Snap/Shutterstock

Người hâm mộ điện ảnh có lẽ không còn xa lạ với Arnold Schwarzenegger, siêu sao sắm vai Kẻ Hủy Diệt trong loạt phim cùng tên. Nổi bật nhờ ngoại hình vạm vỡ, có phần cứng nhắc và phong thái lạnh lùng, ông đã ghi dấu trong lịch sử điện ảnh như một tượng đài của dòng phim khoa học viễn tưởng - hành động. 

Trước khi bén duyên với nghiệp diễn, Arnold đã là một nhân vật nổi danh trong giới thể hình, và di sản của ông thật đáng gờm. Rất lâu sau khi nghỉ hưu, ông vẫn là một gương mặt nổi bật trong làng thể hình, chủ trì nhiều cuộc thi và giải thưởng. Ông gia nhập chính trường năm 2003, trở thành Thống đốc bang California trong hai nhiệm kỳ. 

Ở tuổi ngoài 70, Arnold cho ra mắt cuốn sách Be Useful, đúc kết 7 bài học lớn đã làm nên thành công của ông. Hãy cùng xem bạn có thể học hỏi được gì từ ông nhé. 

Bài học 1: Có một tầm nhìn rõ ràng. 

Sinh ra và lớn lên tại Áo, tuổi trẻ của Arnold đầy rẫy những “quảng cáo” cho nước Mỹ. Những bộ phim ông xem đều được sản xuất ở Hollywood, bìa tạp chí có hình Golden Gate và những người lái xe Cadillac. Lúc 10 tuổi, Arnold không biết mình sẽ làm gì ở Mỹ—ông chỉ biết rằng mình muốn tới đó—vùng đất của những giấc mơ. 

Arnold tin rằng mỗi người phải phác thảo bản kế hoạch cho tương lai của mình. Hãy mở rộng tầm mắt để biết mình yêu thích điều gì. Không cần biết bạn muốn trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp tại NBA hay một siêu sao trình diễn tại Super Bowl. Cứ đi rộng, sau đó khoanh vùng sau. 

Arnold Schawarzenegger được xem huyền thoại trong làng thể hình.

Đối với Arnold, việc phân vùng diễn ra tại phòng gym. Ông đã đọc một bài báo về Reg Park, một vận động viên thể hình có xuất thân khiêm tốn đã trở thành Mr. Universe. Sau đó, Reg lấn sân sang diễn xuất. “Đó là con đường đến Mỹ của tôi!” Arnold nghĩ. Và ông đi. 

Vì vậy, hãy hình dung ra bối cảnh của ước mơ, sau đó thu hẹp trọng tâm khi cơ hội đến. 

Bài học 2: Đừng Bao Giờ Nghĩ Nhỏ. 

Một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người là nỗi sợ thất bại. Vì sợ thất bại, mọi người chọn những lối đi an toàn, đặt những mục tiêu tầm thường hoặc đôi khi là không có mục tiêu. Họ không dám đánh trận lớn vì sợ thua, và Arnold cho rằng chính nỗi sợ thất bại là gốc rễ của thất bại. Vì nếu bạn bước vào một trận đấu mà sợ thua, bạn chắc chắn sẽ thua. 

Arnold không bao giờ bận tâm về thất bại. Ông bận tâm về việc mình có đứng dậy hay không. Ông biết chỉ cần tin chắc bản thân sẽ đứng dậy và tiếp tục tiến bước, thất bại hóa ra chẳng to tác tới thế. Ông bắt đầu tập thể hình từ năm 15 tuổi, và ông muốn trở thành Mr. Universe. Ông muốn trở thành siêu sao điện ảnh. Ông muốn trở thành chính khách. Không có gì có thể ngăn cản ông nghĩ lớn cả. 

