Out trình cực mạnh: Lợi thế vượt trội về thể chất
Với những đặc điểm trời phú về thể chất, Michael Phelps dường như là một “cỗ máy sinh học” được thiết kế hoàn hảo dành cho môn thể thao này.
1. Tỷ lệ cơ thể
Sải tay của đại đa số người thường chỉ dài bằng chiều cao của họ. Michael Phelps cao 1m93, nhưng sải tay của anh lại dài tới 2m. Tỷ lệ bất bình thường này mang lại cho anh khả năng di chuyển trong nước với hiệu quả vượt trội. Đôi tay dài của anh hoạt động như mái chèo, đẩy anh tiến lên nhanh hơn và sải tay với xa hơn về phía trước. Mỗi cú quạt tay của anh sẽ đạt được được khoảng cách xa hơn, giúp anh tiết kiệm năng lượng mà vẫn duy trì tốc độ cao.
2. Bàn tay và bàn chân to lớn
Không chỉ sải tay, mà bàn tay và bàn chân của Phelps còn có kích thước lớn bất thường so với khung người. Phelps mang cỡ giày 14 US (tương đương cỡ… 49-50, dành cho bàn chân dài 31-32cm). Bàn chân của anh giống như người… đã đeo chân nhái thợ lặn, giúp anh di chuyển trong nước nhanh chóng hơn. Bàn tay to cũng cho phép anh kéo một lượng nước lớn hơn trong mỗi lần quạt tay. Và nếu có một cái gì đó trên người anh ngắn hơn bình thường thì đó chính là (không phải cái bạn nghĩ) đôi chân - đùi và cẳng chân. Và tình cờ là chân ngắn lại giúp… giảm lực cản. Combo “gấp ba sự bất thường” này đã đủ cho bạn thấy game là dễ chưa?
3. Khớp cổ chân linh hoạt
Nếu như vậy vẫn chưa đủ lợi thế bất công thì tạo hóa còn hào phóng cho thêm Phelps một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất trong bơi lội là sự linh hoạt ở cổ chân. Cổ chân của anh có thể uốn cong vượt xa mức bình thường 15%, giúp anh tối ưu hóa sức mạnh của từng cú đá, cú quẫy trong nước.
4. Dung tích phổi và hiệu quả tim mạch cao
Dung tích phổi của Michael Phelps đã được đo đạc và kết luận là lớn hơn so với tỷ lệ của người bình thường. Khả năng nín thở trong thời gian dài mà không mất năng lượng là yếu tố quan trọng giúp anh duy trì sức bền. Hơn nữa, hệ thống tim mạch của anh cực kỳ hiệu quả. Tim của anh bơm lượng máu lớn hơn mỗi lần đập, giúp cơ bắp nhận đủ oxy hơn, từ đó duy trì tốc độ và giảm mệt mỏi trong các cuộc đua cường độ cao.
5. Khả năng phục hồi thể chất nhanh chóng
Chế độ tập luyện của Phelps nổi tiếng với các tuần tập luyện khắc nghiệt, lên tới 80.000 mét dưới nước mỗi tuần. Vậy nhưng cơ thể anh lại có một đặc điểm hiếm gặp là hồi phục và lấy lại sức nhanh hơn các đối thủ. Lượng acid lactic sinh ra do cơ bắp hoạt động ít hơn người khác, nên tốc độ phục hồi nhanh hơn. Khả năng phục hồi cơ bắp của Phelps cho phép anh thi đấu ở mức cao trong thời gian dài mà không bị mất sức mạnh.
TUY NHIÊN…
Vâng, TUY NHIÊN, nếu CHỈ dựa vào đặc điểm thể chất vượt trội này và tập luyện sương sương, thì Michael Phelps có trở thành kình ngư thống trị như anh đang hay không? Nếu tạo hóa cho bạn quá nhiều lợi thế bất công thì bạn chẳng cần phải cố gắng nhiều như người khác? Sự vượt trội bẩm sinh của mình là điều triệu người mới có một, mình cứ mài ra mà dùng thôi, đúng vậy không? Và trong thể thao nói chung, một nguyên tắc đã được chứng minh từ xưa tới nay, là khi lên đến ngưỡng 1% những người giỏi nhất, thì hơn kém nhau phần nhiều là do tố chất con người quyết định.
BẠN NGHĨ SAO?
Tôi không biết câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, nhưng tôi có thể nói những điều sau đây để bạn quyết định:
1. Tuần tập luyện 80.000 mét (80 cây số đó bạn!!)
Tần suất: Michael Phelps luyện tập 6-7 ngày mỗi tuần, thường bơi hai lần mỗi ngày. Anh thậm chí còn luyện tập vào Chủ Nhật, ngày mà hầu hết các vận động viên bơi lội thường dành để nghỉ ngơi. Huấn luyện viên của anh, Bob Bowman, tin rằng việc tập luyện mỗi ngày mà không nghỉ đã giúp Phelps có lợi thế so với đối thủ. Nhìn lại mình xem, mình cố gắng duy trì 2 buổi tập gym hoặc đi bộ mỗi tuần mà mình đã thấy khó lắm rồi.
