Dorothea Lange đã tạo ra một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại, và cũng định hình nên khái niệm về những “nhiếp ảnh gia dấn thân”. Di sản nhiếp ảnh của bà là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai lĩnh vực – nghệ thuật và báo chí – những ràng buộc và đạo đức hoàn toàn riêng biệt vẫn có thể song hành và cùng nhau, chúng thay đổi thế giới. 

Tác phẩm 'Migrant Mother' (Người mẹ di cư) nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Dorothea Lange, được chụp năm 1936, là một trong những bức ảnh biểu tượng nhất thế kỷ 20. Ảnh: Wikimedia Commons

Một ngày đầu xuân năm 1935, Lange đang lái xe về nhà sau chuyến đi dài để chụp ảnh các trại lao động nhập cư thì tình cờ thấy một tấm biển chỉ về trại hái đậu. Bà đã chụp rất nhiều ảnh những người hái đậu. Rồi bà phóng xe đi, nhưng được khoảng 20 cây số thì ngoặt lại. 

“Tôi đã làm theo bản năng, không phải lý trí; tôi lái xe vào khu trại ẩm ướt sũng nước đó và đậu xe như chú chim bồ câu dẫn đường. Tôi tiếp cận người mẹ đói khát đó, như thể bị hút bởi một thỏi nam châm. Tôi chẳng nhớ mình đã giải thích chuyện chụp ảnh thế nào nhưng tôi nhớ cô ấy không hỏi gì cả. Tôi đã thực hiện năm lần chụp, ngày càng tiến gần hơn từ cùng một hướng.” 

Lange không hỏi tên hay tìm hiểu lý lịch của người phụ nữ. Bà khai rằng người phụ nữ đó nói mình 32 tuổi, rằng cô và các con đang sống chỉ bằng rau đông lạnh và chim mà bọn trẻ giết được, đồng thời cô vừa bán lốp ô tô của mình để mua thức ăn. 

Tác phẩm "Người mẹ di cư" gắn liền với tên tuổi của nhiếp ảnh gia Dorothea Lange. Ảnh: IPHF 

Ngay sau khi những bức ảnh được đăng trên tờ San Francisco News, Chính phủ Mỹ lập tức gửi 20.000 pound thực phẩm đến khu cắm trại của những người tị nạn. Khi nó đến, người phụ nữ vô danh đã chuyển đi. Ngay cả khi hình ảnh của bà được xuất hiện trên mọi mặt báo đương thời, từ bìa tạp chí đến tem bưu chính hay được in lên cả áo phông – danh tính của “Người mẹ di cư” vẫn là một bí ẩn, cho tới khi… 

Năm 1978, Florence Owen Thompson đã viết một lá thư gửi tới biên tập viên tờ báo Modesto Bee, thừa nhận mình là “Người mẹ di cư” nổi tiếng và bày tỏ sự khó chịu với việc hình ảnh của mình cùng các con bị “lợi dụng”. Lúc phóng viên tìm thấy Thompson, cô đang sống trong một ngôi nhà xe kéo ở Modesto, California. 

Trên thực tế, Thompson thực sự là một người Mỹ bản địa thuần chủng, cùng chồng là Cleo Owens chuyển tới California những năm 20 để xin vào làm trong trại bông. Khi Lange tìm thấy cô ngày hôm đó, xe của họ đang bị hỏng nên buộc phải tấp vào trại hái đậu. 

Cô nhớ cách Lange đã tiến tới gần mình với ước muốn chụp vài tấm ảnh. Thompson không bao giờ ngờ tới việc một trong số bức ảnh đó sẽ khiến bà trở thành “Người mẹ di cư” bất tử, là tấm gương phản chiếu cả một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Mỹ. 

Việc bán lốp xe để mua đồ ăn sau đó cũng bị phủ nhận bởi cậu con trai Troy: “Tôi không nghĩ Lange đã nói dối, tôi chỉ nghĩ cô ấy đã thêm thắt hoặc nhầm lẫn câu chuyện này với câu chuyện khác.” 

Trong một cuộc phỏng vấn, Thompson bày tỏ sự hối hận vì đã cho phép Lange chụp bức ảnh và nói: “Tôi ước gì cô ấy chưa từng chụp tôi. Tôi chẳng kiếm được một xu từ nó. Cô ấy chẳng hỏi tên tôi, và cũng không nói sẽ đem bán những bức ảnh đó. Cô cũng nói sẽ gửi cho tôi một bản sao, nhưng nó chưa bao giờ tới tay tôi cả.” 