Rủi ro và thất bại là một phần của cuộc chơi. Trong một trận đấu, ta hoặc thắng, hoặc thua. Nhưng trong cuộc đời, thất bại không phải là đối nghịch của thành công, nó là một phần của thành công. Sẽ luôn có rủi ro. Và khi nhắc tới rủi ro, Arnold khuyên ta nên nghiền ngẫm một câu hỏi duy nhất: Suy cho cùng, bạn có gì để mất? 

Bài học 3: Làm việc điên cuồng—bởi bạn có nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. 

“Nếu bạn muốn viết một cuốn tiểu thuyết, hãy ngồi xuống và viết trong một giờ mỗi ngày và chỉ nhắm đến một trang. Cuối năm bạn có bản thảo dày 365 trang. Đó là một cuốn sách!” Arnold nói. Cho dù bạn còn trẻ, tràn đầy nhiệt huyết hay bạn là mẹ của hai đứa con và có rất ít thời gian rảnh rỗi, đừng để ước mơ của bạn chết yểu, ông khuyên. 

Hãy dành bất cứ lúc nào có thể, tiếp tục thực hiện hết lần này đến lần khác, và theo dõi cho đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình. Theo Arnold, nếu ai đó nói họ quá bận rộn để có thời gian cho thứ họ thích, đó đơn giản là nói dối, hoặc họ không thực sự thích nó như họ tưởng. Nếu nó quan trọng, sẽ luôn có thời gian. 

Arnold “giải phẫu” một ngày 24 giờ một cách hợp lý như sau: Ngay cả khi bạn ngủ 8 tiếng và làm việc 8 tiếng, vẫn còn 8 tiếng nữa. Chắc chắn, một số người sẽ phải làm thêm, làm việc nhà và các công việc lặt vặt khác, nhưng vào cuối ngày, mọi người còn lại ít nhất 1-2 giờ. Thời gian luôn có kẽ hở, việc của bạn là tìm ra chúng. 

Bài học 4: Ngưng Than Vãn. 

Trước tiên, con người bẩm sinh là bi quan. Chúng ta bị thu hút bởi những thứ tiêu cực. Giống như phép ẩn dụ sinh động về ly nước đầy một nửa: người bi quan thấy ly nước vơi một nửa, người lạc quan thì thấy ly nước đầy một nửa. Tuy nhiên, Arnold khuyên ta nên chấp nhận sự đen đủi, chán chường như một phần của cuộc sống, và tập thay đổi góc nhìn bằng cách tìm ra điều tích cực trong đó. Ta thấy cái đẹp trong cái khổ. 

Tiếp đến, ông khuyên ta nên cố hết sức tránh xa những kẻ hay than vãn. Bất chấp bạn hăng hái ra sao, khi tiếp xúc lâu ngày với những cái miệng ca thán, bạn sẽ dần bị “nhiễm độc”. Arnold đưa ra hai giải pháp khi đối mặt với những người này: lấy họ làm động lực phấn đấu để trở nên tốt hơn, hoặc phớt lờ họ. 

Bài học 5: Bằng Cấp Không Quyết Định Sự Học Của Bạn.  

Bằng cấp và chứng chỉ rất tốt, đôi khi là cần thiết để bạn hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Tuy nhiên, nó sẽ vô nghĩa nếu bạn hoàn toàn mù mờ về việc bạn muốn làm gì, bạn muốn trở thành ai. Cuối cùng, bạn chỉ đang lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của bản thân và gia đình. Theo Arnold, đây là một trong những vấn đề lớn nhất đối với thanh niên nói riêng và toàn thể xã hội nói chung. 

Phóng chiếu từ cuộc đời của Arnold, những bài học quý giá nhất mà ông đã học được không đến từ trường học mà từ phòng gym và ngoài xã hội. Trường học không dạy ông cách đặt mục tiêu, lập kế hoạch, đối mặt cảm giác ê chề khi thất bại, kỹ năng giao tiếp và giá trị của làm việc chăm chỉ. 

