Năm 1998, khi Madonna còn hẹn hò với Scottie Pippen, đồng đội của Michael Jordan, Vua Bóng Rổ đã bước tới nàng và bông đùa rằng: “Này, bỏ gã ta đi, tôi có thể ‘chiều’ cô tốt hơn nhiều.” 

“Mike à, anh phải chấp nhận rằng anh không thể thắng mọi thứ được,” Madonna trả lời. 

Michael Jordan, kẻ hiếu thắng nhất trong những kẻ hiếu thắng, không ngờ lại ăn phải một vố đau tới vậy. Nhưng biết làm gì ngoài chấp nhận đây, vì Madonna vẫn quấn quýt bên Scottie không rời, dẫu cho Michael áp đảo người đồng đội về cả kỹ năng, danh tiếng và tài sản. 

Bài học rút ra từ câu chuyện trên có thể tóm tắt vỏn vẹn trong câu nói của Madonna: bạn không thể có mọi thứ được. Nhưng chẳng ai muốn thừa nhận điều đó cả. 

Với Lý thuyết Bốn lò lửa dưới đây, tôi không chỉ khiến họ phải chấp nhận sự thật ấy, mà hơn thế nữa, giúp họ giải quyết được bài toán hóc búa muôn thuở mang tên cân bằng cuộc sống. Hướng dẫn giải bài được ghi như dưới đây. 

Cuộc sống của bạn là một cái bếp với 4 lò lửa. Mỗi lò tượng trưng cho một khía cạnh: Công việc, Gia đình, Bạn bè, Sức khoẻ. Giờ thì hãy xem Lý thuyết Bốn lò lửa liên quan ra sao tới việc cân bằng cuộc sống. ẢNH: THE THINKING ACADEMY

Lý thuyết Bốn lò lửa là gì? 

Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn là một cái bếp với bốn lò lửa. Mỗi lò tượng trưng cho một khía cạnh trong đời: lò đầu tiên cho gia đình, lò thứ hai cho bạn bè, lò thứ ba cho sức khoẻ, lò cuối cùng cho công việc. 

Lý thuyết Bốn lò lửa cho rằng, “để thành công, bạn phải dập tắt một trong những lò lửa của mình; và để thực sự thành công, bạn phải dập tắt hai.” Trong trường hợp bạn muốn biết lý thuyết này từ đâu ra, thì nó đây. 

ẢNH: JAMES CLEAR 

Lý thuyết trên ngụ ý rằng, cái gọi là cân bằng cuộc sống thực ra không bao giờ tồn tại. Bạn không thể có một sự nghiệp lẫy lừng, tối về đi cà phê thư giãn cùng bạn bè, thi thoảng chán thì chơi game; trong khi sức khoẻ thì sung mãn, gia đình lại êm ấm. Giả dụ bạn có làm được tất cả mọi thứ cùng lúc như vậy, đó cũng chỉ là thực tế ngắn hạn, rất khó để đi đường dài vì bạn sẽ bị phân tâm, áp lực bởi ôm đồm quá nhiều.

Tóm lại, bạn buộc phải chấp nhận rằng hoặc trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực và yếu kém trong một lĩnh vực khác, hoặc là bạn sẽ không bao giờ phát huy hết tiềm năng trong một lĩnh vực nào. 

Nghệ thuật nấu ăn 

Chà, đội cái mũ vào nào, thắt thêm tạp dề nữa, trông bạn ra dáng một đầu bếp rồi đấy. Tôi không biết bạn từng vào bếp trong các nhà hàng và quan sát người đầu bếp nấu nướng ra sao chưa – nhưng tôi thì có cơ hội làm thế rồi. Họ cừ lắm cũng chỉ nấu ba món cùng lúc. Một bếp đun nước nấu canh, một bếp rang cơm, bếp còn lại xào rau. Nghệ thuật nấu ăn chỉ đơn giản là kiểm soát nhiệt của các bếp. mọi thứ cứ đan xen tuần để tất cả món ăn đều được tươm tất. 

