Tại sao chúng ta luôn có động lực để làm một vài chuyện trong khi không muốn động chân động tay với một số nhiệm vụ khác? Tại sao chúng ta hứng khởi lên dây cót rồi lại từ bỏ mục tiêu đã đề ra chỉ sau một vài ngày? Sự khác biệt đến từ đâu? Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng bàn về hiệu ứng tâm lý đằng sau hiện tượng trên mang tên Nguyên tắc Goldilocks, và cách bạn có thể tận dụng nguyên tắc này để duy trì động lực trong học tập, công việc cũng như cuộc sống của mình. 

Thuật ngữ 'Hiệu ứng Goldilocks' được đặt tên dựa trên câu chuyện về cô bé Goldilocks và ba chú gấu.

Nguyên tắc Goldilocks là gì?

Nguyên tắc Goldilocks được đặt tên dựa trên câu chuyện thiếu nhi Goldilocks và Ba chú gấu, trong đó cô gái trẻ Goldilocks nếm ba bát cháo khác nhau và nhận ra cô thích cháo không quá nóng cũng không quá lạnh mà ở nhiệt độ vừa phải. Hiệu ứng này rất phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống, phản ánh tâm lý chung của chúng ta là không quá nhiều cũng không quá ít, nói chung là vừa đủ. 

Hiểu rõ Nguyên tắc Goldilocks 

Những ngày tôi còn chơi bóng rổ, sau mỗi trận đấu, thầy trò luôn cùng ngồi lại và tiến hành “mổ băng", tức là xem lại và phân tích trận đấu của chúng tôi qua những thước phim được quay lại. Trong bóng rổ, nếu bạn muốn chơi hay hơn, điều đơn giản nhất bạn có thể làm là xem cách đánh của những người hay hơn mình và bắt chước. 

Tuy nhiên, chúng tôi luôn được khuyên rằng không nên xem các trận đấu giải nhà nghề như NBA hay các giải quốc tế FIBA, Olympic mà chỉ dừng lại ở các giải đấu sinh viên NCAA hoặc giải bán chuyên. Lý do huấn luyện viên đưa ra rất đơn giản: trình độ giữa bọn tôi và các cầu thủ NBA chênh lệch quá lớn, do đó các thước phim về họ chỉ mang tính giải trí là chính chứ ít có tính thực tiễn. Ngược lại, các cầu thủ tại NCAA cũng là sinh viên đại học, họ có lối đánh gần với chúng tôi hơn, do đó có thể học hỏi từ họ nhiều hơn ai hết. 

Đây không phải là lần đầu tiên tôi trải nghiệm hiệu ứng Goldilocks, tuy nhiên tới bấy giờ thì tôi hoàn toàn không biết gì về nó. Tôi chỉ tự nhủ mình một câu đơn giản: phải biết lượng sức mình. 

Bộ não con người yêu thích những thử thách, nhưng chỉ khi nó nằm trong độ khó tối ưu. Tôi nhớ Stephen King từng viết rằng một tác giả trẻ đầy tham vọng ham đọc sách và học hỏi lối viết từ các nhà văn lớn trước đó là điều rất tốt, tuy nhiên văn chương của John Steinbeck có thể nhấn chìm họ trong tuyệt vọng. Steinbeck viết bằng thứ ngôn từ rất dân dã, tục tĩu, những câu văn tưởng lủng củng rời rạc song lại liên kết vô cùng. Đọc văn ông như thể nhìn một người phụ nữ với các bộ phận mắt, mũi, môi không quá đặc biệt nhưng khi ghép lại thì vô cùng thanh tú. Lời khuyên của Stephen King thực chất cũng chỉ là một biến thể của hiệu ứng Goldilock: đừng tìm kiếm bài học từ những người có trình độ cách mình quá xa. 

