Christopher Nolan từng thừa nhận trong một buổi phỏng vấn trước khi Oppenheimer ra mắt: “Tôi nhìn vào bìa cuốn sách thật lâu, vào người đàn ông với đôi mắt xanh thẳm và tẩu thuốc trên môi, và rồi tôi nghĩ ‘Chà, mình biết phải cast ai vào vai này rồi’.” Và Cillian Murphy, đúng như dự đoán, đã không làm tôi phải thất vọng. 

Ảnh: UNIVERSAL PICTURES

Tổng Quan Thì… 

Tuyến truyện của Oppenheimer được xây dựng tương tự như Dunkirk (2017), không theo tuyến tính mà pha trộn những phân cảnh trong các thời kỳ khác nhau, từ khi Oppenheimer còn là anh sinh viên hậu đậu, tới khi trở thành tiếng nói của giới khoa học và kết thúc trong những dày vò lương tâm ở tuổi xế chiều. 

Một điểm cần lưu ý khi xem là phim có các cảnh quay màu và đen trắng đan xen. Như Nolan đã giải thích trước đó, những cảnh có màu là câu chuyện ở góc nhìn của Oppenheimer, còn cảnh đen trắng là xét theo góc nhìn khách quan ở ngôi thứ ba. Tất nhiên là cảnh nổ bom chắc chắn phải có màu rồi, thậm chí là ánh sáng lấp đầy màn hình ấy chứ. 

Chân dung J. Robert Oppenheimer và nam diễn viên Cillian Murphy - người vào vai nhà khoa học. Ảnh: Collider 

Trước khi xem phim độ 1 tháng, tôi đã lần mò hết tất cả các bài tiểu sử của Robert Oppenheimer vì tò mò. Nhờ vậy nên tôi gần như hiểu rõ toàn bộ nội dung phim đang nói gì, ngoại trừ các kiến thức vật lý mang tầm vĩ mô. 

Cũng tiện đây tôi khuyên ai chưa xem thì thực sự các bạn cần phải đọc trước tiểu sử, bối cảnh chính trị của phim để có trải nghiệm xem tốt nhất. Nếu bạn đang mong chờ một bộ phim đấu đá, súng đạn rồi bỗng dưng có một quả bom nổ toang làm thay đổi cục diện trận đấu thì… vế sau đúng, vế đầu thì không đâu. Có thời gian thì bạn có thể đọc luôn cuốn tiểu sử American Prometheus của Kai Bird và Martin J. Sherwin - vốn là nguyên tác của phim. 

Về Cốt Truyện 

Nội dung phim trải dài 3 tiếng bao hàm nhiều mốc thời gian và sự kiện xen kẽ , chủ yếu xoáy sâu vào hành trình Oppenheimer từ một giáo sư vật lý trở thành người đứng đầu của Dự án Manhattan do Chính phủ Mỹ khởi xướng - có nhiệm vụ là chế tạo siêu vũ khí kết thúc Thế chiến thứ hai. 

Oppenheimer trở thành người hùng sau khi chế tạo thành công bom nguyên tử, và quân đội Mỹ đem thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã chính thức dập tắt mọi nỗ lực của Nhật Bản - Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. 

Tuy nhiên, các cuộc tấn công này kéo theo những cuộc chạy đua vũ trang kiểu mới thay vì là lá bài tẩy để kiểm soát cục diện chiến tranh như Oppenheimer từng hy vọng. 

Cảnh phiên điều trần với cáo buộc Oppenheimer là gián điệp của Liên Xô. Ảnh: Universal Pictures 

Tiếp đó là những tranh cãi xoay quanh phiên điều trần an ninh năm 1954 với những cáo buộc Oppenheimer là gián điệp của Liên Xô, và Chính phủ Mỹ tuyên bố ông là mối đe dọa dựa trên sự phản đối của ông đối với việc tiếp tục theo đuổi dự án sản xuất siêu vũ khí. Vài năm sau đó, họ thu hồi giấy phép miễn trừ an ninh của Oppenheimer. 

>>> Oppenheimer: Tại Sao Lại Được Kỳ Vọng Là Quả Bom Phòng Vé 2023?

