Hầu hết mọi người đều hiểu thực tế rằng Apple đã để thua trong trận chiến PC với Microsoft và chỉ khi Apple cho ra đời iPod và sau đó là iPhone, thành công mới Bất cứ ai từng bước vào cửa hàng Apple đều biết rõ rằng dịch vụ khách hàng và các cửa hàng của Apple xứng đáng đại diện cho tiêu chuẩn vàng trong việc bán và hỗ trợ các thiết bị công nghệ. 

Ngày qua ngày, bạn cảm thấy như mọi người xung quanh mình đều lần lượt chuyển qua dùng các sản phẩm của Apple, tuy nhiên lý do vì sao thương hiệu này thành công tới vậy vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhiều người. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng WeStudy tìm hiểu những triết lý kinh doanh đã giúp Apple trở thành một đế chế công nghệ hùng mạnh trị giá hàng ngàn tỷ đô nhé.

Steve Jobs lần đầu giới thiệu iPhone ngày 9 tháng 1 năm 2007 tại MacWorld Expo. ẢNH: DAVID PAUL MORRIS/ GETTY IMAGES

#1. Đối với bất kỳ sản phẩm nào Apple tạo ra, những người tạo ra nó là những người muốn nó nhất. 

Con người là loài vị kỷ. Khi bạn làm việc vì người khác, bạn khó giữ được sự nhiệt huyết như khi làm cho chính mình. Chúng ta thường nói doanh nghiệp hiện đại cần biết đặt khách hàng làm trung tâm. Hàng loạt công ty công nghệ đều noi theo lời răn này, họ thiết kế ra các sản phẩm mà người dùng mong muốn sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên tại Apple, việc này thậm chí còn được đẩy đi xa hơn nữa: các kỹ sư Apple tạo ra các sản phẩm để phục vụ cho chính họ. 

Apple to invest over 1 billion euros in Germany with new Munich campus -  Apple (IE)
"Nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những thứ chưa từng có trên trang giấy." - Steve Jobs 
ẢNH: APPLE 

Ngày còn sống, Steve Jobs luôn sử dụng chính các sản phẩm của Apple. Thay vì tập trung vào khách hàng, Jobs lại dạy nhân viên Apple cách “hoá thân thành khách hàng". Tất cả các Macintosh, iPhone, iPad,.. đều được thiết kế dựa trên thực tế là Jobs đại diện cho chính một khách hàng lý tưởng của công ty. 

Đây là điều mà tôi rất thích ở Apple. Tôi từng đọc một câu nói về viết lách đại loại như sau: nếu không biết phải viết gì, hãy viết những gì bạn thích. Nếu đã biết trước không thể đoán nổi độc giả muốn gì, hà cớ gì phải tốn thời gian thế cơ chứ? 

Còn nếu như Steve Jobs nói thì: “Một số người thường nói: ‘Hãy cho khách hàng thứ họ muốn’. Nhưng tôi không tiếp cận theo cách đó. Công việc của tôi là tìm hiểu xem họ muốn gì trước khi họ biết họ muốn gì. Tôi tin vào câu nói của Henry Ford: ‘Nếu tôi hỏi khách hàng muốn gì, họ sẽ nói họ muốn những con ngựa chạy nhanh hơn'. Mọi người sẽ không bao giờ biết họ muốn gì cho đến khi bạn đặt ra trước mắt họ. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ dựa dẫm vào nghiên cứu thị trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những thứ chưa từng có trên trang giấy.” 

#2. Nỗi ám ảnh với sự tối giản của Steve Jobs. 

Trong một lần đi dạo với Walter Isaacson, Steve Jobs nhìn vào khu phố cũ nơi ông đã sinh ra và lớn lên rồi trầm ngâm: “Những ngôi nhà của Joseph Eichler thật thông minh, tiết kiệm và chắc chắn. Ông ấy tạo ra thiết kế gọn gàng và đơn giản cho những người có thu nhập thấp.” Chính sự ngưỡng mộ của Jobs với những ngôi nhà theo phong cách Eichler đã truyền cảm hứng giúp ông tạo ra những sản phẩm được thiết kế sắc nét cho thị trường đại chúng. “Đó là tầm nhìn ban đầu của Apple. Đó là những gì chúng tôi đã cố gắng thực hiện với chiếc Mac đầu tiên. Đó là những gì chúng tôi đã làm với iPod”, ông nói. 

Và như vậy, thiết kế tối giản, sang trọng và thông minh đã trở thành đặc điểm nổi bật của các sản phẩm Apple dưới thời Jobs. Như tiêu đề trong tập tài liệu tiếp thị đầu tiên của Apple được tuyên bố vào năm 1977: “Đơn giản là sự tinh tế tối thượng". Đối với Steve Jobs, thiết kế không chỉ là là sản phẩm trông như thế nào, mà còn phải phản ánh được bản chất của sản phẩm.

Đơn giản là sự kế thừa có chọn lọc từ sự phức tạp. 
ẢNH: REVOLUTION 

Để thực sự đơn giản, các kỹ sư tại Apple phải nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng. Họ phải hiểu sâu sắc những gì mình đang làm, nhờ vậy mới có thể loại bỏ những phần không cần thiết. Triết lý mà Jobs đặt ra tại Apple, bất ngờ thay, cuối cùng lại chứng minh một điều: đơn giản và phức tạp không phải hai mặt của một đồng xu. Chúng không đối đầu nhau. Hơn hết, đơn giản là sự kế thừa có chọn lọc từ sự phức tạp. Để có thể trở nên đơn giản, trước hết ta phải đào sâu vào mọi ngõ ngách để tinh tường mọi sự phức tạp. 

