“Chúng ta có được ý tưởng từ cái được gọi là vô thức—một phần của tâm trí chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động, ví dụ, khi chúng ta ngủ. Vì vậy, điều tôi muốn nói là nếu bạn có được trạng thái phù hợp, tư duy của bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn nhiều. Nhưng nếu bạn cứ lượn lờ cả ngày, lọ mọ mỗi chỗ một chút, ngó đồng hồ, gọi điện thoại, v.v. nói chung là không có phút nào ngơi nghỉ cả, bạn sẽ chẳng nảy ra được bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào.” 

John Cleese là một diễn viên hài người Anh được biết đến nhiều nhất qua các series truyền hình Monty Python’s Flying Circus và Fawlty Towers. Bài viết dưới đây được biên tập lại từ bài phát biểu của Cleese tại Diễn đàn Sáng tạo Thế giới năm 2008 được tổ chức tại Bỉ. 

Khi tôi tới Cambridge và tham gia một câu lạc bộ được gọi là Footlights—nhiệm vụ của chúng tôi là trình diễn một tiết mục vào cuối mỗi năm học—mấy thứ đại loại như tiểu phẩm hài, kịch nghệ, v.v. thì tôi bất ngờ phát hiện ra mình có thể ngồi trước một tờ giấy trắng và hai tiếng sau đã viết ra gì đó khiến người ta bật cười. Đó là một khoảnh khắc trọng đại đối với tôi và tôi đã nghĩ, “Lạy Chúa, mình cũng sáng tạo đấy chứ.” 

Vì tôi được nuôi dạy như một nhà khoa học, khi đăng ký ngành khoa học của Cambridge, tôi bắt đầu quan sát thứ gì đang diễn ra khi tôi sáng tạo. 

Chẳng hạn, tôi để ý là nếu tôi cố gắng viết một tiểu phẩm hài giữa đêm và tôi bị bí ý tưởng (hoặc tôi không thể cho ra một cái kết hoặc tôi không biết phải viết tiếp ra sao), tôi sẽ đi ngủ. Khi tôi thức dậy sáng hôm sau, tự pha một tách cà phê rồi trở lại bàn làm việc thì, thứ hiển hiện trước mắt tôi không chỉ là giải pháp cho vấn đề tối qua mà thậm chí tôi không nhớ nổi vấn đề đó là gì. Tôi chẳng hiểu sao mình lại không nghĩ ra. Vậy là tôi bắt đầu nhìn nhận việc ngủ một cách hết sức nghiêm túc, tôi học cách tạm gác công việc sang bên để tâm trí được nghỉ ngơi rồi trở lại vào ngày hôm sau. 

Trải nghiệm ưu việt tiếp theo xảy đến khi tôi đang viết một vở hài kịch và tôi thích cái kịch bản đó lắm lắm. Hồi đó tôi khá bừa bộn nên tôi làm mất bản thảo và tôi đã lục lọi khắp nơi mà vẫn không thấy. Tôi tuyệt vọng vô cùng, nhưng tôi ngồi xuống và ép bản thân phải viết lại từ đầu dựa trên trí nhớ. Hoá ra là nó cũng không dài kinh khủng như tôi nghĩ, thế rồi tôi tìm thấy bản thảo gốc (oái ăm thay là tôi đủ tò mò để so sánh hai cái với nhau.) Điều tôi phát hiện ra là cái mà tôi đã viết lại từ trí nhớ hay hơn hẳn cái ban đầu. Lời giải thích cho việc này là sau khi tôi viết xong bản thảo gốc, một phần của tâm trí tôi vẫn tiếp tục làm việc trong vô thức. Bản thảo viết lại hay hơn bởi trong lúc tôi ngừng viết, tiềm thức của tôi vẫn đang tiếp nhận những ý tưởng mới và khi tôi viết lại, tư duy của tôi đã trở nên rành mạch và những ý tưởng do đó cũng phong phú hơn rất nhiều. 

Tiếp theo, tôi nhận thấy thứ nguy hiểm nhất khi tôi cố gắng viết gì đó là sự gián đoạn. Dòng suy nghĩ mà tôi có không lập tức tiếp diễn trơn tru sau khi bị gián đoạn. Giờ đây tôi phải mất một thời gian rất dài nếu tôi đang viết mà bị ngắt quãng giữa chừng. Vì vậy chìa khoá để thiết lập một trạng thái sáng tạo là tránh sự gián đoạn bằng mọi giá. 

