Năm 1985, John Sculley – người được Steve Jobs mời từ Pepsi về Apple hai năm trước đó cùng ban lãnh đạo Apple – quyết định sa thải Jobs sau hàng loạt các tranh cãi về định hướng phát triển của công ty. Jobs đã bị đuổi việc khỏi chính đứa con ông đã thai nghén ra. Còn gì tồi tệ hơn thế. 

Nhưng phần sau của câu chuyện này có lẽ được xem là một trong những giai thoại hấp dẫn nhất trong thế giới công nghệ – điển hình là chuyện Jobs quay trở lại Apple vào năm 1997 và bằng cách thần kỳ nào đó – xua tan đám sương mờ của viễn cảnh công ty bị phá sản, để rồi liên tục đi lên cho tới sau này. 

Bài viết hôm nay sẽ bàn về “cách thần kỳ” đó, về cách mà cả Steve Jobs lẫn Apple đều được "kẻ thù truyền kiếp" là Bill Gates ra tay ứng cứu. 

Steve Jobs (trái) và Bill Gates. ẢNH: GETTY IMAGES FOR THE NEW YORK TIMES

Tại sao Steve Jobs bị sa thải? 

Mọi người quy mọi trách nhiệm về vụ lật đổ này lên đầu Chủ tịch Pepsi là John Sculley, người trước đó được Jobs “thu phục” bằng câu nói trứ danh: “Anh muốn dành phần đời còn lại của mình để bán nước ngọt cho trẻ em hay anh muốn gia nhập cùng tôi và thay đổi thế giới?”? 

Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai người đàn ông chỉ tốt đẹp trong vòng hai năm đầu, và sau đó là hàng loạt các tranh cãi liên miên. Jobs nổi tiếng là người liều lĩnh, khắc nghiệt với nhân viên và đặc biệt ngoan cố trong việc bảo vệ các ý tưởng của mình, do đó phần lớn hội đồng quản trị đã đứng về phía Sculley trong cuộc bỏ phiếu. 

Từ trái qua: Steve Jobs, John Sculley và Steve Wozniak ngày 24 tháng 4 năm 1984. 
ẢNH: AP 

“Hồi đó ông ấy là người không thể kiểm soát nổi,” một thành viên hội đồng quản trị ngày đó giải thích lý do tại sao vào năm 1985, đồng loạt các phiếu bầu đều tán thành với quyết định sa thải Jobs. “Ông ấy có những ý tưởng trong đầu và phớt lờ mọi ý kiến của người khác.” 

Lịch sử không bao giờ quên sự việc này. Rời khỏi Apple, Jobs liên tiếp gặt hái thành công với NeXT và Pixar, sau đó hãng đã mua lại NeXT và Jobs chính thức được đoàn tụ với “đứa con thân yêu”. Nhưng đứa con của ông lại đang ốm nặng, không biết ông sẽ chạy chữa thế nào đây? 

À, tìm thầy thuốc, đúng rồi. Vị thầy thuốc ông tìm tới, không ai khác ngoài Bill Gates. 

Steve Jobs đã cứu Apple khỏi phá sản bằng cách nào? 

Ngược lại năm 1997, mọi thứ đều khác xa so với bây giờ, và Apple không phải ngoại lệ. Bất chấp những thành công với NeXT và Pixar của Jobs, Apple là một trường hợp hoàn toàn khác. Công ty đã lao đao kể từ khi ông rời đi và gần như đang hấp hối, cải cách là điều đầu tiên cần làm. 

Nhưng vấn đề là Jobs không có đủ tiền. 

Hàng loạt các phương án được đem ra bàn luận. Bán bộ phận PowerPC cho IBM hoặc Motorola? Hợp tác với Sony – công ty đang thể hiện tham vọng ở thị trường máy tính? Hay là hợp tác với Nintendo để trở thành một công ty trò chơi? Tất cả những điều trên đều bị Steve Jobs khước từ. 

