Trong cuốn sách So Good They Can’t Ignore You: Why Skills Trump Passion in Searching for Work You Love xuất bản năm 2012, tác giả Cal Newport có viết, “Khuyên ai đó theo đuổi đam mê của họ là một việc làm nguy hiểm.” 

Newport cho rằng ‘đam mê’ là một khái niệm hết sức mơ hồ, ông nghi ngờ cái giả định ngầm của lời khuyên: “Ai cũng có sẵn một niềm đam mê có thể lựa chọn làm con đường sự nghiệp để theo đuổi. Việc của bạn là tìm ra nó, hết mình vì nó và bạn sẽ thành công.” 

Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra cho bạn lời khuyên 'hãy theo đuổi đam mê' của Steve Jobs tại Đại học Stanford năm 2005 thực sự là một lời khuyên tệ hại, lý giải tại sao không cần đam mê rực cháy bạn vẫn có thể xuất phát tốt, cũng như tại sao dùng đam mê để kiếm tiền chưa chắc đã phải điều hay. 

Trước hết, hãy cùng khám phá bí mật của Mark Cuban. 

Bí mật của Mark Cuban 

Lời khuyên ‘theo đuổi đam mê’ có thể xem là khẩu hiệu với người trẻ, tuy nhiên cũng phải thừa nhận một sự thật đắng lòng: 9 trên 10 người trẻ còn chẳng biết họ đam mê cái gì. 

Lấy ví dụ thể thao chẳng hạn. Thể thao là đam mê của rất nhiều bạn trẻ, và Mark Cuban ngày đó cũng không phải ngoại lệ: 

“Tôi từng đam mê trở thành một cầu thủ bóng chày. Sau đó, tôi nhận ra tốc độ ném bóng của mình ở mức 70 dặm/giờ (các vận động viên chuyên nghiệp thường ném ở mức vượt quá 90 dặm/giờ). 

Tôi từng đam mê trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Sau đó, tôi nhận ra sức bật của mình chỉ dừng ở mức 7 inch (tất cả các ứng cử viên hàng đầu tại NBA hầu như đều có sức bật rơi vào tầm trên 40 inch).

Mark Cuban, doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ, chủ sở hữu Dallas Mavericks tại NBA, đồng sở hữu 2929 Entertainment và chủ tịch AXS TV.

Có rất nhiều thứ tôi đam mê. Rất nhiều. Nhưng thứ mà tôi thực sự giỏi, cuối cùng chính là thứ mà tôi bỏ ra nhiều công sức nhất. Rất nhiều người nói ‘hãy theo đuổi đam mê’ nhưng đó không thực sự là thứ bạn nên tập trung vào. Thay vào đó, bạn nên tự hỏi mình câu hỏi sau: Mình nên dành thời gian vào việc gì? 

Vì khi bạn dành tặng nó đủ thời gian, bạn sẽ trở nên giỏi, rất giỏi trong lĩnh vực đó. Bạn giỏi vì bạn đã đánh đổi biết bao thời gian, công sức, những buổi đi chơi cuối tuần, những giờ nằm ì trên giường nhai bỏng xem phim hay đánh bài cùng lũ bạn,...

Và khi bạn đã rất giỏi rồi, tôi sẽ tiết lộ thêm cho bạn một bí mật: Không ai từ bỏ thứ mà họ đang làm tốt cả. Vì ‘giỏi giang’ là một chất gây nghiện. Vì bạn đang làm tốt, bạn sẽ có hứng thú hơn với công việc đó. Bạn thích mê cái cảm giác được mọi người xung quanh ngưỡng mộ, còn bạn thì làm chủ được công việc của mình. Đó là khởi nguồn của sự thỏa mãn trong công việc.” 

Câu chuyện về Steve Jobs 

Hãy theo đuổi đam mê. Hãy tìm kiếm thứ bạn thích và dấn thân. Đừng từ bỏ. Hãy nghe theo tiếng nói của con tim. Chà, quen quá nhỉ? Mấy câu nói này hẳn bạn đã nghe rất nhiều trong các cuốn sách self-help, được đánh bóng và trau chuốt trong các bài diễn văn tốt nghiệp và trở đi trở lại trong các phát biểu của người nổi tiếng mỗi khi kể câu chuyện đời họ. 

Hãy theo đuổi đam mê. Nghe cũng phấn khởi đấy chứ. Cứ đi rồi sẽ đến, nhưng nếu cứ nhắm mắt đi bừa thì đến đâu bạn cũng chẳng biết. 

Trong bài phân tích của mình, Cal Newport đề cập tới bài diễn văn nổi tiếng của Steve Jobs tại Đại học Stanford vào mùa hè năm 2005. Cụ thể, trong ba lời khuyên Jobs dành tặng tới toàn thể các cô cậu 19, 20 tuổi ngày hôm ấy có một câu đại loại như: “Hãy theo đuổi đam mê. Nếu vẫn chưa tìm ra, đừng bỏ cuộc.” 

