Dựa trên cuốn tiểu sử năm 2005 American Prometheus đoạt giải Pulitzer, Oppenheimer xoay quanh cuộc đời của J. Robert Oppenheimer, người đứng đầu Dự án Manhattan và được xem là cha đẻ của hai quả bom mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki. 

Paul Schrade, đạo diễn giành giải Oscar với bộ phim kinh điển Taxi Driver (1976), sau khi tham dự buổi ra mắt phim tại New York đã không tiếc lời ca ngợi Christopher Nolan. 

“Nếu bạn chỉ xem một bộ phim ngoài rạp năm nay thì nó nhất định phải là Oppenheimer. Tôi không phải một fan của Nolan nhưng bộ phim này hoàn toàn có thể đá tung cánh cửa khỏi bản lề đấy!” Schrade khẳng định. 

Có phải PR không vậy ông Schrade ơi? 

Chà, có vẻ là không. Nó được gọi là siêu phẩm là có lý do cả đấy. 

Ảnh: UNIVERSAL PICTURES

Bộ Phim Về Cha Đẻ Của Bom Nguyên Tử 

Được chuyển thể từ cuốn sách tiểu sử đoạt giải Pulitzer, Oppenheimer khắc họa quãng sự nghiệp vẻ vang nhưng cũng nhiều nốt trầm của nhà vật lý tài năng J. Robert Oppenheimer khi ông chế tạo thành công bom nguyên tử — thứ vũ khí chết chóc xoay đổi hoàn toàn cục diện Thế chiến II. 

Đứng trước nguy cơ Đức Quốc xã của Hitler có thể chế tạo thành công bom nguyên tử, ngay từ giữa năm 1942, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã cho thành lập Dự án Manhattan, với nguồn kinh phí khổng lồ là 2 tỷ đô la (tương đương hơn 37 tỷ đô la hiện nay) để nghiên cứu và chế tạo thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này. 

Người được bổ nhiệm đứng đầu Dự án Manhattan chính là giáo sư vật lý J. Robert Oppenheimer. 

Chân dung J. Robert Oppenheimer. Ảnh: Magnum Photos 

Đúng vậy, hai quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống đất Nhật đưa hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trở về thuở hồng hoang — chính là “công trình” mà Oppenheimer cùng các cộng sự của ông đã tạo ra.

Là một trong những nhà vật lý tài năng nhất mà giới khoa học Mỹ từng chứng kiến, giờ đây Oppenheimer bị gắn mác “kẻ tội đồ”, “thần chết” hay “quỷ dữ”. Chính ông sau khi nhìn vào hậu quả tang thương do sản phẩm của mình để lại cũng rơi vào trầm uất cực độ và tự gọi mình là “kẻ hủy diệt thế giới”. 

Oppenheimer bắt đầu nghi ngờ đam mê khoa học mà ông vẫn luôn theo đuổi. Nếu theo cách như vậy, khoa học có thực sự giúp ích cho con người, hay chỉ đem lại tang thương và chết chóc? 

Bấm Máy Bởi Christopher Nolan — “Midas Của Hollywood” 

Christopher Nolan từ lâu đã được xem là “quái kiệt” tại Hollywood vì độ chịu chơi của mình. Từng cho nổ tung một chiếc máy bay thật để quay Tenet (2020), mua trọn cả một cánh đồng ngô để quay cảnh rượt đuổi trong Interstella (2014) hay gần đây nhất là công bố tái hiện vụ nổ bom hạt nhân Trinity trong Oppenheimer mà không dùng kỹ xảo — chừng đó là đủ để hiểu Nolan máu mặt tới mức nào. 

Ảnh hậu trường "Oppenheimer". Ảnh: MELINDA SUE GORDON/UNIVERSAL PICTURES 

Ấy thế mà phim nào đạo diễn 52 tuổi này phụ trách cũng đều hái ra tiền, nếu không muốn nói là rất nhiều tiền. Sở dĩ thế nên người trong nghề mới ca ngợi ông là “Midas của Hollywood” — người chạm vào bộ phim nào mà bộ phim đó hóa thành vàng. 

