Nổi tiếng là nam streamer kiếm tiền giỏi nhất Việt Nam, tộc trưởng Độ Mixi không khác nào “Đen Vâu trong làng streamer” — dù thu nhập lên tới 10 chữ số nhưng vẫn giữ lối sống giản dị, gần gũi với khán giả. 

Tôi không phải fan của Độ Mixi, thú thật cũng hiếm khi xem anh stream bao giờ. Nhưng tôi vẫn luôn tò mò các streamer như anh Độ, họ làm những gì mà ra nhiều tiền vậy? 

"Tộc trưởng" Độ Mixi, người được mệnh danh là "nam streamer kiếm tiền giỏi nhất Việt Nam"

#1. Nhận Tiền Donate Từ Người Hâm Mộ 

Donate dịch ra là quyên góp, nói riêng trong nghề streaming đơn giản là hoạt động cho tiền online. Nếu người hâm mộ yêu thích nội dung của Streamer, họ sẽ gửi 10.000đ, 20.000đ coi như ủng hộ. 

Bạn hẳn thấy số tiền này không nhiều cho tới khi biết được lượt view của Độ Mixi lên đến con số hàng triệu, và chỉ cần 10% số đó bỏ tiền donate thôi là Streamer đã kiếm bộn tiền rồi. Có lần anh từng công khai nhận được 400 triệu đồng tiền donate và quyết định dùng toàn bộ số tiền đó để làm từ thiện, xây điểm trường cho các em nhỏ vùng cao. 

Độ Mixi đăng bài báo cáo tiến độ chương trình từ thiện vào tháng 4 vừa qua 

Hoạt động donate không chỉ dừng lại ở “thích”, mà đôi khi người xem donate chỉ vì họ thấy “anh này nói chuyện vui tính quá”, “chuyện đời anh này nghe suy ghê”,... vậy là ủng hộ thôi. 

Thế mới biết, niềm vui và nỗi buồn cũng có giá của nó nhen. 

#2. Đăng Ký Độc Quyền Cho Thành Viên 

Một số người hâm mộ có thể đăng ký để được tiếp cận các nội dung độc quyền hơn. Cách thức hoạt động đơn giản như chương trình đăng ký của các tờ báo, có thể là gia hạn theo tuần, theo tháng hoặc theo năm để được hưởng từng ưu đãi riêng.

Đa phần các Streamer thường không lấy khoản này quá đắt mà chủ yếu để xây dựng đội ngũ fan trung thành, vì vậy nguồn thu nhập tuy không nhiều như các cách khác nhưng đặc biệt ổn định. 

Ví dụ, Facebook Gaming cung cấp cho các Streamer cách kiếm tiền thông qua chương trình đăng ký kênh (subscription program). Chi phí đăng ký kênh là 4,99$/tháng. Khi đăng ký, người dùng sẽ nhận được Huy hiệu fan cứng, nội dung độc quyền, bộ sticker tùy chỉnh và nhóm supporters hỗ trợ.  

#3. Doanh Thu Từ Quảng Cáo

Tùy vào nền tảng bạn livestream, bạn có thể kiếm được một số tiền quảng cáo kha khá chỉ qua một vài bước cơ bản. Ví dụ, Facebook sẽ cung cấp quảng cáo giữa video nếu bạn đáp ứng tiêu chí về số lượng người xem. 

Tuy nhiên đây có vẻ là ý tưởng không được các Streamer ưa thích cho lắm, có lẽ là vì muốn bảo vệ khán giả của mình. Nhìn chung thì cũng chẳng ai thích xem stream mà cứ vài phút lại hiện lên quảng cáo. 

#4. Quảng Bá Thương Hiệu Và Hợp Đồng Tài Trợ 

Tiền quảng cáo từ các nhãn hàng (chủ yếu là ở mảng Gaming) là nguồn thu nhập không thể thiếu.  

Dù ngành streaming tại Việt Nam chỉ nở rộ trong 5 - 7 năm trở lại đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ nhưng các thương hiệu đã sớm “đánh mùi” được tiềm năng của lĩnh vực này. 