Ông nhấc máy gọi điện cho Bill Gates. Một cuộc gặp mặt nhanh chóng được sắp xếp và các thỏa thuận được thông qua. Vào ngày 6 tháng 8 cùng năm, Gates đại diện Microsoft quyết định đầu tư 150 triệu USD vào Apple để đổi lấy cổ phần công ty. Điều đáng nói là, giá cổ phiếu của Apple tại thời điểm đó chỉ khoảng 0,2 – 0,3 USD.

Steve Jobs cảm ơn tới Bill Gates trong sự kiện MacWorld tháng 8 năm 1997. 
ẢNH: AP1997 

Tại sự kiện MacWorld tháng 8/1997, Steve Jobs dõng dạc tuyên bố: “Thời đại mà chúng ta nghĩ rằng phải cạnh tranh với Microsoft đã chấm dứt.” Hình ảnh Bill Gates xuất hiện trên màn hình lớn thông qua đường truyền vệ tinh, khán giả la ó dữ dội. Về phía Microsoft, công ty cũng chịu nhiều chỉ trích vì người dùng cho rằng đầu tư vào Apple chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”.

Theo đúng thỏa thuận, ba năm sau đó, Microsoft đã chuyển đổi toàn bộ số cổ phiếu đó thành cổ phiếu phổ thông với mức giá 8,25 USD, mang lại cho hãng khoảng 18,1 triệu cổ phiếu Apple. 

Và đến năm 2003, Microsoft bán toàn bộ cổ phần của mình tại Apple với giá 550 triệu USD. Lạm phát trong thời kỳ đó không quá đáng kể, rơi vào độ khoảng 2 – 3%. Tính nhẩm cũng đủ biết Microsoft bỏ túi gần 400 triệu USD từ thương vụ này, xem chừng là khoản đầu tư rất sáng suốt, cho tới khi bạn biết giá cổ phiếu Apple hiện đang giao dịch ở mức 176,6 USD – tức là chỗ cổ phần mà Microsoft đã bán tất kia ngày nay có giá trị khoảng 182 tỷ USD. 

Nhưng tiền bạc thực sự có phải là vấn đề quan trọng với Microsoft trong phi vụ đầu tư đó không? 

Không hẳn. Dưới đây là lý do. 

Tại sao Bill Gates lại giúp Apple? 

Đối với Microsoft, khoản đầu tư này có nghĩa là “tiếp tay” cho một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của hãng, nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi vào năm 1997, thứ Microsoft cần nhất là một đối thủ cạnh tranh xứng tầm? 

***

Sự phát triển vũ bão đến bất thường của Microsoft đã châm ngòi cho vụ kiện chống độc quyền nhắm vào hãng năm 1998. Mặc dù Gates ra sức phủ nhận, quan tòa ra phán quyết rằng Microsoft đã thiết lập thế độc quyền làm cản trở sự cạnh tranh trong thị trường. 

Vào thời điểm Microsoft cứu Apple, họ áp đảo Apple và các hãng khác về mọi mặt. Cuối những năm 80, rõ ràng là Microsoft gần như không thể bị ngăn cản trên thị trường PC. 

Phiên điều trần của Bill Gates trước Quốc hội năm 1997. 
ẢNH: AP 

Theo báo cáo, đương lúc cuộc chiến trình duyệt với Netscape dầu sôi lửa bỏng, Microsoft đã bất ngờ cho ra mắt Internet Explorer. Ngoài thị trường trình duyệt World Wide Web, Microsoft còn bành trướng sang mọi khía cạnh quan trọng khác của ngành công nghiệp phần mềm. 

Vào năm 1995, sản phẩm của Corel Wordperfect vẫn chiếm thị phần của trình soạn thảo văn bản hơn 60%. Tới năm 1997, thị phần của Wordperfect rớt thê thảm còn khoảng 13% trong khi Microsoft Word chiếm hơn 80% thị trường. Một sự thay đổi tương tự đã xảy ra từ Lotus 1-2-3 thống trị một thời sang Excel của Microsoft. 

