyên gia Tâm lý học, Giảng viên Khoa Tâm lý học của Đại Học KHXH&NV (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khủng hoảng hiện sinh là một sự thật, một sự kiện xảy ra và điều đó không hẳn là xấu. Khi mà một người có đặt ra những cái câu hỏi hiện sinh lớn lao như Tôi là ai?; Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì?; Tôi đi về đâu?;...những câu hỏi này giúp cho chúng ta có thể định hướng lại về mục đích cuộc đời, giúp cho chúng ta biết ưu tiên về cái cách mà chúng ta sống và từ đó sẽ nhận diện cho nên bản thân một lối đi, con đường đúng”.

Yêu những điều nhỏ bé 

Nếu bạn có một đam mê để theo đuổi bên cạnh những lo toan thường ngày, lấy đó làm chỗ trú ngụ, trạm sạc năng lượng để tiếp tục vững bước thì quả thật may mắn. 

Ai cũng cần có những khoảng trống để tách rời tâm trí khỏi công việc, khỏi cơm áo gạo tiền, khỏi cảnh tắc đường còi xe rú rít. Niềm vui nho nhỏ đến từ những giờ đi câu, những phút giây lắng mình đọc sách nhấm nháp ly trà khi ngoài kia màn mưa quật vào khung cửa kính. Cảm giác bình yên tĩnh tại đến từ ngồi thiền, hay đơn giản là thả bộ quanh một cung đường vắng người lại qua vào một ngày chớm thu – tất cả đều góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, dạy con người ta cách chiêm nghiệm và thêm trân quý cuộc đời. 

Hiến mình cho nghệ thuật 

Đối với nhiều người, sự cứu rỗi nằm ở nghệ thuật. Những gì tươi đẹp nhất còn sót lại trong họ sẽ tuôn chảy qua những vần thơ, câu văn, bức hoạ, v.v. Không ít thiên tài trong lịch sử nổi tiếng là những con người bi quan, mang trong mình nhiều nỗi niềm yếm thế. Nhưng sau tất cả, các tác phẩm mà họ để lại chứa đựng mọi tâm tư khát vọng, những nghi hoặc, trầm tưởng về cuộc đời, về nhân tình thế thái.

“Nếu một người có nhu cầu trở thành nghệ sĩ, đó là vì họ cần tìm thấy chính mình.” - Georges Simenon 

Và chính ở đó, qua quá trình lao động miệt mài, qua chặng hành hương dài dặc khổ ải cống hiến hi sinh vì nghệ thuật như chiến sĩ thập tự chinh, như vị Thánh tử vì đạo, là lúc họ tìm thấy chính mình, hiểu chính mình. Bởi thế, nghệ thuật, trái ngang thay, vừa là ánh sáng cứu rỗi vừa là ách tù đày. 

Giữ bản thân bận rộn 

Nhàn rỗi là thứ sâu mọt gặm mòn tâm trí. Phần lớn những u uất của một người đến từ việc y không thể ngồi không. Biết vậy, cách đơn giản nhất để đẩy lùi trạng thái khủng hoảng tinh thần là cố giữ bản thân bận rộn, gửi gắm tâm trí ở những vùng trời khác. 

Nhìn xung quanh thì người bận rộn là người ít bận tâm đến những vấn đề tâm lý nhất. Kẻ giàu bận làm ăn, tiệc tùng hưởng thụ; người nghèo tối mặt tối mũi nuôi nấng đàn con ăn học nên người. Chúng ta đang sống dưới một xã hội chạy đua thành tích, con người liên tục đặt ra những mục tiêu rồi cố gắng đạt được. Trạng thái an nhiên tĩnh tại vốn dĩ là bất khả với người trẻ, bởi kiến thức thì có thể truyền dạy nhưng sự thông tuệ phải đạt được qua trải nghiệm. Nói đơn giản, chỉ khi con người ta bận rộn họ mới biết quý trọng và tận dụng thì giờ rảnh rỗi. 

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng lời khuyên này chỉ mang tính chống chế. Nó không diệt trừ cảm giác khủng hoảng mà chỉ trốn tránh nó. Nếu bạn không giải quyết nỗi niềm sâu kín một cách triệt để, cảm giác lo âu dằn vặt sẽ tiếp tục dày vò bạn ngay khi bạn trở nên nhàn tản. 

Áp dụng Nguyên tắc Goldilocks 

Nguyên tắc Goldilocks cho rằng ta không nên đặt ra những mục tiêu quá xa tầm với hay quá dễ dàng đạt được. Đơn giản mà nói, bạn cần thiết lập những mục tiêu vừa phải, đủ để bạn cảm thấy bản thân tiến triển nhưng không quá khó đến mức khiến bạn nản chí. 

Những giáo viên hiểu rõ nguyên tắc này hơn ai hết. Khi ra đề, họ luôn cố gắng cân bằng tỷ lệ câu khó - dễ ở một mức độ vừa phải: không khó xơi tới mức học sinh đâm nản và cũng không dễ nhai tới độ học sinh đạt điểm cao một cách thong dong. 

Đặt ra những mục tiêu vừa tầm, theo dõi sự tiến bộ của bản thân, cố gắng hoàn thành từng việc nhỏ. Thay vì chạy 10km vào ngày đầu tiên để rồi bị cơn đau đánh gục, hãy chạy mỗi ngày 1km trong vòng 10 ngày. Như thế, bạn sẽ thấy tự hào về bản thân hơn và có động lực trở lại vào hôm sau. 

Sau cùng, tất cả nằm ở bạn 

“Cuộc đời giống như một cuốn sách. Vài chương buồn thảm, vài chương tươi rói và vài chương thực sự gây đắm say. Nhưng nếu bạn không lật trang, bạn sẽ không bao giờ biết điều gì đang chờ đợi bạn kế tiếp.” 

—Izuudon 

 

Ta tự viết nên cuốn sách đời mình. Nếu ví đơn giản như vậy, việc bạn đi tìm lẽ sống cũng giống như cố nắm bắt ý nghĩa của một cuốn sách. Tuy nhiên, phần sai của chúng ta là muốn hiểu một cuốn sách trong khi còn không buồn đọc đến nó. Đó là điều hiển nhiên mâu thuẫn và lẽ dĩ nhiên là sẽ không bao giờ xảy ra. 

Thêm vào đó, ngay cả một cuốn sách tuyệt mĩ cũng không tránh khỏi những chi tiết dài rặt lê thê, những đoạn miêu tả tưởng như thừa thãi, những tình tiết chán chường lặp đi lặp lại. Cuộc đời bạn cũng vậy, nó có những nấc thang, đôi lúc bạn nặng nhọc leo dốc, đôi lúc con đường trở nên bằng phẳng êm đềm tới nỗi ngán ngẩm. 

Cuộc sống này có ý nghĩa gì, cuốn sách này muốn nói điều chi? Đọc đến hết bạn sẽ biết, nhưng nhớ là hãy thực sự đọc.