Đừng quá quan tâm tới “đất diễn” nhiều hay ít
Thay vì tập trung vào đong đếm “đất diễn” của nhân vật, Helen khuyên bạn hãy tập trung vào vai trò của nhân vật đó xét trong bức tranh lớn.
Việc đầu tiên mà Helen làm khi cầm kịch bản trên tay là gì? Đọc, chắc chắn rồi. Nhưng cách bà đọc thì lại lạ hoắc: Helen đọc trang cuối trước tiên.
Helen sẽ lật ngay tới trang cuối để xem liệu nhân vật của mình có mặt trong các phân cảnh cuối hay không. Theo kinh nghiệm của bà, thường thì các nhân vật xuất hiện tại những trang cuối sẽ nắm giữ vai trò đáng kể trong cốt truyện. Nói chung, hẳn nhân vật đó phải có một nhiệm vụ, một ý nghĩa nào đó để được xuất hiện những lúc “hạ màn” như thế.
Và nếu không xuất hiện thì sao? Helen sẽ tìm ngay đoạn mà nhân vật đó “out” khỏi cốt truyện, có thể là một cái chết chẳng hạn. Sự ra đi của nhân vật đó có ảnh hưởng to lớn tới tổng thể câu chuyện không, nó có ấn tượng không, có khiến khán giả suy ngẫm hay tạo cảm xúc mạnh mẽ nơi họ không, đó là những điều bà tìm kiếm.
Helen từng 6 lần đảm nhiệm các vai Nữ hoàng (hoàng hậu), có lần bộc bạch một câu mà tới nay đã trở thành kinh điển: “Miễn sao được đội vương miện, còn vai diễn ấy có lời thoại hay không là điều tôi không quan tâm”.
Câu nói này bao quát toàn bộ những dòng phân tích phía trên.
Đọc kịch bản như cách bạn đọc hóa đơn thu chi
Bạn dễ dàng lướt qua vài đoạn văn dài dòng lê thê của một văn bản, nhưng chỉ cần một khoản phí tăng cao bất ngờ trong hóa đơn hằng tháng lại làm bạn “ngâm” lâu hơn bao giờ hết. Để chọn đúng kịch bản, trước hết bạn phải học cách đọc kịch bản như cách bạn đọc hóa đơn: kỹ tính.
Mỗi khi đọc kịch bản phim, Helen luôn thủ sẵn một tập giấy, một cây bút và một cái miệng không ngừng hỏi. Giấy và bút sẽ cải thiện hình ảnh bạn trong mắt biên kịch đáng kể – nó cho thấy bạn có sự chuẩn bị và làm việc chuyên nghiệp. Nhưng bạn cần ghi lại những gì?
Câu trả lời là mọi thứ. Mọi thứ hiện lên trong đầu bạn khi đọc kịch bản: từ việc đoạn này khó hiểu, đoạn kia hơi trúc trắc và cả những cảm nhận của bạn. Thông thường, các phản ứng đầu tiên thường là chân thật nhất. Vì vậy, hãy ghi hết chúng lại, chúng có thể là ý tưởng giúp bạn triển khai sau này.
Là một diễn viên, công việc chính của Helen là diễn. Thế nhưng bên cạnh đó, bà đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết – vốn tưởng là việc của biên kịch. Theo bà, viết chính là quá trình chuyển tải ý tưởng từ trong đầu lên giấy, và từ giấy chúng sẽ bắt đầu thành hình. Sau đó, bà có thể dễ dàng mường tượng ra nhân vật của mình và công việc còn lại là diễn sao cho nhập tâm thôi.
Trong quá trình làm việc với biên kịch, Helen hỏi rất nhiều. Điều này không có nghĩa là bà ngớ ngẩn hay không nắm rõ nhiệm vụ của mình, nó cho thấy bà quan tâm tới vai diễn này thế nào. Các biên kịch nổi tiếng cũng thừa nhận rất ngưỡng mộ phong cách làm việc của Helen – nó giúp tiết kiệm thời gian của cả đôi bên và quá trình hợp tác diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.