Trong cuộc sống cũng vậy, bạn không cần phải chia đều tâm trí mình cho tất cả, tức là lúc nào cũng bật lửa to hết cỡ cho cả bốn lò. Cách tốt hơn là kiểm soát cuộc sống theo từng giai đoạn hoặc từng thời điểm trong ngày. Ví dụ bạn có một công việc làm từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều – thời gian đó bạn sẽ bật to lò lửa “công việc” lên tối đa, tập trung hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng khi tan ca thì bật nhỏ hoặc tắt luôn lò công việc, để lò lửa “gia đình” và “bạn bè” cháy rực lên,... 

Ba góc nhìn của James Clear về Lý thuyết Bốn lò lửa 

Thú thực là dù đã đọc lý thuyết này khá lâu trước đây, tác giả của bài viết này chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về nó cả. Nhưng rất may cho anh ta, vì James Clear, tác giả của cuốn sách Atomic Habits nổi tiếng, đã bày sẵn những điều cần phải làm. 

#1. Thuê ngoài 

James Clear thuê ngoài các khía cạnh nhỏ trong cuộc sống như mua thức ăn nhanh để khỏi phải nấu ăn, gửi tiệm giặt khô để tiết kiệm thời gian giặt giũ, thuê dịch vụ dọn nhà để không phải quét dọn. Kỷ nguyên dịch vụ như ngày nay, có thể liệt kê mãi cũng chẳng hết những thứ bạn có thể thuê ngoài. 

Một ví dụ khác, hay như những chủ doanh nghiệp không thể tự mình làm mọi thứ, ông ta sẽ phải san sẻ gánh nặng cho người khác. Đúng vậy, ông ta phải thuê nhân viên, rồi tới lượt các nhân viên, họ sẽ lại thuê các cộng tác viên, các bên trung gian cung cấp dịch vụ. Đơn cử như ngành quảng cáo, phía doanh nghiệp được gọi là client, sẽ thuê các công ty quảng cáo là agency, để khởi động các chiến dịch truyền thông cho thương hiệu, nhãn hàng của họ. 

Thuê ngoài là cách đơn giản nhất, và gần như là tốn kém nhất. Nói đơn giản, bạn đã “thương mại hoá” chính các lò lửa của mình, bạn thuê người khác bật bếp và canh chừng giúp bạn để bạn yên tâm làm việc khác. Một số việc, như gửi con tới mẫu giáo chẳng hạn là bắt buộc; một số khác như gọi thức ăn nhanh, thuê dịch vụ giặt là – là vấn đề của sự lựa chọn.

Hoặc bạn không có khả năng làm chúng, hoặc bạn quá bận để suy nghĩ tới chúng; còn không thì tốt nhất vẫn tự vào bếp và thưởng thức những bữa ăn tại gia bên người thân, dành chút thì giờ phơi quần áo và nhìn ngắm chúng bay phấp phới trong gió. Chắc không ai ở đây vẫn còn giặt tay đâu nhỉ?? 

#2. Chấp nhận các ràng buộc 

Một trong những phần khó chịu nhất của Lý thuyết Bốn lò lửa là ở chỗ, như tôi đã nói, bạn không thể giỏi tất cả mọi thứ được. Hai năm trước, tôi nghĩ đây sẽ là mình bây giờ: 

ẢNH: ANDY HAYT/ NBAE/ GETTY IMAGES 

Đó là quãng thời gian nghỉ dịch, tôi có rất nhiều thời gian rảnh để tập luyện thể thao. Giờ đây, guồng quay của công việc, học tập kéo tôi trở về đúng chỗ: tôi cần tiền. Mỗi lần nhìn thấy một cầu thủ bóng rổ nào đó trạc tuổi mình được tung hô, tôi lại thầm nghĩ: “Mình mà được chu cấp và có nhiều thời gian tập tành như cậu ta, mình sẽ còn đỉnh hơn thế!” 

Nhưng tôi và cậu ta, cả hai đều có 24 tiếng cho một ngày, chỉ có điều 24 giờ của cậu ta được dành trọn cho tập luyện, còn tôi thì phải cố chèn vào từng khoảng trống trong lịch trình khiêm tốn của mình hai chữ “bóng rổ”. Từ việc ước mình có thêm nhiều thời gian (một việc hết sức vô lý), tôi học cách tối ưu hoá 24 giờ trong ngày của mình. Tôi buộc phải dậy sớm viết lách, đi ngủ sớm để giữ gìn sức khoẻ để dư dật chút thì giờ tập luyện. Chỉ có 1-2 tiếng, tôi cần tập luyện sao cho xứng đáng với thời gian ít ỏi đó.

