Bạn vẫn tưởng là: Khi bạn ở giữa những người khác, bạn cảm thấy như thể mọi người đều đang dò xét từng li từng tí về cử chỉ và diện mạo của bạn. 

Sự thật là: Mọi người hiếm khi để ý tới bạn trừ phi họ được yêu cầu phải làm vậy. 

 

“Bạn sẽ thôi quan tâm người khác nghĩ gì về mình khi biết rằng họ hiếm khi làm vậy.” 

—David Foster Wallace 

 

Bạn làm đổ khay nước ở một bữa tiệc. Áo sơ mi trắng của bạn dính một vệt sốt tương cà. Trán bạn bỗng dưng nổi cục mụn vô duyên đúng ngày phỏng vấn. Ôi không. Mọi người sẽ nghĩ sao đây? Gần như là họ sẽ chẳng nghĩ gì cả. Hầu hết mọi người sẽ không để ý, và nếu có thì khả năng cao họ sẽ quên khuấy chỉ trong vài giây. 

Bạn giảm được vài ký, vừa sắm một đôi giày mới, và lồng lộn bước xuống phố trông đợi thứ gì đó kiểu như sự công nhận. Có thể bạn vừa làm một kiểu tóc mới, hoặc vừa mua một chiếc đồng hồ thời thượng. Bạn ngắm nghía nửa tiếng trời trước gương mong rằng thế giới này sẽ chú ý tới bạn. Bạn dành quá nhiều thời gian bận tâm về cơ thể của bạn, suy nghĩ và hành động của bạn, và bạn bắt đầu nghĩ những người khác phải làm điều tương tự. Các nghiên cứu chỉ ra rằng họ không hề để tâm tới bạn, ít nhất là không nhiều như bạn nghĩ. 

Khi thuyết trình trước một đám đông, bạn nghĩ nhất cử nhất động của bạn đều nằm dưới sự giám sát của hàng chục con mắt dưới kia. Hiệu ứng này sẽ còn lớn hơn nữa bạn phải đứng giữa bục phát biểu hoặc hẹn hò lần đầu tiên với ai đó. Bạn không thể loại bỏ suy nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Và bạn khó có thể ước lượng được mức chú ý của người đến mình vì bạn để ý đến bản thân mọi lúc. Khi tự nhìn mình từ vị trí của khán giả, bạn cường điệu hóa mọi sai lầm. Bạn thực sự không sáng suốt khi phải đối mặt với đám đông, bởi vì bạn rất vị kỷ. Thật may làm sao, những người khác cũng vị kỷ y như bạn, và bản thân họ cũng luôn lo lắng rằng mình đang bị những người xung quanh soi xét. 

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu được nghiên cứu tại Cornell vào năm 1996 bởi Thomas Gilovich, người đã nghiên cứu về cấp độ mà mọi người tin rằng hành động và ngoại hình của họ được người khác chú ý tới. Ông yêu cầu một nhóm sinh viên mặc áo phông in hình mặt cười của Barry Manilow và tới gõ cửa một lớp học mà sinh viên trong đó đang được yêu cầu điền một phiếu khảo sát. 

Khi bạn đi học hoặc đi làm muộn, hoặc bước vào giữa một rạp chiếu phim khi bộ phim đã bắt đầu, bạn cảm giác như thể tất cả những con mắt kia đang dán chặt vào bạn, phán xét và buông lời chỉ trích. Những sinh viên trong thí nghiệm này phải mặc một chiếc áo phông với cái đầu to tướng của Barry Manilow rồi bước vào giữa hội trường nhằm khuếch đại hiệu ứng ánh đèn sân khấu lên trên mức trung bình. 

Từng sinh viên vào một, rồi bước tới nói chuyện với giảng viên trong chốc lát. Người giảng viên sau đó kéo một cái ghế và yêu cầu sinh viên tới muộn ngồi xuống, nhưng ngay khi họ ngồi xuống thì họ lại được yêu cầu đứng lên và cứ thế, một màn thẩm tra bắt đầu. 

