Nhiều người cho rằng người trẻ ngày nay đã trở nên quá nhạy cảm trước áp lực cũng như căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần là thứ mà bất cứ ai cũng cần chú trọng, chứ không riêng gì thế hệ trẻ. Tôi không rõ hiện trạng tinh thần của bạn đang ra sao, nhưng dưới đây là 5 thói quen để giữ một tâm trí khỏe mạnh, giúp bạn không thể gục ngã như một chú lật đật, và sống một cuộc đời bạn mong muốn. 

#1. Học một chút mỗi ngày 

Một trong những cảm giác khó chịu nhất, có liên quan tới thuật ngữ FOMO, là cảm giác rằng bản thân đang dậm chân tại chỗ. Nó giống như xe bạn chợt chết máy giữa ngã tư và bạn đứng chôn chân tại chỗ, bần thần nhìn dòng người nườm nượp lướt qua. Cuộc sống là một quá trình, hoặc một cuộc chạy đường dài, có lẽ, trong đó mỗi vận động viên được thúc đẩy bởi khao khát tiến về phía trước, cán qua vạch đích kia, giành lấy thắng lợi. Ta mãn nguyện và tự hào khi nhìn về sau để thấy ta đã đi xa chừng nào. 

Đó cũng là bản chất của phát triển bản thân: tiến về phía trước. Với tư cách một con người, ta muốn cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân. Nó khiến ta có cảm giác là ta đang sống thực sự. 

Khi nói tới việc phát triển bản thân, hầu hết mọi người đều nghĩ tới tự học. Tuy nhiên, ở đây còn nhiều thứ hơn thế. Có hai cách học chính: một là tiếp thu cái mới, hai là ôn lại cái cũ. Và bản thân sự học cũng có nhiều phương tiện, đặc biệt trong thời đại số hiện nay. Cá nhân tôi vẫn yêu thích nhất là hình thức truyền thống - những cuốn sách. Ngoài ra, phim ảnh cũng là một tài liệu giá trị (nếu bạn biết cách tận dụng), hoặc những khóa học trực tuyến, hội thảo, tọa đàm. Một hình thức khác mà mọi người qua đó vẫn học hỏi nhưng ít để ý là qua quan sát và lắng nghe. 

Thực tế thì chúng ta không bao giờ khai thác hết tiềm năng của đôi mắt và đôi tai cả. Chúng ta vẫn học hỏi hằng ngày qua việc quan sát và lắng nghe, nhưng vì không thực sự chủ tâm, tất cả trôi tuột khỏi trí nhớ ta như đoàn binh diễu hành. Hãy để tâm một chút tới những tiểu tiết, và bạn sẽ ngộ ra vô số điều bản thân đã bắt gặp ti tỉ lần nhưng đã bỏ qua. 

Tuy nhiên, mọi thứ đều hóa công cốc nếu bạn không dừng lại và chiêm nghiệm về những thứ đã học. Về điều này, hãy thử Quy tắc 5 giờ, một kỹ thuật học tập nổi tiếng được nhiều tỷ phú áp dụng hoặc Kỹ thuật Feynman giúp bạn nhớ rõ những gì đã học. 

#2. Tập thể dục 

Một thể chất tráng kiện chứa đựng một tâm trí minh mẫn. Đa phần mọi người đều nghĩ tới phát triển bản thân như hành động tập thể dục cho trí óc mà ngó lơ khía cạnh thể chất. 

Suy nghĩ là một con dao hai lưỡi. Nếu suy nghĩ đúng cái cần suy nghĩ, bạn đang tư duy rành mạch. Nếu không, suy nghĩ sẽ quay lại đầu độc chính bạn. Đó là tiền đề của chứng overthinking hay rối loạn lo âu - những căn bệnh tinh thần rất phổ biến ngày nay. 

Việc tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ (hoặc chạy bộ càng tốt), bơi lội, thể thao,... giúp đào thải các tạp chất ra khỏi cơ thể, giúp tinh thần sảng khoái phấn chấn hơn, dễ ngủ và ngủ ngon hơn, cùng vô số lợi ích khác. Nhưng trên tất cả, lợi ích lớn nhất của tập thể dục là nó tách rời bạn khỏi công việc, cũng như những mối lo toan. 

Như một triết gia người Pháp từng nói, “Tất cả vấn đề của con người đều bắt nguồn từ việc không thể ngồi yên trong phòng một mình.” Nói đơn giản, bạn không thể ngăn cản việc não bộ suy nghĩ, bởi đó là việc của nó. Bạn chỉ có thể đánh lừa nó bằng cách trao bản thân cơ hội được tập trung vào những việc khác, ở đây là tập thể dục, để ngăn việc suy nghĩ quá nhiều ảnh hưởng tới tinh thần của bạn. 

#3. Viết ra suy nghĩ của mình 

Hầu hết mọi người đều bất mãn với cuộc sống của mình. Một vài ngày, họ khảng khái mẫn tiệp, xởi lởi nói cười như thể họ là kẻ hạnh phúc nhất trần gian. Một vài ngày khác, họ cáu kỉnh, đến con ruồi bay cũng làm họ bực bội chán chường. 

Trạng thái bất mãn vào một số ngày khó ở như thế là một phần không thể tách rời của đời sống. Trên thực tế, chúng ta đều phải đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực hàng ngày. Nhiều người sẽ khuyên bạn là phải suy nghĩ tích cực lên, nhưng đó là một lời khuyên sáo đặc. Ta không thể chữa khỏi ốm một người bằng cách bảo họ mau chóng khỏe lên được. 