Lời nhắn nhủ tới các diễn viên trẻ
Helen khuyên mỗi diễn viên trẻ đều nên cố gắng đa dạng hóa vai diễn của mình, đặc biệt là các diễn viên đã đạt vài thành công nhất định. Lịch sử chứng kiến không ít các diễn viên nổi tiếng từ khi quá sớm, và suốt cả sự nghiệp rong ruổi nhằm vượt qua cái bóng của chính mình, tiêu biểu như Daniel Radcliffe với vai diễn để đời Harry Potter.
Nhưng đa dạng hóa vai diễn với các diễn viên trẻ, đặc biệt là các diễn viên mới vào nghề lại là bài toán rất khó. Là các tay mơ, họ phải chấp nhận thực tế phũ phàng: các vai lớn thường phải qua “mâm trên” trước, các vai nhỏ rơi vãi ra mới tới tay mình. Helen giải đáp khúc mắc này ra sao?
“Vì không có nhiều lựa chọn, nên một khi cơ hội đến các bạn phải bằng mọi cách bắt lấy nó. Đó có thể chỉ là một vai diễn làng nhàng, một nhân vật không mấy quan trọng, hoặc có thể chỉ là diễn viên đóng thế – nhưng đừng quá bận tâm. Có vẫn tốt hơn không, và cách bạn diễn sẽ chứng minh tất cả.”
Là nhân vật phụ thì đã sao, xưa nay chuyện diễn viên phụ lấn át diễn viên chính đâu phải ít. Tôi nghĩ chẳng phải tự nhiên mà người ta đề ra giải “Diễn viên phụ xuất sắc nhất” đâu. Ai cũng đều cơ hội để thể hiện mà! Một ví dụ kinh điển minh họa cho việc này mà có lẽ bạn đã từng nghe đâu đó rồi:
Johnny Depp, người thủ vai thuyền trưởng Jack Sparrow của chúng ta – thật ra ban đầu là diễn viên phụ. Tuy nhiên Depp diễn đạt tới nỗi lu mờ cả cặp đôi nhân vật chính và được đưa lên làm nhân vật chính của loạt phim. Giờ đây thì cứ nhắc tới Depp là ta nhớ tới Jack Sparrow, một biểu tượng khó phai mờ trong lòng khán giả.
Cảnh khỏa thân
Ít ai biết trước khi nổi danh trong mảng điện ảnh, bước đi đầu của Helen lại là một chân trong đoàn kịch biểu diễn. Là một thiếu nữ có xuất thân quý tộc, bà phải giấu cha mẹ để đăng ký vào Nhà hát Tuổi trẻ quốc gia. Và những vai diễn đầu đời tại đây mở ra cả một khoảng tương lai tươi sáng phía trước cho cô gái trẻ Helen – nhưng bà đã sảy chân.
Ngay lúc sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Helen đã tự gán tai tiếng cho mình khi tham gia bộ phim Caligula – một bộ phim bị phê phán là có quá nhiều cảnh trần tục, phản cảm.
Khi đã ở tuổi 65, Helen vẫn không ngừng khiến người hâm mộ phải choáng váng với độ “chịu chơi” của mình – khi đích thân thực hiện một cảnh quay khỏa thân nóng bỏng với nam diễn viên kém mình tới hai giáp. Đó là chưa kể đến nhiều lần bà thẳng thắn thổ lộ trước báo giới: “Từ đáy lòng mình tôi thích khỏa thân”. Tất nhiên là phát biểu của nữ diễn viên đã bị cộng đồng công kích dữ dội.
Tuy nhiên, giờ đây khi đã ở tuổi ngoài 70, Helen thú nhận: “Trong suy nghĩ của tôi, tôi luôn sợ những cảnh khỏa thân. Không có gì là thú vị khi ở trên phim trường, mọi người đều mặc đồ còn mình thì không”.
Với những cây diễn gạo cội còn thế, cảnh khỏa thân với các diễn viên trẻ có thể xem như một cơn ác mộng. Helen hiểu điều đó, bà chỉ khuyên đơn giản: nếu nó tốt, đừng ngần ngại.
Nếu nó là một cơ hội, đừng bỏ lỡ.
Nếu nó giúp bạn đổi đời, đừng bỏ lỡ.
Nếu nó giúp bạn khẳng định mình, đừng bỏ lỡ.