Ví dụ, Huawei hợp tác với steamer Misthy để quảng bá mẫu Y9 Prime ra mắt vào 2019 vừa qua. Trong livestream của mình, Misthy sẽ dành thời gian để trò chuyện, giải đáp thắc mắc với khán giả — trong số đó có thể một lượng lớn những người có nhu cầu mua hàng. Nhìn chung, tôi đánh giá đây là một chiến lược tiếp thị rất tốt, vì người xem vừa được tương tác với idol, vừa được tư vấn nhiệt tình về sản phẩm. 

Streamer Misthy hợp tác quảng bá với thương hiệu Huawei 

Về mảng tài trợ, mỗi nền tảng livestream đều sẽ có các quy định và ưu đãi riêng dành cho Streamer. Nếu livestream trên Youtube, họ sẽ kiếm được những khoản thu nhập dưới tư cách một Youtube Partner (Đối tác của Youtube). Tương tự với các nền tảng khác như Nimo, Nono, Twich, Facebook,... họ cũng sẽ có những hợp đồng riêng.

Tôi sẽ lấy ví dụ về gã khổng lồ PepsiCo, vào năm 2017 đã tài trợ cho Rocket League — một tựa game khá quen thuộc với các Streamer tại Mỹ. Chủ đích của PepsiCo là quảng bá thức uống Brisk gián tiếp qua các Streamer và chiến dịch đã đạt được nhiều thành công nhất định. Cụm từ “Take the risk, drink the Brisk” đã trở nên vô cùng phổ biến vào thời điểm đó. 

#5. Tiếp Thị Liên Kết 

Cách kiếm tiền này có thể hiểu đơn giản là các Streamer quảng cáo cho các bên bán hàng trực tuyến nào đó. Ví dụ như Shopee chẳng hạn, các Streamer hoàn toàn có thể không cần phải đăng link bán hàng đó, mà có thể hợp tác dưới hình thức mã code hoặc phiếu giảm giá, mà người xem có thể dùng khi mua hàng tại Shopee.

Tiềm Năng Lớn Nhưng Thách Thức Cũng Nhiều 

Thị trường tiềm năng, vẫn còn nhiều khoảng trống để khai thác, đối tượng khán giả mục tiêu trẻ tuổi, sẵn sàng chi tiền, thu nhập cao,... là những miếng mồi ngon thu hút nhiều bạn trẻ theo đuổi nghiệp Streamer, chính thức dấn thân vào con đường Gaming. Tuy nhiên đó chỉ là miếng pho mát bày ra trước mắt, còn cái bẫy thì mấy người tinh ý nhận ra. 

Chịu Dèm Pha Từ Gia Đình Và Người Thân 

Nói nào thì nói, phụ huynh Việt Nam vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm với các game thủ. Dù đây là một suy nghĩ khá cổ hủ, nhưng khó mà chỉ cho họ hiểu. 

Đối với bậc làm cha làm mẹ, nghề nghiệp lý tưởng không chỉ dừng lại ở kiếm được tiền, mà còn phải ổn định và khiến họ có thể “nở mày nở mặt”. Có qua có lại, cũng có nhiều bậc phụ huynh hết mực con cái theo đuổi sở thích, đam mê mà không hề chì chiết hay bắt ép gì. 

Bản thân những Streamer đời đầu cũng không hẳn là đã theo được nghề Streaming này ngay từ đầu. Pewpew cùng với đội tuyển Dota 2 PewpewVN sau khi đã gặt hái được rất nhiều thành tích ở trong nước và Đông Nam Á đã phải giải tán. Bản thân Pewpew Studio – một trong những đơn vị bình luận Dota 2 đầu tiên ở Việt Nam cũng đã phải giải thể. Sau quãng thời gian đó, với áp lực về tiền bạc bủa vây, Pewpew quyết định đầu quân cho Nvidia với vai trò Giám Đốc cộng đồng. 