Sau khi thí nghiệm hoàn tất, các nhà nghiên cứu yêu cầu từng sinh viên một ước tính xem bao nhiêu sinh viên trong lớp để ý tới chiếc áo phông họ đã mặc. Họ cho rằng hơn nửa sinh viên ngồi đó đã nhìn thấy cái áo và bị thu hút bởi thiết kế ngớ ngẩn của nó. Khi những nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát các sinh viên trong lớp, chỉ 25% cho biết mình đã nhìn thấy hình ảnh Manilow. Trong một tình huống được thiết kế sẵn nhằm lôi cuốn sự chú ý, chỉ một phần tư người quan sát chú ý tới chiếc áo lạ thường. 

Gilovich lặp lại thí nghiệm trên, nhưng lần này ông cho phép các sinh viên được chọn một chiếc áo “sành điệu” in hình Jerry Seinfeld, Bob Marley, hay thậm chí là Martin Luther King Jr. Trong lần này, kết quả trả về vẫn như cũ. Họ ước đoán khoảng phân nửa lớp học đã nhìn thấy chiếc áo đặc biệt mà họ mặc. Dưới 10% thừa nhận đã nhìn thấy. 

Điều này cho thấy hiệu ứng ánh đèn sân khấu phát huy tác dụng mạnh mẽ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực về những hình ảnh của bản thân bạn, nhưng thế giới thực thì còn khuya mới mảy may quan tâm khi bạn đang cố gắng tỏ ra sang chảnh.

Gilovich đã lặp lại thí nghiệm của ông trên những con phố đông đúc của thành phố New York, và mặc dù mọi người đều cảm thấy như thể một cái đèn pha khổng lồ đang chiếu thẳng xuống đầu và mọi con mắt đều đổ dồn về họ, trên thực tế, hầu hết mọi người đều không mấy bận tâm. 

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu khiến bạn tin rằng mọi người đều chú ý tới bạn khi bạn dạo quanh con phố trên một chiếc xe mới coong. Không hề. Nghĩ thử xem, lần cuối bạn thấy một chiếc siêu xe, bạn có để ý xem người lái nó là ai không? Có thể bạn còn không nhớ lần cuối bạn thấy một chiếc siêu xe là khi nào. Cảm giác này lan rộng sang mọi tình huống khác tương tự. Ví dụ, nếu bạn đang hát một bài ở tiệc sinh nhật người bạn thân, ở đó có những người bạn quen và không quen, bạn sẽ nghĩ giờ mà hát lệch tông hay lên nốt cao hụt hơi thì chết ngại. Mọi người sẽ cười ồ rồi thì thầm cười cợt bạn cho xem. Nhưng bạn đã nghĩ quá nhiều rồi. 

Vào năm 2001, Gilovich cho các đối tượng tham gia chơi một trò chơi video đối kháng và đo lường mức độ quan tâm của từng người tới màn thể hiện của đồng đội và đối thủ của họ. Kết quả trả về cho thấy phần lớn mọi người đều nghĩ rằng đồng đội sẽ quở trách và đối thủ sẽ hả hê khi họ chơi không tốt, nhưng thực tế là cả đồng đội lẫn đối thủ đều chỉ bận tâm về màn thể hiện của riêng họ. Khi đang chơi, họ chỉ quan tâm tới chính mình. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mọi người tin rằng người khác sẽ ghi nhớ những đóng góp của họ trong buổi trao đổi, nhưng thực tế là không. Bạn nghĩ mọi người đều chú ý khi bạn chợt nói lắp trong bài thuyết trình, nhưng họ không hề. Chà, trừ khi bạn cố thu hút từ họ bằng cách liên tục xin lỗi. 

Vậy nên, lần tới trán bạn nổi một cục mụn, hoặc bạn vừa mua một đôi giày mới, hay lên mạng viết một bài tản mạn nhân buổi chiều mưa, đừng trông đợi có ai để ý tới chúng cả. Bạn không đặc biệt tới thế đâu.  

---

Nguồn: You Are Not So Smart, David McRaney