Nhiều người sợ ở một mình. Những giờ khắc tẻ nhạt khiến bạn ngứa ngáy tay chân. Nhiều người có thể kỳ thị hoặc thương hại bạn (đặc biệt nếu bạn độc thân). Tệ hơn nữa, nhiều bài viết và nghiên cứu gần đây liên tục cảnh báo chúng ta về những mối nguy hại tiềm ẩn mà cô đơn gây nên—một nghiên cứu vào năm 2017 của Julianne Holt-Lunstad tại Phòng thí nghiệm Kết nối Xã hội và Sức khoẻ của BYU đã ước tính sự cô đơn gây hại ngang việc hút mười lăm điếu thuốc một ngày.
Vào năm 2023, Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Hoa Kỳ, ông Vivek Murthy, đã cho xuất bản một thông cáo xoay quanh “đại dịch cô đơn của Mỹ”. Nó đi sâu vào sự nguy hiểm tiềm tàng của sự cô đơn kéo dài, chẳng hạn như tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu, cũng như chứng mất trí ở người lớn tuổi.
Thông điệp chung ở đây là gì? Sự cô đơn về bản chất là một thứ độc hại, và ta phải cố gắng tránh khỏi nó.
Nhưng mặc dù nó là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, những cuộc thảo luận này đã quên đề cập là không phải mọi thời gian riêng tư đều giống nhau. Ở đây chúng ta có hai khái niệm cần làm cho rạch ròi: cô đơn và một mình. Vế trước được xem là đại dịch nguy hiểm. Ngược lại, vế sau là một kỹ năng mà chúng ta cần nuôi dưỡng.
Thế nào là cô đơn mãn tính? Nó xảy ra khi một người cảm thấy không hạnh phúc vì thiếu sự gắn kết với người khác hoặc bị cô lập về mặt xã hội. Trên thực tế, không phải cứ ở một mình là người ta sẽ cô đơn. Một người có thể cảm thấy cô đơn ngay giữa một bữa tiệc, trên bàn ăn hoặc kể cả khi đầu ấp tay gối bên bạn đời. Người ta có thể cảm thấy cô đơn trong bất cứ tình huống nào, khi họ cảm thấy mình bị gạt ra rìa như một kẻ ngoài cuộc.
Ngược lại, một mình là một lựa chọn. Trong khi cô đơn thường thiên về phương diện tinh thần, một mình thiên về phương diện thể chất. Nghĩ thử xem, chúng ta vẫn làm rất nhiều việc một mình và thậm chí chỉ muốn làm việc đó khi ở một mình—chẳng hạn như đọc sách, vẽ một bức tranh, soạn một bài viết, nấu ăn, hoặc đơn giản là chạy bộ. Những khoảng thời gian một mình như trên không hề gây hại mà còn giúp “chữa lành” về phương diện tinh thần.
Về cơ bản, một mình là một trạng thái khi bạn tự cô lập mình khỏi người khác. Những khi cần suy xét gì đó, chẳng phải bạn vẫn nói “Tôi cần ở một mình” đó sao? Mười lăm phút ngồi tĩnh lặng một mình có thể giúp bạn điều hoà lại cảm xúc của bản thân. một mình cũng cung cấp không gian và thời gian để những ý tưởng sáng tạo nảy mầm. Hơn thế, trạng thái một mình có thể giúp bạn tập trung cao độ và tư duy sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, vì chúng ta thường không biết cách sử dụng thời gian ở một mình nên chúng ta thường trốn chạy nó. Ta gật đầu với mọi lời mời vì sợ phải ngồi không, vì lúc ở một mình sao thời gian trôi qua chậm đến thế.
Một trong những tác nhân chính gây ra cô đơn mãn tính là sự cô lập xã hội. Theo lời giáo sư và nhà nghiên cứu John Cacioppo tại Đại học Chicago, cô đơn là một dấu hiệu sinh học tương tự như cảm giác đói hay khát. Khi chúng ta ở trong trạng thái cô đơn đến đau đớn, cơ thể chúng ta sẽ đưa ra tín hiệu để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, việc làm quen với cảm giác cô đơn giúp mỗi người trong chúng ta tận dụng thời gian một mình một cách tích cực hơn. Ta không hề ngại ngùng gì khi cần nước lúc khát, vậy cớ sao phải ngại ngùng lúc cô đơn? Thêm vào đó, chúng ta có nhiều quyền kiểm soát về cảm giác kết nối với người khác hơn chúng ta vẫn nghĩ. Nhà tâm lý học Emma Seppala tại Đại học Yale đã phát hiện ra rằng ngay cả khi bạn không ở bên cạnh những người thân yêu, bạn vẫn có thể cảm thấy kết nối với họ. Nghiên cứu của bà cũng chỉ ra rằng mọi người có thể tăng cường cảm giác kết nối nội tâm này bằng tình nguyện, chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cảm thấy cô đơn.
Tất nhiên, con người khác nhau về tinh thần nên phong cách của mỗi người một khác. Ví dụ, tôi là người rất thích đi ăn một mình nhưng bạn bè của tôi lại thấy ý tưởng này rất kỳ quặc. Theo quan điểm của tôi, cho thức ăn vào miệng gần như là một hành động riêng tư tới nỗi ta không thể thưởng thức một cách thoải mái nếu người ngồi đối diện ta chưa đủ thân quen. Nghiên cứu của Rebecca Ratner, Giáo sư Marketing tại Trường Kinh doanh Đại học Maryland’s Robert H. Smith, cũng chỉ ra rằng mọi người thường tránh làm những hoạt động họ thích làm lúc ở một mình, chủ yếu vì họ đang bị người khác quan sát. Chẳng hạn như bạn quen dùng tay ăn gà rán nhưng trước mặt các đồng nghiệp, vì ngại nên bạn dùng dao và nĩa.
Ratner cũng phát hiện rằng mọi người có xu hướng đánh giá thấp mức độ yêu thích của họ với các hoạt động đơn độc. Chẳng hạn như một người có thể dè bỉu việc đi cà phê một mình cho tới khi họ thử làm việc đó. Trên thực tế, rất nhiều việc chúng ta nên làm khi ở một mình hoặc chỉ làm khi ở một mình. Không khó để lấy ra ví dụ. Viết lách, sáng tác nhạc hay nhiều công việc sáng tạo khác, chỉ có thể diễn ra trơn tru sau cánh cửa đóng kín. Bạn biết đấy, đôi khi ta phải nhốt mình lại thì thế giới trong ta mới chịu mở ra.
Tổng kết lại, một mình giống như bất cứ dạng tương tác xã hội nào khác. Bạn bè lâu ngày không gặp ắt kể cả buổi không hết chuyện, nhưng mọi chuyện dần hoá vô bổ và tốn thì giờ nếu bất cứ ai bắt đầu than phiền quá nhiều về công việc hay bồ cũ của họ.
Nhưng khi bạn tự tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời bằng cách dành thời gian cho bản thân—đi mua sắm, chạy bộ, tập luyện, đọc sách, nghe nhạc, bất cứ điều gì—bạn sẽ ngộ ra nhiều điều mà trước đây bạn đã vô tình bỏ lỡ. Cuộc sống bộn bề đôi lúc khiến người ta cảm thấy chỉ được riêng tư lúc nằm ngủ, vậy nên càng lớn ta càng trân quý từng giờ từng phút được một mình. Tôi tin rằng, nếu bạn chưa quan tâm tới bản thân đủ nhiều và đủ tốt thì bạn sẽ không làm được điều tương tự với người khác, đặc biệt là về lâu về dài.