#1. Đọc truyện tranh
Bạn không nhìn nhầm đâu, là đọc truyện tranh đấy. Đây có thể xem là cấp độ sơ đẳng nhất rồi. Lý do tôi khuyên bạn nên đọc truyện tranh thay vì đọc các văn bản học thuật khác vì đọc truyện tranh thì… vui hơn, và cũng đa dạng thể loại hơn nữa.
Truyện tranh thì cũng có nhiều dạng, bạn có thể thử đọc comic của Mỹ, manga của Nhật,... Tôi nhớ tôi từng đọc Doraemon bản tiếng Anh thì phải, nói chung là cũng không phải trò trẻ con đâu.
Đa phần chúng ta thường chẳng mấy vui vẻ khi ngồi vào bàn học, mà đã không vui thì học khó lắm. Vậy nên nếu thực sự chưa biết phải bắt đầu từ đâu, tôi nhiệt liệt khuyến khích bạn thử nhấm nháp vài chương truyện tranh bằng tiếng Anh để biết mùi vị ra sao, không chừng bạn lại nghiện cũng nên.
>>> Một bài viết tổng hợp 8 website đọc manga tiếng Anh miễn phí mà tôi tiện thả link sẵn cho bạn.
>>> Còn đây là dành cho những bạn muốn đọc comic.
#2. Đọc truyện thiếu nhi
Cấp độ tiếp theo là truyện thiếu nhi (nhớ chọn cuốn nào ngắn ngắn thôi). Truyện thiếu nhi về cơ bản không khác truyện tranh là mấy, chỉ có cái là nhiều chữ hơn, nhưng cũng đồng nghĩa là nhiều từ vựng hơn để bạn tiếp thu.
Vì các tác giả viết truyện thiếu nhi nhắm vào đối tượng độc giả là trẻ con nên ngôn từ thường trong sáng, ngắn gọn và dễ hiểu. Bạn thì không phải trẻ con, chắc chắn rồi, nhưng nếu bạn học một ngôn ngữ khác từ đầu thì thật ra bạn cũng chẳng khác trẻ con học tiếng là mấy.
Một vài cuốn sách tôi khuyên đọc: The Wizard of Oz kinh điển của L. Frank Baum, Three Little Pigs của James Halliwell-Phillipps, tất cả truyện của Andersen (chắc chắn rồi).
#3. Đọc các bài blog self-help
Dựa trên kinh nghiệm thăm thú khắp các blog của tôi thì riêng blog về chủ đề self-help hay self-improvement (phát triển bản thân) là dễ đọc nhất.
Có thể bạn không ưa dạng self-help là bao nhưng bạn chắc chắn phải thú thật một điều là: tác giả self-help viết thực sự rất dễ hiểu. Câu từ đơn giản, kiến thức không mang nặng tính học thuật mà rất gần gũi với giao tiếp phổ thông, do đó bạn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc dịch và hiểu chúng.
Một điểm nữa là các bài blog về chủ đề này thường khá gọn gàng, mà tôi vẫn thường hay trêu là ‘xếp thành ngăn’. Họ chia rõ ràng các bài viết theo từng chuyên mục, mỗi bài viết lại chia thành từng chương, mục nhỏ, ý nhỏ rồi gạch đầu dòng, chấm đầu dòng. Nói đơn giản, tác giả gần như đã bày sẵn mâm cơm rồi chỉ đợi bạn tới ăn thôi.
#4. Đọc báo
Giờ mới tới đọc báo nhỉ? Thời tôi mới tập tành học đọc tiếng Anh, đa phần mọi người đều khuyên tôi đọc báo vì biết tôi hay đọc sách, tôi cũng gật đầu lia lịa mà nghe thôi.
Dựa theo trải nghiệm của bản thân, tôi rút ra bài học thế này: đọc báo rất tốt, tuy nhiên cần chọn nguồn hay, mà đa phần các nguồn hay lại khá khó đọc và họ còn bắt ta phải mất phí đăng ký thành viên nữa. Tốn thời gian tìm nguồn, đọc rất nhọc sức hơn nữa còn mất tiền, vậy nên chưa hẳn đã là phương sách sáng suốt cho những người mới bắt đầu tập đọc.
Tất nhiên là giờ thì tôi bỏ tiền ra đăng ký vài ba tờ báo rồi, nhưng thú thật là tôi cũng không đọc nhiều lắm. Tôi thích đọc báo vì một vài tờ có mục quan điểm — tranh luận rất hay, giúp tôi nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh, đồng thời cũng là nguồn tài liệu tham khảo phong phú để làm tư liệu viết lách.
Trong trường hợp bạn đang phân vân không biết nên đọc tờ báo nào thì tôi sẽ điểm mặt vài cái tên nổi bật (và đương nhiên là uy tín): The Wall Street Journal, The New York Times, The New Yorker, Washington Post, The Guardian, The Atlantic và Bloomsberg.
#5. Đọc tạp chí chuyên ngành
Được rồi, nếu bạn thấy 4 mục trên dễ quá rồi, nhàn quá rồi thì tạp chí chuyên ngành sẽ là thử thách tiếp theo. Khi tôi nói tạp chí chuyên ngành, đó không nhất thiết phải là tạp chí, mà có thể là một website, một cuốn sách, một blog bất kỳ tập trung chuyên sâu vào một chủ đề cụ thể.
Ví dụ, nếu bạn viết lách như tôi, tôi tiết lộ với bạn là tôi thường đọc các bài blog cá nhân của tác giả nổi tiếng. Tôi đọc vì tò mò là chủ yếu, nhưng tất nhiên vì họ là người nổi tiếng và kiến thức uyên thâm nên lời nào lời đấy đều lấp lánh ánh sáng của tri thức.
Mỗi chủ đề sẽ có một vài trang web hoặc tạp chí điển hình thảo luận chuyên sâu về chủ đề đó. Cái này thì tôi không liệt kê giúp bạn được, vì tôi đâu có biết chuyên ngành của bạn là gì.
Tuy nhiên vì bạn đã ở đây, ở blog của WeStudy, và bạn có thể nhìn sang phía bên trái màn hình, chúng tôi có các chuyên mục như Nhiếp ảnh, Diễn xuất, Tiếng Anh (cái mà tôi đang viết đây),... vậy nên tôi cũng tiện chia sẻ với bạn vài nguồn mà tôi hay tham khảo.
- Nhiếp ảnh: Chúng ta có Fstoppers, Phlearn, Rare Historical Photos, The Phoblographer…
- Diễn xuất: The Daily Beast, The Modern Actor, Collider, Screenrant…
- Kỹ năng sống: James Clear Blog, Mark Manson Blog, Farnam Street
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một vài khóa học tiếng Anh của chúng tôi tại đây.