Mặt còn lại, những công việc có mức độ quá dễ dàng cũng làm thui chột động lực trong bạn. Giả sử nếu bạn yêu thích cờ vua và cố gắng chơi một trận nghiêm túc với một đứa bé sáu tuổi, bạn sẽ nhanh chóng trở nên buồn chán. Trò chơi quá dễ dàng và không đủ đun sôi máu ăn thua trong bạn. Bạn cần thứ gì đó thách thức hơn. 

Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn được so kè với một người chơi ngang hàng với bạn. Trận đấu bắt đầu, hai bên sẽ chơi theo kiểu “ăn miếng trả miếng". Bạn đi nước này, người ta đi nước kia. Bạn có cơ hội chiến thắng, nhưng chỉ khi bạn thực sự tập trung và cố gắng. Một trận đấu căng thẳng khiến bạn không thể lơ là như lúc chơi với đứa bé sáu tuổi kia được. Bạn cảm giác tầm nhìn của mình như thu hẹp lại chỉ còn bàn cờ và đối thủ trước mắt, bạn sẽ tung mọi lá bài để hạ gục gã kia. Trận đấu này rõ ràng là một nhiệm vụ thách thức nhưng không quá khó khăn.

Giống như bát cháo không quá lạnh cũng không quá nóng, nó là một ví dụ điển hình về Quy tắc Goldilocks. 

Ví dụ về Nguyên tắc Goldilocks 

Một trong những ví dụ điển hình nhất về mô hình áp dụng Nguyên tắc Goldilocks thành công đến từ chiến lược định giá của Netflix. Hãy cùng phân tích xem họ đã làm gì. 

Netflix Raises Prices, Premium 4K Plan Now Costs $18 Per Month - MacRumors

Được rồi, hãy tưởng tượng như từng gói dịch vụ trên tương ứng với bốn bát cháo trong câu chuyện về Goldilocks. Có sự chênh lệch lớn giữa mức giá của bát thứ hai (Basic) và bát thứ ba (Standard) nhưng chênh lệch giữa bát thứ hai với bát thứ nhất (Mobile) lại không đáng kể. 

Với chiến lược định giá này, Netflix mong muốn tiếp cận đa dạng các tệp khách hàng với nhu cầu xem khác nhau. Trong trường hợp này, họ đang cố gắng làm cho gói Basic trông hấp dẫn nhất có thể: tương thích trên bốn thiết bị, chất lượng hình ảnh tiêu chuẩn, mức giá phải chăng.

Bạn chỉ phải bỏ ra thêm 50 đồng để nhảy từ gói Mobile sang gói Basic trong khi mất tới 300 đồng để nâng cấp gói Basic lên gói Standard. Xét kỹ hơn, bạn thấy gói Mobile có chất lượng thấp hơn gói Basic, cụ thể là ở chất lượng hình ảnh (độ phân giải 480p thay vì 720p).

Cuối cùng, những người tiêu dùng khác cũng như bạn vậy, tất cả đều thiên về lựa chọn Basic. Gói này trông có vẻ hời nhất, nằm giữa gói Standard giá cao và gói Mobile giá thấp, cả hai đều không đáng để đánh đổi. 

Một cái thì quá đắt, một cái thì rẻ nhưng kém chất lượng và một cái vừa phải.

Áp dụng Nguyên tắc Goldilocks vào cuộc sống của bạn 

Như đã phân tích ở trên, quy tắc Goldilocks cho rằng con người đạt động lực cao nhất khi thực hiện các nhiệm vụ nằm ngay trên khả năng hiện tại của họ. Không quá khó. Không quá dễ. Mọi thứ đều vừa phải. 

