Tại sao lại là Kakeibo?
Kakeibo giúp chúng ta nhìn thấu những thứ bên ngoài để khám phá bản chất của tài chính và cách tận dụng chúng. Phương pháp này không chỉ cho ta thấy cách ta đang sử dụng tiền của mình, mà còn chỉ ta cách sử dụng số tiền đó một cách khôn ngoan, hợp lý.
Kakeibo (phát âm là “kah-keh-boh”) được phát minh vào năm 1904 bởi Hani Motoko, nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản và sau này là trưởng biên tập cho một tạp chí phụ nữ định kỳ. Motoko muốn giúp những người phụ nữ thời đó—những người thường phải quán xuyến cuộc sống với ngân sách hạn hẹp—đạt được mục tiêu cuộc sống và tiết kiệm của họ. Để làm được điều đó, bà đã tạo ra một hệ thống lập ngân sách vô cùng đơn giản, được gọi tên là Kakeibo.
Kakeibo bắt đầu bằng một bài tập chánh niệm. Trước khi bạn bẻ gáy cuốn sổ mới toanh vừa tậu về từ tiệm văn phòng phẩm, kỹ thuật này yêu cầu bạn trả lời bốn câu hỏi tự vấn:
- Thu nhập mỗi tháng của bạn là bao nhiêu?
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu trong số đó?
- Hiện tại bạn đang chi tiêu bao nhiêu?
- Bạn muốn cải thiện điểm nào?
Được rồi, hãy tạm thời để ngỏ những câu hỏi trên lại. Chúng ta cần làm rõ đôi điều trước khi bạn tiến sang phần kế tiếp:
Thứ nhất, mục đích của những câu hỏi này thực chất là để giúp bạn kiểm soát cuộc sống của bạn tốt hơn. Nếu bạn nghĩ rằng chúng là để giúp bạn kiểm soát tiền của bạn tốt hơn, bạn đang nhìn bức tranh tài chính bằng một con mắt. Nhận thức đầu tiên là nhận ra rằng tiền chỉ là phương tiện giúp bạn đạt được (hoặc duy trì) một đời sống vật chất/tinh thần thoả mãn—chứ không phải là mục tiêu của cuộc đời bạn.
Thứ hai, bạn cần chấp nhận sự thật sau: bạn có thể mua được hầu hết mọi thứ bạn muốn miễn là bạn biết chi tiêu và tiết kiệm hợp lý, nhưng chắc chắn là bạn không thể mua được mọi thứ. Về khía cạnh tài chính, bạn sẽ phải dùng tới chữ ‘hoặc’ nhiều hơn là chữ ‘và’. Hoặc mua cái này hoặc cái kia, chứ bạn không thể mua cái này và cái kia và cái kia nữa. Phải đánh đổi.
Bốn loại Kakeibo
Vào đầu tháng, hãy tính toán thu nhập dự kiến của bạn và trừ đi các chi phí cố định (như tiền nhà, tiện ích và các hóa đơn khác). Bất kỳ khoản nào còn lại là số tiền bạn phải chi tiêu hoặc tiết kiệm trong tháng đó. Sau đó, mỗi lần bạn chi ra, hãy ghi vào sổ cái và phân loại thành một trong bốn loại sau:
- Những khoản thiết yếu (xăng, mạng, thực phẩm, tạp phẩm, v.v.)
- Những khoản không cần thiết (xem phim, ăn tiệm, gội đầu dưỡng sinh, v.v.)
- Văn hóa - nghệ thuật (sách, tài liệu, tham quan bảo tàng, giáo dục, v.v.)
- Ngoài dự tính (khám bệnh, thuốc thang, sửa xe, quà sinh nhật, v.v.)
Bằng cách phân loại chi tiêu của bạn vào 4 mục này, bạn sẽ tối giản hóa ngân sách của mình để có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Nếu đôi giày mới cốt chỉ để làm màu, hãy xếp nó vào danh mục không cần thiết. Nhưng nếu nó là bắt buộc vì nhu cầu công việc, hiển nhiên là phải xếp vào danh mục thiết yếu. Theo cách này, bạn sẽ nắm rõ cách bạn chi tiêu tiền của mình cũng như bạn chi vào đâu.
Hầu hết những người ủng hộ Kakeibo cũng khuyên bạn nên sử dụng sổ cái viết tay để theo dõi chi tiêu của bạn trong suốt tháng. Họ chỉ ra nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta viết tay, chúng ta sẽ lưu giữ thông tin tốt hơn và tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn với nội dung. Những người khác sử dụng bảng tính hoặc ứng dụng di động vì tính linh hoạt và thuận tiện của nó. Dù sao thì bạn cũng nên xem xét cả hai rồi chọn ra thứ phù hợp nhất với bản thân.
Tiếp đến, bạn sẽ cần “update” sổ cái thường xuyên, chẳng hạn như hằng đêm hoặc vào mỗi cuối tuần. Tới cuối tháng, bạn ngồi xuống xem lại chi tiêu của mình trong tháng vừa qua. Tính toán số tiền bạn đã chi trong từng mục cũng như số tiền bạn đã tiết kiệm được. Sau đó, so sánh kết quả với các mục tiêu bạn đặt ra ban đầu.
- Bạn có tiết kiệm được nhiều như bạn nghĩ không?
- Bạn có cảm thấy một số khoản chi tiêu là không cần thiết không?
- Có khoản chi nào bất ngờ ngốn của bạn một số tiền lớn không?
Nếu bạn đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình, xin chúc mừng! Nếu bạn không đạt được, cũng không sao cả. Không có gì phải xấu hổ. Bạn không thể thắng hoặc thua trong vấn đề tài chính, chúng cũng không phải là một cuộc thi xã hội như bảng xếp hạng theo kiểu trò chơi điện tử.
Thay vào đó, bạn nên xem sổ cái của mình như dữ liệu và những quyết định mua sắm sai lầm như bài học để rút kinh nghiệm vào tháng tới. Có thể bạn cần săn sale Shopee ít lại để tiết kiệm nhiều hơn. Ngược lại, có thể mục tiêu tiết kiệm của bạn tham vọng tới nỗi biến bạn thành một gã bần tiện và bạn cần nhiều bữa ăn tiệm thật hoành tráng để xả stress mỗi cuối tuần.