Để mở đầu, tôi xin phép được trích dẫn ví dụ của tác giả Malcolm Gladwell, cây viết nổi tiếng của tờ New Yorker, trong cuốn sách David and Goliath của ông. Tôi tin là bạn ít nhiều sẽ thấy bóng dáng của mình, hoặc của bạn bè, những người thân quen mình phảng phất đâu đó trong câu chuyện dưới đây. 

Ảnh minh hoạ, trong trường hợp bạn muốn biết tên phim thì nó là "The Boss Baby".

Thế tiến thoái lưỡng nan của người đàn ông tới từ Hollywood 

Gladwell có quen một người đàn ông rất giàu có làm trong Hollywood - người xuất thân từ một gia đình nghèo, thuộc tầng lớp lao động trong xã hội. Cha ông ấy có một xưởng phế liệu, và theo mô tả của Gladwell, người ta gọi những người như cha ông là “sản phẩm của thời kỳ suy thoái”. Người đàn ông tới từ Hollywood trải qua tuổi thơ tại khu phố chật chội vùng Minneapolis, bắt đầu kiếm việc từ năm 10 tuổi để phụ giúp gia đình.

Vào mùa đông, ông nhận cào tuyết thuê cho các hộ gia đình trong vùng; sang tới mùa thu, tuyết trắng thay bằng lá khô, ông sẽ thầu luôn vụ này. Ông thuê tầm chục đứa trẻ và trả lương trước cho chúng, sau đó khi công việc đã xong xuôi, ông tới gõ cửa từng nhà và nói, “Thưa ông bà, nhà ông bà đã được dọn sạch như ý muốn.” Và họ đưa ông tiền.

Ở năm 11 tuổi, ông tích cóp được 600 đô trong ngân hàng – tương đương 7.600 đô hiện nay. 

Cha ông, như đã nói, là một người cứng rắn, tằn tiện và không khoan nhượng trước bất cứ hành vi tiêu xài vô ý của con trai. Mỗi khi ông ra khỏi phòng quên tắt đèn, cha ông sẽ đưa ông hoá đơn tiền điện tháng đó và nói, “Này, cầm lấy và nhìn đi. Con lãng phí và con xem cha đã phải trả giá thay con đấy.” Thế nhưng nếu ông bật điện làm việc cả ngày, thì lại chẳng sao. Mỗi khi ông xin tiền bố mua gì đó – như giày hay xe đạp chẳng hạn – cha ông sẽ đề nghị góp một nửa tiền, rồi số kia ông tự kiếm thêm bù vào; bằng cách này, cha ông có thể biết chắc chắn ông có thực sự muốn thứ đó hay không. 

Lên đại học, ông theo học một trường kinh doanh tại New York nhưng chấp nhận sống ở khu Brooklyn nghèo nàn để tiết kiệm chi phí. Những năm tháng đó, ông bắt đầu thấy tư tưởng về đồng tiền của cha đã nảy mầm trong mình tự lúc nào. Ông luôn kiểm tra xem đã tắt đèn trước khi ra khỏi phòng chưa, và chỉ mua những đồ mình thực sự cần. Để kiếm thêm thu nhập, ông nhận giặt là thuê cho các bạn cùng lớp giàu có. Ông cần mẫn tiết kiệm và thường giành vé xem bóng rổ miễn phí – ở những vị trí mà không ai muốn ngồi.

Ông đã trải qua bốn năm đại học như thế, và với tấm bằng cử nhân trong tay, định mệnh bằng cách nào đó, lại đưa đẩy ông tới kinh đô điện ảnh Hollywood. Ông bắt đầu làm và bằng tinh thần cần cù được trui rèn trước đó, các bản hợp đồng, dự án, đối tác lũ lượt kéo đến. Thành công đến sớm hơn ông tưởng. Ông kết hôn, xây nhà rồi đôi vợ chồng trẻ có cho mình vài thiên thần nhỏ bé. Cuộc hôn nhân đủ đầy tưởng như mở ra cái kết viên mãn như một thiên truyện cổ tích. 

