Làm thế nào để tự tin trong khi bạn chẳng có gì để tự tin cả? 

Kiểu như là, làm thế nào bạn có thể tự tin đảm nhận công việc mới nếu bạn chưa từng thử sức lĩnh vực này trước đây? Hoặc làm thế nào bạn có thể tự tin thuyết trình trước khách hàng quan trọng của công ty khi mà bạn chưa hề đương đầu với những dự án tầm cỡ kiểu vậy? 

“Tự tin lên”, “Cứ làm như bình thường”, “Đừng quan tâm người khác nghĩ gì", hay “Hít thở sâu, tưởng tượng mình chỉ đang nói cho một người nghe duy nhất thôi!”, v.v. và nhiều mẹo mực khác, nhưng chiểu theo kinh nghiệm của tôi—một người từng thử hết tất cả chỗ đó rồi—thì chúng đều không giải quyết vấn đề triệt để. 

Và bài viết này là để nhổ cỏ tận gốc đây. Đeo găng tay vào nào các bác nông dân, đến lúc phát quang bụi rậm rồi. 

Vòng lặp tự tin 

Hãy bắt đầu bằng khái niệm về vòng lặp tự tin. 

Vòng lặp tự tin được Mark Manson đề cập tới lần đầu trong bài blog “The Only Way to Be Confident” của anh, khi mà để trở nên hạnh phúc hoặc thành công, trước hết một người cần phải tự tin, nhưng để có thể tự tin, anh ta cần phải có gì đó để tin vào. 

Chúng ta có thể phân ra hai trường hợp sau: 

1) Bạn thành công, bạn có sự tự tin để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công. 

2) Bạn thất bại, bi quan, hoài nghi về năng lực bản thân, do đó bạn tự ti về bản thân, và vì bạn tự ti nên bạn tiếp tục thất bại. 

Nếu bạn đang ở trường hợp thứ hai, cố gắng thoát khoát vòng lặp cảm giác thật vô vọng. Bạn mường tượng mình sẽ làm điều này điều kia để thành công, nhưng rồi khi mọi chuyện xảy đến, bạn tiếp tục cư xử như cũ, kết quả nhận về cũng như cũ. Không ai cho bạn lời khuyên, bạn cảm thấy như tự bạn không thể vượt qua nổi. Bạn có thể dành vô số thời gian để tự vấn, nghiền ngẫm về chuyện đã qua rồi tự nhủ sẽ cải thiện trong lần tới, nhưng với sự tự ti của bạn, khả năng cao là bạn sẽ ngã phải vết xe đổ của chính mình vào lần trước. 

Để giải quyết điều này, trước hết ta sẽ cần làm rõ vài luận điểm: 

1) Chỉ vì ai đó sở hữu gì đó (chẳng hạn như mối quan hệ rộng, gia đình giàu có, v.v.) không đồng nghĩa với việc người đó sẽ tự tin về chúng. Có rất nhiều siêu mẫu mặc cảm về ngoại hình của họ, có những người nổi tiếng cảm thấy chán ghét sự nổi tiếng của bản thân. 

2) Bởi vì sự tự tin của chúng ta không nhất thiết phải gắn liền với bất cứ yếu tố ngoại vi nào, chúng ta có thể kết luận rằng việc cải thiện những yếu tố ngoại vi này, những khía cạnh vật chất hữu hình của đời sống chưa hẳn sẽ giúp chúng ta tự tin hơn. 

Khả năng cao là bạn từng trải nghiệm điều này rồi. Được thăng chức chưa hẳn sẽ khiến bạn mạnh dạn hơn khi bày tỏ quan điểm trước các sếp hay phản biện để bảo vệ ý kiến của bản thân. Có lẽ còn có thể lo lắng vì sợ lỡ lời mà đánh mất những gì tích cóp bấy lâu.

3) Tự tin là một cảm giác. Một trạng thái cảm xúc và tâm trí. Mọi người thường coi tự tin như một loại tính cách hoặc phẩm chất, và nếu đã gắn với tính cách thì nó là một thứ rất khó để đạt được. 

Nhưng giờ đây, bạn chỉ cần hiểu rằng tự tin là khi bạn nhận thức bạn không bỏ lỡ thứ gì cả. Giống như một thí sinh cam đoan mình đã nắm vững mọi kiến thức trước khi vào phòng thi. Ngược lại, người tự ti nghĩ rằng họ đang thiếu sót ở đâu đó, và nhận thức này tạo thành một rào cản chắn ngang tâm trí họ. 

Làm thế nào để tự tin hơn? 

Câu trả lời, hiển nhiên là tin rằng bạn không bỏ lỡ thứ gì cả. Điều này có nghĩa là bạn tin rằng bạn đã có, hoặc sở hữu một thứ gì đó mà bạn có thể dựa vào. Kobe Bryant khi được hỏi rằng tại sao ông lại tự tin mình sẽ ném vào cả hai trái ném phạt lúc trận đấu hết sức căng thẳng, ông đáp vì ông đã tập những cú ném như thế hàng triệu lần rồi. Vậy nên khi thời điểm tới, ông tin rằng mình sẽ ném vào, như cách ông đã ném vào cả triệu lần trước. 

Nhưng mặt cực đoan của kiểu tư duy này—khi một người tin rằng họ xinh đẹp trong khi họ xấu quắc, hoặc tin rằng họ giỏi giang trong khi họ chỉ sàn sàn cỡ mọi người—dễ gây ra trạng thái ngộ nhận, hoặc “ảo tưởng sức mạnh” – như chúng ta thường nói. 