Bài diễn văn của Jobs được xem là một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất và được xem nhiều nhất trên Youtube. 

Nhìn vào cuộc đời Steve Jobs, ai ai cũng nghĩ ông là một tấm gương điển hình cho việc theo đuổi đam mê đến cùng. Tuy nhiên, khi Newport nhìn vào khởi đầu của Jobs với ngành công nghiệp máy tính thì phát hiện ra rằng Jobs khởi đầu với ham muốn kiếm tiền chứ không hoàn toàn sinh ra với đam mê và lòng thôi thúc phải tạo ra một công ty máy tính thần thánh. 

Năm 1974, Steve Jobs sau chuỗi ngày lang thang thiền thụng ở Ấn Độ trở về Mỹ, vất vưởng ở mấy xưởng điện tử tại California kiếm tiền tiêu qua ngày. Tháng Giêng năm 1975, ông tình cờ đọc được trên tờ Popular Mechanics bài đăng về bộ máy tính cá nhân đầu tiên tên Altair. Altair không đắt lắm, chỉ khoảng 500 đô-la cho một khối các bộ phận được hàn với một tấm bảng mạch được làm một cách đơn giản – nhưng đối với dân chơi như Jobs lúc đó thì sự ra đời của Altair như báo hiệu buổi bình minh của một kỷ nguyên mới. Cùng tờ báo đó, Bill Gates và Paul Allen đọc được bài viết này và bắt tay vào thử chạy phiên bản BASIC, một ngôn ngữ lập trình dễ sử dụng trên Altair rồi khai sinh ra một công ty tên là Microsoft. 

Quay trở lại với Steve Jobs, ngay khi đọc xong bài báo đó, ông đánh hơi thấy mùi tiền: Làm ra bảng mạch điện tử theo tiêu chuẩn của bộ máy tính Altair đó, rồi bán cho mấy thanh niên ham hố máy tính điện tử khác như một thú vui đồng thời kiếm ít tiền tiêu vặt. Jobs đã lên kế hoạch thuê một chàng trai ông biết tại Atari vẽ những bảng mạch và sau đó in ra khoảng 50 bản, tốn tầm 1.000 đô-la rồi bán chúng với giá 40 đô-la một chiếc và lợi nhuận dự tính là 700 đô-la. Quá ngon ăn, Jobs bèn tìm đến thanh niên Steve Wozniak đầu to kính cận để rủ làm cùng. Woz không quá phấn khởi trước cơ hội kiếm tiền, nhưng cực kỳ phấn chấn khi nghe Jobs nói tới việc hai người sẽ thành lập một công ty. 

“Trời ơi, hai người bạn thân cùng thành lập một công ty!” - Wozniak 

Woz bắt tay vào làm, tuy nhiên doanh số không mấy ấn tượng. Tuy nhiên, có một người quan trọng đang âm thầm nghe ngóng tình hình. Anh ta là Paul Terrell, chủ chuỗi cửa hàng máy tính tên Byte. Jobs đã vui mừng chào hàng tới Terrell. Terrell đồng ý đặt mua 50 bộ nhưng với một điều kiện: anh không muốn những bảng mạch in rời rạc mà khách hàng sẽ phải mua thêm chip và tự lắp ráp, thay vào đó anh muốn các bảng mạch được thiết kế hoàn chỉnh và sẵn sàng trả 500 đô mỗi bộ bằng tiền mặt, tức là phi vụ 25.000 đô-la béo bở đang lù lù trước mắt Jobs. 

Thời tới, Jobs hộc tốc chạy về xưởng thúc đít Wozniak làm máy tính, chạy vạy mọi nơi cầm đồ vay tiền. Máy tính làm ra tự dưng đắt khách, người người kéo nhau tới mua ầm ầm. 

Cái mà Jobs có ở đây là tài năng, sự nhạy bén, máu liều cùng ông cộng sự Woz đỉnh của chóp. Woz chỉ lớn hơn Jobs 5 tuổi nhưng kiến thức về điện tử thì vượt xa. Trong những ngày đầu tiên của Apple, Woz cân tất tần tật về khâu kỹ thuật và Jobs chủ yếu đảm nhiệm khâu bán hàng và marketing. 

Jobs càng làm càng hăng, làm ra iPhone được đón nhận quá trời đất rồi làm tiếp iPad, iPod, đủ các thể loại. Nhưng vốn dĩ ngay đầu Jobs đâu đam mê tới thế. Jobs chỉ muốn giàu có, muốn kiếm tiền, nhưng thời tới rồi cản không kịp.. Cái đam mê mà Jobs vẫn nói đi nói lại vốn dĩ không phải điểm xuất phát, nó là kết quả của một quá trình nỗ lực làm việc mà bắt nguồn từ ham muốn làm giàu. 