Nhưng đến lúc này, vấn đề của ông mới bắt đầu. Ông luôn đau đầu mỗi lần những đứa bé đòi mua gì đó. Trong khi ông kiên quyết muốn nuôi dạy con theo lối cha ông từng làm, bằng nền tảng kỷ luật và tiết kiệm thì vợ ông, ngược lại, muốn con cái phải được hưởng những gì cha mẹ chúng chưa từng được hưởng. Bà luôn gật đầu thật nhẹ nhàng trước những yêu cầu của chúng, điều làm ông vô cùng phiền lòng. 

Trên tất thảy, ông tin tất cả những của cải vật chất mà con cái ông đang hưởng, có thể chính là thứ sâu mọt sẽ dần gặm nhấm bọn trẻ. Nhưng biết làm sao giờ, vì con ông đâu có sinh ra trong một khu phố dành cho người di cư; bọn trẻ có cha mẹ làm ở Hollywood không phải quét lá hay cào tuyết để kiếm chút đồng lẻ, và chúng có thể bật điều hoà cả ngày dù không có nhà để mỗi khi mở cửa phòng, làn hơi mát sẽ luôn sẵn đó dang tay ôm lấy bọn chúng. Bọn trẻ không phải ở trong ký túc xá của trường hoặc thuê những căn trọ tồi tàn để tiết kiệm chi tiêu – như cha bọn chúng từng làm. Chúng không bao giờ phải ngồi ở những vị trí “không ai muốn ngồi” vào mỗi trận bóng rổ, chúng luôn ngồi hàng ghế đầu tiên. 

Nếu một đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu mở miệng xin cha mẹ mua cho chúng một món đồ , câu trả lời chỉ đơn giản là, “Không, chúng ta không có tiền để mua những thứ đó, con yêu!”. Cha mẹ trung lưu sẽ không cần nói quá nhiều hoặc đôi khi là không cần nói, vì những đứa trẻ hiểu chuyện sẽ hiểu ngay là gia đình chúng hiển nhiên, không thể nào đáp ứng nhu cầu viển vông đó được. 

Còn ông, một triệu phú, một nhân vật đầy ảnh hưởng tại Hollywood, sống trong một căn biệt thự đặt tại khu nhà giàu Beverly Hills, với cánh cổng chạm khắc công phu nom chẳng khác nào cánh cổng của giới hoàng tộc thời Trung cổ; thì việc nặn ra một câu trả lời hợp lý trước lời xin xỏ quả là chuyện đáng nghĩ ngợi. Các con của ông không hề khuất phục trước lời từ chối nhã nhặn của cha mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, nếu mình hờn dỗi một vài ngày thì mẹ sẽ chiều ngay ấy mà. Và thường thì chúng đạt được mục đích của mình. Việc gì phải góp một nửa tiền như cha chúng từng làm khi chúng có thể, bằng chút lòng kiên trì, thuyết phục mẹ mua cho cơ chứ? 

Người lạ trên Thiên Đường 

Có lẽ khi đọc câu chuyện trên, chúng ta đều thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình của một người quen của mình trong câu chuyện này, hoặc có khi đó là chính bản thân ta. Hầu hết, bằng trực giác hoặc kinh nghiệm, đều thấu hiểu tình thế tiến thoái lưỡng nan trên của các bậc phụ huynh giàu có, một đạo luật bất thành văn rằng nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. 

Các nhà tâm lý học nghiên cứu về hạnh phúc từng chỉ ra rằng, mức tương thích giữa số tiền bạn kiếm được và cảm giác hạnh phúc của bạn có một điểm cực đại. Con số họ đưa ra là 75.000 USD/năm, tức là sau mức này, bạn kiếm thêm nhiều hơn thì độ hạnh phúc cũng không tăng theo nữa. Giả dụ gia đình bạn kiếm được 75.000 USD/năm và nhà hàng xóm kiếm được 100.000 USD/năm, con số 25.000 USD chênh lệch cũng chỉ đại khái rằng gia đình họ có thêm vài buổi ăn ngoài trong tuần và lái chiếc xe kiểu cách hơn nhà bạn một chút. Họ không hẳn đã hạnh phúc hơn bạn, và số tiền kia cũng chẳng khiến họ trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn, hoặc có những đứa con ngoan ngoãn vâng lời hơn. 

