“Tất cả chúng ta đều là những kẻ nghiệp dư. Chúng ta không sống đủ lâu để trở thành bất cứ thứ gì khác.”

—Charlie Chaplin 

***

Trong bóng rổ, vào những thời điểm trận đấu trở nên căng thẳng, các cầu thủ càng phải tự tin hơn bao giờ hết. Cầu thủ sẽ không có thời gian để nghĩ ngợi xem tư thế của mình đã chuẩn chưa, hay nếu ném hụt thì sẽ ra sao. Họ chỉ đơn giản là nhảy và ném bóng. Nhưng một khi cầu thủ đó ngại ngùng vì tư thế xấu của mình, bị xao lãng bởi những lời chê bai từ cổ động viên, hay sợ bị cười nhạo khi ném hụt, trận đấu của anh ta sẽ đi tong. Anh ta chơi bóng một cách rụt rè, nhận lấy thất bại và không ngừng thắc mắc tại sao khi ở trong trận đấu, anh ta không thể chơi bóng tự tin như trong buổi tập. 

Qua ví dụ trên, tôi muốn bàn về một dạng tự ti khi ta trở nên quá quan tâm tới hình tượng của bản thân và lo lắng rằng nó có thể bị tổn hại nếu ta mắc sai lầm. Chẳng hạn, ta vẫn thường chùn bước trước những tình huống có thể khiến ta bị muối mặt, nhưng chính những tình huống này lại giúp ta thay đổi bản thân một cách sâu sắc nhất. 

Khi tới một vùng đất lạ, ta thường ngần ngừ khi nhờ ai đó chỉ đường, bởi chỉ việc mở lời thôi cũng khiến ta cảm giác như đang cầu cạnh được giúp đỡ. Ta có thể đã nhiều lần muốn chia sẻ quan điểm về một vấn đề, nhưng rồi lại lặng thinh vì sợ bị mọi người bắt bẻ, vặn vẹo. Vì sợ mất mặt, ta gần như chỉ quanh quẩn trong cái xó của mình; và do đó, ngày tháng cuốn trôi luôn những cơ hội tốt đẹp nhất đến với ta trong cuộc sống. 

Sở dĩ nhiều người không dám bước ra khỏi vùng an toàn vì họ hình dung trong đầu một hình ảnh méo mó về hình mẫu tiêu chuẩn để được cho là bình thường. Ta tưởng tượng rằng mình sẽ sống mà không bao giờ bị bẽ mặt hay chịu lời ra tiếng vào. Sẽ không có ai chế giễu ta cả, vì ta luôn làm đúng trong chừng mực nhất định, như thể một cậu học sinh gương mẫu. Ta tin rằng mình sẽ sống một cuộc đời êm ả mà không bao giờ phải đóng vai một kẻ ngốc, để bị người đời cười cợt và nhận về những cái nhăn trán trước những sai lầm của ta. Ta suy nghĩ quá nhiều, phức tạp hoá những chuyện cỏn con và bị đè nặng bởi chính những viễn cảnh do mình tạo ra.

Một trong những cuốn sách uyên bác nhất từng được viết thời cận đại của châu Âu là In Praise of Folly (1511) của học giả và triết gia người Hà Lan tên Erasmus. Bằng lời lẽ khiêm nhường, ông ấy cho rằng tất cả mọi người, bất kể chức vị và học thức ra sao, đều là kẻ ngốc. Không có ngoại lệ nào ở đây, kể cả Eramus.

Mặc dù được tiếp nhận một nền giáo dục tử tế, Eramus cam đoan rằng ông ấy vẫn “ngớ ngẩn” như bất cứ ai khác: ông vẫn thường xuyên phán xét người khác một cách chủ quan, ông khuất phục trước nhiều cám dỗ, ông dễ sa đà vào những trò mê tín dị đoan và sợ hãi những điều không có thật, ông ngại ngùng mỗi khi phải làm quen bạn mới, ông đánh rơi đồ đạc ở những bữa tiệc thanh lịch. Nó có nghĩa là những người thông thái hơn, uyên bác hơn ta vẫn thường xuyên mắc những sai lầm “ngớ ngẩn” y ta vậy. Thứ tách biệt là họ có thể bình thường hoá những sai lầm còn ta thì không. 

Một tác phẩm khác tới từ Pieter Bruegel, Dutch Proverbs, cũng đưa ra thông điệp tương tự. Ông cho rằng tất cả mọi người, đều “trục trặc” theo một cách nào đó: có những người vứt tiền xuống sông; có những người đi đổ rác nhưng lại đổ nhầm điện thoại; có người thích nói chuyện một mình. Điều quan trọng là ông không chỉ nhắm đến số ít những người bất thường, mà đó là bức tranh toàn cảnh chứa đựng nhiều chi tiết quen thuộc với mỗi chúng ta. 

Các tác phẩm của Brugel và Erasmus đề xuất rằng cách để trở nên tự tin hơn không phải là kiên quyết theo đuổi hình mẫu lý tưởng về một con người hoàn hảo – một con người luôn cảnh giác cao độ để tối thiểu hoá sai lầm. Ta trở nên rụt rè khi cho phép bản thân tiếp xúc qua nhiều với những mặt tốt đẹp của người khác. Ta gồng mình để tỏ ra bình thường, và vô hình chung nó tạo ra một ảo tưởng, rằng ta phải hoàn hảo, phải chuyên nghiệp và phải luôn hành động một cách hợp tình hợp lý. 

Sự thật là: Hình mẫu về một con người chuyên nghiệp – những người tỉnh táo 24/7, luôn đưa ra những quyết định sáng suốt, cân đo đong đếm tỉ mỉ mọi thứ, v.v. – thật sự không tồn tại. Chúng ta đang là kẻ khờ đây, chúng ta đã từng khờ dại trong quá khứ và sẽ tiếp tục khờ dại trong tương lai – và điều đó hoàn toàn ổn. Trên thực tế, chúng ta không thể sống mà không mắc lỗi. Sống quá cẩn tắc và bạn sẽ để vuột mất nhiều cơ hội quý giá. 

Một khi ta học cách coi bản thân vốn dĩ và tự nhiên đã khờ dại, ta sẽ có sự tự tin và vô tư cần thiết để dám thử, dám mắc lỗi và dám bị chê. Người mà ta cố gắng làm thân thực tâm có thể cho rằng ta dở đời. Người mà ta đã hỏi đường có thể đáp lại bằng cái nhìn trịch thượng. Nhưng nếu họ quả thực làm vậy thì ta cũng chẳng mấy bất ngờ; bởi họ chỉ xác nhận điều mà ta đã chấp nhận trong lòng từ rất lâu về trước: rằng ta, cũng như họ — và mọi người khác trên hành tinh này — đều là những kẻ dại khờ, không khi này thì khi khác.

Kẻ dại khờ thì không cần sợ mắc lỗi. Kẻ dại khờ không cần sợ người khác chê mình dại khờ. Ta sẽ trở nên tự do để thử vô vàn điều mới bằng cách chấp nhận rằng thất bại hay ngu dốt đều là chuyện bình thường. Và thi thoảng, giữa những viễn cảnh không mấy khả quan mà ta đã trù liệu từ trước, may mắn sẽ mỉm cười: ta sẽ được ôm, ta sẽ được chỉ đường tận tình, ta sẽ được tăng lương.

Dịch và biên tập theo: The School of Life