Rất Nhiều Nút Thắt, Không Thiếu Cao Trào 

Tuy nhiên, Nolan đã xây dựng mạch phim tưởng như rời rạc này rất chặt chẽ, chêm vào đó vô số nút thắt và cao trào, tất nhiên là có sự hỗ trợ triệt để của đội ngũ âm thanh. Nhân tiện cũng dành một tràng vỗ tay cho đội ngũ âm thanh của phim luôn nhé, các bạn đã làm tốt ngoài mong đợi. 

Vụ thử Trinity có thể xem là đoạn cao trào nhất của bộ phim, khi ngồi trong rạp đếm ngược xem bom nổ hồi hộp như thể đón pháo hoa Giao thừa. Suốt 1 phút sau khi bom nổ là một khoảng lặng, chỉ còn lại tiếng thở gấp gáp của nhân vật, và sau đó quầng lửa bừng lên với một tiếng nổ tới inh tai. Lúc này, mặt Oppenheimer giãn ra một vẻ khuây khỏa lớn lao. Ông đã thành công. 

Nhưng khung cảnh sau đó, khi hai quả bom được vận chuyển đi bởi quân đội và Oppenheimer đứng nhìn theo đầy nghi hoặc mới làm tôi ấn tượng hơn cả: bao nhiêu công sức, thành quả lao động của đội ngũ nghiên cứu — cái phát minh mà họ tin là sẽ kiến tạo nên thế giới mới — lại chuẩn bị san bằng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. 

Ảnh (Wikipedia) hai vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. 

Tôi vẫn nhớ rõ Tướng Groves (Matt Damon thủ vai) đã nói đại ý như sau: quả bom đầu tiên thả xuống đất Nhật là để phô trương sức mạnh, quả thứ hai là để cho Nhật thấy Mỹ có thể làm điều đó bất cứ lúc nào. 

Sau khi Hiroshima và Nagasaki bị san bằng, vẫn có những người ‘may mắn’ sống sót. Họ cảm tạ trời đất rồi vài ngày sau cũng gục xuống vì nhiễm chất phóng xạ còn vương lại trong không khí. Vài phút ngắn ngủi thôi cũng đủ để khiến người xem thổn thức về những thương đau mà chiến tranh gây ra. 

Và thế là, trong khi dân Mỹ đang hò reo chiến thắng vì Nhật Bản đã đầu hàng phe Đồng minh, lính tráng được thả về quê hương, Oppenheimer nghiễm nhiên trở thành tiếng nói đứng đầu giới khoa học thì bản thân ông lại thấy ghê tởm chính “đứa con” mình đã tạo ra. 

Vạch Kẻ Mờ Giữa Người Hùng Và Ác Nhân 

Vậy là, khoa học mà Oppenheimer tôn thờ bấy lâu, khát vọng ông đã theo đuổi suốt cả đời, cùng thành tựu đưa tên tuổi ông vọt lên như một người hùng — lại chính là nguyên nhân gây ra hơn 220.000 cái chết trong hai vụ nổ bom do Mỹ thực hiện. 

Viết tới đây, câu thoại nổi tiếng của Oppenheimer tự động vang lên trong đầu tôi: ‘Now I Am Become Death, the Destroyer of Worlds’. Lằn ranh giữa người hùng và ác nhân chưa bao giờ mong manh tới thế. 

‘Now I Am Become Death, the Destroyer of Worlds’ - J. Robert Oppenheimer. Ảnh: Universal Pictures 

Trong mắt giới khoa học, trong mắt người dân Mỹ, Oppenheimer là người hùng, là “cha đẻ của bom nguyên tử”, là người đàn ông của thời thế nhưng trong mắt chính mình, Oppenheimer tự coi mình không khác nào một con quái vật, một tên đồ tể khát máu, hay đúng hơn là Tử Thần — hiện thân của cái chết.

Robert Oppenheimer, siêu sao của giới khoa học, người anh hùng nước Mỹ - nhưng đồng thời cũng là "tội đồ của cả thế giới". 

Oppenheimer Theo Đảng Cộng Sản? 