Nói đơn giản, Microsoft quá lớn, quá mạnh đến mức gần như thống trị thị trường. Không có đối thủ nào có thể cạnh tranh lại đế chế của Bill Gates cả. 

Tuy nhiên, đó chưa phải vụ kiện duy nhất khiến Bill Gates phải hầu tòa. Theo báo  cáo, Microsoft cũng bị lôi vào một cuộc tranh chấp pháp lý đang diễn ra với Apple về việc Microsoft đã vi phạm bản quyền khi có sự tương đồng rõ ràng giữa giao diện của macOS và Windows. 

Mặc dù Microsoft đã chiến thắng trong các phiên tòa trước đó, nhưng vấn đề là Apple không chịu đầu hàng. Tới năm 1997, tòa án dường như nghiêng về phía Apple hơn. Nói cách khác, Bill Gates và Microsoft có nguy cơ thua trắng cả hai vụ kiện. 

Dĩ nhiên, cuộc gọi của Steve Jobs đã thay đổi tất cả. Theo đó, Microsoft sẽ hùn vốn vào Apple với điều kiện công ty phải thu hồi cáo buộc vi phạm bản quyền ngay lập tức. Steve Jobs hứa sẽ biến Internet Explorer thành trình duyệt mặc định trong các phiên bản Mac tiếp theo, trong khi đó Gates hứa sẽ không bán cổ phiếu Apple trong vòng ba năm sau đó. 

***

Một vài phỏng đoán hợp lý khác cũng được đưa ra để giải thích cho câu hỏi ban đầu. Theo đó, đã có thời điểm Microsoft kiếm được nhiều tiền hơn từ mỗi máy Macintosh bán ra so với Apple, bởi vì hầu hết người dùng Mac đều mua một bản Office và Microsoft kiếm được lợi nhuận từ phần mềm cao hơn nhiều so với Apple kiếm được từ phần cứng. 

Theo tầm nhìn của Bill Gates, ông cho rằng Apple về cơ bản luôn là một công ty phần cứng và do đó không bao giờ cạnh tranh trực tiếp với Microsoft. 

Quay trở lại với vụ kiện, Apple đã lập tức huỷ bỏ cáo buộc sau đợt bơm tiền mặt của Microsoft như một phần trong thỏa thuận đã ký kết. Với Bill Gates, phi vụ này vừa giúp ông thoát thế độc quyền, thị phần trên thị trường máy tính sẽ cân bằng hơn mà cũng vừa kiếm được tiền từ việc bán các phần mềm. Không khác nào một mũi tên trúng hai đích. 

Lời kết 

Apple đã phất lên như diều gặp gió kể từ đó, nhưng bước ngoặt của công ty lại có công sức không nhỏ đến từ đối thủ cạnh tranh của chính nó là Microsoft. 

Thoả thuận năm 1997 không chấm dứt sự cạnh tranh giữa hai đế chế công nghệ này. Thay vào đó, họ tiếp tục cùng nhau định hình ngành công nghiệp máy tính mà những âm hưởng vẫn còn vang vọng cho tới ngày nay. 

Nếu Steves Jobs không nhấc máy gọi điện cho Bill Gates năm đó, Apple giờ đây có thể trôi dạt vào kho tàng của sự dĩ vãng, nơi những công ty công nghệ từng làm mưa làm gió một thời hoá lụn bại và rất có thể – thứ bạn đang dùng để lướt TikTok trong phòng vệ sinh là một chiếc Samsung chứ không phải chiếc điện thoại với biểu tượng táo khuyết đằng sau đâu. 

Đọc thêm 

>>> Đừng Bắt Chước Các 'Tỷ Phú Bỏ Học'.

>>> 5 Lời Khuyên Bill Gates Ước Mình Được Nghe Ở Buổi Lễ Tốt Nghiệp

>>> Tại Sao Chúng Ta Mê Mẩn Các Sản Phẩm Của Apple?