Ý tôi ở đây là, nếu bạn đưa bản thân vào đúng trạng thái, tư duy của bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn nhiều. Nhưng nếu bạn cứ lượn lờ cả ngày, lọ mọ mỗi chỗ một chút, gọi điện thoại, v.v. nói chung là không có phút nào ngồi yên cả, bạn sẽ chẳng nghĩ ra được gì. 

Nhưng làm thế nào để đặt bản thân vào trạng thái tập trung—để tâm trí xuôi theo dòng chảy sáng tạo—trong một thế giới quay cuồng như ngày nay? Về cơ bản là bạn cần tạo ra một hàng phòng thủ, tạm coi là một cái mai rùa.

Ở đây ta cần đảm bảo hai thứ: a) sự giới hạn về mặt không gian và b) sự giới hạn về mặt thời gian. Khi bạn làm thế, bạn đang tạo ra một ốc đảo, một khoảng không cô lập bạn khỏi cuộc sống thường nhật. Bạn không được ra khỏi đó, nhưng bạn chỉ có thể ở đó một thời gian nhất định (một hoặc hai tiếng, có lẽ). Đây là lý do tại sao phần lớn những thiên tài sáng tạo đều có xu hướng cô lập mình, vì bản thân sáng tạo là một công việc mang tính cá nhân. Đơn giản mà nói, tất cả phương tiện bạn cần phải chăng chỉ là một căn phòng chốt trong và một chiếc đồng hồ hẹn giờ. Bạn buộc phải nhốt mình trong căn phòng đó, và bạn không được ra khỏi đó khi chuông chưa reo. 

Bây giờ tôi sẽ bàn về một câu hỏi mà bất cứ người làm sáng tạo nào cũng từng nghe qua. Người ta thường hỏi tôi rằng tôi lấy những ý tưởng từ đâu. Tôi nói tôi lấy chúng từ Ken Levenshaw, một quý ông ở Swindon, ông ấy gửi chúng cho tôi mỗi sáng thứ Hai theo đường bưu điện. Tôi cũng đáp luôn tôi đã hỏi Ken câu tương tự, và ông nói ông lấy ý tưởng từ Mary, một thủ thư ở London, mỗi tuần đều gửi cho ông những ý tưởng bất chợt mà cổ nghĩ ra trong lúc đưa chó đi dạo công viên. Ý của tôi ở đây là: Không ai biết rõ họ lấy ý tưởng từ đâu cả. Chúng ta không lấy ý tưởng từ laptop cá nhân hay Internet. Không có thứ gọi là trạm ý tưởng hay ngân hàng ý tưởng, bạn đâu thể rút ý tưởng như rút tiền mặt.

Trên thực tế ở phần trên tôi đã tiết lộ cho các bạn câu trả lời rồi. Tôi lấy ý tưởng một cách vô thức. Kể cả khi chúng ta không sáng tạo, một phần tâm trí của chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động. Ví dụ như khi chúng ta ngủ. 

Để biết được bạn xuất sắc tới đâu trong một lĩnh vực nào đó yêu cầu chính những kỹ năng cần thiết để trở nên xuất sắc trong lĩnh vực đó. Điều này có nghĩa là, hạn chế về trình độ không chỉ ngăn cạn đạt tới trình độ bạn mong muốn mà còn làm thui chột khả năng nhận thức của bạn về trình độ hiện tại của bản thân. 

Và đây là một phát hiện mang tính cách mạng trong tư tưởng của tôi. Nó lý giải cho việc tại sao mọi người thường không thực sự hiểu thứ mà họ đang làm. Họ không biết họ đang làm gì, và họ không biết là họ không biết họ đang làm gì. 

Thiên kiến sai lệch này tạo ra một điểm mù nghiêm trọng trong tư duy. Một ông sếp có thể không nhận ra bản thân họ không hề sáng tạo cho lắm, họ thiếu sót những phẩm chất hay kỹ năng cần thiết để trở nên sáng tạo và do đó, họ hoàn toàn thui chột về sự hạn chế của bản thân. Thường thì họ sẽ không nhận ra hoặc không chịu thừa nhận điều này, họ cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên mọi thứ, họ muốn kiểm soát, và bởi thế, một cách vô thức hay hữu thức, họ sẽ kìm hãm sự sáng tạo ở những người khác.