1/ Nâng cao vốn từ vựng
Từ vựng là nền tảng của mọi kỹ năng trong Tiếng Anh. Càng biết nhiều từ, khả năng nhận diện từ khi nghe của bạn càng cao. Hãy bắt đầu với những từ cơ bản ở mức độ B1, B2 trước.
Thực chất thì các từ vựng cao cấp thường được sử dụng cho việc nghiên cứu, tra khảo tài liệu hơn là trong văn nói thường ngày. Muốn nói để người ta thấy hay, trước hết phải nói sao cho họ hiểu được đã.
2/ Học cách phát âm chuẩn IPA
Việc biết từ và nghe được từ không liên quan gì tới nhau. Vậy nên nếu muốn nhận diện từ, bạn cần phát âm chuẩn.
Học từ vựng không đơn giản là việc nhận diện mặt chữ, đó còn là việc bạn biết những thành tố nguyên âm, phụ âm trong từ đó. Tương tự, ghi nhớ một từ không đơn giản chỉ nhớ nó nghĩa là gì, viết ra sao, đó còn là biết cách phát âm nó.
Não bộ con người yêu thích sự thân thuộc. Bạn nghe được từ khi bạn nghe nó đủ nhiều để biết nó phát âm ra sao. Trong trường hợp bạn không có nhiều thời gian luyện tập, bạn có thể tham khảo các bài giảng từ khóa học phát âm của chuyên gia trị liệu ngôn ngữ Olivia Parsonage của WeStudy.
3/ Luyện nghe bằng cách xem phim với phụ đề
Hãy tập xem phim với phụ đề tiếng Anh. Các trình duyệt video phổ biến hiện nay như Youtube hay các nền tảng xem phim trực tuyến đều có hệ thống nhận diện giọng nói khá chuẩn (độ chính xác 80 – 90%).
Các chương trình Ted Talk hay The Late Night Show trên Youtube là những nguồn luyện nghe tiếng Anh phổ biến. Các giảng viên hay MC hầu như đều mang chất giọng chuẩn và phát âm rõ ràng (chắc chắn rồi, họ đang lên sóng mà) nên bạn có thể yên tâm về chất lượng.
Còn nếu bạn thích xem phim thì sao? Để khâu khởi đầu suôn sẻ nhất có thể, hãy chọn ra vài đầu phim nhẹ nhàng, cốt truyện đơn giản. Cố gắng tránh phim khoa học hay các thể loại yêu cầu kiến thức hàn lâm. Chọn vài bộ sitcom với ngôn ngữ giao tiếp thường ngày như F.R.I.E.N.D.S, Two and a Half Men,...
Thời gian đầu khi còn bỡ ngỡ, hãy tập nghe ở mức 0.75, tức là dưới trung bình một chút. Giai đoạn này nên kéo dài trong vòng 1 tháng, sau đó khi bạn đã dần quen hơn thì chuyển sang nghe ở mức 1.0 (thông thường). Tương tự nếu muốn game khó hơn chút thì bạn cứ thế tăng lên 1.25 hoặc 1.5. Tôi nghĩ bạn nên dừng ở 1.25 là được rồi, trừ khi bạn đang tập tành làm rapper.
Một lợi thế nữa mà các bộ phim hay video mang tới cho bạn là ngữ cảnh. Các bộ phim khai thác tốt các slang (tiếng lóng) hay idioms (tục ngữ, thành ngữ) mà người bản địa hay dùng trong giao tiếp thường ngày. Ví dụ, “break your legs” không phải là “bẻ gãy chân của bạn đi” mà mang nghĩa tương tự câu “good luck”. Khi xem phim bạn sẽ gặp rất nhiều mấy câu như trên, take note lại, nhại theo để ghi nhớ và dần dần bạn sẽ thấy mình nói tiếng Anh tự nhiên hẳn.
4/ Thả lỏng
Một sai lầm mà những người mới học nghe tiếng Anh thường mắc phải: cố gắng nghe rõ từng từ từng chữ trong một đoạn văn bản.
Bạn đơn giản không thể ép mình phải nghe tốt. Bởi nghe là một kỹ năng thụ động.
Để nghe tốt, bạn cần sự chuẩn bị kỹ càng về cách kiến thức nền tảng như từ vựng, bảng IPA như tôi nói bên trên. Đừng cố gắng nghe, hãy để từ ngữ tự bay vào tai bạn.
Trong series truyền hình Mad Men, nam chính Don Draper – một giám đốc sáng tạo trong hãng quảng cáo có câu nói rất hay rằng: “Làm thế nào để cho ra ý tưởng tốt? Nghĩ thật sâu, thật sâu sau đó quên nó đi. Ngủ một giấc thật ngon và thức dậy vào sáng hôm sau, ý tưởng sẽ tự động gõ cửa”.
Việc nghe tiếng Anh cũng như vậy. Bạn đọc thật nhiều, ghi chú thật nhiều, nghe thật nhiều rồi kệ nó đi. Bạn càng nạp nhiều kiến thức bao nhiêu, bạn càng nên tự tin vào bản thân bấy nhiêu. Không cố gắng nghe, hãy để từ ngữ tự động trôi vào tai bạn.
Sẽ ra sao nếu nó vẫn chưa hiệu nghiệm? Có hai đáp án cho câu hỏi trên: thứ nhất, bạn cố gắng chưa đủ. Thứ hai, bạn đang cố gắng sai cách.
5/ Ngâm mình trong tiếng Anh
Theo chia sẻ của đại đa số anh em du học sinh thì nhiều người tự nhận là “điếc tiếng Anh” kinh niên mà sang đó còn chữa khỏi hết. Trong chuyện này, môi trường đóng vai trò quan trọng nhất.
Bạn có nhớ cách mình đã học nghe, học nói tiếng Việt không? Tại sao chúng ta lại hiểu? Người ta hoàn toàn vẫn nghe được, hiểu được dù mù chữ. Đơn giản vì chúng ta nghe quá nhiều, và tất cả mọi người xung quanh ta đều nói như vậy.
Vậy làm thế nào để tự xây dựng cho mình một môi trường học tập tiếng Anh hiệu quả?
Cách dễ nhất và đơn giản nhất, đi du học.
Cách thứ hai phổ biến hơn, đi học trường quốc tế. Tại đây, bạn học giảng viên người nước ngoài, họ nói tiếng Anh và bạn buộc phải nghe tiếng Anh mỗi ngày nếu muốn hiểu bài. Bạn làm bài tập bằng tiếng Anh, thuyết trình bằng tiếng Anh, như thể tắm mình trong tiếng Anh vậy.
Cách thứ ba dành cho những ai thấy hai phương án trên quá xa vời: tự tắm mình trong tiếng Anh. Nếu bạn vẫn đang xem phim với phụ đề tiếng Việt, hãy tập xem bằng phụ đề tiếng Anh. Hãy xem các chương trình nói tiếng Anh. Hãy làm quen với những người giỏi tiếng Anh hơn bạn, nói chuyện với họ, học hỏi các bí quyết của họ, nhờ họ sửa sai.
Cuối cùng, chúc bạn sớm khỏi "điếc tiếng Anh" và ngày càng tự tin hơn vào khả năng của mình!