Cần nói tới ở đây là bố của Jobs là một thợ cơ khí, vậy nên từ bé Jobs đã sớm am hiểu điện tử và đạt tới độ thông hiểu nhất định. Tuy nhiên chính trong tiểu sử của Jobs cũng không hề nhắc gì tới việc ông yêu thích các con chip thế nào, tham vọng lập ra một đế chế công nghệ ra sao. Thời điểm đó, nếu Jobs quyết tâm theo đuổi đam mê thì có lẽ ông đã cải đạo và sống tuốt ở bên Ấn rồi chứ còn mò về Mỹ làm gì. 

50% cầu thủ bóng rổ tại NBA thừa nhận không đam mê bóng rổ 

Tương tự như câu chuyện của Jobs, Patrick Beverley, cầu thủ bóng rổ đang chơi tại giải nhà nghề Mỹ (NBA) từng tiết lộ một sự thật phũ phàng trước báo chí: 50% đồng đội của anh, gồm cả những người thuộc hàng đỉnh nhất tại NBA thừa nhận không hề đam mê bóng rổ. Ngọn lửa nhiệt huyết với trái bóng cam từng thôi thúc họ tập luyện đã nguội lạnh, thay vào đó là những hợp đồng triệu đô với các đội bóng hay thương hiệu nổi tiếng. 

Trong tâm lý học, người ta dành riêng hẳn một thuật ngữ để miêu tả hiện tượng này: hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Hiệu ứng này cho rằng khi hành động của một người được gán một hay vài mục đích hay phần thưởng, họ sẽ bắt đầu bớt yêu thích việc đó. Các cầu thủ bóng rổ kia đã từng yêu thích bóng rổ, họ từng chơi bóng rổ vì “mình thích thì mình chơi thôi”, nhưng giờ đây bóng rổ với họ là công ăn việc làm, sự nghiệp của họ phụ thuộc phần lớn vào việc chơi bóng rổ. Lúc này, đam mê buộc phải lùi lại để nhường chỗ cho nghĩa vụ và trách nhiệm, do vậy đứng dưới góc nhìn tâm lý học, phát biểu của Patrick Beverley dù nghe chua chát nhưng đó là cách mà cỗ máy vận hành. 

Cầu thủ Patrick Beverley 

Hãy đào sâu thêm chút nữa. Vì là giải đấu bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh, các cầu thủ tại đây cũng không phải dạng vừa. Nếu bạn cao 1m90 tại Việt Nam, bạn là người khổng lồ. Được rồi giờ nhấc bạn sang NBA, bạn sẽ thấy hầu hết mọi người đều cao hơn bạn nửa tới một cái đầu. Thế đấy! 

Tại Mỹ, bóng rổ là môn thể thao vua. Đi ngoài đường, cách mấy dãy nhà bạn lại bắt gặp một cái trụ bóng rổ. Doanh thu hàng năm tới từ các giải đấu lên tới hàng tỷ đô, và các cầu thủ có cơ hội kiếm tiền ngay trong quãng thời gian đại học. Cơ hội luôn rộng mở, nhiều người khao khát bước chân vào NBA. Các cầu thủ có lẽ cũng tự hỏi mình có thể làm gì để kiếm tiền, và câu trả lời duy nhất là bóng rổ. Nếu bạn thành danh ở NBA, con bạn sinh ra chắc chắn ngậm thìa vàng. Thứ khiến nhiều cầu thủ theo đuổi bóng rổ lại có gốc rễ sâu xa từ ham muốn làm giàu, còn đam mê là kết quả sau một quá trình dài hai lăn lộn trong giải đấu. 

Quay trở lại với Cal Newport, câu nói trên cũng chính là kết luận mà ông rút ra từ các nghiên cứu: Niềm vui trong công việc, hay ‘đam mê’ là cái bạn đạt được sau một quá trình nỗ lực rèn luyện, tích lũy kỹ năng và trở nên xuất chúng trong lĩnh vực mình chọn. Với tâm thế này, đam mê là một tác dụng phụ của nỗ lực. 

Tìm được niềm hân hoan phấn khởi trong công việc, mỗi sáng thức dậy đi làm là một ngày vui, ước mơ đó sẽ bớt xa vời hơn khi bạn tự đặt cho mình những câu hỏi thực tế hơn thay vì cứ cắm đầu vào tìm kiếm đam mê của mình. 

Việc gì có thể khiến bạn kiếm ra tiền nhỉ? Việc gì mà bạn giỏi ấy, hoặc có thể làm mà không quá chán ghét? Và bạn sẽ nâng cao tay nghề của mình kiểu gì đây? Ai sẽ là mentor của bạn? 

Rồi bằng cách bước đi từng chút một, chậm rãi mà chắc chắn, bạn dần dần phát triển các kỹ năng trong công việc đó. Bạn trở nên xuất sắc và nằm trong hàng ngũ những kẻ đỉnh nhất. Bạn đỉnh tới mức công việc tự tìm tới bạn, bạn được trả rất nhiều tiền để làm việc, thậm chí tới mức bạn có thể thẳng tay từ chối những dự án bạn không thích. Bạn làm chủ công việc của mình, bạn tự do, bạn kiếm nhiều tiền và cuối cùng, bạn ‘đam mê’ công việc đó.