Một điểm mà tôi thấy khá nhiều người phàn nàn là đội ngũ biên tập của Oppenheimer dịch từ ‘communist’ (cộng sản) thành ‘cánh tả’. Nói đơn giản, thay vì gọi là phe Cộng sản, phụ đề trong phim sẽ hiện là ‘phe cánh tả’. Tôi cũng thừa nhận luôn là tôi không biết ‘cánh tả’ là gì cho tới khi đọc bài phân tích của một vài reviewer nổi tiếng. 

Tại Mỹ thời điểm đó, theo Cộng sản bị quy vào tội phản quốc. Làn sóng chống Cộng rất gay gắt lúc bấy giờ, nhưng Oppenheimer có thực sự theo Cộng sản không? 

Theo nhà viết tiểu sử Ray Monk, tác giả cuốn sách Robert Oppenheimer: A Life Inside the Center: “Ông (Oppenheimer) từng là, theo nghĩa thực tiễn, là một người ủng hộ Đảng Cộng sản. Hơn nữa, xét về thời gian, nỗ lực và tiền bạc cho các hoạt động của Đảng, ông là một người ủng hộ phải nói là rất tích cực.” 

Ý kiến của Monk nhận được sự tán thành của nhiều người, vì chẳng lý gì Oppenheimer lại giao du kết thân với những người theo Đảng Cộng sản, đem tiền quyên góp cho các hoạt động của Đảng và Kitty (Emily Blunt thủ vai), vợ ông cũng như tình nhân Jean Tatlock (Florence Pugh thủ vai) — đều ủng hộ Cộng sản, hoặc đã từng như trường hợp của Kitty. 

Tuy nhiên có lẽ câu hỏi này chỉ nên dừng ở đó. Vì suy cho cùng, chúng ta cũng khó phủ nhận lòng yêu nước của Oppenheimer, dựa trên thực tế là ông đã đứng ra tập hợp và lãnh đạo những bộ não kiệt xuất nhất của nước Mỹ — cùng chung tay vào chế tạo nên bom hạt nhân, thứ vũ khí hủy diệt đã thay đổi cục diện Thế chiến II và tất cả những cuộc chiến về sau. 

Oppenheimer có thể đã tự nhìn nhận mình như kẻ kết thúc thế giới, nhưng với tôi, kết thúc đó là một sự khởi đầu. Ông đã tái lập thế giới này, chỉ là theo cái cách mà ông không ngờ tới. 

>>> Tiểu sử nam chính Oppenheimer Cillian Murphy: Kẻ Kín Tiếng Trong Những Người Nổi Tiếng. 

Khoa Học Và Chính Trị 

Tựu trung lại, tôi thấy Oppenheimer là một bộ phim đáng đồng tiền bát gạo, dù không dễ xem cho lắm - nhưng tất nhiên vẫn còn nhẹ nhàng chán so với Tenet (2020) hay Inception (2010) của Christopher Nolan trước đó. 

Còn nhớ phân cảnh gần cuối khi Oppenheimer vẫn còn đang chịu dày vò sau thảm kịch bom nguyên tử tại Nhật Bản, Truman bảo rằng: “Anh nghĩ rằng những kẻ ấy quan tâm đến ai là người chế tạo ra quả bom nguyên tử à, họ chỉ quan tâm đến người ra lệnh thả nó xuống, và người đó là tôi.” 

Ngay khi Oppenheimer ra khỏi cửa, Truman đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Dean Acheson rằng: “Tôi không muốn thấy mặt gã mít ướt (crybaby) ấy một lần nào nữa.” Một điều khá thú vị là một bài báo trên Washington Post lại trích dẫn nguyên văn câu nói của Truman là “Tôi không muốn nhìn thấy thằng chó đẻ đó trong văn phòng này một lần nào nữa” (I don’t want to see that son-of-a-bitch in this office ever again). 

Thế đấy, thiên tài như Oppenheimer, suy cho cùng cũng chỉ là quân tốt trên bàn cờ do các chính trị gia điều khiển. Như nhân vật Lewis Strauss đã nói trong phim thì: “Những kẻ tầm thường đuổi theo mặt trời và bị thiêu đốt, trong khi quyền lực nằm trong bóng tối.” 

Một câu thoại ớn lạnh và sâu xa tới mức có thể bao trùm toàn bộ chủ đề của bộ phim này. 

>>> Đọc thêm: Method Acting: Bài Kiểm Tra Mức Độ Cao Nhất Với Diễn Viên