Bắt nguồn từ chiếc máy chiếu trị giá 1.000 đô, anh em nhà Warner đã phải vượt qua hết trở ngại này đến trở ngại khác trước khi tìm được một bến đỗ mà họ có thể cùng nhau phát triển. 

Warner Bros. Sunset Boulevard Studios, Los Angeles, giữa những năm 20 của thế kỷ trước. ẢNH: COURTESY EVERETT COLLECTION

Anh em nhà Warner—gồm Harry, Sam, Albert và Jack—tách biệt so với những ông trùm Hollywood khác trong thời kỳ manh nha của kinh đô điện ảnh. Họ thô lỗ nhưng khôn ngoan, thẳng thắn và đầy nhiệt huyết theo những cách khác hẳn so với tiêu chuẩn của ngành. 

Người anh trai cả, Harry, là một doanh nhân khắc kỷ và kiêu hãnh. Sam, người anh thứ, có tầm nhìn xa trông rộng nhưng lại ra đi quá sớm. Albert phần lớn lảng tránh công chúng, mặc dù ông từng là đại sứ trung thành cho thương hiệu gia đình. Jack, cậu em út chất phác, một nghệ sĩ giải trí, có những bước đi không thể lường trước được. 

Những tính cách đặc trưng đó làm bền chặt mối liên hệ giữa bốn anh em, giúp họ căng buồm tiến vào quãng chuyển tiếp quan trọng của Hollywood, đặt nền móng cho thứ ngày nay được gọi là “ngành công nghiệp điện ảnh.” 

Từ trái qua: Sam, Harry, Jack and Albert Warner - bốn nhà sáng lập của Warner Bros. COURTESY OF CASS WARNER 

Sam Warner là người đầu tiên đề xướng ý tưởng kiếm tiền từ chiếu phim. Chiếc máy chiếu có giá 1.000 USD, Sam và Harry vét sạch ví vẫn chưa đủ. Cha của họ, ông Benjamin Warner, bán chiếc đồng hồ vàng của mình để ủng hộ các con. 

Hai anh em dựng lều trước hiên và mời hàng xóm láng giềng đến chiêm ngưỡng những hình ảnh phát ra từ chiếc máy chiếu. Thử nghiệm đã thành công: khán giả thực sự có hứng thú với các thước phim. Việc cần làm tiếp đến là tìm một địa bàn lâu dài. 

Đương lúc đó, tại thị trấn Niles, xuôi về phía tây bắc Youngstown thuộc bang Ohio, một lễ hội sắp sửa diễn ra, người người kéo đến mở sạp mong kiếm chác chút đỉnh. Hai anh em tìm thấy một gian hàng trống, và, những mong tận dụng được dòng người nô nức trẩy hội, quyết định trưng bày chiếc máy chiếu tại đó. 

Hai anh em chia nhau, Albert bán vé và Sam lo khâu kỹ thuật. Chương trình của Warners đã thành công vang dội, là bộ phim đầu tiên được chiếu ở Niles. Đám đông tò mò túm tụm lại, chứng minh tiềm năng to lớn của một rạp chiếu phim nhỏ. 

Khi hội tàn, Sam và Albert tiếp tục vác những đồ đạc lỉnh kỉnh tới các thị trấn lân cận, cho tới khi một trận bão tuyết khiến khách hàng nản lòng: khán giả không muốn xúm lại trong một rạp chiếu phim tồi tàn, chen chen lấn lấn, người này ngó qua vai người kia trong khi tuyết phủ trắng đầu. Kinh doanh mà phụ thuộc vào thời tiết như vậy, xem chừng chẳng khác nào cái đặc tính cố hữu bên nông nghiệp, quá bất trắc và may rủi. 

Harry đề cập lại chuyện thuê sân bãi, nhấn mạnh rằng đó thực sự phải là địa điểm “của riêng họ” và tập trung xây dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành. Họ nhanh chóng tìm thấy một nikelodeon (thuật ngữ chỉ rạp chiếu phim thời kỳ đầu, phí vào cửa thường là 5 xu) của Newcastle, đủ rộng rãi để chiếu phim. 

Một nikelodeon ở Mỹ năm 1907. SAN FRANCISCO THEATRES 

Chuyện kể rằng, hai anh em đã cạn tiền trước khi có thể mua ghế, do vậy, họ thương lượng với một nhà tang lễ địa phương để thuê ghế, miễn là chúng không cần thiết cho đám tang. Rạp có 99 chỗ ngồi, giữ con số dưới 100 để né các quy định phòng cháy chữa cháy. Chẳng bao lâu sau, kinh doanh phát đạt, hai anh em đã điều hành hai rạp hát, Cascade và Bijou, nằm đối diện nhau, cách nhà Warner chưa tới 100 bước. 

Cascade chính thức khai trương ngày 28 tháng 5 năm 1905. Đúng ngày hôm ấy, nhà tang lễ đòi lại ghế. Cùng quẫn, hai anh em liều lĩnh đánh điện cho bà vợ goá của kẻ nằm trong quan tài, tức tang gia chính chủ, đề nghị hãy hoãn tang lễ tới ngày hôm sau, đổi lại các con bà có thể xem phim miễn phí cả năm. 