Hiểu rõ quy tắc này, bạn có thể nắm bắt được mấu chốt của sự tiến bộ: khó hơn nữa. Giống như khi tập tạ vậy, lúc mới bắt đầu bạn chưa thể nâng ngay mức tạ 30kg, tuy nhiên mức tạ 5kg lại quá dễ dàng với bạn. Do đó, bạn sẽ khởi đầu từ mức tạ 10kg. Sau khoảng 2 – 3 tuần làm quen với mức tạ này, bạn dần thấy nó quá dễ dàng vì cơ bắp bạn đã thích nghi và khỏe mạnh hơn. Nếu sau đó bạn chỉ nâng 10kg, cơ bắp bạn sẽ không khoẻ lên nữa. Để khỏe hơn, bạn buộc phải nâng mức tạ lên 15kg, rồi tới 20kg, rồi hơn nữa. 

Lưu ý tiếp theo về Nguyên tắc Goldilocks là về việc đo lường sự tiến bộ của bạn thân. Khi bạn biết mình đang tiến bộ, điều này sẽ thúc đẩy sự tự tin và động lực trong bạn. Như nhà tâm lý học Jonathan Haidt giải thích, một trong những chìa khoá để đạt được trạng thái dòng chảy (flow state) là “bạn nhận được phản hồi ngay lập tức về cách bạn đang làm ở mỗi bước.” Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực thể thao, khi bạn dễ dàng định lượng sự tiến bộ của bản thân hơn. Một cầu thủ bóng rổ sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức dựa trên việc anh ta có ném được bóng vào rổ hay không. Đó có thể là những tràng vỗ tay và tiếng hú hét náo nhiệt trên khán đài, có thể là cái gật đầu đầy tự hào của huấn luyện viên hay cảm giác thỏa mãn khi biết mồ hôi công sức bỏ ra trong phòng tập đã được đền đáp. Dù là gì đi nữa, nó cũng tiếp thêm động lực giúp anh ta tập luyện nhiều hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa và chơi tốt hơn nữa. 

Bất kể bạn đo lường thế nào, bộ não con người cần một số cách để hình dung sự tiến bộ của chúng ta. Bạn cần phải nhìn thấy thành tựu của mình, chính vì vậy những chiếc cúp vô địch, những tấm huy chương hay bằng khen, giấy khen mới trở nên giá trị. Chúng là minh chứng cho thành công của bạn. Nếu muốn duy trì được động lực để tiếp tục theo đuổi việc bạn đang làm, bạn cần phải xác định rõ ngay từ đầu bạn làm vì điều gì. Bạn tìm kiếm điều gì khi làm công việc đó? Thứ gì sẽ thôi thúc bạn đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và bước tiếp? Thứ gì khiến bạn cảm thấy bạn đang thực sự cống hiến cho công việc này? Sau đó, hãy tiếp tục chẻ nhỏ mục tiêu lớn đó thành các mục tiêu nhỏ, dễ dàng định lượng hoặc hữu hình hoá và quan trọng nhất — với độ khó tăng dần. 

Lời khuyên cuối cùng của tôi để kết lại bài viết này như sau: nếu muốn thực sự tiến bộ ở lĩnh vực nào đó, bạn nên học hỏi từ những người có trình độ không quá cách xa mình, tốt nhất là nhỉnh hơn bạn một chút. Nguyên tắc Goldilocks giải thích cho bạn lý do tại sao bạn thấy hiểu bài hơn khi được bạn bè giảng cho so với giáo viên. Những người có trình độ xêm xêm bạn sẽ không gây cảm giác rằng bạn đang bị bỏ lại quá xa hay cảm thấy bản thân quá kém cỏi.

Nhận thức được bản thân kém cỏi là điều rất tốt, nó có thể thôi thúc bạn hành động — nhưng thứ động lực đó không bền. Trên tất cả, bạn là một con người, bạn có nhu cầu được công nhận từ những người khác và quan trọng hơn là chính bản thân bạn. Để đi đường dài, bạn cần có những “cột mốc”; chúng giúp bạn biết bạn đã đi được bao xa, đã đạt được những gì và nhắc nhớ bạn đã phải trải qua những gì để trụ vững cho tới ngày hôm nay. 

Và cả ngày mai nữa.