Rất nhiều người đã thử phương pháp trên: tin rằng mình có thể làm gì đó rồi nhận ra họ không thể, họ quay sang một cách tiếp cận khác: cải tiến dần dần từ bên ngoài. 

Họ đọc các bài viết về 7 thói quen của người thành công, 50 điều người tự tin thường làm, phong cách làm việc của 10 triệu phú, sau đó họ cố gắng bắt chước. 

Họ bắt đầu đọc sách mỗi ngày, ăn mặc có gu hơn, tới phòng gym đều đặn, giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện với khách hàng và bắt tay chặt chẽ hơn. 

Phải thừa nhận rằng đây là một bước tiến xa so với việc chỉ ngồi im và tin rằng tâm thức sẽ xoay chuyển thực tế. Sau cùng, ít nhất bạn cũng đang làm gì đó để cải thiện sự tự tin. Và thực tế thì, chắc chắn là nó sẽ tạo ra biến chuyển tích cực—nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. 

Một lần nữa, kiểu tư duy này chỉ tập trung vào các yếu tố bên ngoài. Và hãy nhớ rằng, việc khai thác sự tự tin từ thế giới xung quanh bạn chỉ đem lại hiệu quả ngắn hạn và nó không khác gì một dạng ảo tưởng cả. 

Ví dụ như bản thân tôi, tôi luôn thấy hồi hộp trước mỗi trận đấu bóng rổ quan trọng, khi tôi phải đối đầu với những người mà tôi không quen. Và tôi bắt chước các bài khởi động, nghi thức trước trận đấu của các cầu thủ nổi tiếng. Tôi thấy bản thân thực sự tự tin hơn, nhưng lúc trận đấu diễn ra, tôi vẫn thường đánh mất chính mình. Tôi vẫn không thể rê bóng tay trái, ném phạt hụt, không mạnh dạn như cách tôi thường chơi với lũ bạn thân, v.v. rồi tôi nhận ra vấn đề thực sự luôn nằm đó, vì sau mỗi lần thất bại, tôi không hề cải thiện tay trái của mình, không hề tập ném phạt. Cảm giác tự tin mà tôi có trong phút chốc chỉ như ảo giác, như một liều thuốc an thần cấp tốc, và thất bại là chuyện dễ hiểu. 

Do đó, cố gắng nâng cấp những yếu tố bề mặt không phải là giải pháp triệt để cho câu đố về sự tự tin. Hơn thế, việc tự đánh lừa chính mình rằng bạn không thiếu sót gì, rằng bạn đã nắm vững mọi thứ cần thiết, sẽ khiến bạn phải trả giá đắt hơn nhiều. 

Từ đây, cách đơn giản nhất để thực sự trở nên tự tin, là chấp nhận những thiếu sót của bản thân và đừng cố tránh né chúng. Nói như người Việt Nam ta là đừng giấu dốt. Kiểu tư duy đó chẳng khác nào gông cùm trói chặt tiềm năng phát triển của bạn. Ví dụ, bạn bè chơi bóng rổ với tôi đều biết rằng tôi không thể ném bóng tầm xa và không dám đi bên trái. Tôi đã tự cải thiện bằng cách trước mỗi trận đấu, tôi dằn lòng rằng mình nhất định sẽ ném bóng tầm xa, dù có ném trượt hay chăng nữa thì tôi vẫn sẽ ném. Tất nhiên thời gian đầu, tôi ném trượt suốt và đồng đội thậm chí còn bực tôi vì không biết che giấu điểm yếu. Nhưng giờ đây, sáu tháng đã trôi qua kể từ độ ấy, và tôi đã hoàn toàn thoải mái với việc ném xa và còn được huấn luyện viên cắt cử vào vị trí chuyên ném ba là đằng khác. 

 

“Những ngày đầu, cô sai nhiều hơn đúng. Sau hai tháng, cô đúng nhiều hơn sai.” 

—trích “Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử”, Jonas Jonasson

 

Muốn được như thế, bạn cần phải kiên nhẫn, đôi khi là từ bi với bản thân. Tôi từng là người kì vọng rất nhiều vào chính mình. Tôi luôn vác giày ra sân và tưởng tượng trận hôm nay tôi sẽ ghi thật nhiều điểm. Nhưng mọi thứ đều trật lất, đôi khi tôi còn không ném vào trái nào. Rồi tôi nhận ra rằng nếu tôi kì vọng bản thân ghi thật nhiều điểm chỉ sau một vài ngày, hẳn là tôi đang mơ chuyện viển vông. Tôi hài lòng khi sau mỗi trận đấu, tôi đã dám thử những kỹ thuật mà trận trước tôi đã không làm. Tôi không đặt nặng chuyện ghi điểm, tôi biết điểm số, danh hiệu, v.v. tất cả sẽ theo sau—khi tôi giải quyết lần lượt từng vấn đề của mình. 

Điều sau cùng, dù không phải ai cũng sẵn lòng áp dụng, là coi nhẹ chuyện thất bại. Những người không đặt nặng trải nghiệm tiêu cực là những người khai thác chúng triệt để nhất. Không có áp lực nào lớn lên áp lực ta tự đặt lên vai mình. Rằng ta phải thế này thế kia, phải thật xuất chúng, phải chu toàn mọi thứ đâu ra đấy. Đó chưa hẳn là xấu, nhưng thường thì ta dễ gò ép bản thân quá mức, bất mãn với những chuyện mà ta vốn chẳng kiểm soát nổi. Thật khó để tìm ra một kẻ thua bạc mà vẫn có thể bình tĩnh mỉm cười, nhưng đó là thứ chúng ta nên hướng tới.