#3. Trao quyền. 

Steve Jobs qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy vào năm 2011. Kể từ đó, Apple được điều hành bởi “cận thần" lâu năm của Jobs, Tim Cook. Trước khi qua đời, Jobs đã dặn trước Cook rằng không thể bắt chước phong cách lãnh đạo của ông được. “Chỉ cần làm những gì cậu tin là đúng,” Jobs nói. Cook luôn khắc ghi lời khuyên đó. 

Tim Cook (trái) và Steve Jobs vào năm 2010. 
ẢNH: KIMBERLY WHITE/ GETTY IMAGES 

Nếu từng tìm hiểu về Steve Jobs, bạn sẽ biết ông ấy điều hành Apple theo phong cách độc đoán và chuyên quyền. Nói đơn giản, tất cả quyết định đều phải thông qua Jobs. Tới thời của Tim Cook, vị CEO mới đã tiếp cận một cách thức hiện đại hơn: tập trung vào việc trao quyền cho những người xung quanh, để họ tự thực hiện các chiến thuật cũng như giải pháp của riêng họ. Ông ít ra các quyết định trực tiếp trừ khi thật sự quan trọng, điều này đã giúp Apple có thể xử lý song song nhiều nhiệm vụ hơn. 

Một trong những động thái đầu tiên của Cook là thiết lập chương trình quà tặng cho khách hàng. Ông cũng mở rộng bộ phận mua bán và sáp nhập của Apple, giúp công ty có khả năng xử lý nhiều dự án cùng lúc mà CEO không phải tham gia quá sâu vào các chi tiết. 

Một cựu nhân viên Apple từng viết như sau: “Khi chúng tôi làm việc tại Apple dưới sự chỉ đạo của Steve Jobs, bầu không khí ở mọi phòng ban luôn trong tình trạng căng thẳng. Điều đó đưa mọi người tới sự xuất sắc, nhưng cũng có thể bào mòn tinh thần một vài người. Giờ đây Tim Cook đã tạo ra một bầu không khí thoải mái hơn chút. Nhưng điều đó không có nghĩa là Apple không thể làm việc chăm chỉ dưới môi trường không áp lực.” 

#4. Mọi thứ luôn luôn phải tốt hơn. 

Apple thường không tập trung vào việc phát minh ra một sản phẩm mới hoàn toàn mà tập trung vào cải tiến các sản phẩm hiện có. Nếu nhìn vào cuộc đời nhà sáng lập Steve Jobs, bạn sẽ thấy ông gần với “nhà sáng tạo" hơn là “nhà phát minh". Ở ông hội tụ cả hai đặc tính thường thấy ở một thiên tài: trí tuệ thiên phú và sự chú ý tới những chi tiết nhỏ nhặt khiến người thường phải phát bực. Jobs nhặt nhạnh mỗi thứ một chút, những thứ mà ông cho là giá trị rồi tích hợp vào trong sản phẩm mình. Và như vậy, mỗi sản phẩm của Apple đều như thể “tới từ tương lai". 

Hãy nhớ Apple không hề phát minh ra máy nghe nhạc MP3, điện thoại thông minh hay máy tính bảng, tất cả những gì họ làm là làm cho nó trở nên tốt hơn. Như nhà thiết kế của Apple, Jonathan Ive từng nói: “Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản — thiết kế và tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Nếu không thể tạo ra thứ gì đó tốt hơn, sẽ không có thiết kế mới nào cả.” 

#5. Tập trung vào trải nghiệm người dùng. 

Cựu CEO của Apple, John Sculley từng nói: “Steve Jobs luôn bắt đầu thiết kế từ chính chỗ đứng của người tiêu dùng.” Tại Apple, các nhà thiết kế là những người được kính trọng nhất trong tổ chức. 

Khi sản xuất các thiết bị công nghệ, bạn phải lo cho xong phần linh kiện, giống như nguyên liệu thô. Ví dụ như ở Dell, hãng có chip của Intel và hệ điều hành do Microsoft cung cấp. Ở Apple là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đơn cử như iPhone được trang bị chip của chính Apple và chạy hệ điều hành iOS, cũng do Apple sản xuất luôn. Điều này tuân theo định hướng ban đầu của Jobs, đó là tạo trải nghiệm thuận lợi cho người dùng. 

Khi phần cứng và phần mềm được thiết kế bởi các công ty khác, việc làm cho chúng hoạt động đồng bộ và liền mạch sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn. Bằng cách sử dụng chính nguyên liệu “nhà làm", Apple đã giảm thiểu tối đa các phí tổn không đáng có từ khâu vận chuyển, thương thảo ký kết đến lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành. 

Hơn nữa, kiểu sản xuất tích hợp dọc này cũng giúp các nhà thiết kế của Apple kiểm soát mọi khía cạnh của trải nghiệm người dùng và đảm bảo rằng mọi thứ luôn tuân theo các tiêu chuẩn chính xác của Apple. Nhờ đó, cảm giác khi sử dụng một chiếc iPhone và Samsung là rất khác nhau, trong khi giữa Samsung và Huawei lại không có nhiều khác biệt mấy. Nhiều người có thể nói các sản phẩm của Apple khó sử dụng, nhưng khi đã quen rồi thì ta chỉ muốn quen nó mãi.