Hội chứng con vịt là gì?
Hội chứng con vịt bắt nguồn từ việc một chú vịt luôn lướt thư thái trên mặt hồ như thể không tốn bất kì công sức nào, nhưng thực chất đôi chân nhỏ bé của chúng đang phải quẫy đạp cật lực dưới nước để không bị chìm.
Tương tự, người mà bạn cho là sở hữu tài năng thiên phú thực chất nỗ lực hơn người khác rất nhiều lần, chỉ là họ không nói cho ai biết. Thậm chí, họ còn khoác lên mình vẻ ngoài bình thản, như thể đã đạt được thành công mà chẳng cần nỗ lực gì. Họ chính là những chú vịt quẫy đạp dữ dội dưới nước nhưng vẫn tỏ ra đang lướt thong dong trên mặt hồ.
Cứ như họ chẳng cần cố.
Nguồn gốc của thuật ngữ “hội chứng con vịt”
Thuật ngữ “hội chứng con vịt” được cho là bắt nguồn từ Đại học Stanford. Nó mô tả hiện trạng các sinh viên đại học tỏ ra thư thái và hoàn thiện ở bề ngoài, giống như cách chú vịt lướt trên mặt hồ, nhưng thực ra bên trong họ đang vật lộn để có thể thích ứng với những áp lực nơi giảng đường.
Một vài sinh viên có thể tỏ ra như là họ hoàn toàn kiểm soát cuộc sống mà không mất chút công sức nào. Họ giải quyết các bài tập nhóm, tham gia các hoạt động ngoại khóa, hay duy trì những mối xã giao rất êm xuôi. Tuy nhiên, lớp ngụy trang này chỉ nhằm che đậy sự yếu kém của bản thân trong việc đối phó với những thử thách họ gặp phải.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng gặp phải một vài thành phần như sau. Những người học hành vất vả, miệt mài đèn sách thâu đêm suốt sáng và xuất hiện ở lớp dưới bộ dạng tỉnh bơ như thể chưa có chữ gì trong đầu. Nói đơn giản, những người này cũng ôn luyện vất vả, cũng gặp phải những bài toán hóc búa đến bất lực mà những người khác gặp phải, nhưng thay vì để lộ ra, họ cố tình che giấu nó để tạo vẻ ngoài hoàn hảo, như thể mọi thứ đối với họ đều nhẹ như không.
Nguyên nhân gây ra hội chứng con vịt
Một trong những nguyên do phổ biến cho hội chứng này là vì chúng ta muốn hướng đến một hình mẫu hoàn hảo mà không cần nỗ lực (effortless perfection). Cụm từ này lần đầu xuất hiện trong một báo cáo của Đại học Duke vào năm 2003.
Cụ thể, các nữ sinh ở Duke luôn cố xây dựng hình tượng xinh đẹp và thành công một cách dễ dàng, như thể họ được đặt định là như thế. Thế nhưng họ luôn phải đảm bảo người ngoài không biết mình đã bỏ ra nhiều công sức đến nhường nào.
Từ thực tế trên, các giáo sư tại Đại học Loyola ở Chicago đã đưa ra nhiều giả thuyết giải thích cho hiện tượng này:
Tập trung vào cái tôi (Ego Orientation)
Thuyết định hướng mục tiêu (goal orientation theory) cho rằng động lực thúc đẩy một người gặt hái thành công được chia thành hai nhóm: hướng đến mục tiêu (goal orientation) và hướng đến cái tôi (ego orientation).
Trong khi những người hướng đến mục tiêu đề cao quá trình và kết quả chung cuộc, những người hướng đến cái tôi lại đánh giá thành công của mình dựa trên việc mình có xuất chúng hay không. Ví dụ, trong một đội bóng, những cầu thủ có tư duy hướng đến mục tiêu sẽ dồn hết sức để hướng đến chiến thắng chung của cả đội, trong khi những cầu thủ có tư duy hướng đến cái tôi sẽ quan trọng màn trình diễn cá nhân của họ hơn thảy.
Vì chú trọng nhiều đến mẽ ngoài, những người hướng đến cái tôi phải thể hiện rằng bản thân không cần bỏ nhiều công sức vào quá trình rèn luyện. Vì họ tin rằng điều đó sẽ khiến mình trông giỏi hơn những người khác.
Thuyết so sánh xã hội (Social Comparison)
Cả hai loại so sánh xã hội đều tác động đến hội chứng con vịt.
Cụ thể, trong môi trường có nhiều cá nhân xuất chúng, chúng ta có xu hướng so sánh trên (upward comparison) - so sánh với người hơn mình về phương diện nào đó - để tạo động lực. Nhưng khi so sánh trên kéo dài, chúng ta sẽ dần không hài lòng về cuộc sống và luôn cố gắng đuổi theo guồng quay của xã hội.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng mong muốn được so sánh dưới (downward comparison) để có cảm giác “hơn người”. Việc càng nỗ lực sẽ càng thành công là câu chuyện ai cũng biết. Vậy nên, một số người có xu hướng tỏ ra mình đạt được thành công mà không cần chút nỗ lực nào để bản thân trở nên đặc biệt hơn.
Tư duy cố định (Fixed Mindset)
Thuyết tư duy (mindset theory) của nhà tâm lý học Carol Dweck cho rằng con người có 2 lối tư duy chính: tư duy cầu tiến (growth mindset) và tư duy cố định (fixed mindset).