Tại thời điểm đó, Streaming chỉ là một hoạt động mà PewPew làm vào mỗi buổi tối với mục đích giải trí là chính. Còn về phía Độ Mixi, trước khi lấn sân sang lĩnh vực Streaming, cũng là một nhân viên trong một công ty du lịch. Viruss (Đặng Tiến Hoàng) thì đặc biệt hơn chút khi anh trước đó là một game thủ Liên Minh Huyền Thoại của đội tuyển Hanoi Dragons. 

Những Streamer hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, không ai có thể bước hẳn sang ngành Streaming này ở những bước đi đầu tiên cả.

Sức Khỏe Suy Giảm 

Khó khăn tiếp theo chính là vấn đề sức khỏe. Không khác các chương trình chuyện trò đêm khuya là mấy, khán giả xem stream chủ yếu vào buổi tối, sau khi đi học, đi làm về rồi đã cơm cháo xong xuôi. 

Dễ hiểu, các Streamer thường thức tới tận 2-3 giờ sáng vừa chơi game, vừa chuyện trò cùng người hâm mộ, đôi khi là đáp ứng những yêu cầu rất “vô tri” của fan. Thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính dài, cộng thêm với ăn uống thất thường, sinh hoạt không điều độ chẳng khác nào "combo hủy diệt sức khỏe". 

Ví dụ, Streamer ViruSs đã từng stream 48 tiếng liên tục và đã phải nhập viện, truyền 8 chai nước biển sau đó. Uyên Pu, người thường dành 10 – 12 tiếng cho công việc, đã gặp phải những vấn đề như: chóng mặt, buồn nôn, chán ăn. Có một khoảng thời gian Uyên Pu từng bị đau dạ dày và có dấu hiệu tăng cân chóng mặt do stress.

Cuộc Sống Riêng Tư Bị Ảnh Hưởng 

Khi đã trở nên nổi tiếng, chắc chắn đời sống riêng tư của Streamer ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Độ Mixi từng chia sẻ anh rất ngại ra đường vì nhiều fan nhận ra anh và xin chụp ảnh cùng. 

Tệ hơn là có nhiều phần tử gây rối, từng gửi mail cho Độ Mixi chửi rủa vợ con anh. Số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của anh cũng bị lộ ra ngoài, gây nhiều phiền nhiễu cho gia đình. 

Thị Trường Đào Thải Liên Tục 

Tuổi đời của nghề Streamer là khá ngắn, chỉ từ 18-35 tuổi. Nghe không khác cầu thủ bóng đá là mấy, vì tới tầm 30 là cơ thể bắt đầu mệt mỏi rồi, khó mà thức đêm mãi, trong khi cuộc sống gia đình còn nhiều thứ phải lo. 

Thêm vào đó, thị hiếu của người xem quay như chong chóng, mới hôm nay còn thích cái này mai đã thích cái khác, vì vậy có thể nói thị trường Streaming đào thải liên tục. Những Streamer già cỗi, hết thời chắc chắn sẽ không còn được hâm mộ nữa, thay thế họ là lớp Streamer trẻ hơn, năng động hơn. 

Chính vì vậy, nhiều Streamer đã sớm “chừa đường lui” cho mình bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực khác, tính tới con đường kinh doanh sau khi giải nghệ. 

Nổi tiếng nhất có lẽ là tiệm bánh mì của Pewpew ở Sài Gòn, đồng thời Streamer cũng chia sẻ anh đang đầu tư vào lĩnh vực nghỉ dưỡng. Linh Ngọc Đàm, như đã kể ở trên, đã sớm có cho mình một thương hiệu quần áo. Độ Mixi thì kinh doanh đồ ăn (MixiFood) và quần áo (Mixishop). 

Lời Kết 

Theo hiểu biết của tôi, chi phí bỏ ra để đầu tư cho một dàn PC lẫn thiết bị đồ nghề để hành nghề Streamer cũng không ít ỏi gì. Tuy nhiên, khát vọng làm giàu ngay trước mắt, nhiều bạn trẻ vẫn quyết tâm chèo lái rẽ sóng tới “miền đất hứa” — miền đất của những Streamer.