Câu chuyện giờ đây chuyển sang chất chứ không còn là vấn đề về lượng nữa. 

#3. Các giai đoạn của cuộc sống 

Bạn có bao giờ tò mò những vận động viên huyền thoại như Michael Jordan, Cristiano Ronaldo hay Usain Bolt sẽ làm gì sau khi giải nghệ không? Sự nghiệp của một vận động viên của tuổi đời khá ngắn, thường là họ sẽ đạt đỉnh cao vào tầm 30 tuổi và sau đó là dốc bên kia của sườn đồi, khi phong độ sụt giảm và sức khoẻ không còn cho phép những màn trình diễn thần sầu nữa. Những vận động viên, hơn bất cứ nghề nghiệp nào khác, phải dự tính kế hoạch nghỉ hưu của mình từ rất sớm. 

Lấy cuộc đời của Michael Jordan làm ví dụ đi. Ông ấy chơi cho giải chuyên nghiệp NBA mười lăm mùa, giải nghệ ở tuổi gần 40. Với khối tài sản hơn 2 tỷ đô trong túi, chuyện ông tậu căn biệt thự 15 triệu đô xem chừng nhẹ như mua mớ rau ngoài chợ. Vì đã để lò lửa công việc cháy quá lâu, Jordan khi lui về hậu trường, dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, thường xuyên được phóng viên bắt gặp đi đánh golf cùng bạn bè với điếu xì gà luôn dính chặt viền môi. 

Nhân tiện, đây là cổng vào căn biệt thự 15 triệu đô của Jordan 

Hầu hết chúng ta đều lựa chọn phân chia giai đoạn cuộc đời mình giống như Jordan. Tuổi trẻ là để phấn đấu, lò lửa công việc phải luôn được bật, to hết mức có thể và thường chỉ đoái hoài khi lò sức khỏe tắt ngấm. Việc này đôi khi thật tai hại vì nhiều người “bán” sức khỏe cho công việc, rồi lại phải dùng tiền kiếm được “mua” lại sức khỏe, rồi đau đớn nhận ra sức khoẻ không phải một mặt hàng nên đem ra để cầm cố. 

Thường thì nếu phải chọn tắt hai lò lửa để tập trung nguồn lực, lựa chọn của ta sẽ là “sức khoẻ” và “bạn bè”. Tôi không nghĩ chúng ta nên tắt lò “gia đình”, thực sự là không bao giờ được tắt. Một vài giai đoạn trong cuộc sống, bạn có thể quá bận bịu công việc mà ít thăm hỏi gia đình hơn, gặp gỡ bạn bè ít hơn hoặc bỏ qua những buổi khám sức khỏe định kỳ; nhưng tuyệt đối đừng để chúng tắt ngấm. 

Tựu trung lại, điều cần thiết là tự nhận ra mình đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, và điều gì quan trọng với mình ở giai đoạn này. Chẳng thích thú gì khi có người đốp vào mặt rằng bạn không thể có được tất cả, nhưng sự thật thì chỉ có một. Mỗi người đều có những hạn chế về thời gian và năng lượng, mỗi lựa chọn đều đi kèm chi phí, và mỗi sự xuất sắc đều cần sự đánh đổi. 

Đi đâu từ đây? 

Vậy là bạn đã biết gần hết những gì cần biết về Lý thuyết Bốn lò lửa rồi. Lựa chọn lúc này là ở bạn. Nếu muốn trở nên thực sự xuất chúng, quái kiệt như Steve Jobs chẳng hạn, cứ việc tắt hết ba lò kia đi và tăng nhiệt của lò ‘sự nghiệp’ hết cỡ. Gì cơ, trở thành chuyên gia là được rồi? Vậy thì bật hai lò. Nếu ‘tốt’ là đủ với bạn, bật ba lò và để lửa vừa phải. Nếu muốn tất cả, bật cả bốn lò và giữ lửa đủ nhỏ. 

Giờ thì, bạn đang tắt lò lửa nào thế?