Những người có tư duy cầu tiến tin rằng một người có thể trở nên giỏi hơn nếu bỏ công sức rèn giũa. Còn những người có tư duy cố định thì ngược lại. Họ tin rằng sự xuất chúng, giống như tài năng, là một món quà tặng kèm ngay khi khi ra đời. Những người này không tin sự cần cù có thể bù đắp sự thiếu hụt tài năng. Sự xuất chúng, theo cách hiểu của họ, có tính chất cố định. Nếu một người giỏi thì là do họ sinh ra đã giỏi, và nếu đã kém thì cố tới mấy vẫn kém.
Bởi niềm tin mù quáng ấy, những người mang tư duy cố định sẽ luôn hành động để mình trông giỏi giang mà không cần nỗ lực, bởi phải nỗ lực đồng nghĩa với yếu kém. Đồng thời, họ cố gắng che đậy mọi khuyết điểm và tránh mắc lỗi hết mức có thể để không bị người khác phát hiện ra họ đang “gồng”.
Bản sao lỗi
Thực chất đây không phải giả thiết do giáo sư nào đặt ra cả, mà nó là giả thiết của riêng tôi. Trước hết, cho tôi hỏi một câu: Bạn đã bao giờ mê một người trong phim (bất kể là thực tế hay hư cấu) tới mức bắt chước toàn bộ điệu bộ, cử chỉ tới cách ăn mặc của họ chưa?
Tôi cá là bạn đã từng làm rồi. Trên thực tế, con người bạn là một tổ hợp của những gì bạn thích. Tôi thích Michael Jordan tới nỗi bắt chước mọi kỹ thuật của ông trong bóng rổ. Tôi thích cách ông ấy chơi đùa với đối thủ của mình, một lối đánh vừa hoa mĩ vừa rắn rỏi. Và từ lâu, tôi vẫn luôn coi đây là lối đánh mình cần hướng tới.
Điều đáng buồn là, tôi không biết Jordan đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi và hàng ngàn giờ tập luyện để có thể chơi bóng ở một trạng thái ung dung tới vậy. Tôi chỉ đơn thuần bắt chước ông ấy trong trận đấu chứ không bắt chước ông ấy trong buổi tập, vậy nên phong cách ung dung mà tôi cố bắt chước chẳng khác nào một bản sao lỗi. Thực sự thì tôi chưa bao giờ đáp ứng nổi 1/10 những gì tôi mường tượng trong đầu. Thật may là cuối cùng tôi cũng nhận ra sai lầm này và chỉ coi Jordan như một thần tượng để học hỏi chứ không “copy” một cách nông cạn như trước nữa.
Tương tự trong nhiều mảng khác của cuộc sống, mọi người thường có xu hướng cố sao chép sự giỏi giang của ai đó mà không chịu đào sâu hơn về hậu trường. Văn chương của Gustave Flaubert được coi là thứ văn chương hoàn hảo, nhưng chính ông ấy đã khẳng định rằng ông đạt được nó thông qua rèn luyện và tinh chỉnh rất, rất nhiều lần.
Ngưng làm một con vịt
Trong một cuộc khảo sát tại Đại học Cornell, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện một xu hướng đáng lo ngại. Như thường lệ tại nhiều trường cao đẳng/ đại học, người ta thường treo các áp phích, băng rôn hoặc bảng hiệu—từ những câu châm ngôn nổi tiếng cho đến hình ảnh truyền cảm hứng—và kha khá công ty đã kiếm bộn tiền nhờ việc này. Trong những giai đoạn nước rút, chẳng hạn như thi giữa kỳ hay cuối kỳ, áp phích bán chạy nhất là áp phích tạo động lực. Về cơ bản, nó có nội dung là: Khi bạn đang ngủ, người khác đang học.
Nhà trường có thể cho rằng các áp phích thuần tuý mang tính chất cổ vũ sinh viên học tập chăm chỉ. Tuy nhiên, khi động lực xuất phát từ nỗi sợ bị người khác bỏ xa, dựa trên nhận thức chung rằng cần cù bù thông minh, nó có thể gây ra một loạt những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cho sinh viên.
Những niềm tin bắt nguồn từ khi chúng ta còn nhỏ. Theo một cách nào đấy, ngay từ khi tiểu học, chúng ta đã có xu hướng tin rằng nếu ta phải cố gắng hết sức vào việc gì đó, tức là ta không giỏi việc đó. Những học sinh trung bình không hề biết và tin rằng những học sinh xuất sắc trong lớp cũng phải vật lộn với những phép tính hay bài toán hóc búa. Tuy nhiên, vật lộn là một yếu tố then chốt trong quá trình học tập.
Ý tưởng về hoàn hảo—khi một học sinh tin rằng mắc ít lỗi hơn trong bài kiểm tra tức là học tốt hơn—khiến người ta cho rằng mắc lỗi là xấu. Chỉ sau này khi lớn lên, chúng ta, cũng từng là những học sinh, mới hiểu rõ tầm quan trọng của việc mắc lỗi. Vậy nên đừng cố biến mình thành một chú vịt bằng cách cố tỏ ra giỏi giang trong khi thực sự bạn đang bế tắc. Và sau cùng, luôn nhớ rằng cái hoàn hảo là cái không tồn tại. Một người có vô vàn khuyết điểm có cơ hội khắc phục vô vàn khuyết điểm đó, còn một người không có khuyết điểm thì sẽ chẳng có gì để phát triển cả.
---
Tham khảo:
https://vietcetera.com/vn/hoi-chung-con-vit-thuc-su-co-nhung-nguoi-gioi-khong-can-co
https://www.betterhelp.com/advice/stress/what-is-duck-syndrome-are-you-suffering-from-it/