Khối lượng: Anh bơi khoảng 80.000 đến 100.000 mét mỗi tuần, tương đương với khoảng 80-100 km. Điều này có nghĩa là mỗi ngày anh bơi… 16 km!
2. Luyện tập thể lực
Michael Phelps cân bằng việc bơi lội với các “bài tập trên cạn” - bao gồm tập tạ (kéo xà, squat, lunge, và đẩy tạ), bài tập tay không sử dụng trọng lượng cơ thể, và tập trung vào phần cơ cốt lõi. Các buổi tập này tập trung vào việc tăng cường sức mạnh và ổn định tổng thể khi bơi.
3. Chế độ phục hồi và giấc ngủ
Đối với những người ở đẳng cấp thể thao gia hàng đầu, cơ thể không đơn thuần là của mình, mà là một tài sản, thậm chí một “bảo vật quốc gia” mà thay vì thích làm gì với nó thì làm, người chủ cần có trách nhiệm bảo quản. Và điều đó không phải khi nào cũng dễ dàng.
Michael Phelps phải tuân thủ rất nghiêm khắc chế độ sinh hoạt gắt gao khắc nghiệt. Anh thường (phải) ngủ khoảng 8 đến 10 giờ mỗi đêm và có thêm nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày, đảm bảo cơ thể có thể phục hồi và tái tạo sau các buổi luyện tập khắc nghiệt.
Chế độ ăn của anh cũng rất khủng khiếp. Để cung cấp năng lượng cho các buổi luyện tập căng thẳng, Phelps được cho là tiêu thụ khoảng 8.000-10.000 calo mỗi ngày khi anh ở đỉnh cao phong độ. Các bữa ăn của anh chứa nhiều carbohydrate, protein, và chất béo lành mạnh để duy trì mức năng lượng và hỗ trợ phục hồi.
Ngoài ra, còn hàng tá các quy định về kiêng khem, chăm sóc cơ thể như tắm đá và trị liệu, massage, giác hơi…
Phelps cũng đã dành thời gian tập luyện ở độ cao lớn tại Colorado, nơi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, để giúp tăng số lượng hồng cầu và cải thiện khả năng hô hấp, sức bền tim mạch. Việc luyện tập trong điều kiện ít oxy hơn giúp anh thích nghi và cải thiện khả năng chịu đựng tổng thể khi thi đấu.
Nghĩ đến đây thì tôi lại không khỏi suy nghĩ là thôi, mình cứ “ngu si hưởng thái bình” sống cuộc đời bình/tầm thường thế này là hơn, chứ làm nhà vô địch khổ lắm. Khổ thật sự!
4. Ví dụ về lịch trình tập luyện hằng ngày (thời điểm tập luyện cao nhất):
- Buổi tập sáng thứ nhất:
- 5:00 sáng: Thức dậy
- 6:00 sáng – 8:00 sáng: Buổi tập bơi (sức bền, kỹ thuật, tốc độ)
- Buổi tập sáng thứ hai:
- 9:00 sáng – 10:00 sáng: Tập khô (tập tạ, tập cơ cốt lõi)
- 10:30 sáng: Ăn sáng
- 12:00 trưa: Ngủ trưa
- Buổi chiều:
- 2:00 chiều – 4:00 chiều: Buổi tập bơi (tập trung vào các kỹ thuật bơi, xuất phát, quay vòng, và cú đá “cá heo” dưới nước)
- 4:30 chiều: Phục hồi (tắm đá, mát-xa, v.v.)
- Buổi tối:
- 6:00 chiều: Ăn tối
- 9:00 tối: Đi ngủ
NHƯNG cố đến thế vẫn là chưa đủ. Thành tích vô tiền khoáng hậu của Michael Phelps được cho là có đóng góp quan trọng của những bài tập chủ động về ý chí, tinh thần và niềm tin.
5. Luyện tập tinh thần
Hình dung: Phelps sử dụng việc hình dung tinh thần như một phần cốt lõi trong việc luyện tập. Anh hình dung từng phần của cuộc đua trong đầu, từ chi tiết nhỏ nhất như cú xuất phát, sải bơi, cú quay vòng và thậm chí cả các tình huống bất lợi so thể xảy ra, như việc kính bơi bị trục trặc. Sự chuẩn bị tinh thần này giúp anh duy trì sự bình tĩnh và tập trung trong các cuộc đua áp lực cao.
Đặt mục tiêu: Phelps và huấn luyện viên Bob Bowman rất cẩn thận trong việc đặt các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Những mục tiêu này rất cụ thể, chẳng hạn như các thời gian anh muốn đạt được hoặc những cải tiến về kỹ thuật, điều này giúp anh duy trì sự tập trung và động lực.