Hãy hiếu kỳ. Với một số người, sự học của họ chỉ bắt đầu khi cánh cổng trường khép lại. Hãy thú vị, đặt nhiều câu hỏi, quan sát tinh tường và chăm chú lắng nghe. Khi bạn đủ khiêm tốn để thừa nhận rằng bạn không biết, người ta sẽ giúp bạn. Hãy học như một tấm bọt biển. 

Bài học 6: Học Cách Rao Bán Bản Thân. 

Bất kể tầm nhìn của bạn là gì, ước mơ của bạn ra sao, bạn cần phải học kỹ năng rao bán chính mình. Đó là bán ý tưởng, là quảng bá, giao tiếp, thuyết phục người khác tin rằng bạn là người phù hợp. Bạn thuyết phục người phỏng vấn, đối tác, người hâm mộ tin rằng bạn xứng đáng. 

Về phần này, Arnold lấy dẫn chứng từ chính sự nghiệp chính trị gia của bản thân. Trước khi nhậm chức Thống đốc bang California, ông đã là đảng viên Đảng Cộng hòa trong nhiều năm, trái ngược với nhiều ngôi sao nổi tiếng khác của Hollywood. Tháng Tám năm 2003, ông tuyên bố tranh cử chức Thống đốc, ông chưa từng nắm giữ một chức vụ công nào và hầu hết người dân California còn không biết quan điểm chính trị của ông ra sao. 

Arnold Schwarzenegger là Thống đốc thứ 38 của California. 

Ông công khai mình theo Đảng Cộng hòa, giữ quan điểm trung lập về vấn nạn phá thai, bảo thủ về mặt tài chính và tự do về mặt xã hội, ông ủng hộ cộng đồng LGBT. Theo người viết tiểu sử của ông, Wendy Leigh, Arnold đã lên kế hoạch cho sự nghiệp chính trị của mình ngay từ khi còn nhỏ, và coi sự nghiệp vận động viên thể hình và sự nghiệp điện ảnh như bàn đạp để thăng tiến. 

Tất cả những điều trên cho thấy tầm nhìn, khát vọng của ông, và ông đã từng bước học cách “bán” ý tưởng để thúc đẩy các sáng kiến chính trị mà ông muốn được thông qua. 

Bài học 7: Hãy nhớ đền đáp không chỉ sau khi thành công mà còn trong suốt chặng đường. 

Sau khi Arnold đạt được thành công và trở nên nổi tiếng, nhiều người gọi ông là “người đàn ông tự thân.” Ông không hiểu. Sau tất cả, nếu không có nước Mỹ, làm thế nào ông có thể sống Giấc mơ Mỹ? “Chưa có ai từng nâng tạ hay phát biểu hay thanh toán hóa đơn dùm tôi,” ông viết, nhưng nếu không có nhiều người đặc biệt trong đời, ông sẽ không bao giờ trở thành người mà ông đã trở thành. 

Arnold biết rằng có rất nhiều người đã giúp đỡ ông suốt dọc đường đi. Ngay cả khi họ không giúp đỡ mà ngược lại còn làm tổn thương ông, họ ít nhất vẫn dạy ông điều gì đó. Từ những mối quan hệ tốt, ta biết nên làm và cần làm những gì; và từ những mối quan hệ tồi, ta biết lèo lái để tránh khỏi khi chúng mon men tới gần. 

Điều này áp dụng với mọi người. Không ai thực sự đạt được thành tựu gì một mình cả. Chúng ta luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn, cả hữu hình lẫn vô hình, cả vật chất lẫn tinh thần. Bởi vì điều này, ta có nghĩa vụ phải đền đáp. Tất cả những kẻ thành công đều mang trong mình một món nợ: họ nợ những người kém may mắn hơn họ. Arnold liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của cho đi—cho cộng đồng, cho những người thân thiết nhất, cho gia đình—không chỉ sau khi thành công mà còn trong suốt hành trình. Ông tin rằng việc cho đi giúp bạn hạnh phúc hơn, và bạn sẽ nhận lại xứng đáng những gì bạn bỏ ra.