Theo nhiều nguồn đáng tin cậy, Christopher Nolan yêu cầu mức ngân sách sản xuất và tiếp thị của Oppenheimer rơi vào tầm 200 triệu đô la — và được kỳ vọng sẽ thu về 50 triệu đô la sau 3 ngày ra mắt. Nhưng chỉ trong 3 ngày đầu công chiếu tại Bắc Mỹ, Oppenheimer đã thu về 80,5 triệu USD. 

Dàn Siêu Sao Bảo Chứng 

Trước khi bộ phim ra teaser hay trailer, chỉ nhá hàng mỗi dàn diễn viên đã đủ làm dân tình xôn xao. 

Cụ thể, nhân vật trung tâm — nhà khoa học Oppenheimer do nam diễn viên người Ireland Cillian Murphy đảm nhận. Anh được biết đến nhiều nhất qua vai diễn ông trùm Thomas Shelby trong series đình đám Peaky Blinder (Bóng Ma Anh Quốc) — vừa ra mắt phần cuối vào năm ngoái. 

Vai diễn trong Oppenheimer tính tới nay là lần hợp tác thứ 6 giữa Murphy và Nolan. Chia sẻ trong một buổi phỏng vấn, Murphy thừa nhận mình là fan ruột của vị đạo diễn; ngược lại, Nolan đánh giá rất cao sự đột phá của nam diễn viên trong bộ phim lần này. 

(Từ trái qua) - Matt Damon, Emily Blunt, Cillian Murphy và Florence Pugh tại buổi họp báo tại London vào ngày 13/7 vừa qua. Ảnh: CBS NEWS

Hai "bóng hồng" trong phim cũng gây chú ý khi được thủ vai bởi Emily Blunt và Florence Pugh. Với Oppenheimer, Emily Blunt đóng vợ của nhà vật lý - Katherine "Kitty" Oppenheimer. Trong khi đó, ngôi sao 9X Florence Pugh sẽ vào vai Jean Tatlock — tình nhân của cha đẻ bom nguyên tử. 

Mối quan hệ tình cảm tay ba này dự kiến sẽ tạo nên nhiều tình huống hay ho cho bộ phim bên cạnh câu chuyện lịch sử vĩ mô. 

Ngoài ra, Oppenheimer còn có sự tham gia của những tên tuổi gạo cội như: Matt Damon, Rami Malek, Robert Downey Jr., Kenneth Branagh…

Nếu theo đúng dự kiến, khán giả Việt Nam có thể trải nghiệm bộ phim Oppenheimer từ ngày 4/8.

Một Vài Câu Hỏi Ngoài Lề 

Dự Án Manhattan Là Gì? 

Được phát động bởi Tổng thống Franklin Roosevelt vào năm 1941, Dự án Manhattan là chương trình khẩn cấp phát triển bom nguyên tử của Mỹ. Tướng Groves là chỉ huy trưởng và ông chọn Oppenheimer để lãnh đạo phòng thí nghiệm vũ khí bí mật của dự án. 

 

“Quyết định bổ nhiệm đó thực sự là một nước đi thiên tài của tướng Groves, người thông thường không được thiên tài cho lắm.” 

— Isidor Rabi 

 

Sau 2 vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, bí mật về Dự án Manhattan mới được vén màn. Oppenheimer trở thành người phát ngôn của giới khoa học, biểu tượng của một loại quyền lực kỹ trị mới. 

Ông đột nhiên trở thành người có danh vọng được công chúng biết tới, và hình ảnh ông xuất hiện trên trang bìa các tạp chí nổi tiếng như LifeTime

Vụ Thử Trinity Là Gì? 

Vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra gần Alamogordo vào năm 1944, nơi mà Oppenheimer đặt cho mật danh "Trinity", lấy tên từ một bài trong tập Thánh Ca của Jack Donne. 

Theo nhà sử học Gregg Herken, cách đặt tên này có thể ám chỉ tới Jean Tatlock, người vừa tự vẫn ít tháng trước đó và là người đã giới thiệu tác phẩm của Donne cho Oppenheimer. 

Jean Tatlock Có Quan Hệ Gì Với Oppenheimer? 

Nhiều năm trước khi được biết đến với tư cách là cha đẻ của bom nguyên tử, J. Robert Oppenheimer giảng dạy vật lý tại Đại học California, Berkeley — nơi ông gặp người có lẽ đã trở thành tình yêu lớn nhất của đời mình, Jean Tatlock. 

Sinh năm 1914, Tatlock kém Oppenheimer tới 10 tuổi, nhưng đó dường như không thành vấn đề. Họ bắt đầu mối tình say đắm và mãnh liệt vào năm 1936, vài năm trước khi Oppenheimer tham gia Dự án Manhattan. 

Tatlock theo Đảng Cộng sản trong suốt thời gian hẹn hò Oppenheimer — điều đã đem lại không ít phiền nhiễu và rắc rối tới sự nghiệp của ông sau này.

Oppenheimer được cho là đã cầu hôn Tatlock hai lần nhưng bà đều từ chối. Năm 1940, ông kết hôn với Katherine Puening, thường được gọi là Kitty Oppenheimer, người sẽ gắn bó với ông trong suốt phần đời còn lại. 

Tuy nhiên, mối tình vụng trộm giữa Oppenheimer và Tatlock vẫn tiếp diễn cho tới khi Tatlock tự sát vào năm 1944, ở tuổi 29. Cái chết bi thảm của bà đã đè nặng tâm trí nhà khoa học khi ông bắt đầu nghiên cứu về bom nguyên tử. 

Mối quan hệ giữa Tatlock và Oppenheimer được sử dụng làm bằng chứng chống lại ông vào các phiên điều trần an ninh bắt đầu từ năm 1954. Các cáo buộc dính líu với hội cộng sản của Oppenheimer đã tước mất giấy phép an ninh của ông, chấm dứt mối quan hệ chính thức của ông với chính phủ Hoa Kỳ.  

Trong phim, nhân vật Jean Tatlock sẽ do diễn viên trẻ Florence Pugh thủ vai. 

Tại Sao Oppenheimer Không Có Giải Nobel? 

Dù là một nhà vật lý xuất chúng, quyết định bổ nhiệm Oppenheimer làm lãnh đạo phòng thí nghiệm của Dự án Manhattan đã gây không ít tranh cãi vì ông không phải một nhà vật lý đoạt giải Nobel tại thời điểm đó — và thực ra là cả sau này cũng vậy. 

Dưới tư cách một nhà khoa học, Oppenheimer được học trò và đồng nghiệp nhớ đến như một nhà nghiên cứu xuất chúng, một người thầy tận tâm, người khai sinh ra vật lý lý thuyết hiện đại Hoa Kỳ. 

Là người luôn bận rộn với các dự án mới, ông không bao giờ nghiên cứu một chủ đề nào đủ lâu và đạt đến thành tựu đủ để nhận giải Nobel, mặc dù những đóng góp nền tảng của ông cho lý thuyết về lỗ đen đáng ra có thể xứng đáng một giải nếu ông sống đủ lâu để chứng kiến chúng gặt hái được kết quả bởi những nhà vật lý thiên văn. 

Các chủ đề mà Oppenheimer bỏ dở thường được các cộng sự, học trò đem về nghiên cứu tiếp và nhiều người đã đoạt giải Nobel từ đó. Willis Lamb, người giành giải Nobel Vật lý năm 1955 với công trình Dịch chuyển Lamb là một ví dụ điển hình.