Bà ấy gật đầu. Cascade nhanh chóng thành công, vừa thu hút nhân dân lao động lẫn tầng lớp trung lưu. Một tấm biển bên ngoài rạp chiếu phim của Warners có nội dung: “Giải trí tinh tế dành cho quý bà, quý ông và trẻ em.” Mọi phụ nữ đến rạp đều được tặng một đoá hoa cẩm chướng. Anh em Warner đã biến việc xem phim trở thành một sự kiện xã hội, một thú tiêu khiển dành cho mọi địa vị, lứa tuổi và giới tính. 

Một bài đăng của tờ Exhibitors Herald từ năm 1925, Albert Warner là người đàn ông đứng ở giữa. MEDIA HISTORY DIGITAL LIBRARY

Không khác gì so với ngày nay, trước lúc bộ phim bắt đầu, Sam cho chiếu một số slide cung cấp thông tin cho khán giả, ví dụ như “Xin vui lòng đọc nhẩm phụ đề trong đầu, không đọc to làm phiền hàng xóm”, “Các quý bà! Vui lòng bỏ mũ ra” hay “Các quý ông! Xin đừng khạc xuống sàn.” 

Ông bố Ben nhìn các con trai, trong lòng trào dâng niềm tự hào khôn tả, nhưng ông còn tự hào hơn nữa khi vào ngày sau đó, xuất hiện hàng dài khách xếp hàng chờ xem bộ phim. Sau buổi diễn đầu tiên, khán giả kinh ngạc tới độ không ai đứng dậy rời đi khi đèn đã bật sáng. Họ thừ người ra trước màn hình vừa vụt tắt, quay ra trao đổi thảo luận rôm rả. 

Đến năm 1907, thuật ngữ “sự điên rồ của niken” ám chỉ sự phổ biến, đi đôi với sự phản đối rộng rãi với những rạp chiếu phim 5 xu này. Một số ý kiến lo ngại rằng những rạp chiếu phim nhỏ lẻ là địa bàn hoàn hảo cho bọn móc túi, trong khi phía các thầy tu, tranh thủ sự ủng hộ của giới cầm quyền, ra sức rao giảng rằng hình thức giải trí kiểu mới này sẽ khiến giới trẻ suy đồi, lệch lạc. Một số người còn đi xa hơn khi cho rằng việc ngồi trong rạp tối là “che đậy cho cái ác.” Cố gắng mở rộng kinh doanh dưới sức ép dư luận như vậy đã chuẩn bị cho anh em nhà Warner thứ tinh thần thép để đối đầu với những “phản diện” lớn hơn sau này. 

Bất chấp lời ra tiếng vào, các nikelodeon tiếp tục mọc lên như nấm ở hầu hết mọi thị trấn, nhu cầu về phim tăng vọt và khán giả háo hức đón xem các bộ phim mới. Harry, một lần nữa, mau chóng nhận ra rằng lợi nhuận thực sự nằm ở việc phân phối phim. 

Nhà Warner chia làm hai đội, Harry cùng Jack tới Pittsburgh, thành lập Công ty Cung cấp Giải trí Duquesne, được đặt theo tên một trường đại học địa phương với hy vọng gia tăng chút uy tín. Ở chiều ngược lại, Sam cùng Abe bắt tàu tới New York mua phim từ ông trùm rạp hát Marcus Loew. 

Loew, được biết đến nhiều nhất như nhà sáng lập hãng phim MGM, đã bán cho hai anh em một lượng phim cũ tồn đọng với giá 500 USD. Trong khi ba người anh ngày càng bận rộn với công việc kinh doanh phim ảnh, cậu em út Jack cảm thấy lạc lõng, dần mất hứng thú và sớm rời khỏi thương trường. 

Harry, Albert, Sam và Jack Warner, năm 1919. MEDIA HISTORY DIGITAL LIBRARY 

Trong 15 năm tiếp theo, hai anh em (thật đáng tiếc vì Sam, người luôn đầy ắp ý tưởng, đã qua đời vào năm 1927) trải qua vô số thăng trầm, luôn kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả khi Thomas Edison cử côn đồ đến đe doạ hai anh em phải nộp bằng sáng chế, họ cũng không chùn bước. 

Anh em Warner bắt đầu sản xuất phim của riêng họ và chuyển cơ sở tới Los Angeles, thủ phủ của Hollywood ngày nay. Từ đó, họ hoạt động ở nhiều địa điểm, một gần Sở thú Selig và cuối cùng là tại Sunset Bronson Studios nổi tiếng (hiện thuộc sở hữu của Netflix.) 

Tới đầu năm 1923, hai anh em chính thức hợp nhất các rạp chiếu phim thành Warner Bros. Pictures, Incorporated. Harry, thay mặt công ty, đảm bảo với khán giả rằng các bộ phim của Warner “có sự khác biệt rõ rệt về giá trị sản xuất và câu chuyện cũng như sự xuất sắc của các diễn viên trên màn ảnh.” 

Đến cuối năm sau, Warner Bros. được cho là hãng phim độc lập thành công nhất Hollywood, cạnh tranh trực diện với “Big 3” gồm First National, Paramount và MGM. “Thập kỷ 20 gầm vang” được chứng kiến sự trỗi dậy của Warners như những nhà tiên phong đổi mới, những chiến sĩ thập tự chinh xã hội và củng cố địa vị của anh em nhà Warner, giờ đây được tôn sùng như những người khổng lồ của ngành công nghiệp mang tính biểu tượng này của Mỹ. 

*Biên dịch và chỉnh sửa từ bài viết gốc trên The Hollywood Reporter.