Hiển nhiên, nếu bạn nghèo, con cái là nỗi ác mộng Bạn lấy đâu ra thời giờ mẹ kể bé nghe mỗi đêm nếu phải làm tới hai công việc cùng lúc, tăng ca thường xuyên như cơm bữa để nuôi sống gia đình. Bạn không thể tự tin và ung dung trước đống hoá đơn hàng tháng nếu tiền lương của bạn chỉ đủ cung cấp những nhu cầu căn bản. Còn về chuyện du lịch, ôi quên đi. 

Nhưng cứ giả dụ bạn đã từng nghèo và giờ rất giàu có đi. Bạn tha thiết cấp dưỡng cho tụi trẻ những tiện nghi tuyệt vời nhất, đưa con tới các bệnh viện quốc tế thay vì bệnh viện công, cho con học ở những trường tư danh giá thay vì học ở những ngôi trường nhỏ lẻ ở thị trấn như bạn từng học. Và bạn thấy thật nhẹ nhõm vì bọn chúng được lớn lên trong môi trường đầy đủ như vậy, không phải chịu những gì bạn đã từng chịu.

Bạn hy sinh đời bố, củng cố đời con. Rồi đến một lúc, bạn phát hiện ra chuyện gia đình mình xem chừng bắt đầu giống câu chuyện về người đàn ông Hollywood kia. Bạn thấy khó khăn trong việc giảng giải cho con cái hiểu được gốc rễ của sự giàu có chúng đang thụ hưởng đến từ đâu, cái giá phải trả đắt thế nào. 

Nhà tâm lý học James Grubman, đồng thời là một cố vấn tài sản, từng đặt ra thuật ngữ rất hay ho cho những gia đình dạng vậy. Ông gọi họ là “Những người di cư giàu có”. Grubman qua kinh nghiệm tư vấn của mình đã nhận diện được những khuôn mẫu chung thường thấy ở những gia đình trung lưu, đó là họ nhận thấy việc nuôi dạy con cái (trong hoàn cảnh đủ đầy) bỗng nhọc nhằn hơn so với những gì họ từng trải nghiệm ở thời thơ ấu (trong hoàn cảnh thiếu thốn). 

So sánh của ông rất thú vị, vì “những người di cư” ở đây là những gia đình từng nghèo khó nay đã cập bến “vùng đất giàu có”. Tại thế giới mới này, họ định cư và sinh con đẻ cái, những đứa trẻ sẽ là “người thuộc địa”. Khi đó, những người di cư cảm thấy khó khăn khi uốn nắn con cái, vốn là người bản xứ phải tuân theo những thể chế văn hoá của xã hội cũ nơi họ từng lớn lên.

Vì sinh ra và lớn lên trong giàu có, những đứa trẻ không hiểu lý do tại sao chúng phải cần mẫn tiết kiệm, lao động chăm chỉ hay hết mình vì công việc như cha mẹ chúng từng làm. Phụ huynh chịu vất vả vì cuộc đời ép họ phải thế, đó là một lựa chọn bắt buộc nếu muốn đổi đời; còn với lũ trẻ thì đó dường như chỉ là một phương án trong hàng ngàn phương án khác. Sống sướng đã quen, người ta dễ nhũn người ra khi hoạn nạn; và vì cuộc đời vốn đã khổ đau rồi, để tránh hoạn nạn người ta sẽ không bao giờ chọn sống kham khổ nếu đang sung túc. 

Vì các nền tảng cho sự giàu có dù được đúc kết nhưng không thể lưu truyền do không có môi trường thích hợp, sự lụi tàn là điều tất yếu. Các thế hệ sau ra đời càng ít nhận thức được căn nguyên gốc rễ của những của cải vật chất họ đang hưởng thụ đến từ đâu, do vậy mù mờ trong việc đoạt lấy chúng nếu bị một cơn sóng vô tình (các quyết định đầu tư sai lầm chẳng hạn) tước mất. Dân gian ta đã đúc kết một câu rất hay để minh hoạ cho trường hợp này: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.”

Thật vô tình, vì đôi khi chính sự khan hiếm lại là đòn bẩy và sự nghèo khó – cái hiện thực tối tăm mà nhiều người từng gắng sức vùng vẫy thoát ra được – lại là một đặc ân họ vô tình thụ hưởng. Trong khi đó, sự giàu có mà các bậc phụ huynh phải gắng sức để đạt được đó, dường như tồn tại trong đó chính là hạt mầm của sự huỷ diệt.