Bất chấp Thompson coi bức ảnh của Lange như một lời nguyền về sự nghèo khó mà bà đã phải chịu đựng, nhưng các con của cô lại nghĩ khác. Họ tự hào về người mẹ đã hy sinh cho gia đình và trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của người phụ nữ trong thời điểm nghịch cảnh. 

Ảnh: The Dorothea Lange Collection 

Gần một thế kỷ kể từ khi ra đời, bức ảnh “Người mẹ di cư” của Dorothea Lange vẫn luôn được coi là một kiệt tác nhiếp ảnh, một tác phẩm bậc thầy cho thấy tiềm năng của nhiếp ảnh trong việc khơi dậy sự đồng cảm và thay đổi hiện thực bằng sức mạnh ống kính. Nỗi lo lắng in hằn trên khuôn mặt suy tư của người mẹ, cách bà che chắn những đứa con, ánh mắt xa xăm lạc vào chốn vô định – tất cả đều góp phần toát lên vẻ đẹp ngoan cường của một con người chính trực bị miếng cơm manh áo ghì sát đất.

Bức ảnh của Lange được hưởng ứng rất lớn từ những người Mỹ tị nạn khác, tượng trưng cho hoàn cảnh khó khăn của họ. Và bởi vì nghèo đói, bất công ngày nay dù đã thuyên giảm nhưng chưa bao giờ thôi nhức nhối, “Người mẹ di cư” đã trở thành một biểu tượng, một tấm gương phản chiếu hiện thực tàn nhẫn đã, đang và sẽ còn giáng xuống đầu nhiều kiếp dân đen hèn mọn khác. 

Bức ảnh của Lange được hưởng ứng rất lớn từ những người Mỹ tị nạn khác, tượng trưng cho hoàn cảnh khó khăn của họ. Ảnh: The Dorothea Lange 

Ngoài ra, dành cho những nhiếp ảnh gia khao khát được truyền cảm hứng bởi Lange, cách tiếp cận của bà với đối tượng chụp ảnh rất thân mật. Nếu bà muốn chụp bạn, bà ấy sẽ thẳng thắn nói điều đó với bạn. Phương pháp làm việc của Lange, theo lời chồng bà, Paul Taylor kể lại, “thường chỉ là tiến gần đến mọi người và quan sát xung quanh; khi bắt gặp thứ gì đó muốn chụp, cô ấy lặng lẽ lấy máy ảnh, nhìn vào ống kính. Và nếu thấy người kia phản đối, cô ấy sẽ cất nó đi, không chụp nữa. Hoặc có lẽ cô ấy sẽ đợi đến khi… họ đã quen với sự hiện diện của cô.” 

 

“Cách tốt nhất để bước vào một lĩnh vực xa lạ là bước vào một cách ngu dốt, ngu dốt hết sức có thể, với tầm nhìn rộng mở, rộng mở hết sức có thể và không phải đáp ứng đòi hỏi của bất cứ ai ngoại trừ chính mình.” 

— Dorothea Lange 

 

Trước khi hỏi đối tượng bất kỳ câu hỏi nào, Lange đã tía lia chán chê về bản thân mình. Bà giới thiệu mình tới từ đâu và công việc là gì, rồi bà kể về những đứa con ở nhà và bà nhớ chúng ra sao mỗi lần phải đi công tác. Bằng cách chủ động trải lòng trước, các đối tượng dần bớt dè dặt và đáp lại bà.

Những người như Lange do đó được gọi là “nhiếp ảnh gia dấn thân”, khi họ sẵn sàng đi sâu vào bối cảnh để trực tiếp đứng trong đó, trở thành một phần của chính lịch sử. Biên tập viên Alice Gregory thì gọi Lange là “một nghệ sĩ dưới vỏ bọc của một nhà báo và một nhà cải cách xã hội dưới vỏ bọc một công chức vô tư”. 

Di sản nhiếp ảnh của bà là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai lĩnh vực – nghệ thuật và báo chí – những ràng buộc và đạo đức hoàn toàn riêng biệt vẫn có thể song hành và quyện chặt vào nhau, chúng thay đổi thế giới.