Củng cố tích cực: Huấn luyện viên Bowman đã sử dụng một sự kết hợp giữa yêu cầu khắt khe và củng cố tích cực để thúc đẩy Phelps. Chuyện kể rằng khi mới gặp Phelps lúc còn là một cậu bé, Bowman đã hướng dẫn Phelps tưởng tượng ra mình đang bơi mỗi khi nằm trên giường ngủ vào buổi tối. Ông dặn Phelps tưởng tượng ra mình bơi nhanh như thế nào, mình chiến thắng như thế nào, tận hưởng niềm vui như thế nào, gia đình, người thân vui mừng ra sao. Ông cũng khen ngợi anh khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp đồng thời luôn yêu cầu cao hơn khi ông thấy tiềm năng, giúp anh duy trì tư duy hiệu suất cao.
Vậy bạn đã rút ra câu trả lời cho bản thân mình chưa?
Hãy cùng xem thêm một thông tin sau chót này nữa thôi:
Với những lợi thế bất công triệu người có một, với chương trình rèn luyện thể chất và tinh thần khắc nghiệt, với một huấn luyện viên đỉnh cao, vậy nhưng:
Nhưng Michael Phelps vẫn có đối thủ và họ đã gây cho anh những cuộc đua khó khăn.
1. Ryan Lochte (Mỹ)
Lochte đã giành được nhiều danh hiệu thế giới, anh thường xuyên xếp sau Phelps tại các kỳ Olympic. Tuy nhiên, Lochte đã đánh bại Phelps trong nội dung 400m hỗn hợp cá nhân tại Giải vô địch thế giới 2011.
2. Ian Thorpe (Australia)
Thorpe có 9 huy chương Olympic (5 vàng, 3 bạc, 1 đồng) và là gương mặt tiêu biểu của bơi lội Australia trong suốt sự nghiệp. Cuộc đua được mong đợi giữa hai người diễn ra ở nội dung 200m tự do tại Thế vận hội Athens 2004, nơi Thorpe giành huy chương vàng và Phelps xếp hạng ba. Dù Phelps sau này vượt qua thành tích của Thorpe, Thorpe là một trong số ít người đánh bại Phelps trong một cuộc đua trực tiếp.
3. Chad le Clos (Nam Phi)
Le Clos có 4 huy chương Olympic (1 vàng, 3 bạc) và nhiều danh hiệu thế giới. Le Clos nổi tiếng khi đánh bại Phelps trong nội dung 200m bướm tại Thế vận hội London 2012, một trong những sự kiện đặc trưng của Phelps. Tuy nhiên, vào năm 2016, Phelps trở lại và đánh bại Le Clos ở cùng nội dung tại Thế vận hội Rio.
BẤT NGỜ CHƯA?
Vẫn thua đấy ạ! Vượt trội, tập luyện khủng khiếp, làm hết mọi thứ có thể làm được, rõ ràng là out trình cực mạnh, mà vẫn có đối thủ!
Vậy thì, vĩ đại là do bẩm sinh hay rèn luyện?
Câu hỏi này đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử nhưng tôi đã có câu trả lời cho riêng mình. Tôi tin rằng bạn cũng vậy.
Như một viên ngọc, bẩm sinh tố chất sáng đẹp đến đâu, thì lại càng phải gọt giũa để xứng tầm với tiềm năng mà mình có thể tỏa sáng. Mình có thể tự tin. Không ai cấm mình hạnh phúc với những gì mình được trao tặng: nhan sắc, trí thông minh, sự nhạy cảm, khả năng thể chất… Nhưng phát huy những điều đó đến tận cùng là trách nhiệm, và cũng là niềm hạnh phúc và mục đích cuộc đời.
Không có gì sai khi chúng ta hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nhưng hãy nhìn những con người vĩ đại như nguồn cảm hứng: Ronaldo tập luyện thế nào, Messi tập luyện thế nào, Mike Tyson, Manny Pacquiao, Michael Jordan, Kobe Bryan… tập luyện thế nào, thậm chí Taylor Swift, Psy, Bi Rain tập luyện thế nào… Sau vinh quang, nếu bạn tìm hiểu, sẽ thấy họ cố gắng đến mức nào!
Vậy theo tôi: Mỗi chúng ta. Ai cũng là viên ngọc hết (người ta là ngọc to thì mình ngọc nhỏ :D ). Nhưng để đạt được những điều phi thường, thì phải cố gắng, phải bỏ công sức ra, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Điều kiện người ta như thế người ta còn cố, thì tại sao mình lại không! Thế nó khó, nhưng mà thành quả nó mới thực sự xứng đáng, mới bình ổn hiên ngang khi đứng trước tâm hồn của chính mình.
Thôi bây giờ tôi phải ra ngoài đi bộ đây, hẹn các bạn bài sau tôi sẽ viết về xây dựng thói quen từ những bước nhỏ nhất nhé!