9 vấn đề của các tin tức mà bạn không nhận ra
Thứ nhất, hầu hết các tin tức bạn đọc đều vô bổ. Chúng chẳng đem lại thay đổi đáng kể nào cho đời bạn cả. Chúng không giúp bạn hạnh phúc hơn, đưa ra quyết định sáng suốt hơn hay cải thiện chất lượng sống của bạn.
Thứ hai, chi phí sản xuất tin tức đã giảm thiểu rõ rệt. Nhiều người sản xuất 10 bài viết cập nhật tin tức mỗi ngày. Riêng một bài viết thấu đáo đã đủ nhọc nhằn rồi chứ nói gì tới 10 bài. Chưa kể họ còn viết về nhiều chủ đề khác nhau, vì vậy chất lượng của bài viết không hề đảm bảo. Họ có thể không hiểu nhiều về lĩnh vực đó hơn bạn là mấy.
Hệ quả là thứ bạn nhồi vào đầu mình thực chất chỉ là bể nổi thuộc một chủ đề nhất định. Rộng nhưng không sâu – đó không chỉ là vấn đề của bạn, đó là vấn đề chung.
Thứ ba, giống như người sửa xe mong xe bạn mau hỏng, những ông chủ xuất bản chỉ muốn bạn tiêu thụ nhiều hơn. Họ mồi bạn bằng mấy câu đại loại như “hãy đón xem, đừng bỏ lỡ, ai đó biết thứ bạn không biết, bạn sẽ hối tiếc nếu không biết điều này”,... Họ không quan tâm tới thứ bạn đọc có chất lượng ra sao, ảnh hưởng thế nào tới bạn; thứ duy nhất họ muốn là nhét cho bạn nhiều, thật nhiều thông tin.
Thứ tư, các nhà báo quan tâm đến việc kể một phiên bản cụ thể của một câu chuyện thay vì sự thật của câu chuyện ấy. Và thường thì phiên bản đó đã được quyết định sẵn để thu hút dư luận. Khi bạn nhận ra rằng các tin tức chỉ là một tấm ảnh cắt ra từ bức ảnh toàn thể, bạn sẽ thay đổi cách nhìn nhận về chúng.
Thứ năm, tin tức không giúp bạn thông thái và cập nhật hơn, nó chỉ khiến ảo tưởng hơn về bản thân. Bạn tự hào vì mình biết điều người khác không biết, bạn hài lòng vì mình nắm rõ mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Tin tức gây nghiện, vì hầu như ai cũng muốn tỏ ra mình thật tri thức.
Thứ sáu, tin tức không giúp bạn có nhiều thông tin hơn, nó chỉ khiến bạn tự tin rằng thông tin bạn có là tất cả. Hiếm khi chúng ta đọc những bài viết có quan điểm trái ngược với bản thân, rồi gật gù và nói: “À được, đó là một điểm tốt, tôi đã sai”.
Thứ bảy, tin tức khiến ta chây lười hơn. Tại sao tôi phải tự tay tìm hiểu, nghiên cứu về một vấn đề trong khi các tờ báo đã tổng hợp sẵn cả rồi? Khi đọc tin tức, thứ ta tiếp thu chỉ là quan điểm và suy nghĩ của người viết. Chúng ta lười biếng và thích mọi thứ được dọn sẵn cho mình.
Thứ tám, các tin tức không có tính ổn định. Một số tin tức sẽ “bay màu” sau 24 tiếng kể từ lúc xuất bản. Một vài số khác sẽ được chỉnh sửa nhiều lần, tỉ mỉ như may đo âu phục – như thể chúng dành riêng cho bạn.
Và tai hại nhất, tin tức gây nghiện như thuốc phiện. Một khi bạn sa vào vũng lầy, quá khó để thoát ra. Bạn muốn thêm, thêm nữa. Các tờ báo điện tử hiểu rõ bạn, họ thiết kế giao diện như thể một siêu thị vậy. Bạn ở lại càng lâu, bạn càng có khả năng tiêu thụ thêm nhiều đồ. Bài báo này sẽ liên kết với bài báo khác, và thật khó để tập trung đọc hết một bài khi bạn vô tình đọc được một tiêu đề thú vị hơn. Cuối cùng, bạn bỏ thời giờ ra chỉ để cưỡi ngựa xem hoa và một giấc ngủ sẽ cuốn phăng mọi thứ ra khỏi đầu bạn. Sáng hôm sau thức dậy, chẳng còn gì đọng lại trong đầu bạn cả. Chúng ta muốn được trang bị thông tin, được cập nhật (chính xác là trông có vẻ cập nhật). Và đây là điểm yếu khiến ta bị thao túng.
Bạn có thể làm gì khác?
Thay vì tiêu thụ thông tin đơn thuần từ các nguồn chung chung, hãy chọn cho mình những nguồn thông tin chất lượng hơn. Và hãy trở thành một người người đọc hoài nghi.
Mỗi khi tiếp nhận một thông tin mới, bạn hãy tự hỏi mình những câu như: Đây có phải thông tin chính thống không? Nó có chi tiết không hay chỉ là bản phác họa thô sơ? Người viết có tập trung vào giải thích câu hỏi tại sao không hay chỉ đơn thuần nêu khái niệm chung chung?
Nếu bạn phải đọc tin tức, hãy coi mình là một thẩm phán. Bạn biết rằng phiên tòa sẽ luôn có hai phe và bạn không thể nghe hoàn toàn từ một phe nào cả. Và nếu bạn không thể nhìn thấy mặt kia của vấn đề, thì ít nhất hãy bảo lưu phán quyết. Hãy giữ quan điểm trung lập.
Cuối cùng, như Winifred Gallagher đã nói thì: “Hiếm điều nào quan trọng với cuộc sống hơn sự lựa chọn của bạn về cách sử dụng nguồn thời gian rảnh rỗi quý báu của mình”.
*Biên dịch từ bài viết gốc tại Farnam Street Blog.