Ở đây, cách tốt nhất là xả hết ra. Có lẽ bạn sẽ nghĩ tới chuyện đeo găng và nện thình thịch vào bao đấm trong phòng gym, hoặc, ra hồ Tây hét thật to - những mong gió sẽ cuốn bay mọi muộn phiền? Không, không hiệu quả đâu. Kể lể với người khác cũng không hiệu quả, bởi chẳng ai muốn nghe những lời ca cẩm mãi cả. Họ có thể lắng nghe bạn một ngày hai ngày, nhưng sẽ thế nào nếu ngày nào bạn cũng có chuyện phải kể? 

Vậy thì, cách tốt nhất là viết nó ra. Viết tất thảy ra giấy. Tống hết ra đi. Nói cho người bạn tưởng tượng rằng một ngày của bạn ra sao, bạn cảm thấy thế nào, bạn muốn gì, khao khát gì. Tôi không dám chắc liệu viết ra có khiến bạn cảm thấy thực sự ổn hơn, dù trong trường hợp của tôi là có, nhưng có một điều chắc chắn tôi có thể cam đoan: phần lớn ta mãi suy nghĩ về một vấn đề và để nó dày vò mình bởi vì bạn chỉ nghĩ về nó thôi chứ chưa hành động gì cả. Có thể bạn chưa muốn giải quyết hoặc không biết giải quyết thế nào. Viết ra là một hành động, nó cho não bộ thấy rằng bạn đã hành động, và áp lực cũng như nỗi dằn vặt sẽ giảm thiểu đi rất nhiều. 

#4. Đừng dàn trải công việc của bạn ra cả ngày 

Thông thường, mọi người có xu hướng cà kê dê ngỗng vào buổi sáng, sau đó buổi chiều lại mất một khoảng thời gian thơ thẩn sau giấc ngủ trưa và công việc thì cứ chất đống lại. Nhiều khảo sát còn cho thấy một sự thật phũ phàng hơn: nhiều nhân viên thư giãn ở công ty và làm việc khi về nhà. Lý do giải thích cho việc này là môi trường văn phòng tiềm ẩn nhiều mối xao nhãng, dễ gây phân tâm, khiến họ khó tập trung cao độ vào công việc. 

Đó gần như là hiện trạng của mọi văn phòng. Tiếng bàn phím gõ lách cách, tiếng mọi người tán chuyện, tiếng công trường kế bên hoặc tiếng nhân viên chăm sóc khách hàng trực điện thoại,... hàng tá mối xao nhãng. David Ogilvy đã chẳng phỉnh chúng ta khi nói ông “không bao giờ viết tại văn phòng”. 

Mỗi người sẽ có những khoảng thời gian năng suất khác nhau trong ngày. Có người làm việc hiệu quả vào buổi sáng, có người lại vào buổi chiều hoặc buổi đêm. Xác định ra vùng tối ưu của bạn và dồn mọi công việc quan trọng vào đó. Chẳng hạn như tôi thì dứt khoát là con người của buổi sáng. Tôi làm hết tất cả các công việc tốn trí lực như viết, nghiên cứu hay sửa chữa bản thảo vào buổi sáng; buổi chiều là cho những việc nhẹ nhàng hơn như đọc sách, đi dạo, tập thể thao. Tôi cố gắng không làm việc vào buổi tối, và đi ngủ đúng giờ đủ giấc để giữ nhịp sinh hoạt đều đặn. 

#5. Không nên xem nhẹ chuyện ăn uống! 

Ernest Hemingway từng nói mọi thứ sẽ trở nên rõ rệt hơn khi ta đói, nhưng có vẻ điều đó chỉ áp dụng với ông thôi. Nếu bạn bỏ đói bản thân, năng suất của bạn đột nhiên giảm một nửa. Ngay cả một chiếc xe xịn tới mấy cũng đâu chạy nổi mà không có xăng (trừ phi nó chạy bằng điện.) 

Có lẽ ai cũng từng trải qua những thời kỳ tham công tiếc việc, ăn uống qua loa đại khái, gọi là ăn thôi, để tiết kiệm thời gian. Nếu nhìn nhận sơ qua thì đúng là tiết kiệm thời gian cả khối, vì so với việc mua đồ ăn tự nấu nướng rồi dọn dẹp, bạn chỉ cần bước ra tiệm và xử xong một bữa nhanh gọn trong vòng 15 phút. Dư dả khối thì giờ để làm chuyện khác. 

Tuy nhiên, việc ăn uống có một cái hay thế này. Ăn uống không chỉ nuôi sống thân thể bạn, nó còn nuôi sống tinh thần bạn. Nếu bạn ăn uống tạm bợ, từ ‘tạm bợ’ sẽ len lỏi vào mọi ngõ ngách trong tâm trí bạn. Tôi đồng ý rằng đôi khi người ta cần rút ngắn thời gian cho những công chuyện vặt vãnh để tập trung vào mục tiêu lớn, nhưng đối với tôi mà nói, ăn uống không bao giờ nên được xem là chuyện vặt vãnh. Nếu có thể, hãy chiêu đãi dạ dày của bạn tận tụy nhất có thể. Khi nói tới tận tụy, ý tôi là hãy bỏ công tự nấu ăn. 

Thứ nhất, ăn tại gia thì luôn sạch sẽ và dinh dưỡng hơn là cái chắc. Thứ hai, nhược điểm tốn thời gian của ăn tại gia hoàn toàn có thể được bỏ qua nếu bạn biết cách yêu thích việc nấu nướng. Hưởng thành quả do chính mình làm ra bao giờ chẳng vui. Những niềm vui nho nhỏ như vậy là động lực để bạn tiếp tục làm việc, và nó giữ tinh thần bạn khỏe mạnh. Ít nhất sau một ngày làm việc tệ hại, bạn vẫn có một bữa ăn tối để trông chờ, nơi bạn có thể thỏa thích bày vẽ.